Chi tiết tin tức

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam: Nương tựa "đại y vương", chuyển hóa khổ đau

21:49:00 - 27/02/2016
(PGNĐ) -  Hôm nay là 27-2, ngày thầy thuốc Việt Nam, tuy nhiên, ta tri ân không chỉ thầy thuốc Việt Nam mà nghĩ tới tất cả những người làm nghề y trên toàn thế giới, từ cổ chí kim, bởi người thầy thuốc Việt Nam hôm nay có sự thừa hưởng - tiếp nối sự nghiệp, nền y khoa của Đông-Tây, kim-cổ.

Tri ân người thầy thuốc ta đặc biệt nghĩ về Đức Thế Tôn, cũng là một đại y vương - người xuất hiện nơi cõi đời để chữa lành bệnh của chúng sinh.

Duc Phat.jpg
Đức Phật ân cần thăm hỏi một Tỳ-kheo bị bệnh - Tranh PGNN

Chúng ta là những chúng sinh bị ba độc là tham-sân-si làm cho khổ đau, phiền não, lên xuống những đường khổ-vui lẫn lộn, không có bình an hoặc bình an không chắc chắn. Đức Phật đã chỉ ra phương cách chữa lành bệnh ấy cho mình thông qua bài pháp "Tứ diệu đế" (bốn sự thật màu nhiệm), với tám con đường chân chánh (Bát chánh đạo)...

Ai có duyên với vị thầy thuốc Cồ Đàm (Đức Phật) sẽ học được cách quán niệm nhân-duyên-quả, thấy rõ mọi biểu hiện là duyên sinh, nên không còn khổ nữa. Theo đó, ngay cả khi trải qua biểu hiện của khổ đau (quả xấu) thì hành giả ấy cũng sẽ ít bị cho tới không bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài lẫn trong thân tứ đại của mình.

Những ngày đầu năm, Phật tử Việt Nam (đa số theo truyền thống Bắc tông) đều thực tập trì tụng kinh Dược Sư, niệm Đức Đông phương Giáo chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật - nếu hiểu rằng đang trì niệm một vị Phật có hạnh nguyện chữa lành các chứng bệnh cho chúng sinh bằng tâm từ, trí sáng rồi học theo trí và bi của Ngài trong sự tu-học-ứng dụng vào cuộc sống thì sẽ dần an vui.

Cái an vui của người học Phật thực ra không chỉ là tránh được quả xấu mà còn là trải qua quả xấu (có đến) một cách có chánh niệm (có ý thức sáng tỏ về biểu hiện xấu đó, trên cơ sở quán niệm nhân-duyên-quả).

Hai mặt của sự thực tập trì tụng kinh điển, niệm Phật, hành thiền hay trì chú... chính là ở chỗ chuyển hóa nhân-duyên xấu để nó lặn xuống và chuyển hóa tâm ích kỷ, nóng nảy, tham lam, mê mờ của mình trở nên tốt hơn nhằm đủ năng lực (trí và bi) để sống, trải qua mọi buồn-vui một cách nhẹ nhàng.

Sở dĩ Đức Phật được gọi là đại y vương chính là ở chỗ Ngài chữa được bệnh đau (do thọ cảm) khiến thân có đau hay không đau cũng như... không, cũng hoàn toàn không lo lắng, sợ hãi dù trải qua bất kỳ việc gì, dù là kinh khủng nhất.

Những vị thầy thuốc trong y khoa thì chữa được thân bệnh, ai có y đức thì trong khi chữa bệnh còn an ủi, giúp đỡ người bệnh, không vì hoa hồng mà kê thuốc tá lả cho bệnh nhân... Đó cũng là những "sứ giả" của chư Phật - mười phương Thế Tôn chứ không phải chỉ Phật Dược Sư hay vị Phật cụ thể nào.

Thực ra, mỗi người học Phật, nếu thực tập cho đúng, cho tới như Phật dạy thì cũng sẽ là một thầy thuốc - là người trị liệu được cho chính mình và người khác. Khi đó, người con Phật theo gót Như Lai sẽ vẫn trải qua tật bệnh nhưng không khổ nhiều hay sẽ không bị dính mắc bởi tật bệnh. Khi đó, người con Phật gặp người bệnh khác sẽ có khả năng an ủi, chia sẻ, giúp cho bệnh nhân ấy bớt khổ và dần bớt dính mắc vào những cái khổ của một chúng sinh như sanh, già, bệnh, chết, xa người thương, gần người oán...

Lưu Đình Long

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin