Chi tiết tin tức Năm Đinh Dậu gửi bạn đọc 3 câu chuyện về gà 20:14:00 - 28/01/2017
(PGNĐ) - 1. Gà rừng lúc gáy lúc không
Theo kinh Bổn sinh, ngày xưa, Bồ-tát chuyển sinh làm con trai gia đình quý tộc Bà-la-môn, khi trưởng thành, Bồ-tát tinh thông kinh điển, tri thức hơn người, trở thành thầy dạy của năm trăm học trò Bà-la-môn khác. Nhà thầy có nuôi một con gà trống báo giờ. Hễ gà trống gáy sáng thì học sinh thức dậy đi học, đi làm. Về sau gà trống ấy chết đi, các học trò để tâm tìm một con gà trống khác thay thế.
Một hôm, một học trò đi lượm củi ở khu rừng bên cạnh bắt được một con gà trống rừng, mang về nuôi trong chuồng, muốn nhờ tiếng gáy của nó đánh thức mọi người. Nhưng gà trống rừng từ nhỏ đã sống trong rừng sâu, không biết lúc nào nên gáy, lúc nào nên không. Có khi nửa đêm nó cất tiếng gáy. Các học trò nghe tiếng gáy của nó thì thức dậy học bài. Họ học đến sáng thì đã mỏi mệt, không còn tinh thần để làm việc gì nữa cả. Sự việc tiếp diễn trong mấy ngày, các học trò không còn chịu nổi nữa vì thời khóa bị xáo trộn loạn xạ, bèn lén bàn với nhau giết thịt con gà vô nguyên tắc đó. Họ làm thịt gà trống, chuyện đến tai thầy, thầy liền trầm ngâm mấy câu kệ: “Không được dạy dỗ / Không biết theo thầy / Lúc gáy lúc không / Không hiểu biết gì!”. (Lời bàn: Lúc nên gáy thì không gáy, lúc không nên gáy thì lại gáy, gà trống rừng cuối cùng bị chết vì tiếng gáy không đúng lúc của mình. Gà trống không được nuôi dưỡng dạy dỗ nên mới mang tai họa. Con người cũng vậy, nếu thiếu giáo dục, thiếu tu dưỡng… thì sẽ không biết nên làm việc thế nào, sống thế nào, đối nhân xử thế ra sao… rất dễ thất bại trên đường đời. Vì thế chúng ta phải không ngừng nâng cao tri thức và nhận thức của mình về con người, về cuộc sống). 2. Gà trống và côn trùng Có một đứa trẻ, mới 7 tuổi, nhưng thường tìm Thiền sư Vô Đức (947-1024), cùng sư nói lung tung một trận các chuyện đông tây nam bắc. Thiền sư Vô Đức nhận thấy cậu bé này thông minh, ăn nói lưu loát, lại thường có một chút ý vị của đạo Phật nên cũng để tâm. Một ngày nọ, Thiền sư Vô Đức nói với cậu bé: “Lão tăng mỗi ngày đều bề bộn công việc, không có thời gian để thỉnh thoảng ở đây tranh biện với con. Bây giờ ta cùng con hãy tiếp tục tranh biện một phen. Nếu con thua, con phải mua bánh mời ta; còn nếu ta thua, ta sẽ mua bánh cho con”. Cậu bé nghe xong nói: “Vậy thỉnh sư phụ đưa tiền ra trước!”. Thiền sư Vô Đức nói: “Tranh biện thua mới phải chịu mất tiền, còn biện thắng thì không mất gì. Thứ nhất, giả sử lão tăng ta là một con gà trống”. Cậu bé nhanh nhẩu: “Vậy thì con là côn trùng nhỏ”. Thiền sư Vô Đức được thế, bèn nói: “Nếu đúng con là con côn trùng nhỏ, thì con phải mua bánh cho ta, bởi vì gà trống ăn côn trùng!”. Cậu bé không chịu thua, nói: “Không thể, thưa sư phụ! Thầy cần mua bánh cho con mới đúng. Thầy là gà trống lớn, con là côn trùng nhỏ, con vừa nhìn thấy thầy đã bay mất tiêu luôn rồi. Bởi vì giữa thầy trò không nên tranh luận, không hơn thua với nhau! Vì vậy thầy chẳng phải là đã thua rồi sao?”. Thiền sư Vô Đức dắt tay cậu bé, dẫn cậu đến chỗ có nhiều người qua lại, sư nói: “Chuyện này so với cuộc chiến và khuôn phép là giống nhau. Nay nhờ đến dân làng phán xét. Ở đây có ba trăm người dân, vì thế không thể ai cũng không đưa ra ý kiến. Mọi người à! Xin mọi người phán đoán một chút, giữa lão tăng và cậu bé đây, ai là người có lý?”. Rồi sư bắt đầu kể về cuộc tranh biện của hai người họ. Nghe xong ai nấy cũng gật gù, nhưng cuối cùng cũng chẳng ai có thể phân định được thắng thua, thế là Thiền sư Vô Đức nghiêm túc nói: “Phải mở to mắt ra mới có thể phân định được”. Ba ngày sau, tất cả mọi người đều thấy Thiền sư Vô Đức lặng lẽ đi mua bánh cho cậu bé 7 tuổi kia. (Lạm bàn: Thiền sư Vô Đức vừa bắt đầu đã nghĩ thắng đồng tử 7 tuổi kia, nhưng cậu bé lại tự nguyện làm một kẻ yếu là con côn trùng nhỏ - miếng mồi ngon đối với con gà trống to lớn kia. Nhưng con côn trùng lại có lợi thế nhỏ, linh hoạt của mình, có thể bay đi, không để con gà trống có cơ hội tiếp cận. Cái to lớn nhiều lúc không uy hiếp được cái nhỏ bé. Và vấn đề càng không phải ở sự thắng thua, ẩn ý qua cách xử sự của vị thiền sư kia, mở to mắt - trí tuệ, chánh niệm mới là điều quan trọng, nhận chân thực tướng của cuộc đời). 3. Chỉ vì một con gà Trong xóm nọ, có hai gia đình ở sát cạnh nhau. Gia đình anh Ba có một mảnh vườn nhỏ sau nhà chuyên trồng rau cải. Còn gia đình anh Năm có vườn rộng hơn nhưng không trồng trọt mà nuôi gà. Một hôm không biết làm sao mà một con gà của anh Năm lại nhảy qua được hàng rào vào vườn anh Ba mổ lung tung làm hư mấy bụi rau của chị Ba. Chị Ba tức tối chạy qua mắng vốn chị Năm nuôi gà làm sao mà để cho nó chạy qua nhà hàng xóm phá hoại. Nhưng chị Năm cũng không vừa, cãi lại ai biểu hàng rào nhà chị Ba làm không kỹ nên gà mới nhảy qua được. Hai chị lời qua tiếng lại, không ai nhận lỗi mình mà chỉ đổ lỗi cho người kia, nên thoáng chốc hai chị mắng chửi nhau thậm tệ. Đến chiều, anh Ba đi làm về, chị Ba kể lể chuyện hồi sáng và muốn chồng mình phải đi qua hàng xóm mắng vốn và bắt đền mấy bụi rau. Anh Ba thương vợ nên đi qua nhà anh Năm mắng vốn. Trong khi đó bên kia, chị Năm cũng đang kể cho chồng nghe chuyện hồi sáng thì anh Ba sang tới nơi. Hai anh lời qua tiếng lại, anh nào cũng bênh vợ của mình. Người thì nói dai, còn người thì hay cộc tính nên chỉ vài câu là hai anh bắt đầu thượng cẳng tay hạ cẳng chân. Anh Năm bị đấm trúng mặt té nhào xuống đất. Lồm cồm bò dậy, liếc thấy con dao phay của vợ thường dùng cắt thịt gà để trên bàn, anh nhào tới nắm con dao và chém anh Ba tới tấp. Trong cơn sân ngút trời, anh Năm đã chém chết anh Ba. Chỉ vì một con gà mà anh Ba mất mạng, anh Năm ngồi tù chung thân, chị Ba góa chồng, chị Năm cũng mất chồng, mấy đứa con của anh Ba trở thành mồ côi cha, mấy đứa con của anh Năm tuy còn cha nhưng cũng như không. Xưa nay hai chị không đi làm, chỉ biết ở nhà làm nghề nội trợ, nay người thì chồng chết, người thì chồng ở tù, nên chị Ba phải đi bán bún riêu, còn chị Năm thì đi bán hủ tiếu kiếm tiền nuôi con. (Lạm bàn: Kết cục kia sẽ không xảy ra nếu mọi người có sự chân thành, biết nhận lỗi và thể hiện sự xin lỗi. Đôi khi chỉ vì những nguyên nhân không đâu vào đâu mà dẫn tới những hậu quả khó lường!). Nguyên Quân
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |