Chi tiết tin tức

Kêu gọi bỏ tục đốt vàng mã: Liệu người dân có từ bỏ?

18:26:00 - 02/03/2018
(PGNĐ) -  “Chúng ta kỳ vọng vào công văn kêu gọi từ bỏ tục đốt vàng mã nhưng vẫn phải chờ đợi xem hiệu quả đến đâu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết.

Công văn kêu gọi các phật tử bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Theo khảo sát của PV Lao Động, vàng mã vẫn được bày bán la liệt trước các cổng đền, chùa, phủ trên địa bàn Hà Nội. Tình trạng đốt vàng mã có giảm bớt nhưng để chấm dứt hoàn toàn thì còn là một câu chuyện dài. Tâm lý của nhiều người dân vẫn là tiếp tục đốt vàng mã, chỉ là hạn chế chứ không thể từ bỏ được.

 

Nhớ lại câu chuyện đặt linh vật ngoại lai ồ ạt trước đây, đến nay tình trạng này đã được dẹp bỏ. Vì thế, chúng ta có quyền kỳ vọng vào việc ngăn chặn, loại bỏ tục đốt vàng mã.

 Vàng mã vẫn được bày bán tràn lan trước cổng đền, chùa. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, nếu chỉ dựa vào lời kêu gọi, tuyên truyền, liệu có giúp người dân nhận thức và từ bỏ tục đốt vàng mã?

 

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, ngoài công văn số 31, nhiều năm qua Bộ VHTTDL đã có nhiều công văn chấn chỉnh về tình trạng đốt vàng mã bừa bãi. “Tuy nhiên, hiệu quả của các công văn chưa thực sự tốt. Lý do là chưa có sự chung sức của các tổ chức xã hội. Ngăn chặn tục đốt vàng mã, nếu chỉ có nỗ lực của mỗi ngành văn hóa thì không đủ”.

 

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết thêm, trong chuyến đi kiểm tra lễ hội đầu năm nay, tình trạng hóa vàng ở một số nơi thờ Phật đã giảm bớt. Chùa Tổ (Thiên Quang) nằm trong khu di tích Đền Hùng đã kiên quyết từ chối việc đưa vàng mã vào. Phủ Dầy (Nam Định) cũng đã bớt. Tuy nhiên tình trạng vàng mã vẫn được bán lan tràn bên ngoài như ở Đền Trần (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), …

 Chen chân dâng lễ ở Phủ Tây Hồ. Ảnh: Trần Vương

"Tuy nhiên, việc giảm bớt tình trạng đốt vàng mã là một tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ công văn số 31 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đi vào đời sống. Chúng ta cũng nên đặt niềm tin vào sự lan tỏa, từ ý thức bỏ tục đốt vàng mã ở các chùa, dần dần sẽ lan sang những cơ sở thờ Phật khác", ông nói.

 

Trung ương Giáo hội Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến các phật tử và người dân. Đặc biệt là ở các cơ sở thờ tự chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo như các chùa, nơi từ trước đến nay vẫn xảy ra tình trạng đốt vàng mã thường xuyên.

 

Tuy nhiên, do đặc điểm của Phật giáo, trong chùa có ban thờ mẫu, các ban thờ này không thuộc phạm vi chi phối của Giáo hội Phật giáo. Người dân có thể “lách luật” bằng cách không đốt trong chùa nhưng có thể đốt ở ban thờ mẫu.

 

Theo PGS Bùi Hoài Sơn, thói quen của người dân cũng là một rào cản. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của Giáo hội Phật giáo, Bộ VHTTDL và các ngành nghề khác trong xã hội.

 

Đào Bích

Nguồn: https://laodong.vn/van-hoa/keu-goi-bo-tuc-dot-vang-ma-lieu-nguoi-dan-co-tu-bo-593446.ldo

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin