Chi tiết tin tức

Noel và "Merry Christmas"?

16:18:00 - 23/12/2016
(PGNĐ) -  Chỉ còn vài hôm nữa là đến ngày Noel của những người theo đạo Thiên Chúa, vừa là dịp chuẩn bị đón năm mới theo Tây lịch (lịch Dương) nên ở các nước phương Tây còn gọi là kỳ nghỉ, mùa nghỉ lễ. Tuần lễ này, với các doanh nghiệp thì đây là cơ hội để kích cầu tiêu dùng, quảng bá du lịch. Tóm lại, phong tục đó ở trời tây cũng có nét tương đồng với văn hóa nghỉ Tết Nguyên Đán ở Việt Nam.

Tôi theo đạo Phật, nhưng trong những ngày này tôi cùng chia sẻ niềm vui với những người bạn theo đạo Thiên Chúa giáo. Một số gia đình theo đạo Thiên Chúa mời tôi đến nhà chung vui với họ, tôi cũng luôn sẵn sàng. Tôi cũng thấy đẹp, khi mỗi các gia đình theo đạo Thiên Chúa có trang hoàng hang đá, với hình tượng tôn giáo và niềm tin của họ, ở trên đó luôn có câu "Merry Christmas” – nghĩa là mừng Chúa giáng sinh.

 

Nhưng tôi không hiểu sao, ngày lễ của riêng người theo đạo Thiên Chúa giáo đang bị xã hội và một số nơi a dua đến mức thật khó hiểu.

Gần đến dịp mừng năm mới, đi nhiều nơi đặc biệt là ở các cửa hàng, siêu thị, thậm chí là cả nơi vui chơi công cộng, cổng trường học, bệnh viện, khu chung cư, khu đô thị và thậm chí ở một vài nơi công sở hành chính Nhà nước có treo dòng chữ "Merry Christmas".

 

Tôi có một người bạn làm ở Tổ chức World Vision, dịp này bạn được nghỉ cả tuần gọi là nghỉ lễ và có rủ tôi là đi lễ nhà thờ và "Merry Christmas", tôi hỏi bạn theo đạo Thiên Chúa từ khi nào vậy?.

Bạn tôi cho biết, do tổ chức bạn làm việc là một tổ chức thiện nguyện của đạo Thiên chúa có nguồn gốc ở Châu Âu nên bạn đã có nhiều thông tin về đạo Thiên Chúa giáo. Kinh Tân ước và Cựu ước bạn cũng đã đọc kỹ, sau khi tìm hiểu về đạo Thiên Chúa, bạn đã không theo tôn giáo đó, vì nội dung quyển kinh sách đó chưa làm bạn thấy có sức hấp dẫn. 
 
Nhưng bạn lại hào hứng với Noel và "Merry Chsirtmas". Quả thật rất khó giải thích cho sự hợp lý?, người Việt vốn có tinh thần cởi mở và bao dung về tôn giáo nhưng cũng khá hời hợt về niềm tin, tính a dua hay hiệu ứng đám đông rất là khó hiểu. 
 
Trong những ngày này nếu đi ngoài đường, đặc biệt là ở các thành phố lớn, du khách nước ngoài sẽ ngỡ rằng đa số người dân Việt Nam theo đạo Thiên Chúa, vì cảnh sắc mừng Chúa giáng sinh còn trang hoàng lộng lẫy hơn cả những quốc gia như Philippin nơi có đến hơn 85% dân số theo đạo Thiên Chúa?!

 

Qua tìm hiểu thông tin, được biết ở Mỹ và các nước Phương Tây, không mấy ai treo các câu hiệu Merry Christmas như vậy tại trường học, bệnh viện, hoặc các nơi công cộng. Vì sao? Vì khi treo một câu hiệu mang tính tôn giáo như vậy sẽ rất dễ bị cộng đồng tôn giáo khác, hoặc những người vô thần khởi kiện; trừ những nơi công cộng mà ở đó có đến 100% người theo đạo Thiên Chúa thì việc treo các khẩu hiệu như vậy là "có thể". 

 

Ở các nước phương Tây bên cạnh cây thông và các cách trang trí phù hợp cho mùa lạnh là các câu chúc quen thuộc như "Season's Greetings; Happy Holidays" thì ở Việt Nam ta lại chúc "Mừng Chúa giáng sinh" của riêng người theo đạo Thiên chúa ở mọi lúc, mọi nơi kể cả những nơi như Trường học, Bệnh viện, các điểm vui chơi công cộng, và tại các khu chung cư...mà tôi có thể đảm bảo chắc có những khu chung cư không có đến một người nào theo đạo Thiên Chúa vẫn vô tư treo "Mừng Chúa giáng sinh". 
 
Trong những ngày này, tôi đã trực tiếp đến một số khách sạn 5 sao ở Hà Nội là những nơi đón khách nước ngoài và đa phần là khách phương Tây thì tuyệt nhiên không thấy có dòng chữ nào “Merry Christmas” mà chỉ có trang hoàng cây thông, đèn chiếu sáng và các câu "Season's Greetings"; "Happy Holidays" thay cho "Merry Christmas".

Ở nhưng nơi trang trọng đó, các nhà quản lý khách sạn đã có sự phân biệt rõ ràng giữa kỳ nghỉ đón mừng năm mới và ngày lễ riêng của tôn giáo.
Ảnh chụp ngày 15/12/2014 tại khách sạn Nikko Hà Nội tại 84 Trần Nhân Tông
Để rõ hơn ngày Noel cũng như ý nghĩa của ngày Halloween xin được dẫn lời của Gm.Phêrô Nguyễn Văn Khảm Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bài viết “Lễ hội thánh nhân và lễ hội ma quỷ”, Gm.Phêrô Nguyễn Văn Khảm viết: Nhắc lại nguồn gốc ngày lễ như thế để thấy rõ hơn xu hướng tục hóa trong thời hiện đại, tước đoạt nội dung tôn giáo và thay vào đó bằng nội dung phản tôn giáo.

 

Merry Christmas” là câu gì?

 
Mong rằng mỗi dịp Noel về với truyền thống bao dung và hòa đồng tôn giáo của người Việt, chúng ta chúc mừng niềm vui của những người theo đạo Thiên Chúa ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nhưng mỗi khi làm gì chúng ta phải hiểu. Xin đừng ở đâu cũng cứ “Merry Christmas” mà không hiểu rằng nhiều khi chúng ta đang xúc phạm niềm tin của người theo đạo Thiên Chúa giáo.
 
Để hình dung, chúng ta tưởng tưởng, ví như khi chúng ta thờ tổ tiên chúng ta ở nơi trang trọng theo truyền thống văn hóa Việt Nam là "Bàn thờ gia tiên ở gia đình", nhưng bỗng một ngày nào đó, do các lý do về thương mại, kích cầu tiêu dùng, sự trang trọng mà ta từng thờ kính lại được treo khắp nơi thành những câu vô bổ và mất đi tính thiêng liêng, liệu chúng ta có vui mừng không?

Trả lời câu hỏi đó, cũng dễ hiểu tâm trạng của một số người theo đạo Thiên Chúa, họ không thể vui mừng khi niềm tin của họ đã bị hiểu sai lạc đến mức rất "thế tục".

 

Chúng ta phải hiểu câu đó có nội dung gì và được treo và dùng ở đâu? Đó là ngày lễ của những người theo đạo Thiên Chúa giáo hay ngày lễ của văn hóa truyền thống dân tộc?

 

Câu "Merry Christmas" là câu hoàn toàn mang yếu tố tôn giáo, do vậy chỉ nên trang trí và treo câu đó khi bạn có niềm tin tôn giáo vào đạo Thiên Chúa giáo, không nên treo mà không hiểu gì về ý nghĩa của nó, như vậy gọi là a dua và sự hời hợt của người Việt.
 
 
Được biết, Bộ Giáo dục & Đào tạo có Quy định về việc cấm truyền đạo, rao giảng các yếu tố tôn giáo tại các trường học. Hầu hết các nước đều như vậy.
 
Trong khi đó, không hiểu vì sao các trường mầm non, trường tiểu học, và các cấp học của Ngành Giáo dục lại nhiệt tình tổ chức lễ Noel và "Mừng Chúa Giáng Sinh" thì là yếu tố gì?
 
Yếu tố tôn giáo, hay việc mừng chúa giáng sinh là ngày truyền thống của văn hóa dân tộc?

Có lẽ ngành Giáo dục, ngành Văn hóa đang lo mải miết làm việc gì đó trọng đại, còn những điều vi tế như đã nêu, không mấy ai quan tâm, và nếu có thì cũng coi là "chuyện nhỏ".

Một dân tộc tự hào với truyền thống văn hóa có bề dày lịch sử, các đường hướng phát triển văn hóa dân tộc đậm đà bản sắc cũng được nêu rất rõ trong tất cả những văn bản, chỉ thị, nghị quyết, nhưng tất cả là gì khi mà mỗi dịp Noel trẻ em vẫn cứ vô tư "Mừng Chùa Giáng Sinh" và vui chơi với ông già Noel diễn ra hằng năm tại các trường học, công sở do Nhà nước quản lý?

 

Ngoài ra cũng phải kể đến Truyền thông là thủ phạm lớn nhất khi cổ vũ sự a dua của hiệu ứng đám đông. Năm 2015, cuối Bản tin Thời sự VTV1 còn chúc tất cả quý vị một đêm Chúa giáng sinh vui vẻ và an lành. Rất nhiều tờ báo còn treo cả logo, statu mừng "Chúa giáng sinh"...
Chợt nghĩ truyền thông đang chạy theo điều gì, và không chỉ phong trào Noel, Halloween, ngày lễ tình nhân, ngày lễ tạ ơn....mà còn nhiều trào lưu mới được du nhập ồ ạt vào nước ta, có phần rất lớn của "truyền thông" đang làm cho một bộ phận giới trẻ sống theo sự hời hợt, a dua một cách lệch lạc, thiếu hiểu biết.
 

Noel và Mừng Chúa Giáng Sinh

 
Nhân dịp Chúa giáng sinh theo quan niệm của những người theo đạo Thiên Chúa, xin chúc các bạn theo đạo Thiên chúa đón một mùa giáng sinh ấm áp.

 

Chúc một năm mới sắp đến tràn đầy hạnh phúc.
 
Hoàng Hải Anh
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin