Chi tiết tin tức Hướng giải quyết đối với vấn đề tự viện do gia tộc quản lý 10:36:00 - 19/03/2016
(PGNĐ) - Vừa qua, Trung ương Giáo hội đã phổ biến Thông tư số 005/2016/TT.HĐTS, gồm nhiều nội dung thiết thực đối với đời sống Tăng Ni, trong đó có vấn đề quan trọng liên quan tới tự viện, trách nhiệm, quyền hạn của Tăng Ni đối với tự viện cũng như việc tiếp Tăng độ chúng.
Mục đích ban hành thông tư này được xác định “để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) của Tăng Ni trong tu học, hành đạo, sinh hoạt theo đúng Chánh pháp, truyền thống Phật giáo VN, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật”. Trong phạm vi bài viết này, xin chỉ đề cập đến một trong những nội dung của thông tư trên, liên quan một trong những vấn đề âm ỉ trong thực tế lâu nay, đó là tình trạng các cơ sở tự viện do gia tộc quản lý hoặc có hộ gia đình sinh hoạt chung trong khuôn viên tự viện. Khác điểm nhìn Theo thông tin chính thức của Giáo hội, tính đến đầu tháng 1-2016, cả nước có 17.376 ngôi tự viện và 49.493 Tăng Ni. Và được biết, con số này tăng trưởng theo thời gian. Ví dụ, trong năm 2015 số lượng Tăng Ni tăng 2.256 vị, số lượng tự viện tăng 99 ngôi so với năm trước đó. Như chúng ta được biết, tự viện được Hiến chương GHPGVN xác định tại Chương X - Điều 57 là đơn vị cơ sở của GHPGVN, dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội, và là giáo sản của GHPGVN. Hiến chương của Giáo hội là vậy, tuy nhiên, thực tế Giáo hội không hoàn toàn quản lý cơ sở tự viện, mà còn lệ thuộc vào Bộ Luật Dân sự. Bộ Luật Dân sự là những quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác; quyền, nghĩa vụ của các chủ thể về nhân thân và tài sản trong quan hệ dân sự; bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng cũng như tính bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, làm cho xã hội ổn định và phát triển. Với sự vận động của xã hội, Bộ Luật Dân sự luôn có những điều chỉnh, sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu của tình hình phát triển. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi mới đây, nhiều nội dung được điều chỉnh, nhưng vấn đề liên quan tới tôn giáo, đặc biệt là quy định về thừa kế tài sản tôn giáo, cụ thể trong 4 chương liên quan trực tiếp tới phần thừa kế, không thấy có nội dung cụ thể nào đề cập đến thừa kế tài sản tôn giáo (giáo sản). HT.Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN từng nêu vấn đề về sự nhập nhằng, không rõ ràng trong việc thừa kế tài sản liên quan tới tôn giáo: “Sau khi cá nhân vị trụ trì đã mất, hoặc vì một lý do nào đó không còn đảm nhận vai trò trụ trì nữa, thì việc bổ nhiệm vị trụ trì mới cũng do Giáo hội quyết định. Nhưng thực tế, hiện có một số cơ sở chùa chiền, tịnh xá, tịnh thất vẫn được chuyển giao từ người trụ trì (chủ hộ) cho một cá nhân khác, hoặc một cá nhân mặc nhiên được thừa kế một phần hoặc toàn bộ tài sản cơ sở tôn giáo chỉ vì người đó có quan hệ huyết thống với vị trụ trì. Thí dụ, một ông A đã lập gia đình, có giấy tờ hôn nhân và sinh con cái hợp pháp, sau đó ông A đi xuất gia, được Phật tử thập phương hùn phước cúng dường một sở đất để lập chùa. Các thủ tục pháp lý được tiến hành, và cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng cũng được hình thành với người đại diện pháp lý là sư A. Vị sư A qua đời đột ngột, vấn đề thừa kế cơ sở đó được đặt ra, và đương nhiên, những thành viên huyết thống của sư A (là con, vợ trước khi xuất gia) chắc chắn được quyền thừa kế nếu chiếu theo các điều khoản trong Bộ Luật Dân sự hiện hành cũng như trong Bộ Luật Dân sự sửa đổi”. “Đó là chỉ mới đơn cử một thí dụ, còn trong thực tế còn nhiều trường hợp phức tạp hơn nhiều”, Hòa thượng cho biết. Theo đó, Hòa thượng đề nghị: “Để đảm bảo được tính công bằng trong mối quan hệ dân sự đúng với thực tế, thiết nghĩ cần bổ sung những điều khoản liên quan tới các tôn giáo, trong đó có Phật giáo, đặc biệt trong nội dung liên quan tới thừa kế. Có như vậy, sự điều chỉnh, sửa đổi lần này mới bảo đảm tính khả thi thiết thực của hệ thống pháp luật được cụ thể hóa qua Bộ Luật Dân sự”. Sự nhập nhằng trong việc xác nhận quyền sở hữu và thừa kế rõ ràng khác nhau về điểm nhìn nếu so sánh giữa Hiến chương của Giáo hội và pháp luật Nhà nước được cụ thể hóa qua Bộ Luật Dân sự. Từ đó, có sự nhập nhằng trong thực tế, tình trạng tự viện do gia tộc quản lý và hộ gia đình hợp pháp qua việc đăng ký hộ khẩu thường trú vẫn tiếp tục diễn ra, vẫn âm ỉ, có nơi gây nhiều bức xúc, thậm chí sự ngộ nhận trong dư luận về hình thức sinh hoạt lộn xộn Tăng tục, tín ngưỡng pha tạp, đi ngoài chủ trương của Giáo hội. Hướng giải quyết Như đã nói, có những cơ sở tự viện đã được Giáo hội các cấp bổ nhiệm trụ trì, được các cơ quan nhà nước liên quan chấp thuận, có các văn bản đề nghị của Giáo hội đề nghị dứt điểm trình trạng trên, nghĩa là yêu cầu các hộ thường trú trong khuôn viên cơ sở tự viện dời ra khỏi khuôn viên tự viện, không tiếp tục cư trú trong cơ sở tự viện, nhưng đề nghị đó chỉ dừng ở văn bản mà không có hiệu lực thực tế, nhiều nơi các hộ thường trú (gồm cả vợ chồng, con cháu…) vẫn tiếp tục sinh hoạt lẫn lộn với người xuất gia, ít nhiều gây nên sự xáo trộn giữa nếp sống của người tu và thế tục, làm mất đi sự trang nghiêm của một cơ sở tôn giáo. Trong tình hình trên, Thông tư 005/2016/TT.HĐTS mới ban hành đã có hướng giải quyết. Theo đó, tại điểm III - thuộc phần A - Tự viện, mục 2 đã quy định chi tiết: * Do hoàn cảnh lịch sử để lại, trong hệ thống tự viện GHPGVN có một số tự viện do gia tộc quản lý,không đăng ký hoạt động tôn giáo với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh. Trường hợp này được giải quyết: Lần thứ nhất, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiến hành vận động gia tộc đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của GHPGVN theo hướng tôn trọng công đức xây dựng tự viện của gia tộc; Lần thứ hai, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động; Lần thứ ba, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động. Sau ba lần tuyên truyền, vận động, gia tộc kiên quyết không đăng ký hoạt động tôn giáo dưới sự quản lý của GHPGVN, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trao đổi thống nhất với Ban Tôn giáo tỉnh để giải quyết theo các hướng sau: (1) Xóa tên tự viện, chuyển đổi nơi này thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng bằng những tiêu chí cụ thể; (2) Khi đã xóa tên tự viện, chuyển thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng vẫn được quyền tự do tín ngưỡng, nhưng không được tập hợp tín đồ đến nhà thờ gia tộc, nhà riêng để hoạt động tôn giáo. Để đảm bảo tên một tự viện đã tồn tại nhiều năm tại địa phương khi được chuyển thành nhà thờ gia tộc, hoặc nhà riêng, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh trao đổi thống nhất với chính quyền địa phương xây dựng lại tự viện này tại địa điểm mới để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào Phật tử địa phương. Riêng đối với những tự viện có hộ gia đình sinh hoạt chung trong khuôn viên tự viện, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN huyện, chính quyền địa phương thu xếp đưa hộ gia đình này ra bên ngoài khuôn viên tự viện, hoặc phương án quy hoạch khác để tạo sự tách biệt trong sinh hoạt, ổn định của tự viện trên cơ sở hài hòa lợi ích. Qua tìm hiểu thực tế, lâu nay các vị trụ trì, người tiếp nhận trách nhiệm quản lý tự viện rơi vào một trong các trường hợp trên, trong khả năng và điều kiện của mình đã có giải quyết theo các hướng đó. Tuy nhiên, về mặt quản lý, đây là lần đầu tiên Giáo hội có văn bản trước hết đặt vấn đề về hướng giải quyết. Nguyên Quân (GNO)
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |