Chi tiết tin tức

Phóng sinh kiểu "hình thức" - tiếp tay cho nạn làm tiền trên lòng từ bi?

11:56:00 - 16/01/2015
(PGNĐ) -  Từ những bài phỏng vấn Thượng tọa Thích Chơn Không về phóng sinh, với một số phật tử phóng sinh hay không phóng sinh đã bắt đầu là một lựa chọn, và có thể hơn thế nữa.
Để khuyến khích nhiều hơn hành động từ bi có thực chất, có kết quả, chắc chắn mang đến thiện báo, hạn chế việc làm có thể gián tiếp sát sinh hại vật, chiêu cảm nghiệp xấu, Thượng tọa Thích Chơn Không, trụ trì chùa Thiên Tôn, Quận 5, Tp.HCM sẵn sàng trả lời tiếp các cuộc phỏng vấn về đề tài này, mà câu hỏi sẽ tập họp từ ý kiến bạn đọc.
 
Trong kỳ này, Thượng tọa Thích Chơn Không sẽ bàn luận với Cư sĩ Minh Thạnh về việc trong hoạt động phóng sinh, người phật tử có bị làm tiền trên lòng từ bi hay không, một vấn đề đã được đề cập qua ở những bài phỏng vấn trước mà đến đây có thể đi sâu hơn.
 
Bạch Thượng tọa, sau loạt bài và ảnh có bình luận với chủ đề tại sao “không nên phóng sinh”, có một số ý kiến không đồng tình, chẳng hạn có trang web đăng lại bài về một trường hợp phóng sinh tôm hùm ở Mỹ, cho rằng ở Mỹ người ta cũng bắt đầu phóng sinh. Ý kiến của thầy thế nào?
 
Trả lời: Trước hết, thầy xin cảm ơn mọi góp ý xây dựng dù là đồng tình hay phản bác. Thầy không thách đố ai cả, nhưng thầy sẵn sàng trả lời, thảo luận với tất cả ý kiến không đồng tình. Ở đây, cần có một mở ngoặc nhỏ, không phải là thầy tranh hơn thua đúng sai, có thể hiểu lầm là rơi vào chuyện thị phi, hý luận. Mà thầy mong rằng qua bàn bạc, trao đổi ý kiến, để vấn đề được sáng tỏ hơn, tất cả chúng ta đều được lợi lạc.
 
Các câu hỏi, ý kiến được nêu sẽ là những gợi ý để thầy suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề, tìm được cách trình bày thuyết phục hơn, để chúng ta cùng nhau chia sẻ những điều tốt nhất, có lợi ích nhất cho việc tu học. Vấn đề được tìm hiểu một cách thấu đáo, thì việc chọn lựa việc cần làm sẽ là điều an lạc, hoan hỷ, không phải đắn đo, băn khoăn.
 
Thầy đã đọc bài viết về trường hợp phóng sinh tôm hùm ở Mỹ mà đạo hữu nói. Thầy thấy ở đây không có điểm gì khác với quan điểm của thầy cả. Thầy đã giới hạn vấn đề là “không nên phóng sinh trong hoàn cảnh như hiện nay tại Việt Nam”. Đạo hữu chú ý 3 yếu tố: hoàn cảnh, thời điểm hiện nay, ở địa điểm tại Việt Nam.
 
Còn nếu ở một quốc gia khác, hay ở Việt Nam vào một hoàn cảnh khác, thời điểm khác mà có thuận duyên để phóng sinh thỏa mãn được các yêu cầu:
 
- Sinh vật chắc chắn là sống an toàn sau khi được phóng sinh.
- Không khuyến khích tà mạng (đánh bắt sinh vật bán để phóng sinh).
- Không làm hại môi trường sinh thái tự nhiên.
 
Thỏa mãn được các điều đó thì rất nên phóng sinh. Trường hợp được nêu trong bài về việc thả tôm hùm ở Mỹ có lẽ hội đủ các yếu tố trên. Nếu không đủ, cũng phải bỏ đi cách phóng sinh theo "hình thức".
 
Thấy khuyên không nên phóng sinh vì hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam không đáp ứng được 3 yêu cầu trên. Tất cả những cơ sở mà thầy căn cứ vào đó để đưa ra kết luận là những điều đang xảy ra ở Việt Nam, không nên hiểu lầm hay không chú ý đến giới hạn của vấn đề.
 
Bạch Thượng tọa, trong bài nói trên cũng đưa ra trường hợp đối với một cháu bé xinh xắn, kháu khỉnh bị cha bắt đi ăn xin. Đối với trường hợp này, con cũng thấy khó xử không khác gì phải nhìn những con vật bị nhốt trong lồng, chịu hành hạ đau đớn chờ người mua để phóng sinh vậy. Có nên chỉ giận người cha mà nên giúp cháu bé?
 
Trả lời: Vấn đề này thú vị đây. Chúng ta có thể nhân chuyện này mà trao đổi ý kiến, để không còn thấy khó xử nữa, không để người ta trục lợi trên lòng từ bi nữa!
 
Bài viết nêu trường hợp một bé gái bị cha buộc phải xin ăn, xin tiền trên sự lợi dụng lòng trắc ẩn trước sự đau khổ và tình thương trẻ nhỏ. Trong thực tế, hiện nay tại Việt Nam, việc xin tiền bằng cách đánh vào lòng thương người có đơn giản như vậy không, hay chỉ là cha đưa con đi ăn xin?
 
Bạch Thượng tọa, thưa không, mà hết sức phức tạp. Nhiều đứa bé đâu chỉ có đứng xin, mà còn phô bày ghẻ lở máu mủ, hay giả xỉu vì đói, hay bị uống thuốc làm cho nóng sốt, đỏ bừng mặt mày, giãy giụa vì động kinh… Nhưng rồi báo chí cũng phanh phui, người ta không bị mắc lừa nữa, còn những việc hành hạ trẻ em thì bị pháp luật trừng phạt.
 
Trả lời: Vì vậy, chỉ thí dụ một cháu bé bị cha bắt ăn xin là đơn giản hóa vấn đề. Rồi còn sư giả khất thực, chú tiểu giả xin tiền, cô ni giả đi quyên góp,… đạo hữu nghĩ sao, có nên cho hay không cho, trong khi nhiều người đi xin ra vẻ trông rất khổ sở?
 
Bạch Thượng tọa, dạ không, nếu biết chắc là sư giả con còn gọi công an bắt họ.

Trả lời: Nếu chỉ thấy cảnh bất nhẫn mà vội cho tiền không suy xét, đến lúc biết ra mình bị lợi dụng, bị lừa, người ta sẽ thất vọng thậm chí sau đó thay đổi hẳn thái độ, dửng dưng lạnh lùng trước mọi việc đáng làm! Thầy không khuyên việc thờ ơ trên sự đau khổ của chúng sinh, nhưng cần có cái nhìn sáng suốt!
 
Trong phóng sinh cũng vậy, chúng ta phải nhìn thấy suốt toàn bộ quy trình: phóng sinh, thúc đẩy -> đánh bẫy -> đem bán -> phóng sinh -> lại đánh bẫy -> đem bán, v.v… Nếu chắc chắn không có quy trình đó, thì hãy phóng sinh.
 
Cũng như thầy khuyên, đọc báo Giác Ngộ, Công an… thấy nêu những trường hợp thương tâm cần giúp đỡ, thì hãy hết lòng mà giúp. Còn thấy một cháu bé té xỉu vì đói mà cho tiền, thì coi chừng vài hôm sau, lại thấy cũng cháu bé ấy xỉu cùng một kiểu, nhưng ở trên đường khác. Trong trường hợp này thì nên cho tiền nữa không? Cho tiền dù lần đầu, cũng gián tiếp thúc đẩy kẻ xấu lợi dụng đứa bé bị để lừa đảo. Lớn lên, có thể đứa bé sẽ lừa chuyện lớn hơn!
 
Đối với phóng sinh thú rừng, thầy nghe nói có trường hợp đoàn khách du lịch này trả tiền chuộc rồi thả một con vật, nhưng đoàn khách hôm sau lại vẫn thấy con vật đó đau khổ trong lồng. Nói phóng sinh giả, phóng sinh ảo là vì vậy. Con vật vừa thả ra là ảo, để thu tiền và bị bắt lại sau đó là thật. Người ta kinh doanh lừa gạt trên lòng từ bi của chúng ta.
 
Tình trạng những con thú như vậy, bị bán để phóng sinh giả không khác gì những đứa bé xin ăn, bị làm cho vết thương không lành, rỉ máu, lở lói, quặt quẹo, lăn lóc trước cổng chùa hoặc trên đường phố.
 
Bạch Thượng tọa, trước đây, cảnh tượng như thế rất nhiều, đi lễ chùa phải “duyệt” qua những người ăn xin như thế, nhất là vào những dịp lễ vía, ngày tết thì rất đáng sợ. Có lần con thấy họ đánh nhau vỡ đầu, đổ máu vì chia tiền nhận bố thí không đều, làm ô uế cửa chùa. Nhưng bây giờ, như ở Tp.HCM, có lẽ, đã bớt hẳn hiện tượng đáng buồn đó.
 
Trả lời: Đó là do nhận thức xã hội và của phật tử chúng ta tiến bộ hơn. Cho nên người ta không còn đem vết thương và sự bẩn thỉu nhếch nhác ra để xin tiền nữa!
 
Trước đây người đi chùa cho tiền những kẻ ăn xin bằng thương tích, máu mủ, cùi hủi, lở lói đó, nên vô tình tập họp họ lại trước cửa chùa, như “chợ chim cá phóng sinh” bây giờ. Sau này do ít người cho tiền, hơn nữa còn xa lánh vì sợ lây nhiễm bệnh tật, nên những người như thế cũng bớt dần. 
 
Cái kiểu giả xỉu, giả ngất đó, có kẻ đóng kịch hay hơn cả nghệ sĩ; họ có thể trợn trắng, sùi bọt mép, lăn đùng ở ngã ba, ngã tư, bây giờ cũng ít thấy. Đó là vì báo chí nói quá, ai cũng sợ bị lừa, nên trẻ em bớt bị bắt đi đóng trò lường gạt đó, bớt đi những vết thương đầy máu mủ, do kẻ xấu cố tình tạo ra.
 
Thầy mong không còn cảnh chim nhốt trong lồng sống dở chết dở trước cửa chùa cũng là với tinh thần như thế. Nhưng cũng không có nghĩa là chúng ta cứ hãy dửng dưng trước mọi hoàn cảnh đau khổ vì sợ bị lừa gạt, làm tiền. Phải xem xét từng việc trong từng hoàn cảnh cụ thể, cụ thể về không gian, cụ thể về thời gian, trong mối quan hệ nhân duyên, trong cái nhìn toàn diện.
 
Như trường hợp phóng sinh con nai về rừng trong bài viết đạo hữu đã nói đến, thầy đồng ý. Nhưng chỉ trong trường hợp đó mà thôi. Không phải gặp nai là mua đem lên Đồng Nai, Bình Phước thả vào rừng…. Có gặp nai bị bắt làm thịt trong thành phố thì cũng chịu, thả ở đâu, vô rừng cao su thì làm sao nó sống, tránh khỏi bị bắt lại hay bị giết hại?
 
Vì vậy, phải có cái nhìn sáng suốt, không phải trốn tránh việc làm từ bi, nhưng phải có dũng khí nhìn vào sự thật, có khi đau lòng nhưng cũng đành chịu. Phóng sinh mà con vật không được sống, chỉ làm kẻ tà mạng có lợi, thì người có trí dứt khoát không làm.
 
Bạch Thượng tọa, mới đây con có thấy việc chính quyền khuyến khích thả cá bảy màu vào hồ non bộ, để ăn lăng quăng. Nghe nói thả cá thì có người rất đồng tình, nhưng nghe chi tiết thả cá kiểu đó có phật tử tránh đi.
 
Trả lời: Thế đạo hữu nghĩ sao? Có nên thả cá nuôi như thế để ăn lăng quăng trong hồ non bộ không?
 
Bạch Thượng tọa, con nghĩ là nên, vì cán bộ địa phương nói là vì đã có ca nhiễm sốt xuất huyết trong khu vực.
 
Trả lời: Đúng rồi, thả cá như vậy thì nên thả dù là nuôi nhốt. Còn cái kiểu đem cá ra giữa cầu đổ xuống từ độ cao cả mấy mét thì xin đừng. Vậy ta không nên cứng nhắc, chỉ nói chung chung là nên thả cá hay không nên thả cá, mà phải đi vào cụ thể, trả lời đủ 3 vấn đề thầy đã nêu ra là vì vậy.

Có những việc không phải phóng sinh, nhưng lại là phóng sinh. Trước khi kênh Tàu Hủ, kênh Nhiêu Lộc được cải tạo, xây kè đá, công viên, hầm lọc nước, đạo hữu có nghĩ rằng cá sống được không?

Bạch Thượng tọa, dạ không, vì nước bị ô nhiễm nặng, không phù hợp với cá. Nhưng nay nhờ môi trường cải thiện, tôm cá dưới kênh ở một vài đoạn có thể sống được.
 
Trả lời: Quà tặng môi trường là cơ hội phóng sinh lớn nhất, chứ không phải thả vài thau cá, vài lồng chim. Chúng ta cần thống nhất với nhau ở điểm này, làm sao cho người Phật tử đi đầu trong việc giữ gìn môi trường xanh sạch, hơn là chỉ nhìn vấn đề ở chỗ thả cá, thả chim. Phải nhìn thấy cuộc sống của sinh vật tồn tại trong không gian sống của nó; với chim chóc là cây cối xum xê, với tôm cá là sông rạch xanh sạch. Chứ không nên chỉ thấy vẻn vẹn cái lúc giải phóng con vật, mà không cần biết nó sống còn được hay không. 
 
Vấn đề tại sao “không nên phóng sinh” có lặp lại hàng trăm lần vẫn không thừa. Trong những kỳ sau, thầy sẽ nói đến việc phóng sinh gián tiếp qua việc bố thí, tạo tác, gìn giữ môi trường sống cho sinh vật.

Dạ, xin cảm ơn Thượng tọa đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn. Kính chúc Thượng tọa vạn an.

Cư sĩ Minh Thạnh thực hiện
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin