Chi tiết tin tức Sao gọi Thầy bằng anh? 20:49:00 - 20/11/2014
(PGNĐ) - Nhà giáo, nhà văn, trí thức Phật tử Võ Hồng sinh ngày 5-5-1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Suốt cuộc đời là nhà giáo, viết văn, và Thầy đã gắn bó thời gian khá dài với Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang, trường Trung Học Bồ Đề Nha Trang, Trung Học Bồ Đề Diên Khánh. Trung học Lê Quý Đôn Nha Trang, sau 1975 là Hiệu trưởng trường PTCS Tân Lập 2 (TP Nha Trang) – địa điểm của trường Lê Quý Đôn Nha Trang.
Nhà giáo, nhà văn, trí thức Phật tử Võ Hồng đã vĩnh viễn đi xa lúc 14g ngày 31-3-2013 (20 tháng 2 năm Quý Tỵ) tại nhà riêng số 51 đường Hồng Bàng, phường Tân Lập, TP Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, hưởng thượng thọ 93 tuổi.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014, lần thứ hai vắng Thầy, nhìn bức tranh thư họa của Tăng sinh khóa V trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa “Kính tặng lão sư” nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2008 (Mậu Tý) chợt nhớ lại câu chuyện của nhà giáo, nhà văn Võ Hồng:
“Năm 1936, tôi học Thầy ở lớp Nhất trường Tiểu học Sông Cầu. Thuở ấy toàn tỉnh chỉ có hai trường Tiểu học, một ở Tuy Hòa, một ở Sông Cầu. Trường Tiểu học Sông Cầu là trường tỉnh lỵ mà chỉ có một lớp Năm, một lớp Tư, một lớp Ba, một lớp Nhì A (chính danh là Cours Moyen de 1ère Année), một lớp Nhì B và một lớp Nhất... Mới biết là hồi đó sự học quả thật là quí. Với một dân số 20 vạn dân cư mà hằng năm toàn tỉnh chỉ chọn khoảng một 100 đứa trẻ khá nhất để cho vào học lớp Nhì thì có khác nào sâm nhung chỉ dành cho tì vị kẻ giàu sang. Tôi học lớp Năm và lớp Tư ở trường làng Ngân Sơn. May mắn đưa đẩy, tôi được vào học lớp Ba ở trường Phủ Tuy An. Và lại cũng may mắn xô tới mà tôi được vào lớp Nhì trường Tỉnh…
Ðậu Tiểu học xong, tôi giã từ Sông Cầu đi Qui Nhơn học Trung học. Rồi cứ thế con đường học vấn dẫn tôi đi càng xa, những cảnh mới Hà Nội, Ðà Lạt, Sài Gòn, nguy nga nhộn nhịp càng làm tôi yêu cái vắng lặng hiền hòa của Sông Cầu, như yêu người bạn gái đầu tiên ngây thơ, ít nói. Mười lăm năm sau, ngẫu nhiên tôi được điều động về dạy tại trường Trung học Lương Văn Chánh nơi thầy làm Hiệu trưởng. Rồi lại ngẫu nhiên, ba năm sau thầy đi nhậm chức Trưởng ty Giáo dục, tôi thay thầy làm hiệu trưởng trường Lương Văn Chánh. Sau hiệp định Genève lại thêm một sự ngẫu nhiên thứ ba: thầy ở Sài Gòn, tôi ở Nha Trang đều đi dạy thuê ở các trường tư thục. Năm 1983, thầy từ Sài gòn ra, có ghé thăm tôi. Tôi xúc động vì lòng ân cần của thầy, càng xúc động vì nhìn dấu vết thời gian nơi "người hùng thuở nhỏ" của tôi. Thằng học trò từng sợ thầy là tôi mà tóc đã nhiều sợi trắng rồi, huống chi bậc tôn sư của nó. Mắt thầy đã yếu. A quelque chose, malheur est bon, cái bất hạnh nhiều khi cũng có ích. Chắc thầy không còn soi gương nữa đê khỏi nhìn thấy bóng mình trong gương. Mắt tôi còn sáng, nhưng may nhờ cái gương nơi tủ áo tôi nó mờ nên bằng một thái độ quân tử cao khiết và với một lòng nhân ái vô biên, nó xóa đi những khuyết điểm nơi khuôn mặt tôi, nó chỉ phản chiếu lại bằng những nét mờ ảo. Mà phàm cái gì mờ ảo thì trông cũng đẹp. Hôm 20 tháng 11, ngày nhà giáo, là một thầy giáo niên trưởng, tôi được mời lên phát biểu. Giờ giải lao, một thầy kém tôi chừng 5-7 tuổi tiến tới bắt tay: "Xin chào lão sư". Tôi thân ái cầm hai tay người bạn, cảm ơn, vừa nói: - Tôi muốn chữ "sư" có bộ Khuyển một bên (cách viết chữ Hán. Chữ SƯ (師) -thầy, nếu thêm bộ Khuyển ở trước (獅) thì có nghĩa là "con sư tử". "Lão sư" là con sư tử già, chớ không phải là người thầy giáo già. Thầy giáo phải có cốt cách của sư tử, không được có cốt cách của loài cáo, loài chồn.
Thầy tôi! Con sư tử của vùng rừng núi Hóc Lá! Vì thầy mà tôi yêu cái tên Hóc Lá, tên của vùng quê hương thầy. Cứ nghĩ đến thầy là tôi thấy cánh dồng Chợ Ðèo, trên đó một bóng học sinh lầm lũi cần mẫn bước, bắt đầu là những bước rụt rè, tiếp theo là những buớc mạnh dạn hơn, vững chắc hơn, kiêu hãnh hơn, những bước đi tới…”
“…Ở ta thuở xưa, nghề dạy học đã thành cái nghiệp của người biết chữ. Nhà Nho khi còn hàn sĩ, khi thi đậu đợi bổ ra làm quan, khi hồi hưu hoặc khi phải treo ấn từ quan lui về ẩn dật... đều mở trường dạy học. Trường chỉ sơ sài một mái tranh đã đủ, khỏi thủ tục xin giấy phép kinh doanh. Học không phải nhiều môn nên khỏi cần mời nhiều thầy chuyên môn. Thỉnh thoảng lịch sử có nêu tên những bậc thầy khả kính, có kiến thức uyên thâm, có đạo đức cao khiết, có môn đệ thành đạt. Tiêu biểu là thầy Chu Văn An đời Trần, thanh liêm chính trực, dâng sớ xin chém bảy gian thần, vua không nghe liền từ quan lui về ẩn giật, mở trường dạy học, đào tạo nhiều môn sinh hiển đạt như Phạm Sư Mạnh...). Chừng như danh nhân văn hóa nào cũng từng là thầy giáo: Phan Huy Chú, Bùi Hữu Nghĩa, Ðặng Huy Trứ, Phan Văn Trị, Nguyễn Ðình Chiểu, Nguyễn Khuyến...
- Tôi biết vụ này. Con bà về mét là bị cô giáo bạt tai. Cô giáo nói không. Không có ai làm nhân chứng. Nhưng mà đôi co chứng tá làm gì, chúng ta cùng giải quyết cái căn bản. Con bà được bà cưng, học lười và hỗn với cô giáo từ lớp Một. Cô giáo rầy la, cảnh cáo nhưng bà bênh con: ăn hiếp lại cô giáo. Lên lớp 2 cũng vậy, lớp 3, lớp 4 và bây giờ lớp 5 đều cũng vậy. Nội dung đang rất bi đát mà bà đâu có hiểu. Con bà không học thì sức đâu mà lên lớp? Nhưng để học lại một năm nữa thì cô giáo chịu sao nổi với nó, với bà? Vậy là nâng điểm, cho lên. Cứ liên tiếp như vậy. Rốt cuộc nay học lớp 5 mà trình độ đâu chừng tới lớp 3 rưỡi. Mà phàm học kém thì ngồi nghe giảng không hiểu, phải nghịch phá. Bà ơi, rốt cuộc cô giáo nào rủi dạy trúng con bà đều cũng phải nhẫn nại chịu đựng cho qua năm học, chịu khó ngồi tụng niệm một trăm chữ NHẪN. Nhưng còn bà, thưa bà, bà sẽ phải khổ với nó suốt cuộc đời bà.
Người đàn bà chăm chăm nhìn tôi. Cái đơn kiện đến cuộn tròn khá lớn, giờ như được xếp cho nhỏ lại.
Nhà giáo bị uy hiếp bốn bề. Là người thợ xây, nhưng tâm hồn học trò đâu có dễ uốn như cây, như gạch? Quả là có một số ít nhà giáo kém phẩm chất nhưng tại sao lại vin vào số ít nhỏ nhoi này để phủ nhận cài đa số lớn lao kia? Riêng người học trò cũ ngồi nói chuyện với thầy, viết thư thăm thầy thì còn được hưởng thêm một niềm vui ích kỷ: đó là thấy mình vẫn còn trẻ. Bởi một khi các bậc trưởng thượng: cha, mẹ, thầy giáo đều từ trần thì mình sẽ cảm thấy cô độc lạ thường, mình như già đi trong phút chốc. Như những ngày cây cổ thụ ngã xuống, các cây nhỏ bấy lâu nép bóng chợt bị phơi trần ra chịu đựng nắng, gió, mưa.
Gắng tạo niềm cảm thông, niềm an ủi cho các thầy cô giáo để ngày ngày họ dạy dỗ con của bạn trong niềm vui. Cũng dễ hiểu thôi mà: khi có nước mát tưới đều, bụi thúy cúc nở những đóa hoa rực rỡ. Và con của bạn đang ngồi vây quanh, hưởng hương sắc của hoa.
Kính thưa Thầy, Thầy về cõi Phật lòng thanh thoát. Con ở dương trần dạ tiếc thương. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2014 năm thứ hai vắng Thầy, đọc lại tác phẩm của Thầy để các thế hệ học trò cũ của Thầy mãi mãi nhớ ơn Thầy, người giáo viên nhân dân, kỹ sư tâm hồn, người ươm mầm non tương lai cho quê hương, đất nước…
Trí Bửu – 20/11/2014
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |