Chi tiết tin tức

Người Việt Nam luôn coi trọng Chánh ngữ trong đạo Phật

21:00:00 - 27/02/2024
(PGNĐ) -  Liên quan đến phát ngôn của bà Tiến sĩ Đoàn Hương trên VTC Now, Ban Biên tập PSOL xin giới thiệu góc nhìn của PGS.TS. Phạm Thị Kiên - Đại học Kinh tế TP.HCM về vấn đề này.

 

PGS.TS. Phạm Thị Kiên

NGƯỜI VIỆT NAM LUÔN COI TRỌNG CHÁNH NGỮ TRONG ĐẠO PHẬT

 

Văn hóa giao tiếp là một giá trị văn hóa quan trọng của người Việt, nó thể hiện trình độ tri thức, tư duy của con người trong giao tiếp. Người Việt Nam với bản tính thân thiện, cởi mở, chân thành, tôn trọng lẫn nhau. Trong giao tiếp nếu không chú ý và cẩn trọng trong lời nói của mình thì lại đem lòng hận thù, sự đố kỵ, sự mâu thuẫn cho cá nhân, cho cộng đồng và cho xã hội. 

Vì thế, trong ông cha ta cũng có nhiều lời khuyên về giá trị của lời nói như: “lời nói, gói vàng”, “Kim vàng ai nỡ uốn câu/Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời​” là để nhắc nhở chúng ta về lời ăn tiếng nói khi phát ngôn. Trong xã hội Việt nam hiện nay, những mâu thuẫn trong giao tiếp lời nói, cử chỉ, hành vì, thái độ của mọi người danh cho nhau cần phải nghiêm túc điều chỉnh để xây dựng một xã hội tốt đẹp, văn minh.

1. Hiểu về chánh ngữ

Phật giáo cho rằng sở dĩ con người ta khổ là vì con người vô minh. Chính vì thế trong Bát Chánh đạo, Đức Phật xếp chánh ngữ là một trong những giải pháp quan trọng để con người bớt đau khổ. Chánh ngữ được xếp ở vị trí thứ ba, sau chánh kiến, chánh tư duy. Trong Kinh Tương ưng bộ, Đức Phật cho rằng chánh ngữ là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Đức Phật dạy rằng, chánh ngữ có bốn đặc tính là: nói những lời chân thật, nói những điều khiến người khác phấn khởi, không nên nói những lời ác độc hay cay đắng mà nên nói những lời đem lại niềm vui. Nên nói với nhau bằng những lời nhẹ nhàng, không thô lỗ hay cộc cằn. Nói với nhau phải thể hiện thái độ khiêm cung, không nên nói những lời vô ích hay vô nghĩa. Như vậy, trong lời nói nếu điều mình nói ra mà tổn hại cho người khác thì mình là kẻ có tội. Cho nên, trong lời ăn, tiếng nói, chúng ta cần phải chánh ngữ để không bị khẩu nghiệp.

Theo Phật giáo, người theo đạo Phật phải giữ lời nói của mình ở bốn điều: Không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời thêu dệt, không nói thô ác. Có nghĩa là, trong lời nói của mình phải dựa trên sự thật, nhưng những lời nói được phóng đại, thêm thắt, cần phải được chấn chỉnh ngay lập tức vì những lời nói không dựa trên sự thật thường dẫn đến tranh cãi và hiểu lầm. Lời nói khi: “lưỡi sắc hơn gươm” thì nó hơn cả gươm đâm vào da thịt con người.  Nó có thể làm tan vỡ những mối liên hệ trong tình đoàn kết dân tộc, tình bạn trong đời sống, tình thân trong gia đình. Thậm chí còn gây hận thù, và xung đột lẫn nhau. Những lời nói cay nghiệt có khi làm tổn thương đến tình cảm cá nhân, gia đình và xã hội, tạo nên những hệ quả xấu mà ta không thể lường trước được.

Ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng trong tư duy, giao tiếp, nhận thức xã hội, ngôn ngữ còn là vẻ đẹp của người nói khi phát ngôn vì thế người có trình độ và người không có trình độ hơn nhau ở lời ăn tiếng nói. Người có trình độ văn hóa khác nhau thì lời nói của họ cũng khác nhau.

Lời nói cũng thể hiện trạng thái tâm lý, tình cảm, xúc cảm của người nói. Nên có khi trong lời nói có sự vui, buồn, thương, ghét chợt đến chợt đi, hôm nay là bạn bè, thân hữu nhưng ngày mai lại trở mặt, đối đầu và ngược lại. Lời nói có khi không có ý nghĩa, giá trị nhưng có khi lại là vô giá. Lời nói biểu hiện toàn bộ trong đời sống của con người ở mọi phương diện như kinh tế, văn hóa, đạo đức, luật pháp. Có những lời nói khi pháp luật bỏ qua nhưng với giá trị đạo đức, văn hóa thì lại không cho phép. Vì vậy khi mình nói lời nào ra phải tôn trọng chính mình trong từng câu nói. Bởi vì có người nói làm cho người ta thương, nhưng cũng có người nói làm cho người ta ghét. Có người nói làm người khác tôn trọng, nhưng cũng có người phát ngôn lại gây sự hận thù, tranh cãi. Do vậy mà khi giao tiếp, cần phải lấy sự thật và tôn trọng đối tượng mình đề cập là tiêu chí hàng đầu trong lời nói, chứ đừng nói bừa, đừng lừa gạt gian trá, vọng ngữ.

 

2. Cách ứng xử có văn hóa của người Việt Nam

Cách ứng xử, lời nói có văn hóa, phép lịch sự trong giao tiếp là cần thiết trong đời sống xã hội Việt Nam. Cách ứng xử có tình có nghĩa, phù hợp với phong cách, lối sống của Người Việt Nam. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa người với người trở nên đẹp đẽ hơn, nhẹ nhàng hơn. Bởi điều gì mình không muốn thì đừng làm với người khác. 

Trong đời sống, có nhiều người khi phát ngôn đánh giá về những sự việc mà bàn luận và phát ngôn về những vụ việc không đúng bản chất của đối tượng thì tự mình đang không tôn trọng chính mình, không tôn trọng người nghe và không tôn trọng đối tượng mà mình nói đến, Khi họ thường nói bừa, nói võ đoán và vơ những sự việc không đúng để chứng mình cho luận điểm của mình thì thành ra ngụy biện trong lời nói. Đặc biệt, khi lời nói của mình trước các phương tiện truyền thông thì gây ra những phản cảm đến xã hội, thì họ làm xấu mình trước dư luận.

Bàn về điều này để chúng ta cần có trách nhiệm đến lời nói của mình, đặc biệt là lời nói trước truyền thông, và truyền thông cũng không nên cổ xúy cho những cá nhân, hiện tượng sai trái, làm nguy hại đến nhận thức và lối sống văn hóa của thế hệ trẻ, thậm chí gây ra sự hiểu sai, không đúng sự thật cho xã hội.

Trong xã hội, cần đẩy mạnh “Việc noi gương” và cổ vũ “người tốt việc tốt”. Điều này có ý nghĩa động viên mọi người trong xã hội xây dựng đời sống văn hóa văn minh, thân thiện trong xã hội. Chính vì thế, những việc làm không chuẩn mực trong lời nói cần phải chấn chỉnh. Ví như phát ngôn: “một số nhà sư “làm tiền”, sống xa hoa khiến “đi tu” trở thành một nghề… hay "ngày nay đi tu đã trở thành một sự kiếm lợi"để bàn luận về Phật giáo thì gây ra những mâu thuẫn, những hiểu nhầm không đáng có trong xã hội và làm tổn thương tới Phật giáo.

Trong hệ thống tổ chức của Phật giáo việc quản lý Tăng Ni gắn với tính chất đặc điểm của tôn giáo này, vì thế mình phải hiểu để mình bàn chứ không nên võ đoán đưa ra những giải pháp không mang tính thuyết phục. Hay như nếu mình không hiểu về nhà sư và kẻ mạo danh nhà sư, lợi dụng Phật giáo để làm nhà sư thì mình sẽ đánh giá sai về Phật giáo. Lời nói ấy có thể làm ảnh hưởng đến giá trị, hình ảnh tốt đẹp mà Phật giáo đang nỗ lực xây dựng.

Tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng sở dĩ tồn tại ngàn đời trong lịch sử dân tộc thì tôn giáo ấy phải thể hiện được giáo trị tinh thần của dân tộc ấy. Vì thế, Phật giáo tồn tại cho đến ngày nay thì Phật giáo đã trở thành giá trị văn hóa nội sinh trong đời sống xã hội con người Việt Nam. Bởi vì, bất cứ một tôn giáo nào khi tồn tại trong đời sống hiện thực thì tôn giáo đó đã phải có giá trị chân, thiện, mỹ, hướng tới giá trị cao cả. Đồng thời, tôn giáo phải phù hợp với đạo đức, pháp luật, văn hóa của dân tộc, của con người trong xã hội đó. Còn khi nó đi ngược lại những giá trị trên thì không phải là tôn giáo, vì thế cần phải xem xét ở góc độ mạo danh tôn giáo, mạo danh Phật giáo. Việc đó chúng ta cần lên án nhưng phải nói cho rõ từng trường hợp cụ thể chứ không thể nói chung chung để gây ra những mâu thuẫn trong xã hội. 

Phật giáo yêu cầu con người phải chánh ngữ, tức là phải luôn nói sự thật. Đức Phật dạy chúng ta, đừng bao giờ nói dối, dù lời nói đó bất đắc dĩ phải nói để có lợi cho bản thân hay lợi ích của ai đó, hay vì bất cứ sự lợi ích gì. Trong lời nói của mình, phải chính xác, phải chuẩn mực, hòa nhã thì mới là người chánh ngữ. Do đó, trong lời nói cần phải hòa nhã, đó cũng là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam ta luôn giữ gìn. Ông bà ta dạy rằng: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang / Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Đây là bài học quý, ông cha ta dạy đời sau để trong lời ăn tiếng nói phải dịu dàng, thanh lịch, phải mang niềm vui cho đối tượng đang giao tiếp hoặc đối tượng được nhắc đến trong giao tiếp.

Thường những người văn hóa kém luôn lấy những lời nói dối trá, thiếu trung thực, không kiểm chứng, hoặc đưa dẫn chứng sai sự thật, phóng đại, nói quá hoặc dùng những ngôn từ phù phiếm, vô nghĩa, u mê để điều khiển câu chuyện theo ý mình nhằm công kích đối tượng nào đó là những người được gọi là “ăn gian, nói dối” hoặc gọi họ là “ăn không nói có”. Cho nên trong giao tiếp cần phải thể hiện trình độ nhận thức của mình nên: ăn có nhai, nói có nghĩ. Đừng vì những mục đích riêng của mình là nói lời không hay cho người khác. Khi mình nói đúng, nói thật thì người khác khi nói chuyện với mình họ cũng phải điều chỉnh bản thân họ khi giao tiếp với mình. Cho nên khi mình không nói đúng sự thật thì đừng mong cầu người khác thành thật với mình. Và khi mình nói không thật thì mình cũng đã không thành thật với chính mình. Và Phật giáo cho rằng đó là kẻ vô minh, mà không nhận thức được điều này thì họ lại rơi vào bể khổ, điều này được Aristotle – nhà triết học nổi tiếng Hi Lạp cho rằng đó là nỗi đau lớn nhất mà họ phải chịu. Bởi vì trong chánh ngữ, việc nói thật luôn được coi trọng. Nói sự thật làm lời nói của chúng ta trở nên vô tư, trong sáng, có giá trị.

Trong đời sống xã hội, cần lấy chánh ngữ làm trọng để chúng ta đối xử với nhau bằng lời nói thiện lành. Muốn vậy, cần giáo dục con người hướng tới những giá trị văn hóa tốt đẹp trong lời nói để khi họ bị rơi vào bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nói lời hay, ý đẹp. Đó mới chính giá trị văn hóa, đạo đức mà người Việt Nam luôn muốn hướng tới. Trong giao tiếp, người với người gắn bó với nhau bởi vì tin tưởng nhau, vì tin tưởng nhau mà yêu thương nhau, gắn kết với nhau để cùng tồn tại, để cùng chung sống với nhau... 

Đạo Phật có chỉ ra cách thức để đạt được chánh ngữ thì cần phải chánh niệm, tức là chúng ta phải thường xuyên thiền định, quán chiếu đến thói quen ăn nói của mình và cố gắng chuyển hóa tâm của mình để khẩu Phật và tâm Phật hợp nhất với nhau. Muốn vậy, cách tốt nhất là suy nghĩ trước khi nói. Người ta thường nói, “ăn bớt bát, nói bớt lời / ăn ngay nói thật mọi tật mọi lành”, “Nói lời phải giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay”​ để không làm tổn thương người khác, để giữ tâm mình thanh tịnh hơn.

Để có lời chánh ngữ ứng dụng vào đời sống, chúng ta phải tu tập cải hóa nhiều lắm, phải biết nhìn, biết lắng nghe mới có tư duy đúng, lúc đó, ta mới có lời nói đúng, đây là cả quá trình chớ không phải ngày một ngày hai mà có được, nên chớ nói tùy tiện, nói thiếu suy nghĩ. Nếu không phải chính mắt mình trông thấy, không nên vội vàng nói cho người khác biết. Khi chưa chắc chắn hiểu rõ sự việc, đừng nên tuyên truyền cho mọi người biết. Việc không tốt, đừng nhận lời, nếu nhận lời thì quá sai lầm. Bầu trời có thể bao dung hết thảy, rộng lớn vô biên, ung dung tự tại. Mặt đất có thể chịu đựng hết thảy, nên tràn đầy sự sống, vạn vật đâm chồi. Con người sống ở thế gian nầy không nên xem thường hành vi và lời nói người khác, dẫu là người thân cũng không cưỡng cầu mà phải dùng tâm lương thiện, từ ái giúp đỡ, an ủi bởi do họ mê hoặc, tùy thuận phiền não, tập khí, tạo tác, đủ thứ bất thiện, nên thường xuyên sống trong cảnh khổ nạn. Vì thế, cần phải tu tập để có lời nói hòa hợp, dịu dàng, có ý nghĩa, trên bước đường tu tập, thực hiện được lời dạy nầy, ta sẽ được nhiều người quý mến và được họ lắng nghe điều ta nói trong môi trường thân thiện và xây dựng.

Vậy để áp dụng chánh ngữ vào đời sống và tu tập chúng ta cần phải thận trọng lời nói, suy nghĩ kỹ và làm theo lời đức Phật dạy khi nói với người khác bởi vì: lời nói vừa là họa vừa là phúc. Do đó, trước khi nói chúng ta phải; “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” bởi vì “Lời nói không mất tiền mua / Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Cho nên phải nói thật, chứ không nên bịa đặt, không nên nói xấu người khác, phải kiềm chế sự vu khống, không nên buông những lời giận dữ và thóa mạ đến người khác, nên nói tốt và nhã nhặn với mọi người, không nên chìm đắm vào những chuyện gẫu vu vơ, ngu ngốc, mà chỉ nên nói những gì hợp lý và đúng vào vấn đề.

Trong giao tiếp, người Việt vốn dĩ tế nhị và ý tứ nên có thói quen luôn cân đo đong đếm trước khi nói năng thì phải: “ăn có nhai, nói có nghĩ / “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và việc học nói là học cả đời. 

 

PSOL

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin