Chi tiết tin tức

Sản xuất niềm vui

10:27:00 - 30/04/2016
(PGNĐ) -  Quan trọng nhất, ngay bây giờ ta nên làm gì để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt hơn, vui hơn, bớt khổ đau hơn?

Chúng ta đã học rất nhiều, hiểu rất nhiều, biết rất nhiều…, nhưng những thứ quan trọng, liên quan mật thiết đến đời sống, ảnh hưởng lớn đến sự an vui hạnh phúc hay khổ đau của chính chúng ta thì hình
như chúng ta ít xem trọng. Cái gì thật sự cần thiết giúp chúng ta sống tốt? Hằng ngày ta nên làm gì để cuộc sống được vui vẻ hạnh phúc? Vì sao ta sống trong lo âu buồn khổ? Điều gì khiến đời ta bực bội bất an? Cái gì làm nên giá trị thật của bản thân ta? Cái gì là động lực để ta nỗ lực vươn lên sống tốt? Quan trọng nhất, ngay bây giờ ta nên làm gì để cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt hơn, vui hơn, bớt khổ đau hơn?

Phải chăng, hằng ngày chúng ta học cách chỉ gieo “hạt giống tốt” vào “mảnh đất tâm” của chúng ta, nghĩa là chỉ nghe những điều tốt đẹp, chỉ đọc những thứ có nội dung tích cực, chỉ nói những điều tốt đẹp, hướng suy nghĩ vào những điều thiện, điều tốt. Khi nghe những điều không tốt, suy nghĩ những điều xấu, thấy những việc không hay, chúng ta ý thức rõ ràng, những thứ này đem lại đau khổ cho ta, cho người khác, nên ta không tiếp nhận vào tâm ta thì chúng ta sẽ luôn vui vẻ bình an và hạnh phúc
Chúng ta buồn rầu, lo lắng, bất an, căng thẳng nhiều là do chúng ta chạy theo những thứ không thật sự cần thiết cho cuộc sống của chúng ta. Mỗi người hãy tĩnh tâm suy nghĩ cái gì thật sự cần thiết giúp cuộc sống của mình được vui vẻ, bình an. Ai suy nghĩ thấu đáo điều này, cuộc sống của người đó ngày càng tuyệt vời hơn. Có khi nào ta tự hỏi: Khi nào niềm vui đến, ta không biết; khi nào nỗi buồn đến, ta cũng không biết? Niềm vui đến, ta muốn nó “ở lại chơi” với ta thêm một chút cũng không được; ta muốn nỗi buồn qua mau, nhưng nó cứ thích ở lại gặm nhấm ta, làm ta khổ đau mà ta đành bất lực… Vì thấy ai ai cũng phải chịu như vậy nên ta cũng xem như vậy là chuyện bình thường! Thật ra, chỉ cần ta hiểu được bản chất và quy luật vận hành, diễn tiến và hủy diệt của cảm xúc trong ta, thì trong chừng mực nhất định, chúng ta có khả năng làm chủ tự tạo được niềm vui cho mình, chuyển hướng và tạm biệt nỗi buồn… Tức là ta hoàn toàn có khả năng thiết lập một cuộc sống rất vui vẻ an lạc khi ta học được những cách “sản xuất niềm vui – tạm biệt nỗi buồn” mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta. Chúng ta có thể áp dụng một số cách sau đây:

Cách 1:
Ta hiểu rõ, buồn hay vui là do chính tâm ta cảm nhận. Buồn và vui là hai trạng thái cảm xúc thường xuyên thay đổi đan xen lẫn nhau, vui đó rồi buồn đó, có lúc vừa vui vừa buồn. Vì vậy ta có khả năng chuyển hướng cảm xúc từ buồn thành vui. Hầu hết niềm vui, nỗi buồn của ta bị hoàn cảnh bên ngoài tác động, thuận ý mình thì vui vẻ, nghịch ý mình thì buồn tức giận hờn. Hiểu như vậy, nên khi gặp nghịch cảnh trái ý buồn phiền, ngay lúc đó, ta chủ động chuyển hướng tâm ta vào những đối tượng hoan hỷ. Nghĩa là chuyển hướng suy nghĩ, chuyển hướng cảm xúc vào đối tượng bình an vui vẻ hơn. Như là đi gặp nói chuyện với người vui tính, lạc quan; ngắm nhìn tượng Phật Di-lặc, vào chùa lễ Phật, ngồi thiền buông thư để xoa dịu cảm xúc, nghe một đĩa giảng Phật pháp về đề tài vui. Đây chỉ là giải pháp tức khắc và tạm thời, nhưng có tác dụng chuyển buồn thành vui.

Cách 2:
“Ly sinh hỷ” nghĩa là niềm vui có được khi ta biết tránh xa, lìa xa những điều ác, những đối tượng, hình ảnh, lời nói, phim ảnh gây tác động xấu đến tâm ta, cảm xúc của ta. Ví dụ như không xem phim, không đọc báo, không nghe những thứ có nội dung chém giết, lừa lọc, hận thù, chỉ trích,… tạm tránh xa những người có tâm độc ác, thường nói, làm những điều gây tổn thương người khác; tránh xa những thứ dục lạc khiến ta tham đắm. “Thân cận thiện tri thức” tức là thân cận, gần gũi, tiếp xúc, nói chuyện với những người hiền thiện, vui tính, có đạo đức, có trí tuệ, thường nghe những lời tốt, điều thiện, dần dần tâm ta chỉ chứa những điều tốt đẹp, tích cực, thì cảm xúc an vui thư thái theo đó mà phát sinh ngày càng nhiều hơn.

Cách 3:
“Thí sinh hỷ” nghĩa là niềm vui có được khi lòng ta rộng mở, siêng làm việc thiện, đối xử tử tế với mọi người, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn thiếu thốn, đói khát… hết sức thành tâm mang lại niềm vui cho mọi người. Ngay lúc ta khởi suy nghĩ về điều thiện là cảm xúc tích cực đã phát sinh, làm cho ta vui vẻ thư thái rồi, đến khi ta thực hiện suy nghĩ thiện đó, thì niềm vui an lạc được nhân lên gấp bội. Nhưng nhớ rằng, khi làm việc thiện, ta không nên chấp, không nên tự mãn, cũng không chấp vào thái độ của người nhận thì niềm vui mới được trọn vẹn ý nghĩa… Cho nên mỗi ngày, ta hãy làm ít nhất một điều thiện, thì niềm vui luôn đến với ta. Ta thấy ai làm việc thiện, nói lời tốt đẹp, mình đồng tình, khen ngợi, nói cho nhiều người khác biết, thì ta sẽ có thêm niềm vui tùy hỷ.

Cách 4:
“Xả sinh hỷ” nghĩa là niềm vui có được nhờ mình biết xả bỏ những thứ như: thù hận, giận hờn, trách móc, ganh ghét, tranh giành hơn thua, tham lam… Nhưng ai cũng muốn xả mà không biết làm cách nào để xả những thứ nặng nề đang đè nặng trong tâm ta? Cách xả như sau: Một là luôn luôn tự nhắc nhở mình, thở ra mà không hít vào là chết. Khi ý thức sâu sắc như vậy, mình sẽ dễ buông xả thù oán giận hờn… bởi vì khi thở ra không hít vào là xong một đời, nên không có thời gian để chấp. Hai là, ta biết rõ rộng lượng tha thứ những sai lầm của người khác đã từng làm tổn thương mình cũng chính là tha thứ cho mình, vì mình cũng thường xuyên phạm phải các sai lầm. Ba là, máu khổ đau trong tim ta rỉ ra, chảy ra nhiều là do những mẩu sắt của thành kiến giận hờn, hơn thua, cố chấp của ta ghim chặt vào trong tim ta, khi ta xả những ghim sắt này ra khỏi tim thì ta sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều, an vui hơn nhiều. Bốn là, mỗi ngày ta xả một thứ nặng nề trong tâm ta ra; buông xả một kẻ thù, làm lành với một người ta từng ghét bỏ, xả một mối thù hận trong lòng ta đang mang, xả bớt một ít lòng tham dục… thì niềm vui tăng lên gấp nhiều lần.

Cách 5:
“Thiền sinh hỷ” nghĩa là niềm vui thư thái có được nhờ ta biết thực hành thiền hằng ngày. Thiền là chọn một đối tượng, rồi tập trung tâm mình vào nó để thấu rõ bản chất thật của nó. Khi thực hành thì sẽ tăng khả năng tập trung, làm gia tăng sức khỏe, tăng niềm vui, phát sinh định, tăng trí tuệ. Sáng sớm thức dậy, ngồi sắp bằng, thẳng lưng, thẳng cổ, buông lỏng toàn thân. mắt hơi nhắm, tập trung theo dõi hơi thở, đếm hơi thở từ một đến mười trong mười phút. Từ sáng đến chiều, khi nào rảnh thực hành một lần mười phút, tối trước khi ngủ, thực hành mười phút. Trong ngày khi nào ta thấy bất an, bực bội, khó chịu, hành thiền năm, mười phút sẽ dễ chịu ngay. Nếu không có thời gian ngủ trưa, khoảng trước sau mười hai giờ hành thiền năm, mười phút, tinh thần thư thái, không bị trang thái bần thần, làm việc hiệu quả hơn. Ta có thể đi bộ chậm rãi (thiền hành), đếm hơi thở như trên. Cách này không mất nhiều thời gian, nhưng kết quả an vui sẽ ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.

Cách 6:
“Tuệ sinh hỷ” nghĩa là niềm vui có được nhờ ta có trí tuệ thấy biết như thật (như thật trí kiến) thấu rõ thật tính của các pháp, bản chất thật của mọi sự vật hiện tượng. Cụ thể là thấu rõ thực tính của khổ và phương pháp dứt trừ khổ đau nói chung, hiểu rõ thực tính của cảm thọ, của cảm xúc buồn vui và phương pháp tạo ra niềm vui và dứt trừ buồn khổ. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến con người buồn khổ là do nhận thức sai lầm, không thấy rõ được mọi sự vật hiện tượng, dù là vật chất hay tinh thần như nó đang là. Ví dụ như gốc của tham dục là khổ mà ta tưởng là vui; gốc của ái dục là khổ mà ta cho là sướng; thật tính của các pháp là vô thường mà ta nghĩ là thường… Vì thấy biết sai lầm như vậy nên ta trôi lăn trong sinh tử luân hồi, chịu nhiều đau khổ. Khi mặt trời tuệ giác xuất hiện, thì mây mù phiền não phải tan đi, bóng đêm đành phải nhường chỗ cho ánh sáng trí tuệ chiếu soi, buồn khổ phải đi xa nhường chỗ cho niềm an vui hạnh phúc chân thật. Niềm vui có được do tuệ giác đem lại là niềm vui chân thật và miên viễn.

Sau khi đọc phương pháp điều phục cảm xúc, sản xuất niềm vui, tạm biệt nỗi buồn, một vị Phật tử đã hỏi chúng tôi rằng: Con người cũng phải trải qua các cung bậc cảm xúc thì mới có những tác phẩm tuyệt tác văn học để đời. Và con người chế ngự được cảm xúc sẽ thành người chai lì vô cảm?

Thật ra, không hẳn là như vậy. Cũng là trải qua các cung bậc cảm xúc, nhưng người không hiểu rõ bản chất của cảm xúc, không thấu rõ quy luật diễn tiến của cảm xúc, rồi nô lệ cho cảm xúc, bị dằn vặt bởi những cảm xúc khổ đau, thì khác hẳn với những người sống tỉnh giác, có trí tuệ thấu rõ bản chất thật của cảm xúc, hiểu quy luật vận hành của cảm xúc, không những cảm nhận một cách tinh tế và trọn vẹn những trạng thái tích cực của cảm xúc, mà còn có khả năng chuyển hóa những loại cảm xúc tiêu cực gây khổ đau, buồn rầu, chán nản, tuyệt vọng của bản thân khi đối diện với nghịch cảnh. Vì mọi người đã quen chấp nhận sống theo cảm xúc, nô lệ cảm xúc nên mặc nhiên chấp nhận như vậy, vì ai cũng như vậy, nên mình cũng như vậy! Đức Phật dạy chúng ta cách quan sát thật sâu, thật rõ cảm xúc của chính mình, thấu rõ bản chất thật của cảm xúc. Người nào hiểu rõ quy luật hình thành, tồn tại, phát triển và huỷ diệt của cảm xúc thì sẽ cảm nhận những cảm xúc tích cực xuất hiện một cách tinh tế và nhạy cảm hơn, hoàn toàn không phải là chai lì vô cảm.

Chúng tôi thiết tha mong rằng, những lời đơn sơ mộc mạc này ít nhiều tạo được một chút niềm vui cho quý độc giả trong đời sống hàng ngày. •■san-xuat-niem-vui

THÍCH HẠNH TUỆ

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 196

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin