Chi tiết tin tức Nên chăng Thần tài trong Phật giáo? 17:01:00 - 01/02/2023
(PGNĐ) - Tôn giả Sivali là một vị A la hán, một bậc Thánh đáng kính. Sao ta lại đem một bậc Thánh như thế ra làm một vị Thần Tài để cho mọi người lạy lục cầu xin tài lộc được chứ? Một vị Tỳ kheo phàm phu bình thường còn phải xa lánh chuyện tiền tài nữa là một vị A la hán.
Hôm nay là ngày mùng Mười tháng Giêng, theo dân gian là ngày vía Thần Tài. Nhiều người cho ngày này là ngày may mắn nên đã làm những việc liên quan đến tiền tài để mong được may mắn. Thần Tài là vị thần dân gian. Một số quý thầy gợi ý rằng nên chăng trong Phật giáo cũng cần có một vị thần tài để đáp ứng nhu cầu của người dân. Và vị ấy chính là tôn giả Sivali. Do nhân bố thí từ vô lượng kiếp trướcnên kiếp này tôn giả Sivali nhận được sự cúng dường rất dồi dào không những của con người mà còn của chư thiên cõi trời nữa. Chẳng những thế, bất cứ Ngài ở đâu là chư tăng ở đó cũng được hưởng phước lây, với sự cúng dường dồi dào của chư Thiên và dân chúng. Đức Phật cũng xác nhận Ngài là bậc đệ nhất tài lộc trong hàng tăng chúng. Tài lộc của ngài Sivali là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, việc thiết lậpmột vị thần tài trong Phật giáo (để thay thế thần tài dân gian) lại là một chuyện khác, cần nên cân nhắc cẩn thận. Tại sao phải cân nhắc? Vì chùa chiền không phải là nơi phù hợp để nói đến chuyện tiền tài vật chất. Tiền tài vật chất là chuyện bình thường của cuộc sống, nhưng việc đề cao, xem trọng nó thì lại là chuyện khác. Phật giáo chú trọng đạo đức, dạy con ngườibuông xả, từ bỏ tham, sân, si. Phật giáo không coi thường vật chất, nhưng coi vật chất chỉ là phương tiện để sinh sống chứ không phải là mục tiêu của đời người. Nhưng nay lại dựng lên một hình tượng về tài lộc thì liệu có thích hợp không? Phật giáo đã không chủ trương càng giàu càng tốt. Vậy thì đâu cần có một “vị thần” đại diện để ban phát tài lộc. Chùa Vĩnh Nghiêm nơi có tượng Thần tài của Phật giáo Người thế gian coi trọng tiền tài, coi tiền tài hơn cả mạng sống của mình. Họ làm nhiều cách để có tiền, kể cả những cách không trong sạch. Gặp nhau là nói chuyện làm ăn, tiền bạc. Lấy tiền bạc làm thước đo giá trị con người. Mọi người đua nhau kiếm tiền, từ quan tới dân, từ giàu đến nghèo, từ thành thị đến nông thôn. Con người đã mệt mõi vì tiền. Họ cần có một nơi nào đó để thoát khỏi sự mệt mõi đó, dù chỉ trong giây phút. Và chùa chiền chính là nơi họ tìm đến. Ấy vậy mà khi đến chùa họ cũng lại gặp tiền tài qua hình ảnh vị “Thần Tài Sivali” mà nhiều người đang sì sụp lạy lục, khấn vái, cầu xin. Tham, sân, si là căn bệnh trầm kha của chúng sinh và dường như ngày càng nặng hơn. Tôn giáo đáng lẽ phải dạy người ta bớt tham, sân, si đi, chứ sao lại thêm dầu vào lửa, bày ra chuyện cầu tài cầu lộc ở chốn thiền môn thanh tịnh. Một số người biện luận rằng thay vì để người dân cầu ông Thần Tài dân gian, việc xây dựng hình ảnh ông Thần Tài Phật giáo sẽ làm cho họ đến với Phật giáo để gieo duyên với Phật Pháp. Nhưng xin hỏi rằng việc cầu Thần Tài dân gian và Thần Tài Phật giáo có khác nhau về lòng tham hay không? Hay ngược lại còn làm tăng thêm lòng tham của con người vì cho rằng Thần Tài Phật giáo linh hơn. Tôn giả Sivali là một vị A la hán, một bậc Thánh đáng kính. Sao ta lại đem một bậc Thánh như thế ra làm một vị Thần Tài để cho mọi người lạy lục cầu xin tài lộc được chứ? Một vị Tỳ kheo phàm phu bình thường còn phải xa lánh chuyện tiền tài nữa là một vị A la hán. Xin hãy để cho Ngài được yên tịnh. Xin hãy để cho chốn thiền môn được thanh tịnh với hương trầm quyện tỏa, với tiếng kệ lời kinh, với những điều thanh cao giải thoát. Xin hãy để tiền tài bên ngoài cánh cổng thiền môn. Thích Trung Hữu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |