Chi tiết tin tức

Tùy bút mùa xuân: Lưu giữ ký ức Tết cho con cháu...

19:19:00 - 12/02/2015
(PGNĐ) -  Cuộc sống với bộn bề lo toan, nhất là những ngày cận Tết, công việc làm cho người trẻ tuổi quên đi rất nhiều điều. Thế nhưng, có những điều có thể quên, nên quên và có những điều không thể quên. Đối với lũ cháu chúng tôi thì, việc không bao giờ được quên là dù bận thế nào, cũng ráng sắp xếp thời gian quay về với gia đình lớn, cùng nội vun vén, làm mứt chuẩn bị cho cái Tết sum vầy ấm áp, yêu thương...
 

tet.noi.1.JPG
Tận tay làm mứt cho con cháu là cách mà nội chăm sóc, giữ nếp sống truyền thống cho gia đình mình

Hai tháng trước, khi thương lái nhộn nhịp đi thu mua gừng để làm mứt Tết, như nhiều bà con trồng gừng, nội cũng đào bán. Nhưng làm mứt gừng cho nhà ăn Tết thì mãi đến ngày 23 tháng Chạp, nội mới làm. Nội nói, mứt làm sớm dễ mất mùi thơm, với lại làm ngày cận Tết thì có con cháu về làm cùng, đông vui nên… nội để dành!

 

Tết về, quà nội dành cho con cháu không phải là những bao lì xì rủng rỉnh tiền mà đơn giản chỉ là những miếng mứt thơm ngon do tự tay nội làm cùng con cháu. Ấy vậy mà lạ, con cháu của nội, đứa nào cũng mê, cũng thích. Tết năm nào cũng ăn mứt nội làm nhưng không đứa cháu nào thấy chán, ngán.

23 tháng Chạp, nhà nhà đưa ông Táo về trời nội mới lui cui ra vườn đào gừng làm mứt. Nội thường chừa lại những bụi gừng lá tươi nhất để dành cho nhà dùng. Đó là những bụi gừng khi đào lên, ánh nào củ cũng to tròn, nhìn rất bắt mắt và đặc biệt là củ rất chắc, không bị thối.

87 tuổi, bàn tay đen xạm, gầy gò nhưng nội làm rất nhanh. Nội lấy con dao nhỏ khoét xung quanh bụi gừng, cào cào đất, chẳng mấy chốc củ gừng đã lồi lên mặt đất. Cứ thế, con cháu chỉ cần kéo nhẹ là lấy được gừng. Đào gừng xong, nội rửa sạch hết phần đất, gọt hết phần vỏ, rồi chia ra làm ba phần. Phần nào làm mứt dẻo, nội lựa những nhánh gừng non, cắt nhuyễn từng sợi, để vào cái thau riêng; gừng đẹp, nội làm mứt nguyên củ để đi cúng kiếng ông bà, nội cho vào thau riêng; phần còn lại, những nhánh gừng sẫm màu (là gừng cựu), nội bào mỏng rồi cho vào cái thau cách biệt - phần này, để làm mứt gừng lát.

Nội chỉ dẫn cẩn thận: “Mứt làm cho người lớn ăn thì mình phải làm bằng gừng già, mứt làm cho con nít, cháu chắc ăn thì mình làm bằng gừng non. Mứt làm cho con nít ăn phải chọn gừng non và phải ngâm nước, xả nhiều lần để bớt vị cay - có vậy con nít mới ăn được”. Nội tâm lý, tỉ mỉ từng li từng tí vun vén mâm mứt ngày Tết chỉ với mong muốn “con, cháu ai cũng có thể ăn được mứt nội làm”.

Sơ chế gừng xong, nội ngâm gừng với nước muối một ngày, một đêm, vắt thiệt khô, đem phơi cho hơi ráo nước rồi mới đem đi sên đường. Chỉ bằng nguyên liệu gừng, nội làm đến hai ba loại mứt, hai ba hương vị khác nhau, làm thế rất cực nhưng nội thích tự tay mình làm chứ không thích mua ngoài chợ. Dù nhà bên cạnh có làm mứt ngon cỡ nào, nội cũng không mua.

Nội nói: “Trong các loại mứt, mứt gừng là khá dễ làm, nhưng cần phải có nhiều người góp tay thì làm mới nhanh. Bởi vậy nội luôn chờ con cháu về làm chung. Vừa đông vui, vừa làm vừa nói chuyện có người hủ hỉ, vừa chỉ luôn cho con cháu cách làm mứt để sau này nội có mất thì còn có đứa biết làm mà cúng cho nội. Nội không thích bánh mứt ngoài chợ. Ăn miếng mứt gừng, mà hễ có cái tình trong đó thì dù cay đến đâu chăng nữa, bao giờ cái ngọt cũng rất có hậu. Bởi vậy, nội muốn cháu gái của nội đứa nào cũng phải biết mần mứt gừng...”. Nghe nội nói, ai cũng cười thiệt tươi.

tet.noi.2.JPG
Mứt nội làm, bao giờ cũng hấp dẫn con cháu

Ngồi làm mứt với con cháu, từ lúc đào gừng đến lúc sên mứt, nội nói chuyện hoài không ngớt. Hết kể về ngày xưa nội cùng mẹ của nội chuẩn bị Tết như thế nào, làm mứt cực ra sao khi không có tiền mua đường nhưng năm nào cũng làm mứt cúng ông bà. Rồi nội khoe: “Năm nay, ngoài mứt gừng, nội còn có làm mứt dừa, chuối phơi khô, mứt cà, có cả me ngào đường. Mứt dừa nội mới làm xong ngày hôm qua. Một mình nội vừa bào, vừa rửa, rồi sên hơn chục trái dừa mà chỉ mất có buổi sáng. Một mình nội mần được 4 ký chuối phơi khô”.

Thương nội, nhà có mấy quày chuối chín ngoài vườn, nhưng ai mua nội cũng không bán, nội để dành, ép phơi khô cho con cháu ăn. Me ngoài cây hễ rụng trái nào là nội lượm, lột vỏ rồi đem ngào đường, để dành cho mấy đứa cháu gái thích ăn chua. Cây nhà, lá vườn, ngày Tết nội chỉ có vậy cho con cháu thôi nhưng quý lắm.

Mứt của nội làm thành phẩm không được đẹp, không bắt mắt bằng hàng ngoài chợ, nhưng con cháu ai cũng thích. Ăn mứt của nội, cảm nhận rất rõ sự yêu thương và đảm bảo không độc tố, hóa chất độc hại nào lẫn vào trong đó. Người lớn cũng thích mà con nít cũng có thể ăn được. Biết được điều đó nên năm nào nội cũng làm mứt khá nhiều. Khi các ngày mùng đã hết, con cháu quay về với công việc, nội lấy mứt chia cho mỗi đứa một bịch, trong đó có đủ các loại mứt nội làm. Đó là thói quen của nội, cũng là một trong những cách nội giúp con cháu lưu giữ hình ảnh, khoảnh khắc ngày Tết vui tươi, bình yên nhất ở quê nhà.

Bài, ảnh: Khánh Vy

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin