Chi tiết tin tức

Cần có định hướng cho hoạt động giao lưu với tôn giáo khác

09:20:00 - 24/09/2015
(PGNĐ) -  LTS. Trong Hội nghị sinh hoạt của Trung ương Giáo hội cuối tháng 7-2015, ý kiến về hiện tượng một số Tăng Ni tự phát tham dự các hoạt động giao lưu với các tôn giáo khác đã được chư tôn giáo phẩm nêu ra trong các phát biểu tại hội trường.   

Từ ý kiến đó, PV Giác Ngộ đã trao đổi với một số chư tôn đức trong Ban Thường trực HĐTS, nhưng nhiều vị đã tỏ ra dè dặt khi được đề nghị phát biểu chính thức. Dù muốn hay không, đây là một thực tế và đồng thời là xu hướng chung, GHPGVN với vai trò là tổ chức đại diện cho một tôn giáo được xem là lớn nhất nước ta hiện nay cũng không thể không có sự quan tâm tới vấn đề này.
 

--------------------------

 

Nhiều năm qua, trong chương trình trao đổi và giao lưu giữa các tôn giáo, nhiều cá nhân chư tôn đức Tăng Ni đã được các tôn giáo khác mời đến thuyết giảng hoặc trao đổi quan điểm, giáo lý đạo Phật, tham dự các buổi lễ cầu nguyện… tại các cơ sở của tôn giáo bạn. Đối với một số tổ chức tôn giáo, hoạt động giao lưu các tôn giáo, thường được gọi là “đối thoại liên tôn”, được tổ chức một cách chuyên nghiệp, có nhân sự chuyên trách và có đường hướng cụ thể.
 

STHOAI3.jpg
SC.Thích nữ Hương Nhũ trong một lần được mời
thuyết giảng tại Trung tâm Mục vụ Công giáo thuộc Giáo phận TP.HCM

Giá trị của giao lưu

Vào tháng 10 năm 2013, Vatican đã thành lập một đội bóng chày nhằm tạo kênh giao lưu giữa Công giáo với đạo Hindu, Hồi giáo và Sikhs - những tôn giáo có xu hướng phát triển ở phương Tây.

Để hiện thực hóa và chuẩn bị tốt, 250 đến 350 cầu thủ là linh mục và các chủng sinh từ các trường đại học Công giáo và các chủng viện tại Rome (Ý) sẽ chơi với nhau trong một giải đấu nội bộ trước để chọn ra những người xuất sắc nhất tham gia hoạt động mang tính “ngoại giao” tôn giáo.

Theo đó, màu sắc chính thức cho đội tuyển bóng chày sẽ là màu vàng, trắng và áo khoác của đội sẽ có biểu tượng của Giáo hoàng. Vào tháng 9-2014, đội Vatican đấu trận đầu tiên với Giáo hội Anh và đã thua cuộc trong trận cầu lịch sử kéo 150 phút nhưng khán giả đã chứng kiến một hình ảnh khác của Vatican, trẻ trung hơn, giản dị hơn và  gần gũi hơn.

Ở một thời điểm và không gian khác, trong chuyến về nước cùng Tăng đoàn Làng Mai vào năm 2007, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có buổi trao đổi giao lưu với Linh mục Phạm Ngọc Khuê với số đông giáo dân tại nhà thờ Phát Diệm. Chủ đề mà Thiền sư đã chọn để nói chuyện là nhìn nhận về hôn nhân khác tôn giáo, một nội dung được sự quan tâm của đông đảo Phật tử và tín đồ của nhiều tôn giáo khác. Bởi lẽ, hôn nhân khác tôn giáo là một thực tế phải đối mặt nhưng với Phật giáo và một số tôn giáo nội địa khác, các vị giáo phẩm đang gặp lúng túng khi khuyên tín đồ của mình có những ứng xử vừa đáp ứng nhu cầu yêu thương, lập gia đình vừa giữ gìn niềm tin tâm linh truyền thống.

Hai ví dụ là hai hoạt động khác nhau nhưng có cùng một điểm chung là giao lưu tôn giáo bằng hình thức chia sẻ giáo lý hoặc văn hóa, thể thao. Qua đó, điều mà người đọc dễ dàng nhận thấy là mục đích của mỗi hoạt động đã đạt được khi tiến hành và quan trọng hơn đã mang lại nhiều giá trị tích cực cho niềm tin tâm linh của mình bằng sự chuẩn bị chu đáo, chọn lọc và có kế hoạch rõ ràng.

Cần một định hướng

Trong thời gian gần đây, tại Việt Nam đã xuất hiện các hoạt động giao lưu tôn giáo mà đơn vị khởi xướng chủ yếu là các cơ quan nhà nước hoặc các đoàn thể cộng đồng như giao lưu văn nghệ, thể thao và từ thiện xã hội. Song song đó cũng dần hình thành nên các hoạt động thăm viếng, chia sẻ giáo lý, kinh nghiệm tu học, kinh nghiệm sống và hành đạo giữa các bên. Điển hình là việc các cơ sở và tổ chức Công giáo mời cá nhân chư tôn đức Tăng Ni thuộc tổ chức Phật giáo sang thuyết giảng, chia sẻ và trình bày những chủ đề gần gũi với đời sống hàng ngày. 

Từ lời mời này, đã không ít lần chư tôn đức Tăng Ni thuộc các đơn vị Phật giáo đồng thuận hiện diện trên các giảng đường để nói chuyện trước các chức sắc và giáo dân.

Xét về mặt tổng thể, hoạt động này là cần thiết và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, cảm thông rất chính đáng của đôi bên để có thể hài hòa phục vụ nhân sinh và xã hội ngày một tốt đẹp hơn. 

Tuy nhiên, từ phương diện tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dễ dàng nhận thấy chúng ta thường ở thế bị động và tự phát. Điều này thể hiện qua việc người được mời chỉ mang tính cá nhân mà các cấp Giáo hội không hay biết hoặc không được trao đổi trước. Trong khi đó, lúc thuyết giảng, trao đổi hay giao lưu, hình ảnh biểu hiện tu sĩ Phật giáo và việc giới thiệu lại liên quan đến các chức danh trong Giáo hội. Ngoài ra, nội dung để chia sẻ và thuyết giảng có thể được trao đổi trước nhưng chủ yếu do cá nhân được mời chủ động mà không có sự góp ý của các cấp Giáo hội, dù ở một mặt biểu hiện nào đó, đây được xem là phương diện ngoại giao của tôn giáo.

Ở một khía cạnh khác, thông thường hoạt động giao lưu bao giờ cũng xuất phát từ hai phía và bên được mời đến một lúc nào đó sẽ mời lại bên kia. Trường hợp này chưa thấy diễn ra từ phía Phật giáo, nhưng nếu có, thì sẽ mời với tư cách gì và nội dung được trình bày sẽ ra sao, khi mà Giáo hội chưa đề cập và không có một định hướng cũng như chỉ dẫn cụ thể.

Đó là chưa đề cập đến biểu hiện của một hoạt động ngoại giao thông thường. Trong một số đoạn video clip quay các buổi thuyết trình của chư tôn đức Tăng Ni tại các cơ sở tôn giáo khác mà người viết có dịp xem lại, dường như có một sự lúng túng nào đó trong cách xưng hô, giao tiếp và cả các động tác được thực hiện của chư tôn đức trước các chức sắc và giáo dân.

Thiết nghĩ, đã đến lúc Giáo hội cần có động thái nhất định đến nội dung này bằng các chủ trương, quy định và chỉ dẫn cụ thể, vì xét ở bất kỳ khía cạnh nào, thì đây cũng được xem là ngoại giao tôn giáo, một lĩnh vực vô cùng quan trọng của bất cứ một thực thể mang tính tổ chức nào hiện diện trong xã hội có nhiều mối tương quan. Song song đó, Giáo hội cũng cần thể hiện quan điểm của mình đến các tôn giáo khác khi họ lên tiếng mời nhân sự thuộc Giáo hội Phật giáo sang giao lưu, chia sẻ và thuyết giảng cũng như các hoạt động giao hữu thể thao...

Nội dung này đã được một vị tôn túc đưa ra trong Hội nghị sinh hoạt hành chánh của Giáo hội vào cuối tháng 7-2015, tạo nên sự chú ý đến nhiều đại biểu, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa thấy có một động thái cụ thể nào từ Giáo hội.

STHOAI1.jpg
ĐĐ.Thích Nguyên Thành, Trưởng BTS PG tỉnh Thái Nguyên cùng CLB bóng đá chùa Phù Liễn 
giao lưu với quý Linh mục Tòa Tổng Giám mục Thái Bình - Ảnh: baoconggiao.com

Nhìn nhận về vấn đề đó, TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS cho biết: “Trên thế giới, xu thế giao lưu và đối thoại giữa các tôn giáo đang trở nên phổ biến trước thực tế bất lợi của các cuộc đấu tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo gây quan ngại ở nhiều nơi. Việc giao lưu tôn giáo đã mang lại những giá trị nhất định cho sự hòa bình, an lành của nhân loại và nhu cầu này đã được hiện thực hóa nhiều năm trước ở Âu Mỹ”.

Thượng tọa nói thêm: “Về phía Giáo hội, chúng ta hoan hỷ trước lời mời của các tôn giáo khác với mục đích giao lưu, chia sẻ, vì điều này sẽ làm tăng thêm tinh thần đoàn, kết hòa hợp. Tuy nhiên, đến nay các Giáo hội vẫn chưa thiết lập các quan hệ đối ngoại chính thức mà chủ yếu là các cuộc thăm viếng ngoại giao vào những dịp đặc biệt.

Hiện tượng chư Tăng Ni được mời đến thuyết giảng tại các cơ sở của các tôn giáo khác thường chỉ mang tính chất cá nhân mà không thông qua hệ thống Giáo hội. Chính vì lẽ đó, chư Tăng Ni khi được mời cần trao đổi với Giáo hội các cấp có liên hệ khi được mời và cần có sự chuẩn bị chu đáo, xem xét nhiều khía cạnh khác nhau trước khi xuất hiện trong các hoạt động này. Chắc chắn Giáo hội sẽ có những chủ trương mang tính nội bộ để Tăng Ni hiểu rõ hơn việc làm này và hoạt động giao lưu, chia sẻ được hiệu quả hơn”.

 Sơn Thoại (GNO)

 

HT.THÍCH TRUNG HẬU, Trưởng ban Văn hóa T.Ư GHPGVN:

STHOAI2.JPG

HT.Thích Trung Hậu

Lâu nay chúng tôi được biết có nhiều vị Tăng Ni tham dự các hoạt động thuyết trình, giao lưu, kể cả tham dự các nghi lễ cầu nguyện ở các cơ sở của các tôn giáo khác. Dù muốn hay không, sự tham dự đó là đại diện cho Phật giáo, cho Giáo hội.

Cá nhân tôi cũng đã nghe nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu, những trí thức Phật tử, và nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại về việc làm này. Họ cũng đã đặt ra câu hỏi là Giáo hội quan niệm và có chủ trương như thế nào trong hiện tượng thường gọi là “đối thoại liên tôn” hay chưa? Tôi biết rằng Giáo hội chúng ta chưa hề đặt ra việc này, và cũng chưa có chủ trương cụ thể để định hướng, phân công người tham dự.

Người tham dự trong các hoạt động giao lưu tôn giáo trên, một cách khách quan, họ chính là “đại sứ” của tôn giáo, tổ chức tôn giáo mà cá nhân đang mang trên mình. Chúng tôi cũng đã từng đặt vấn đề đó ra tại Hội nghị sinh hoạt vừa rồi của Giáo hội, với mong muốn rằng, Giáo hội cần có sự quan tâm và cần phải có trách nhiệm định hướng rõ ràng, cần chủ động trong việc này, không thể cứ để tình trạng tự phát cá nhân như vậy hoài được.

N.Quân ghi

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin