Chi tiết tin tức Triết lý Phật giáo là phương pháp để bảo vệ môi trường 18:58:00 - 18/04/2023
(PGNĐ) - Theo Đức Phật, vạn vật đều do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) và duyên khởi mà sinh ra và tồn tại bình đẳng. Từ quan niệm về mối quan hệ này mà Đức Phật khuyên con người đối xử với thiên nhiên bình đẳng như con người với con người.
Môi trường là nơi che chở và bảo bọc cho sự sống của chúng ta nhưng đang bị chính chúng ta tàn phá mỗi ngày. Hậu quả là sự nóng lên của Trái Đất, sóng thần, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, xâm nhập mặn,… xảy ra liên tục trên phạm vi rộng lớn. Những thảm họa đó không chỉ đẩy con người rơi vào cảnh không nhà không cửa, không lương thực, nước uống mà còn cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người. Các thảm họa đã và đang xảy ra bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do con người. Theo Đức Phật, vạn vật đều do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) và duyên khởi mà sinh ra và tồn tại bình đẳng. Từ quan niệm về mối quan hệ này mà Đức Phật khuyên con người đối xử với thiên nhiên bình đẳng như con người với con người. Học thuyết và giáo lý của Đức Phật tạo ra một lối sống thân thiện với môi trường, đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Ngày nay, khi nghiên cứu về khủng hoảng môi trường thế giới do khai thác tài nguyên quá mức và kinh tế bấp bênh, người ta lại tìm thấy những điểm hợp lý, có giá trị tích cực từ giáo lý và lối sống của Phật giáo. QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO VỀ MÔI TRƯỜNG Trong lịch sử nhân loại, những thánh nhân thường yêu thương con người và thiên nhiên, nhưng yêu thiên nhiên, sống hòa nhập với thiên nhiên như Đức Phật là một trường hợp hy hữu. Những nơi ngài đã từng đi qua và dừng lại để an trú, thuyết pháp, ngài vẫn luôn có một cách ứng xử đầy yêu thương và tôn trọng. Cuộc đời Đức Phật từ lúc đản sanh cho đến lúc nhập Niết Bàn là minh chứng xác thực cho một đời sống gần gũi với thiên nhiên và cỏ cây: Ngài sinh ra dưới gốc Vô Ưu vào mùa trăng tròn. Ngài thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề trong rừng sâu bên dòng sông Ni Liên Thuyền cũng trong một mùa trăng tròn. Ngài thuyết bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển và từ giã thế gian cũng tại khu rừng dưới hai cội Sa La đại thọ. Trong quá trình hoằng hóa độ sinh, Ngài chỉ sử dụng đôi chân của mình và nghỉ ngơi dưới những gốc cây. Cuộc sống của Ngài gắn liền với thiên nhiên như vậy, nên Ngài luôn có thái độ yêu mến và trân trọng thiên nhiên. Điều khiến chúng ta ngạc nhiên hơn nữa là Ngài đã từng nhiều lần tuyên bố cỏ cây cũng có cuộc sống của riêng nó. Ngài tỏ thái độ của mình bằng cách tôn trọng sự sống của thiên nhiên mà trong các luật chế ra cho các hàng đệ tử xuất gia, Ngài đã cấm đệ tử của mình tàn hại đến cỏ cây, làm dơ bẩn nguồn nước. Sự hiểu biết của Đức Phật cũng thật sự vô cùng phong phú, khi mỗi mùa an cư kiết hạ, Ngài yêu cầu Tăng đoàn tìm chỗ an cư thích hợp để tránh việc vô tình giết hại chúng sinh. Có thể thấy, Phật giáo là một tôn giáo gắn chặt với việc bảo vệ môi trường, điều đó được thể hiện ở việc tôn trọng sự sống, yêu mến tự nhiên và đề cao bình đẳng giữa các loài. Thái độ của Phật giáo đối với môi trường là một sự trân trọng và gần gũi. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra hiện nay, Phật giáo cho rằng đó là do nghiệp (hành động) mà ra. Hành vi thô bạo của con người tác động vào tự nhiên trái với quy luật dẫn đến con người đang phải gánh chịu những hậu quả từ ô nhiễm môi trường và thiên tai. Các hậu quả đó là quả báo mang tính tất nhiên. Từ đó khuyên con người đối xử với tự nhiên một cách trân trọng, phải có ý thức khắc phục và sửa đổi để môi trường phục hồi và trở nên tốt hơn. Việc khắc phục tình trạng đó không phải là công việc của cá nhân mà nó là công việc của cả cộng đồng trên toàn thế giới. Để góp phần bảo vệ môi trường, Phật giáo luôn chủ trương giáo dục để mọi người biết yêu quý môi trường. PHƯƠNG PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG DỰA TRÊN TRIẾT LÝ PHẬT GIÁO Nói đến Đạo Phật, có người liên tưởng ngay đến một tôn giáo chú trọng đến việc tu hành giải thoát hoặc nghĩ đến một tôn giáo chỉ chú trọng đến từ bi hỷ xả. Thế nhưng khi tìm hiểu mối liên hệ sâu xa và những ảnh hưởng tích cực từ Đạo Phật đến đời sống con người, chúng ta mới vỡ lẽ Đạo Phật lại có mối liên hệ mật thiết đến việc bảo tồn hệ sinh thái và cải thiện môi trường hiệu quả nhất. Bảo vệ môi trường qua giáo lý duyên khởi Do chưa nhận thức được bản chất của duyên khởi và hành động không đúng theo quy luật của tự nhiên, nên con người gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, làm thay đổi cuộc sống chính mình. Thuyết Duyên khởi của Phật giáo cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau. Đức Phật từng dạy rằng: Do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này diệt nên cái kia diệt. Duyên khởi là giáo lý cơ bản để giải thích sự hiện hữu, mối quan hệ nhân quả của mọi sự vật hiện tượng trên thế giới. Như vậy, thuyết Duyên khởi của Phật giáo đã đem lại những chân lý giá trị đối với môi trường tự nhiên. Nếu chính chúng ta làm tổn thương đến những chúng sinh khác trong vũ trụ hay môi trường tự nhiên cũng có nghĩa là chính chúng ta tự làm tổn thương cho chúng ta. Vì vậy, bảo vệ môi trường qua giáo lý Duyên khởi chính là nâng cao nhận thức của con người về quy luật tự nhiên, giúp con người thay đổi quan niệm, thái độ sống, tạo nên sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Bảo vệ môi trường qua sự trì giới (thực hành các nguyên tắc đạo đức) Giới là nguyên tắc để trau dồi đạo đức, hoàn thiện nhân cách, giúp con người tăng trưởng định lực phát huy trí huệ. Bên cạnh đó còn có tác dụng bảo vệ môi trường thiên nhiên một cách tích cực. Nguyên tắc đầu tiên là không sát sinh, tức là tôn trọng sự sống của con người cũng như tất cả chúng sinh, là nguyên tắc liên hệ trực tiếp đến môi trường. Đức Phật nhằm giáo hóa hàng đệ tử thực hành giáo lý từ bi nhưng cũng là trở về với quy luật tự nhiên, hạn chế can thiệp vào tự nhiên để thỏa mãn mục đích của mình. “Tỳ kheo từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến tất cả hạnh phúc của chúng sanh và loài hữu tình [1]. Luật Ma-ha Tăng kỳ Phật dạy: “Nếu Tỳ kheo cố ý cướp đoạt sinh mạng của súc sanh thì phạm Ba-dật-đề” [2]. Đây là một trong những điều giới căn bản của người xuất gia góp phần bảo vệ môi trường. Mọi người cùng ăn chay, từ bỏ sát hại sinh vật để làm thức ăn, thực hành phóng sinh, những việc làm ấy sẽ không góp phần hủy diệt cây rừng, ô nhiễm không khí, nguồn nước. Đồng thời cũng không góp phần tạo nên sự nóng lên của Trái Đất, biến đổi khí hậu trên thế giới. Bảo vệ môi trường sự tu tập tâm từ bi Đức Phật dạy chúng ta phải sống và thực hành tâm từ bi và không gây hại cho môi trường, ứng xử thân thiện với môi trường góp phần giữ cho môi trường trong lành. Kinh Tập đã diễn đạt những cảm xúc của Đức Phật: Mong tất cả những ai, Hữu tình có mạng sống, Kẻ yếu hay kẻ mạnh, Không bỏ sót một ai, Kẻ dài hay kẻ lớn, Trung thấp, loài lớn, nhỏ. Loài được thấy, không thấy, Loài sống xa, không xa, Các loài hiện đang sống, Các loài sẽ được sanh, Mong mọi loài chúng sanh, Sống hạnh phúc an lạc. [3] Tu tập lòng từ là chúng ta thương yêu, bảo vệ chúng sinh, xây dựng thế giới cộng sinh, yêu hòa bình và bảo vệ môi trường sạch đẹp. Lòng từ bi là một liều thuốc khắc phục tận gốc tâm sân hận, oán thù trong mỗi con người. Nhờ đó, chúng ta biết yêu quý đồng loại, bảo vệ muôn thú và giới tự nhiên, giúp mọi loài sống hòa đồng trong môi trường sinh thái bền vững. Bảo vệ môi trường qua sự thực hành thiểu dục tri túc Theo giáo lý Đạo Phật, thiểu dục nghĩa là ít muốn; tri túc nghĩa là biết đủ. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, giới hạnh, là hệ quả của tri thức sâu xa bắt nguồn từ sự chứng ngộ của Đức Phật. Đức Phật dạy, cần bằng lòng với những nhu cầu cơ bản, giảm thiểu các ham muốn và tiết kiệm để có một đời sống trung đạo, tránh xa hai cực đoan đam mê trong dục lạc và ép xác khổ hạnh. Pháp thiểu dục tri túc giúp con người đoạn trừ lòng tham, mưu sinh bất chính, tránh những nhu cầu không cần thiết trong cuộc sống và hài lòng với những gì đang có. Điều này góp phần không nhỏ vào việc hạn chế lạm dụng và khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên. Quan niệm sống của nhà Phật rõ ràng đã giúp con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường sống, hài hòa giữa danh lợi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm; tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắn dẫn tới tuyệt chủng; nhờ đó tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên, khí hậu như: bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,… đang đe dọa cuộc sống của chúng ta. Bảo vệ môi trường thông qua sự thanh lọc tâm (thực hành thiền định) Môi trường bên ngoài ô nhiễm nặng nề cũng chính vì môi trường trong tâm con người ô nhiễm trầm trọng. Cho nên, quan điểm của Phật giáo đối với việc bảo vệ môi trường thiên nhiên chính là mang yếu tố giáo dục nhằm thay đổi cách sống và cách nhận thức của con người. Tâm là yếu tố chủ đạo, dẫn dắt hành vi của con người. Khi ngọn lửa tham dục bùng lên có thể thiêu đốt tất cả, làm cho con người trở nên mê muội, điên đảo và gây ra những đau khổ cho bản thân, làm hại đến người khác và môi trường xung quanh. Nhưng khi tâm thanh tịnh thì hành động cũng được thanh tịnh. Thiền là phương pháp luyện tâm, giữ cho tâm bình yên, giúp cho con người nhìn nhận thấu đáo vấn đề và đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Đây chính là con đường phát triển nhận thức đạt đến mức độ cao nhất, là phương thức để thiết lập hạnh phúc và giải quyết mọi khổ đau trong đời sống hiện tại và tương lai. Bằng việc thực tập thiền chánh niệm, chúng ta sẽ làm chủ tư duy, lời nói là và hành động của mình. Tu tập thiền, thanh lọc tâm, tạo ra nguồn năng lượng trong sạch chuyển hóa tham, sân, si, tránh xa khỏi những điều nhiễm ô, những hành động tiêu cực; sống hòa mình vào thiên nhiên, thân thiện với môi trường, góp phần tạo ra một môi trường trong lành cho bản thân và cộng đồng. Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo, đưa đến bất lợi lớn, này các Tỳ kheo, như tâm không được điều phục, không được hộ trì, không được phòng hộ, không được bảo vệ. Tâm không được điều phục, không được hộ trì, không được phòng hộ, không được bảo vệ, này các Tỳ kheo, đưa đến bất lợi lớn” [4]. KẾT LUẬN Trong giáo lý, kinh sách của Phật giáo luôn tiềm ẩn những tư tưởng, những bài học sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường sống. Có thể thấy, Phật giáo là một tôn giáo đã đem đến cho nhân loại những phương pháp sống đẹp, sống thiện và sống hướng thượng. Đức Phật đã để lại những giáo lý vô cùng có giá trị về nghệ thuật ứng xử với môi trường tự nhiên để sống hòa đồng với thế giới tự nhiên. Những giáo lý của Phật giáo là phương pháp để con người vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo cho cuộc sống theo tinh thần lấy phấn hoa của loài ong. Nó chỉ lấy phấn hoa mà không làm hại hương thơm và vẻ đẹp của hoa.
Trịnh Kim Diệu/TCVHPG407Chú thích: [1] Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Trường bộ, tập 1, Kinh Sa-môn quả, VNCPHVN, TP HCM, tr.122. [2] Thích Phước Sơn (Việt dịch, 2011), Luật Ma-ha Tăng kỳ, tập 2, Giới sát hại sinh vật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. [3] Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tập, chương một: Phẩm Rắn, VNCPHVN, TP HCM, tr.507 – 508. [4] Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng chi bộ, tập 1, chương Một Pháp, VNCPHVN, TP HCM, tr.20.
Tài liệu tham khảo: 1. HT. Thích Huệ Thông, Đạo Phật và môi trường, https://phatgiao.org.vn/dao-phat-va-moi-truong-d44596.html#. 2. Phạm Thanh Hằng, Bảo vệ môi trường từ góc nhìn Phật giáo, https://baotainguyenmoitruong.vn/bao-ve-moi-truong-tu-goc-nhin-phat-giao-335597.html. 3. Thích Nhật Từ (biên tập, 2019), Quan điểm Phật giáo về cách mạng công nghiệp 4.0 & môi trường bền vững, Nxb. Tôn giáo. 4. Võ Văn Dũng – Võ Thị Hồng Thắm, Vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường, https://tapchinghiencuuphathoc.vn/vai-tro-cua-phat-giao-trong-viec-bao-ve-moi-truong.html.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |