Chi tiết tin tức Bàn Phiếm Trên Bàn Phím 07:13:00 - 27/12/2014
(PGNĐ) - Chỉ trong mấy tháng ngắn ngủi, tôi đã nghe tin tức về cái chết của cả trăm ngàn người. Trận bão Nargis ở Miến Điện, bạo loạn ở Tây Tạng, động đất ở Tứ Xuyên, rồi thì sự ra đi của bao nhiêu là những nhân vật tiếng tăm trong đạo ngoài đời, đã vậy lại còn là những gương mặt được xem là đình đám và nhạy cảm hàng đầu trong thời điểm hiện tại.
Ở khía cạnh cá nhân, cái chết nào cũng như cái chết nào, nhưng trên một giao diện rộng hơn, với cộng đồng thiên hạ, có những cái chết là cả một cái tang lớn. Vì nó cuốn theo đó một tỉ vấn đề, bao gồm bao thứ dở dang vẫn còn lại đó. Tôi đã thừ người khi nghe được hung tin về hai nhân vật đều trên hàng thượng thọ, dù đó không hề là chuyện bất ngờ. Ai sống hơn 80 cứ xem là đã đứng trên hai chữ bất trắc rồi. Nhưng rồi đã sao chứ? Một cái tang có cáo phó, phân ưu, văn tế rồi kèn trống nghi trượng hay một cái chết không có nổi manh chiếu đậy xác đều có một chỗ giống nhau đến nao lòng: Kẻ ra đi không hề biết gì về chuyện hậu sự của mình. Người ở lại muốn sao thì vậy. Thế rồi trong cõi ký ức chớm già của mình, tôi bâng khuâng nhớ lại một lần nào đó Online đã từng đọc thấy lời ghi kỳ lạ trên hai bia mộ, thiệt tình chẳng biết nên cười hay khóc nữa. Kiếp người, rồi thì cõi nhân gian này sao mà đơn giản quá vậy chứ. Trên bia mộ một tay kỹ sư điện toán kia, bên dưới tên họ và năm sinh, chỉ vỏn vẹn một dòng: Run-time error at 17:05:07. Và trên bia mộ một tay nghiện Computer, có lẽ là Phật tử: System halted at 03:05:08. Please press Ctrl+Alt+ Đáng ra đó là chuyện để cười, để giải trí, nhưng nói thiệt, tôi cười hổng nổi. Ai biết được bao giờ lúc nào đến lượt mình được thiên hạ đưa đi hỏa táng và bấm giùm cái nút... Reborn. Ngẫm sơ qua cũng thấy ngán thiệt. Bởi ngày buồn đó rất có thể chỉ là tuần sau! Nhưng chẳng lẽ chuyện chỉ có vậy hay sao? Dám đem cái computer ví von với cả một kiếp người thử hỏi có quá đáng chăng; nhưng trong suy tưởng mơ hồ, tôi thấy hình như cũng đâu có chi là sai chứ. Người tin Phật một tí xíu cũng hiểu rằng chết rồi đâu phải là hết, và cái gọi là kiếp người đâu phải chỉ là con số năm tháng hưởng dương hay hưởng thọ gì ấy. Cho dù anh có xem cái chết chỉ là giây phút kết thúc một cuộc chơi, hay một lần tắt máy của computer, thì cũng đừng quên trước đó anh đã chơi trò gì, hay cái computer của anh đã được sử dụng cho chuyện chi mới được chứ. Người bây giờ thiếu gì kẻ vào tù hay trở thành triệu phú bằng vài phút sử dụng computer. Tôi mù tịt điện toán, chỉ ngẫu nhiên để ý vài nét tương đồng giữa con người với chiếc máy rồi tâm đắc với riêng mình như những công án có thể tham chiếu suốt đời. Giữa hai thứ cứ có những cái giống nhau thiệt ngộ, một sự giống nhau đến kỳ lạ nhưng độc đáo và thú vị quá chừng: Ai thường làm sạch computer bằng disk-cleanup chắc còn nhớ câu này: Disk cleanup is calculating how much space you will be able to free on [C:]. Tôi chịu cái câu đó quá. Thỉnh thoảng hãy tự ngó lại mình để xem thời gian, sức khỏe, tiền bạc và đầu óc của anh còn lại được bao nhiêu chỗ trống cho những thứ đàng hoàng hữu ích. Rác rưởi nhiều quá thì mấy thứ hữu dụng làm gì có chỗ. Đó là chưa kể đến khoản máy anh hay óc anh khi chứa quá nhiều thứ, sẽ tự làm chậm chính mình vì phải luôn vác theo mình biết bao là gánh nặng. Cứ nhìn những gì một người sở hữu thì có thể biết anh ta còn dư lại bao nhiêu khả năng cho những thứ khác ngay. Không những một cá nhân, mà đến cả một tổ chức, thậm chí một đất nước cũng đều như vậy cả. So kè mấy chi tiết cỏn con đó, ai dám bảo không thể đem computer so với con người chứ! Lăng xăng một đời hay rong ruổi mươi phút trên máy computer rồi thì cũng phải đến lúc bỏ hết mà đi hay tắt máy. Máy tính ở mấy xứ nghèo còn có thêm một cách tắt máy đặc thù là mình chưa kịp tắt thì người ta đã cúp điện ngang xương. Đời người cũng vậy thôi, người ta có nhiều cách để bị xóa dấu, hoặc mình hoặc người, sự ra đi lúc chết hay tàn lụi thuở sinh tiền. Phù du lắm, nhưng không thể xem là vô nghiệm. There is nothing is nothing! Những nơi chốn, hoàn cảnh ta sống qua trong đời ngẫm kỹ cũng giống hệt những website trên internet mà ta tình cờ bắt gặp một đêm khuya nào đó. Vui buồn, tốt xấu đủ cả. Và sau một thoáng phù du, gì cũng qua đi. Cái đáng nói chính là người ta đã ứng phó ra sao với từng phút giây đối diện vấn đề và những gì còn đọng lại sau đó trong óc, trong tim. Máy của anh tốt hay xoàng, kiến thức điện toán của anh ra sao, nơi chốn anh sử dụng computer là ở đâu,... mấy thứ đó là những điều kiện cốt tử cho việc vận hành của một chiếc máy tính. Đời người cũng vậy thôi, hành trang của anh là gì, bối cảnh tồn tại của anh ra sao, những thứ đó sẽ góp phần quyết định điều anh sẽ làm được cho mình và cho đời, để chung cuộc của anh sẽ theo đó mà như thế nào. Thế đã hết đâu, con người và máy tính còn bao nhiêu là những tương đồng khác nữa. Ai xài computer lại không biết đến password, người mình trong nước vẫn gọi là mật mã hay mã khóa gì đó thì phải. Anh quên hay không biết password thì coi như chẳng làm ăn gì được. Gẫm kỹ, ai dám bảo con người với nhau lại không có password chứ. Tại sao trong muôn người thiên hạ chỉ có hai người đó với nhau mà không là ai khác? Họ biết được password của đối phương nên chỉ một cái click là có thể đường hoàng bước vào mê cung tâm tưởng của người đối diện. Kẻ học đạo không biết được password của thánh hiền thì có mày mò cả đời cũng chỉ là con mọt sách trên cuốn cổ thư mà thôi. Có rất nhiều lý do để ta không có được password của nhau: Nếu không nói ngắn gọn là bởi tập khí phiền não thì là những ngăn ngại của ý thức chính trị, văn hóa hay quan điểm tôn giáo. Người ta có thể do hoàn cảnh sống, do sự cố chấp hoặc dốt nát mà không nhìn thấy con đường tương thông với thiên hạ. Hàng tỉ người trên hành tinh này đang xung đột nhau chỉ vì không biết được password của đối phương. Ta thấy nhau mà không gặp nhau, hay gặp nhau mà không thấy nhau... đều là những bi kịch đi ra từ chỗ thiếu password. Chìm sâu trong biển khổ mà vẫn bế tắc không tìm ra lối thoát cũng chỉ vì thiếu password.Chỉ nói riêng về đạo giải thoát, theo tôi, tu học là tìm hiểu password của chính mình và hiền thánh. Đạo lực càng thâm hậu thì người ta càng biết nhiều về những password cần thiết để hiểu mình, hiểu đời. Đến được thánh nhân thì cái gì cũng là unlock hết! Tôi dốt điện toán, chỉ biết thêm một chuyện nữa trên computer đó là vào Internet để tìm (search) thông tin. Không phải cứ giỏi computer hay sở hữu được chiếc máy xịn là muốn tìm gì cũng được. Trước hết anh phải có khái niệm về điều anh cần tìm để từ đó biết tạo ra những từ khóa (keyword). Kiến thức bách khoa càng rộng, thế giới internet của anh cũng theo đó mà bao la hơn. Nếu không, anh chỉ loay hoay với dăm chuyện vặt như download phim nhạc hay chơi game là cùng. Phật pháp hay chuyện đời hình như cũng thế. Anh chỉ có thể tiếp nhận những bài học giá trị khi lòng anh đã được trang bị những thứ cần thiết. Vốn liếng nghèo nàn quá, eo hẹp quá, có nghe thấy hay đọc qua bao nhiêu thứ hay ho trên đời thì chúng với anh vẫn chỉ là những kẻ lạ trên đường. Tôi đi xa mới về, nghe trong người có chút bất thường, đau ngực và lạt miệng kinh khủng. Giấc ngủ sái giờ, lại biếng ăn. Cả tuần cứ choàng dậy giữa đêm với mồ hôi ướt cả mình. Trời ạ, chẳng lẽ... Tôi rùng mình nhớ lại lời ghi trên hai tấm bia mộ kỳ cục kia. Không, máy tôi vẫn còn tốt, chịu khó bảo trì một chút thôi. Chỉ ngại một điều rằng một nửa nguồn điện cho chiếc máy của tôi là trong tay một người thiên hạ... Lỡ như có một ngày em muốn tắt máy từ xa bằng một chút bạc lòng rồi cúp điện thì tôi chỉ còn nước Press Delete để Re... born!
TOẠI KHANH/ TVHS
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |