Chi tiết tin tức Nietzsche và ba cuộc hóa thân của Bồ-tát 22:08:00 - 17/09/2015
(PGNĐ) - Một trong những điểm đặc sắc nhất của “Zarathustra đã nói như thế” là sự chuyển hóa vĩ đại về tinh thần của một hành giả trên con đường giải thoát, mà Nietzsche hình tượng hóa bằng ba cuộc hóa thân: Từ tinh thần biến thành lạc đà, từ lạc đà biến thành sư tử và từ sư tử biến thành trẻ thơ.
Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900), nhà triết học lớn của nước Đức, người được gán cho danh hiệu ông tổ của triết học hiện sinh vô thần (song song với Nietzsche có Kierkegaard – ông tổ triết học hiện sinh hữu thần). Tư tưởng triết học của Nietzsche có thể nói nằm gọn trong tác phẩm “Zarathustra đã nói như thế”. Trong đó, ông mượn Zarathustra, một nhân vật huyền thoại trong sử thi Ba Tư để nói lên những thực chứng của bản thân. Mặc dù ông chịu ảnh hưởng của Phật giáo từ bậc tiền bối Schopenhauer (1788-1860), nhưng ông cũng có cái riêng của mình để phân biệt những chặng đường triết học của bộ ba Kant, Schopenhauer và Nietzsche. Một trong những điểm đặc sắc nhất của “Zarathustra đã nói như thế” là sự chuyển hóa vĩ đại về tinh thần của một hành giả trên con đường giải thoát, mà Nietzsche hình tượng hóa bằng ba cuộc hóa thân: Từ tinh thần biến thành lạc đà, từ lạc đà biến thành sư tử và từ sư tử biến thành trẻ thơ. Nietzsche đã viết: “… Có rất nhiều gánh nặng đối với tinh thần, đối với tinh thần dũng mãnh kiên trì được sự tôn kính khích động: dũng lực của tinh thần ấy đòi hỏi những gánh nặng nặng nề nhất. Có cái gì nặng nề đâu? Tinh thần can đảm cất tiếng hỏi như thế; rồi nó quỳ gối như con lạc đà và muốn người ta chất thật nặng lên lưng mình”. “… Tinh thần dũng mãnh nhận lãnh tất cả những gánh nặng đó: như con lạc đà vừa được chất hàng xong, vội vã lên đường về sa mạc, tinh thần dũng mãnh cũng vội vã về với sa mạc của đời mình như thế. Nhưng giữa lòng sa mạc hoang liêu cô độc nhất đã thành tựu cuộc hóa thân thứ nhì: ở đây tinh thần biến thành sư tử, tinh thần muốn chinh phục tự do và làm chủ sa mạc riêng của mình”. “… Nhưng hỡi các anh em, hãy nói ta nghe, đứa trẻ thơ có thể làm điều gì mà con mãnh sư đã không thể làm được? Tại sao con mãnh sư dữ tợn phải biến thành trẻ thơ? Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng, một sự tái khởi miên viễn, một trò chơi, một bánh xe quay vòng quanh mình, một vận chuyển đầu tiên, một tiếng ‘Vâng’ linh thánh”1. Câu chuyện về hóa thân của Nietzsche làm chúng ta liên tưởng đến hành trình vi diệu của một hành giả Phật giáo từ lúc phát tâm xuất gia đến khi chứng ngộ Bồ-tát đạo. Tâm kẻ sơ cơ xuất gia cũng giống như tinh thần biến thành chú lạc đà khổ ách. Tâm đầy ắp tạp niệm, lại cố chất thêm vào những bài học giáo lý ban đầu dành cho kẻ học Tăng. Giai đoạn lắng nghe và tỏ ngộ giáo lý của một hành giả không khác chú lạc đà cố gắng chất chứa thật nhiều hành lý trên cái lưng gầy gò của mình rồi dũng mãnh bước vào sa mạc. Ở đó có cát nóng, có bão táp, có sương sa nhưng cũng không thiếu những ốc đảo xinh tươi, không thiếu những đêm trăng thanh và vũ trụ đầy sao trời lấp lánh như những nàng tiên cười cợt gợi tình. Đó là quả vị Thanh văn, quả vị ban đầu của bậc A-la- hán, nhờ lắng nghe và học hỏi mà thành tựu. Nếu Nietzsche mượn hình ảnh chú lạc đà băng mình vào sa mạc mênh mông thì Đức Phật trong kinh “Ưu- bà-tắc giới” đã lấy hình ảnh chú thỏ vượt sông Hằng để ví dụ cho quả vị Thanh văn. Sông Hằng tượng trưng cho giáo lý Thập nhị nhân duyên. Thỏ bơi qua sông Hằng chân không thể chạm đáy sông, như hành giả chứng quả vị Thanh văn nhờ sự cầu học chứ chưa thể chạm đến những trải nghiệm về sự sinh khởi và hoại diệt của các pháp. Ở cuộc hóa thân thứ hai, lạc đà biến thành sư tử. Đó là khi lạc đà nhận thức được mớ hành lý nặng nề trên lưng kia chỉ làm làm cản trở bước tiến mình, nên nó quyết định vứt bỏ. Lạc đà thong dong tự tại trong sa mạc cát vàng mênh mông. Phong thái vô ngại của nó như một con mãnh sư. Nó hiểu mình có thể vươn vai hóa thành mãnh sư ngay lúc này đây. Từ đây, cuộc hóa thân bắt đầu bằng sự buông xả, bằng tinh thần vô niệm và bằng sự suy tư chín muồi về vòng tuần hoàn mười hai nhân duyên của vạn pháp. Đó là con đường Duyên giác thừa. Cũng trong kinh “Ưu-bà-tắc giới”, Phật giảng rõ ràng quả vị Duyên giác có được là do hành giả tư duy và thấu hiểu được lý Duyên sanh. Đức Phật đã mượn hình ảnh con ngựa vượt qua sông Hằng đến bờ bên kia. Vì chân nó không đủ dài nên có lúc chạm được đáy sông, có lúc lại không. Đó là sự tư duy lúc cạn, lúc sâu của hành giả đi trên con đường Duyên giác. Nhưng họ vẫn có thể chứng ngộ được, dù thời điểm đó không có Phật ra đời. Cuộc hóa thân thứ ba, Nietzsche rất có lý khi mượn hình ảnh của đứa trẻ thơ để làm đích đến cho mãnh sư. Mãnh sư hung tợn, còn trẻ thơ thì hồn nhiên. Nhưng mãnh sư vẫn có thể biến thành trẻ thơ vì tận cùng của sự hung tợn chính là sự hồn nhiên trong trong sáng. Ở điểm này có thể Nietzsche đã đến gần với cái nhìn của những truyền thống giác ngộ xa xưa. Trong Phúc âm, Jésus đã khuyên mọi người hãy sống với tinh thần trẻ thơ để có thể bước qua cánh cổng Thiên đàng. Trong Đạo Đức kinh, Lão Tử đã tự ví mình như đứa trẻ thơ chưa biết cười, đi không biết chỗ về. Và trong Kinh Đại Bát Niết-bàn, Đức Phật cũng ví Bồ-tát hạnh như Anh nhi hạnh. Cuộc hóa thân thứ ba này không chút dễ dàng nên Nietzsche đã không nói đến con đường nào để sư tử biến thành trẻ thơ; nhưng Đức Phật đã chỉ rõ con đường Lục độ Ba-la-mật là phương tiện thiện xảo để hành giả từ Duyên giác thừa tiến lên Bồ-tát thừa. Đức Phật đã mượn hình ảnh loài hương tượng, một loài voi chân dài có thể lặn sâu trong nước để ví dụ cho cách mà một hành giả có thể đến với Bồ-tát đạo. Loài hương tượng khi vượt sông Hằng, chân nó luôn bám sát đáy sông nên nó có thể qua bờ kia một cách hoàn hảo, như một hành giả do dốc lòng thực hành Lục độ Ba-la-mật mà dứt trừ được tập khí và thành tựu viên mãn Bồ-tát đạo. “Thiện nam tử! Như ba con thú: thỏ, ngựa và hương tượng, lội qua sông Hằng. Chân thỏ không chạm đến đáy sông, nổi trên mặt nước mà bơi qua. Chân ngựa thì có lúc chạm đến đáy sông, có lúc không chạm. Chân hương tượng thì lúc nào cũng chạm đến đáy sông. Ở đây, sông Hằng tượng trưng dòng sông mười hai nhân duyên. Khi hàng Thanh văn vượt qua dòng sông mười hai nhân duyên, cũng giống như thỏ qua sông; khi hàng Duyên giác vượt qua, cũng giống như ngựa qua sông; khi Đức Như Lai vượt qua, cũng giống như loài hương tượng qua sông. Vì thế Đức Như Lai được gọi là Phật. Thanh văn, Duyên giác tuy đoạn phiền não, nhưng chưa đoạn tập khí. Còn Đức Như Lai đã nhổ tận gốc của tất cả phiền não và tập khí, nên gọi là Phật”2. Hình ảnh Bồ-tát đạo là hình ảnh của Địa Tạng Vương, Quán Thế Âm, Bố Đại Hòa Thượng, Tế Điên Tăng,… Tất cả đều toát lên sự vô tâm trong hành trình thực hiện tinh thần Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ. Ba cuộc hóa thân của một hành giả đi từ Thanh văn lên quả vị Bồ-tát là hành trình tất yếu của một con người tu chứng. Đạo Phật gọi là Bồ-tát. Nietzsche gọi là Siêu Nhân. Zarathustra là một Bồ-tát, một Siêu Nhân, một người chứng ngộ. Triết học Nietzsche là Triết học vô thần. Ông đã có tuyên ngôn nổi tiếng: “Gott ist tot !” (Thượng đế đã chết!). Thực ra đây cũng chỉ là cách nói để giải phóng con người ra khỏi gánh nặng của những giáo điều, những lời răn, những tiên tri đầy ắp sự đe dọa và trừng phạt. Khi con người được giải phóng khỏi ý niệm Thượng đế – cũng giống như con lạc đà trút khỏi gánh nặng trên lưng – sẽ tự do bay nhảy và tiến hóa theo hành trình tự nhiên để bước vào con đường giải thoát. Ba cuộc hóa thân của Nietzsche không khác tam thừa Phật giáo. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay một cách nói khác của trào lưu Phật học phương Tây? Nhưng dù gì đi nữa, dù Đông hay Tây, chân lý vẫn chỉ là Một. Biết đâu Nietzsche lại chẳng rất gần với những hóa thân của Mã Minh hay Long Thọ?■
PHAN CÁT TƯỜNG Chú thích:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |