Chi tiết tin tức

Sửa Kinh không bằng hiểu Kinh và tu theo Kinh

16:47:00 - 06/12/2017
(PGNĐ) -  Ngày xưa chư Tổ của chúng ta chưa có chữ Quốc ngữ như ngày nay, chỉ đọc tụng và tu theo bản kinh chữ Hán mà đắc quả. Ngày nay bàn luận tùm lum, dịch ra tiếng Anh tiếng Việt cho rõ nghĩa, rồi nói rằng bản dịch của chư Tổ sai lầm cần dịch lại… mà chẳng thấy chứng quả Phật gì cả. Theo tôi, hiểu Kinh dù chỉ vài câu như Lục Tổ Huệ Năng mà quyết tâm tu hành, còn hơn luận bàn quá nhiều về Kinh và nhất là đòi sửa kinh. Một bà già quê mùa chú tâm niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” mà đời sống nhẹ nhàng, an tịnh, khi chết vãng sinh còn hơn phát hành cả trăm băng thuyết pháp mà lòng còn chứa đầy tham-sân-si.

Là kẻ hậu học, sơ cơ, tôi không đủ khả năng diễn giải Kinh, mà tôi chỉ cố gắng để hiểu Kinh, tu theo Kinh. Và tôi cũng không dựa theo bất cứ một sự diễn giải của ai và hiểu bằng số vốn Hán - Việt ít ỏi của mình. Và tôi đã “hiểu” Bát Nhã Tâm Kinh như dưới đây. Nếu có gì sai sót xin quý thiện tri thức sửa chữa, dạy bảo cho để có một hiểu biết hoàn hảo về một bộ Kinh rất quan trọng của Phật giáo.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Có điều lạ là, dù hiểu Kinh như bản văn dưới đây, khi đọc tụng thì tôi không đọc tụng bản văn này mà thích đọc tụng bằng bản văn bằng chữ Hán vì bản văn ấy gẫy gọn, xúc tích và cũng dễ hiểu. Chẳng hạn khi chúng ta nói, “Nhân chi sơ tính bổn thiện” hoặc “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Những câu nói này hoàn toàn là Hán Văn, nhưng ai cũng hiểu mà chẳng cần phải dịch ra Việt Văn, chẳng cần giải thích lôi thôi. Xin nhớ, tiếng Hán Việt đã trở thành ngôn ngữ Việt cả ngàn năm nay rồi. Nói thêm, như các danh từ “tổ tiên”, “quốc gia”, “chính phủ”, “nhân dân”, “đồng bào”, “mưu cầu”, “hạnh phúc”, “phồn vinh”…tất cả đều là tiếng Hán nhưng chẳng ai thắc mắc về nghĩa của nó, vì nó được Việt hóa thành Hán Việt từ lâu lắm rồi. Sự hiểu biết của tôi về Bát Nhã Tâm Kinh như sau:

 

Kinh Đại Trí Tuệ Giải Thoát
 

Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát hiểu sâu và thực hành theo Kinh Đại Trí Tuệ Giải Thoát thì thấy năm Uẩn đều không thực (*), cho nên qua khỏi mọi khổ đau, ách nàn.
 

Này Xá Lợi Phất, cái Có chẳng khác gì cái Không, cái Không chẳng khác gì cái Có; Có chính là Không, Không chính là Có; năm Uẩn như thân xác, cảm xúc, suy nghĩ , hành vi và ý thức cũng đều như vậy.
 

Này Xá Lợi Phất, vạn vật thực tướng của nó là Không, chẳng sinh ra và diệt mất, chẳng dơ chẳng sạch, chẳng tăng, chẳng giảm. Ngoài ra lại còn thấy trong cái Không, không có thân xác, không có cảm xúc, không có suy nghĩ, không có hành vi và ý thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức; không có màu sắc, âm thanh, mùi, vị, cảm xúc và vạn hữu; không có cái nhìn thấy, thậm chí không có những cái để suy nghĩ, không có sự u tối, không có cái u tối diệt mất; thậm chí không có già-chết, cũng không có cái già-chết diệt mất, không có cái Khổ, nguyên do của Khổ, không có chuyện diệt Khổ và đạo diệt Khổ, chẳng có trí tuệ, chẳng có chứng đắc và cũng chẳng có chỗ để chứng đắc. Hàng Bồ Tát tu tập theo Kinh Đại Trí Tuệ Giải Thoát lòng chẳng còn lo ngại, không lo ngại cho nên chẳng còn lo sợ, xa lìa tất cả những mộng tưởng điên đảo mà đạt tới Niết Bàn an vui tuyệt đối.
 

Ba đời Chư Phật hiện tại, quá khứ, vị lai tu theo Kinh Đại Trí Giải Thoát mà viên thành quả Phật.


Nên biết Kinh Đại Trí Giải Thoát là thần chú lớn, thần chú sáng suốt, không có thần chú nào cao hơn hoặc có thể sánh bằng, có thể diệt trừ mọi khổ đau, chân thật không hề hư dối. Thần chú huyền diệu và tóm gọn của Kinh Đại Trí Tuệ Giải Thoát như sau:


Yết-đế, ‘Yết-đế yết-đế, ba-la-yết- đế, ba-la-tăng yết-đế, Bồ-Đề Tát-bà-ha.

 

Nguyên bản Hán Văn của Bát Ma Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm Kinh như sau:
 

Quán-Tự-Tại Bồ-tát hành thâm Bát-Nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. 
 

Xá-Lợi-Tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. 
 

Xá-Lợi-Tử! Thị chư pháp không tướng, bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn-giới, nãi chí vô ý-thức- giới; vô vô-minh diệc, vô vô-minh tận, nãi chí vô lão-tử, diệc vô lão-tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí, diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát nhã Ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn. 
 

Tam thế chư Phật, y Bát-nhã Ba-la-mật-đa cố, đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu tam-bồ- đề. Cố tri Bát-nhã Ba-la-mật-đa, thị đại-thần-chú, thị đại-minh-chú, thị vô-thượng-chú, thị vô-đẳng-đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thực bất hư. 
 

Cố thuyết Bát-nhã Ba-la-mật-đa chú, tức thuyết chú viết: ‘Yết-đế yết đế, ba-la-yết- đế, ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề Tát-bà-ha’.

 

(*) Chữ “không” theo tôi hiểu đó là “không có thật”, “không hiện hữu” chứ không phải “trống rỗng” (emptyness) như Thầy Nhất Hạnh dịch. Không có thật hay không có chỉ về sự hiện hữu. Còn trống không chỉ về “không gian” hay sức chứa. Đạo Phật phủ nhận sự hiện hữu của vạn pháp (muôn loài) chứ không hề nói “vạn pháp vốn trống không” cho nên Lục Tổ Huệ Năng nói, “Bản lai vô nhất vật”. 

Ngoài ra, khi chúng ta nói, "Chuyện đó không có thật” tức “chuyện đó không hề có, không hề xảy ra”. Còn khi chúng ta nói, “Chuyện đó rỗng tuếch” tức chuyện đó có thật nhưng lạt như nước ốc, không đâu vào đâu cả. Trong Thiền Luận của Đại Sư Suzuki, ông đã nói rõ chữ Không của Phật giáo không liên hệ gì tới khoảng trời xanh/không gian trống rỗng kia. Ngoài ra khi chúng ta nói, “Căn nhà trống rỗng” tức có căn nhà, nhưng căn nhà không có đồ đạc gì cả. Còn khi chúng ta nói, “Căn nhà không có” tức chẳng có gì cả, căn nhà không hiện hữu. Đấy là cốt tủy và tinh hoa của đạo Phật khác với các tôn giáo khác “cái gì cũng có”. Chính vì vọng chấp “cái gì cũng có” cho nên theo Thập Nhị Nhân Duyên mà sinh ra khổ đau, luân hồi, sinh tử tương tục.
 

Khi chúng ta nói “Căn nhà này, của cải này có thật và là của tôi.” thì lòng sân - si bảo vệ của cải nổi lên và chúng ta có thể giết chết kẻ xâm phạm. Còn khi chúng ta nói,”Căn nhà này, của cải này không có thật thì Tâm chúng ta như - như bất động, có-không, được-mất cũng như nhau. Còn nếu nói “căn nhà này trống rỗng” tức đã có căn nhà, tôi đang làm chủ căn nhà đó và căn nhà không có người ở, không có đồ đạc cho nên nó trống rỗng.
 

Hơn thế nữa, một ý niệm nảy ra trong đầu óc chúng ta, nó không có hình thù, nó trống rỗng, nhưng nó đã hiện hữu, đã có. Như vậy trống không, rỗng rang không có nghĩa là Không - một thuật ngữ độc đáo của nhà Phật.
 

Như thế Ngũ uẩn giai không là không có cái gọi là ngũ uẩn hay ngũ uẩn không thực. Còn ngũ uẩn trống rỗng tức có cái gọi là ngũ uẩn nhưng nó trống rỗng. Hiểu như thế là hiểu sai Bát Nhã và hiểu sai luôn cả Phật giáo. Chính vì thế mà Bát Nhã Tâm Kinh phải hiểu bằng Tâm, bằng sự chứng ngộ chứ không thể bằng kiến thức hoặc sự thông minh.
 

Theo thiển kiến của tôi, bản văn Hán Tự của Bát Nhã Tâm Kinh mà chư Tổ dịch từ tiếng Pali là hoàn hảo. Đây là bản dịch của các vị có tài văn chương lỗi lạc và Phật học uyên bác, dịch bằng cả tấm lòng và cẩn trọng khi vâng lệnh Vua. Hậu học như chúng ta nên cố gắng tìm hiểu. Hiểu rồi thì tu theo và đừng bàn cãi lôi thôi gì nữa. Bàn cãi cả đời về kinh điển cũng chỉ là phàm phu. Tu, dù chỉ một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” cũng trở thành Thánh.
 

Cái lý ở thế gian này rất lạ là cái gì đã hoàn hảo thì đừng sờ mó vào. Thí dụ, viên bi đã tròn, nếu chúng ta sửa thêm một tí thôi thì nó sẽ thành méo. Kinh đã hoàn hảo rồi mà sửa đi một tí thôi tức phá hủy kinh. Tài năng và uy đức của chúng ta cỡ nào mà dám sửa Kinh?
 

Đào Văn Bình

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin