Chi tiết tin tức Thiền sư Nhất Hạnh và niềm trăn trở trong tôi 21:19:00 - 17/11/2014
(PGNĐ) - Trước cường quyền và sự bất trắc, Người vẫn bình thản và khoan hòa. Dòng sông Tăng thân làng Mai vẫn chảy, được rất nhiều Quốc gia – Dân tộc Âu, Á, Mỹ, Úc châu mở lòng ra đón mời và thụ dụng, để hóa giải những vấn nạn đang nhức nhối. Trong khi về đến Quê nhà thì lại bị chối từ. Phải chăng là một sự bạc phúc của dân Việt và trớ trêu của hoàn cảnh nước ta hiện nay?
Trong khoảng 40 năm nay, nếu nói đến chừng mươi nhân vật tiêu biểu Phật giáo Việt Nam và thế giới, dù theo bất kỳ phương diện nào, lập trường nào, người ta đều không thể không nhắc đến Thiền sư Nhất Hạnh – suối nguồn, niềm vinh hạnh, động lực, cột mốc sừng sững, khách quan của Phật giáo đương đại.
Rồi đây, người ta sẽ khai thác suối nguồn đó từ các phương diện Phật học, lịch sử, văn học, chính trị, xã hội, nhân văn, vv. Nhưng với tôi, hôm nay, khi hay tin, ở nơi Pháp quốc xa xôi, ở độ tuổi 88, tấm thân tứ đại già lão của Người đang rung rinh chao đảo – thì suối nguồn đó chỉ còn là lung linh mấy kỷ niệm với Người. Tôi thổ lộ ra đây với tâm thành cầu mong sự bình ổn sức khỏe của Người, cho dù vẫn chỉ là tạm thời, đang quay lại. Tôi tin là, với Người, tuổi này, và dù hơn nữa vẫn luôn là mùa xuân bất tận.
Vào những năm 1987 – 1994, khi còn đang là sinh viên và sau đó là nghiên cứu sinh tại trường đại học Tổng hợp Hà Nội, trong các tiểu luận, khóa luận, luận văn, luận án liên quan đến lịch sử Phật giáo Việt Nam, một tài liệu tham khảo mà tôi coi là quan trọng bậc nhất, không có không được, đó là bộ sách ba tập “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang. Nhưng điều làm cho tôi luôn trăn trở đó là, không biết gì về tác giả của bộ sách lừng danh đó, dù từ chính bộ sách, hay từ các kênh khác.
Điều này cũng dễ hiểu vì khi ấy, nơi ấy thông tin có thể tra cứu là hết sức hạn chế. Mấy ai biết học giả Nguyễn Lang chính là Thiền sư Thích Nhất Hạnh; mấy ai biết Thiền sư Thích Nhất Hạnh là ai; và nếu có biết chút ít thì cũng là thông tin đã bị khúc xạ, tam sao thất bản rồi; có chăng thì cũng chỉ là những lời dè dặt, thì thào như một sự cấm kỵ, như một nỗi sợ hãi xa xăm…
Tới nay, tôi cũng thấy rằng, sự day dứt được ấp ủ ấy cũng có cái hay. Nó tạo nên sự tò mò, kích thích tìm hiểu một cách đáng yêu. Và tình cảm xuyên suốt trong sự tò mò ấy là niềm kính ngưỡng vô bờ bến và lòng mong mỏi được gặp, được biết đầy đủ hơn về nhân vật kỳ vĩ đó.
Vào đầu những năm 2000, khi Internet đã khá phổ biến, điều kiện truy cập thông tin và tài liệu ngoài luồng chính thống đã trở nên tương đối dễ dàng, tôi lần lượt được tiếp cận với sách và tài liệu của Thiền sư Nhất Hạnh. Tuy nhiên, “Việt Nam Phật giáo sử luận” vẫn là dấu ấn lớn nhất, tinh khôi mang đến sự thành kính vô bờ bến trong tôi với người Thầy soi rọi đường vào lịch sử Phật giáo Việt Nam cho tôi.
Trước mùa xuân năm 2005 khi được tin thiền sư Nhất Hạnh sắp trở về Việt nam sau 40 năm trời cách biệt, cùng với những thông tin đồn đoán về sự kính trọng xen lẫn sự “sợ hãi”, kín kín hở hở, thăm dò, khen chê càng tạo nên sự tò mò rất lớn với tôi. Cầu được ước thấy, đầu xuân năm 2005, tôi được tham dự các buổi nói chuyện của thiền sư Nhất Hạnh tại nhà Rùa - Hồ Tây - Hà Nội cho các nhà khoa học Xã hội và Nhân văn với chủ đề Tuệ giác của đạo Phật và sự thờ cúng tổ tiên. Những câu hỏi của các nhà khoa học và lời đáp của Thiền sư ở đây làm cho tôi có một cảm xúc lẫn lộn, vừa xấu hổ vì sự nông cạn và ngây ngô của mình, vừa nức lòng vì chúng ta có một người Thầy “đẳng cấp” đến như thế.
Được trực tiếp nhìn thấy con người bằng xương bằng thịt, được trực tiếp nghe Người giảng, tôi càng thấy nếu trong đời này không được tiếp cận được hấp thụ suối nguồn thông tuệ đó thì là một điều bất hạnh, kém phúc duyên đối với bất kỳ ai, trong đó có tôi, khi có lòng kính ngưỡng Tam Bảo và yêu thương Tổ quốc của mình. Việc đầu tiên là tôi lược ghi lại các bài nói đó với một lòng thành kính sâu sắc rồi chụp thành nhiều bản tặng cho những người bạn thân thiết.
Có thể nói nhờ được tiếp xúc với thiền sư Nhất Hạnh mà tôi đã thêm quyết tâm cải tạo bản thân mình từ một người nghiên cứu Phật học thành một tín đồ Phật giáo. Về sau này tôi mới hiểu thêm rằng để hấp dẫn được những kẻ cương cường, “sở tri chướng” về mọi mặt trong xã hội, đạo Phật có hai thứ bảo bối miên trường đó là trí huệ siêu việt và đạo đức siêu phàm. Hai thứ đó để hội tụ ở một con người là vô cùng khó. Phúc thay cho loài người, điều đó may mắn còn có được ở một vài nhân vật hiếm hoi trong đó có Thiền sư Nhất Hạnh.
Lá thư Làng Mai số 29 sau đó có đăng 1 bức thư của Thiền sư gửi Chủ tịch nước đương thời Nguyễn Minh Triết. Trong đó có đề nghị Nhà nước dâng Casa tím và thỉnh Quốc sư đối với 5 Trưởng lão kỳ túc. Tới nay, tại thế chỉ còn có 2 bậc là Phổ Tuệ và Quảng Độ. Lá thư có thể đã bị rơi vào quên lãng. Nhưng với tôi, đây thực sự là một trí tuệ siêu việt, nhạy cảm, cẩm nang mà người ta đã không đủ bản lĩnh và phúc duyên để nắm lấy và mở ra. Lịch sử tuột khỏi tầm tay. Với tôi và rất nhiều người, chỉ lãnh hội được một phần, vậy nên mới có một nơi đi về, quy ngưỡng, đó là Đức Phổ Tuệ trăm tuổi hôm nay.
Mùa xuân năm 2007, khi dư âm chuyến hồi hương năm 2005 của Thiền sư còn đang dào dạt thì Người về nước lần II với ba trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan được mở ở ba miền Trung, Nam, Bắc. Hai trai đàn ở Nam và Trung được tôi theo dõi rất kỹ trên báp chí, riêng trai đàn ở Hà Nội thì tôi có điều kiện tiếp xúc toàn bộ từ khi Thiền sư đặt chân tới sân bay Nội Bài cho tới khi rời Hà Nội tới Hồng Kông. Trong dịp này tôi đã được gặp gỡ, hầu chuyện, tháp tùng, quay phim chụp ảnh ghi âm, viết bài tường thuật đầy đủ các sự kiện quan trọng trên Phattuvietnam.org (nay là Phattuvietnam.net).
Được tháp tùng cố Hòa thượng Thích Thanh Chỉnh, Thượng tọa Bảo Nghiêm, chư Tôn đức cùng hàng ngàn Phật tử ra sân bay Nội Bài đón Thiền sư, lòng chúng tôi chan chứa hy vọng về một ngày mai tươi sáng, hồn nhiên. Nhưng, sau đó một hôm thì đến chùa Quán Sứ lễ Phật và chào xã giao cố Hòa thượng Thích Thanh Tứ. Được trực tiếp nghe những lời chào hỏi, giao đãi nơi đây, tôi mới hiểu thêm 2 câu Kiều: “Trong khi chắp cánh liền cành // mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”. Điều này cũng dễ hiểu vì trình độ, cách tiếp cận, thiện chí, tâm thế và mục tiêu của các bên khác và xa nhau quá. Và mọi chuyện được coi là tạm qua đi.
Đại lễ Vesak 2008 tôi được gặp lại Thiền sư tại Hà Nội. Tăng thân Làng Mai vẫn như một dòng sông, êm đềm và tươi mát, mang đến cho Đại lễ sự thanh tịnh, trang nghiêm và bình an. Nhưng bên trong sự kiện đó ai biết đâu đang có sóng ngầm đe dọa. Có nước lớn do không ưa Người nên đã tìm cách ngăn trở. Vì vậy, có nhiều người sợ liên lụy nên đã khuất thân, làm phiền Người.
Thiền sư vẫn về, ngồi nơi ấy, vững chãi, thảnh thơi. Tuy nhiên, là người tu Phật, là con dân Việt, Người đã vẫn nói thẳng, đề nghị thẳng bằng ngôn từ hòa ái, mong mỏi góp phần chấn hưng dân tộc và an lạc nhân dân. Người ta đã không đủ tâm, đủ tầm và bản lĩnh để đón nhận nguồn suối tươi mát đó. Chỉ có Nhân dân và Dân tộc ta là thiệt thòi, giống như “kẻ cùng tử” trong kinh Pháp Hoa vậy.
Rồi sau đó, những đề nghị chân thành, thẳng thật của Thiền sư có thể đã là cớ để ai đó tạo dựng nên những bê bối trong tu viện Bát Nhã - Lâm Đồng, cùng với sự “xa mặt cách lòng” đã là một ngăn cách để sáu năm qua Thiền sư không quay về Tổ quốc của mình.
Tuy nhiên, trong sâu thẳm, nơi đất Mẹ, dòng sông ấy vẫn chảy, vẫn tưới tẩm, nuôi dưỡng những mầm chồi, Phật tính. Dấu ấn, sự ảnh hưởng và nguồn sống của Thiền sư tại Việt Nam vẫn luôn tươi mới. Ước mong sao, một ngày không xa, Người cùng dòng sông Tăng thân ấy lại quay về. “Hoa tàn mà lại thêm tươi // Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.” !
Hương Quang niệm Phật đường - Làng A Di Đà. Bình Hưng - Bình Chánh - TP HCM. Đêm 16/11/2014
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |