Chi tiết tin tức Làm bạn với “tự tâm” 15:12:00 - 16/03/2016
(PGNĐ) - Theo hành giả Pema Chödrön, con người thường cho rằng tìm hiểu để thấu đạt chính mình như một cách quá hướng nội và tự coi trọng bản thân, tuy nhiên, bằng việc dám nhìn thẳng vào tự tâm và thấu hiểu tường tận nó, chúng ta lại có thể phá vỡ được bức tường đang vô hình ngăn cách chúng ta với mọi người xung quanh.
Bản chất của “thể tiêu cực” không có gì là xấu, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không chịu nhìn nhận điều đó, không bao giờ coi trọng nó, hay chẳng bao giờ dám nhìn thẳng vào bản chất của “sự tiêu cực”. Chúng ta chưa từng cố gắng để nếm trải, thử nhận biết và thấu hiểu nó trên nhiều phương diện khác nhau, mà thay vào đó, ta lại thường có xu hướng tìm đến một ai khác để trút bỏ, để đổ lỗi cho những cảm xúc không đúng theo mong muốn của mình, hay có khi tự trừng phạt và kìm nén bản thân để chỉ mong xóa bỏ đi cảm giác “tiêu cực”. Ở giữa ranh giới của sự “kìm chế” và “bộc phát” cần đôi chút gì đó của sáng suốt, khôn khéo và kiên trì. Nếu cứ khăng khăng muốn loại bỏ những cảm xúc tiêu cực, chúng ta nên hiểu rằng, trí huệ của chính chúng ta cũng sẽ dần mai một đi. Sự biến chuyển có diễn ra hay không, là phụ thuộc vào thiện chí và sự tự giác của mỗi người, chúng ta không nhất thiết phải hạ quyết tâm nhìn nhận cảm xúc trong ta cho bằng được, mà hãy tự nguyện mong muốn được thấu hiểu tâm tư của chính mình, để từ đó chúng ta có thể sống cùng với những mâu thuẫn trong nội tâm mà không cần phải gò ép hay biện bạch cho bản thân thêm nữa. Khó có thể diễn đạt sự kỳ diệu đến lạ thường mà“chuyến hành trình biến chuyển”này mang lại cho mỗi người, nó như một niềm hân hoan tuyệt vời đến khó tả. Hầu hết con người chúng ta luôn mưu cầu sự vui thích sai chỗ, chúng ta luôn tránh cảm nhận tất cả những gì xảy ra trong suốt cuộc đời làm người và chỉ trải lòng với những gì đúng theo ý muốn của bản thân. Lại có cách mưu cầu hạnh phúc vào việc tin rằng, không có sự tương quan giữa con người và vạn vật, không phải những gì đang tồn tại trong ta là của ta. Chúng ta chỉ luôn cảm thấy mình cần phải thay đổi điều gì đó của bản thân, nhưng lại không biết rằng, niềm vui vô điều kiện chỉ đến qua cách ta tư duy về mọi thứ và trong tư duy đó, ta học cách chấp nhận chính mình, để hiểu rõ những gì mình làm một cách chân thật, kết hợp với sự kiên định và lòng bao dung. Sự kết hợp ấy - tính trung thực, cái nhìn thấu đáo và ân cần - thực chất, đó chính là cốt lõi của lòng nhân từ, khởi đầu một tình bạn vô điều kiện với tự tâm của mỗi người chúng ta. Đây là một bước chuyển biến tiếp theo để tiến vào vùng đất mà chúng ta chưa từng đặt chân đến. Khi bạn sẵn sàng mở cánh cửa để bước vào nơi đó, bạn sẽ nhận ra, chuyến phiêu lưu đặc biệt này không chỉ mang bạn quay về với thế giới của riêng mình, mà còn giúp bạn như thoát ra được khỏi vũ trụ bao la kia. Điều này chỉ có thể xảy ra khi bạn thật sự hiểu chính mình và bạn chỉ có thể bước vào “thế giới ngoài kia” khi bạn biết khám phá và tìm hiểu “thế giới bên trong” của mình. Dogen Zen-ji có câu nói rằng: “Hiểu bản thân để từ bỏ bản thân”. Chúng ta thường cho rằng chỉ nhìn vào bản thân và hiểu nó là một việc quá xem trọng chính mình, nhưng khi biết nhìn thẳng vào tự tâm, học cách chân thật với chính suy nghĩ và cảm xúc của mình, biết rõ mình là ai, chúng ta có thể phá tan bức tường vô hình đang ngăn cách con người đến gần với nhau. Bạn có biết rằng, bức tường chia cắt ấy, những cảm xúc riêng biệt ấy, rào cản ấy được hình thành chính từ trong tư tưởng của mỗi người chúng ta? Những tư tưởng của giáo điều, của sự ngạo mạn và thành kiến dựng lên bức tường của sự sợ hãi, bởi lẽ đó mà con người không dám nhìn nhận những mặt khác của chính mình. Tây Tạng có một câu danh ngôn như thế này: “Sự yêu chìu bản thân là gốc rễ của mọi khổ đau”. Thuật ngữ “yêu chìu bản thân” dường như xa lạ đối với người phương Tây và vì vậy, không tránh khỏi việc họ hiểu sai ý nghĩa của câu nói trên. Có thể gần 85% người phương Tây hiểu lời dạy ấy rằng, không nên quá quan tâm đến bản thân, vì đó sẽ là một cản trở đối với sự tỉnh giác của bạn nếu quá tự coi trọng chính mình. Tuy nhiên, thực tế, đó không phải là những gì câu danh ngôn trên muốn truyền đạt, lời chỉ dạy ở đây là sự kìm hãm, “yêu chìu bản thân” ở đây là làm thế nào để mỗi người chúng ta biết cách tự bảo vệ chính mình bằng việc tiết chế bản thân, biết cách xây dựng những bức tường như thế nào để không cảm thấy bất tiện, trở ngại hay thiếu hụt đi sự nhiệt huyết. Khái niệm của việc “yêu chìu bản thân” đó cũng đồng thời chỉ ra những niềm tin sai lầm vào việc chỉ có sự thoải mái và không nên có nỗi muộn phiền, chỉ có niềm hạnh phúc và không tồn tại nỗi đau, hoặc chỉ có điều tốt và không nên có những gì tồi tệ. Một điểm đáng lưu ý trong lời Phật dạy rằng, chúng ta có thể tạo nên những khía cạnh to lớn hơn, một điều gì đó vượt ra khỏi cái tốt và cái xấu, sự phân biệt tốt và xấu đến từ những tâm hồn thiếu đi lòng nhân từ, thiếu đi sự bao dung dành cho chúng sinh, vạn vật chung quanh. Chúng ta luôn cho một thứ gì đó là tốt khi nó mang lại cho ta sự an toàn, và ngược lại, nếu khiến chúng ta thấy bất an, đó sẽ mặc nhiên là những điều không tốt đẹp. Như vậy, đây là cách chúng ta bắt đầu ghét bỏ một người khiến chúng ta cảm thấy lo sợ, ghét những quốc gia, những tôn giáo có mối đe dọa đến chúng ta và chỉ yêu thích hay biết ơn những ai đem lại những gì chúng ta cần. Khi chúng ta đòi hỏi quá nhiều để bảo vệ chính mình, không cách nào để chúng ta có thể thấy được nỗi đau đang hiện diện ở người khác. “Yêu chìu bản thân” là sự thấu hiểu và tiết chế bản ngã của chính mình, thứ trói buộc trái tim và cả thể xác thành một nút thắt không thể tháo gỡ, tất cả đều ở trong một sự ràng buộc với nhau. Khi học cách mở lòng, chúng ta có thể thấu hiểu cho người khác và sẵn sàng ở bên khi họ cần. Tuy nhiên, nếu chưa từng một lần tự đối mặt với nỗi sợ hãi của chính mình và đột nhiên có ai đó cố tình khơi gợi nó, chúng ta sẽ thường có xu hướng khép lòng mình lại. Vậy, hiểu rõ bản thân là phải quên đi bản thân, điều đó có nghĩa là khi chúng ta tự thấu hiểu được chính mình, chúng ta sẽ không còn những đòi hỏi ích kỷ cho riêng cá nhân ta. Làm bạn với chính mình để hiểu mình mong muốn điều gì lại là cách hay để không trở thành người chỉ biết giành quyền lợi cho bản thân, đây thật sự là một vòng xoay lạ lùng. Dogen Zen-ji cũng nói thêm: “Quên đi chính mình để giác ngộ được vạn vật chung quanh” (tạm dịch). Khi thôi đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng cả thế giới này dường như đang trò chuyện cùng ta. Tất cả cây cỏ, muông thú, con người, xe cộ, thậm chí là máy bay trên bầu trời đều như đang tâm sự với chúng ta, dạy cho chúng ta nhiều điều mới lạ và giúp chúng ta tỉnh thức. Nơi con người đang được tồn tại đây là một thế giới tuyệt vời, thế nhưng chúng ta thường quên mất đi điều đó. Nó cũng giống như việc nếu chúng ta chỉ bị thu hút bởi một bản đánh giá hào nhoáng, chúng ta sẽ không thể nào nhìn thấy được những điểm đặc trưng chính đầy giá trị đằng sau nó. Chúng ta nên hiểu rằng, khi bản thân cảm thấy phẫn uất hay có ý muốn phán xét, đó là chúng ta đang tự làm đau chính mình và gieo rắc nỗi muộn phiền cho người khác. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn vào nó, chúng ta có thể thấy đằng sau sự phẫn uất là nỗi sợ hãi và đằng sau nỗi sợ hãi đó là sự ủy mị. Một trái tim vĩ đại, một tư tưởng lớn sẽ dẫn đến một sự tỉnh giác cao độ, đây là điều cơ bản để tồn tại. Để có thể trải nghiệm được điều này, chúng ta cần phải bắt đầu ngay cuộc hành trình của chính mình, cuộc hành trình làm bạn với tự tâm vô điều kiện mà chúng ta nên sẵn sàng. Giao Hảo dịch
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |