Chi tiết tin tức

Răn không uống rượu

19:45:00 - 15/03/2016
(PGNĐ) -  Rượu là độc dược của đời sống, làm mất hết tính bản thiện của con người, vì vậy rượu là nguyên nhân của ngàn tội muôn lỗi.

Xưa nay bao giờ cũng thế; tính tốt khó theo, tính xấu dễ nhiễm. Làm điều tốt thì khó, làm điều xấu thì dễ. Vươn lên, để lập thân lập đức thì khó. Sa ngã, làm tiêu tan sự nghiệp thì dễ. Người đời ít kinh nghiệm cái chỗ khó dễ ấy, thường nhắm mắt làm càn. Hoặc nại lý do khiên cưỡng để bênh vực cho hành động, cách sống của mình. Hoặc nêu các câu nói của danh nhân thời trước để làm cái mộc che đỡ cho hành động lập dị của mình. Như một việc uống rượu là chúng ta thấy rõ nhất. Ngày xưa, thi sĩ bậc nhất thời thịnh Đường là Lý Bạch ca tụng rượu trong bài “Tương tiến tửu”; hơn nghìn năm qua ai cũng thuộc, cũng đọc. Cái say của Lý Bạch là cái say của của bậc thi tiên thanh thoát như ráng trời không vướng chút bụi trần, say để làm thơ, say để sống cho thơ. Khi say, Lý Bạch quên thân, quên đời, quên công danh phú quý, chỉ phóng bút viết ra những bài thơ“tranh sáng cùng mặt trời mặt trăng”, xem khinh đền đài, miếu mạo nguy nga của vua nước Sở chỉ là thứ gò đống cỏ hoang. Cái say của Lý Bạch là cái say của vị trích tiên. Vì vậy mới có huyền thoại Lý Bạch say, thấy vầng trăng đẹp, nhảy xuống ôm trăng ân tình suốt đời của nhà thơ mà chết đuối. Trước Lý Bạch – Khuất Nguyên – tác giả tập Ly tao bất hủ – bị vua bãi chức, xõa tóc đi lang thang trên bờ sông Mịch La, nói “Chúng nhân giai túy, duy ngã độc tinh”(Mọi người đều say, riêng mình ta tỉnh). Lý Bạch ca tụng Khuất Nguyên:

Khuất bình từ phú huyền nhật nguyệt
Sở vương đài tạ không sơn thâu

(Thơ văn Khuất Nguyên sáng cùng nhật nguyệt
Trong lúc đó thì lâu đài vua Sở núi gò thành không!)

 Như vậy nghĩa là Lý Bạch ca tụng cái tiết tháo “độc tinh” của Khuất Nguyên – cái tiết tháo tỉnh táo, không lụy theo cái xô bồ say mê danh lợi tầm thường của một hiền triết thà bị bãi chức chứ không chịu uốn cong lưng mình hòa lẫn với cái ô trọc của cuộc đời. Vương Tích, một thi sĩ thời sơ Đường, khi đi qua hàng rượu, cũng có làm một bài thơ nổi danh:

QUÁ TỬU GIA

Thử nhật trường hôn ẩm
Phi quan dưỡng tánh linh
Nhãn khan nhân tận túy
Hà nhẫn độc vi tinh.

Dịch:

QUA HÀNG RƯỢU

Hôm qua uống rượu say lì
Đành là không có ích gì dưỡng sinh
Thấy người say cả xót tình
Nỡ nào để có một mình tỉnh riêng.

 Chữ “túy” (say) và chữ “tinh” (tỉnh) ở Vương Tích là kết tinh hai thái độ sống của người xưa: “Túy” không phải là say rượu, mà là say những thứ dục vọng vật chất hèn hạ tầm thường, chẳng kể liêm sỉ, phẩm giá, đem thân danh nô lệ cho công danh phú quý… Chữ“tinh”là thái độ tỉnh táo trước cuộc đời. Vương Tích vì lòng thương bao la đối với cuộc đời, nên nói như thế. Chữ “hà nhẫn” (nỡ nào) cho chúng ta thấy rõ tấm lòng thương bao la ấy.

Người sau, nhân đọc những câu thơ của các bậc tiên hiền, các bậc trích tiên ấy, mà không hiểu ý chỉ. Đã không hiểu ý chỉ lại còn đoạn chương thủ nghĩa – cắt ra một câu một đoạn trong toàn thể để giải nghĩa khiên cưỡng theo ý thích của mình – rồi nêu những câu đó như châm ngôn, như khuôn vàng thước ngọc, lấy đó làm cái mộc tùy thân, biện hộ cho hành động của chính mình. Cái đó tuy là lỗi khiên cưỡng của người đời sau nhưng người xưa cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Đó là chỗ mà Đặng Huy Trứ nói lên trong bài phú Răn không uống rượu viết năm 1868.

“Lưu linh! Lưu Linh! Lý Bạch! Lý Bạch!
Say có danh gì mà truyền lưu
Nửa câu nói mà làm ngu đại chúng
Một lời thơ mà để hại ngàn sau…”.

 Quả thật văn chương có cái mãnh lực phi thường. Đánh giặc đánh bằng quân đội, vũ khí. Nhưng đánh giặc cũng đánh bằng ngọn bút, văn chương. Đó là bút trận. Ở đây Đặng Huy Trứ mở ra một mặt trận, dùng ngọn bút để phá tan cái thành trì hủ bại là cái thành trì “dục phá sầu thành duy hữu tửu” (muốn phá thành Sầu cần phải dùng đạo binh Rượu!) của các ông thi sĩ không đau mà rên, di hại quá nhiều cho đám hậu sinh cho nên cần phải răn giới cấm: Rượu, sắc, cờ bạc, chơi bời phóng đãng.

Chúng ta hãy cùng trở về sống lại cùng với thời đại Đặng Huy Trứ. Khoảng năm 1868, Việt Nam đang bị giặc Pháp xâm lăng. Đất nước đang trông chờ sức lực và ý chí của toàn dân, nhất là đám thanh niên. Bây giờ nếu bọn thanh niên sa rớt vào rượu chè sắc dục… thì đất nước còn trông cậy vào đâu? Là một nhà yêu nước, nhà canh tân, nhà giáo dục, thấy cảnh trước mắt, đau lòng không thể làm ngơ được. Đặng Huy Trứ càng xót xa thấy rõ cái lẽ: lấy việc đời xưa không còn ăn khớp với thời đại hiện nay, mà lại đưa ra để suy nghĩ, dẫn chứng, sống với, đó là hành động của kẻ ngu si. Cứ y theo câu và lời của cổ nhân mà không xét đến lý và lẽ, đó là việc làm của kẻ mê muội. Có tránh được các thứ bệnh ấy, mới mong có thể có được cái gốc vững mà lập thân ở giữa đời. Ở trong tinh thần đó, Đặng Huy Trứ nêu cái cương lĩnh chính của trách nhiệm làm người bây giờ:

“Giữ thân mình, lo đạo lớn vẹn tròn, ấy là đức của người quân tử;
Đối cuộc thế, lập công cao bất hủ, đó là danh của đấng trượng phu”.

 Từ cái cương lĩnh chính, dĩ văn tái đạo ấy, Đặng Huy Trứ thẳng thắn và rõ ràng, cực lực công kích Lưu Linh, Lý Bạch. Với cái danh “Thánh tửu” của Lưu Linh, “Thi tiên” của Lý Bạch, trong con mắt của mình, Đặng Huy Trứ chẳng thấy có cái giá trị gì cái danh gây mầm độc, gây nọc hại cho hậu thế đó.

“Giữ thân mình” là nắm giữ điều Nhân. “Đối cuộc thế” là nắm giữ điều Nghĩa. Nhân Nghĩa là cái gốc của việc lập Đức, lập Danh của con người đúng nghĩa làm người. Người quân tử, đấng trượng phu không là gì khác: chỉ là bậc lo lắng giữ gìn thân danh của mình, để giúp ích cho đời mà thôi. Muốn được vậy, thì việc đầu tiên của thanh thiếu niên là phải:

Nếp nhà mong rạng rỡ
Phúc ấm muốn dài lâu
Xứ rượu làng say – tránh gấp
Ma men gốc nghiệt – trừ mau.

 Không phải chỉ lên án Lưu Linh, Lý Bạch, Đặng Huy Trứ còn phân tích rạch ròi cho con cháu thấy rõ mối tai hại không tưởng tượng được của rượu. Rượu là độc dược của đời sống, làm mất hết tính bản thiện của con người, vì vậy rượu là nguyên nhân của ngàn tội muôn lỗi. Khi say, con người không có điều ác nào là không dám làm:

“… Dìu men chặt tính người mất hết
Độc dược trong đời sống ăn sâu.
Phải quyết tan mê, tỉnh giấc,
Mới hay hối lỗi, hồi đầu.
Mê còn chưa dứt
Vạ đến không lâu…”.

 Nhân tính mất. Nhân cách cũng mất theo. Đặng Huy Trứ miêu tả hình dạng khả ố của người say. Khi say thì đâu có “thấy” được hình ảnh cuồng loạn của chính mình. Khi tỉnh thì đã quá muộn rồi, hối hận cũng không kịp. Nhân tính chìm tan trong đáy ly. Thú tính nổi lên theo cùng bọt rượu. Như ngạn ngữ đã từng khuyến cáo: “Hãy đứng xa con cọp dữ mười thước và đứng xa đứa say rượu ba mươi thước”. Biết bao kẻ hiền lương hóa thành thú dữ trong lúc say sưa!

Và dưới đây là hình ảnh khả ố của một kẻ say:

“… Nói năng cuồng loạn
Thái độ lông lao
Hành động khác thường mà chẳng biết
Nhố nhăng bừa bãi hay nào
Cởi áo phanh quần xốc xa xốc xếch
Ném ly quẳng chén láo nháo lào nhào
Vui kia những muốn hưởng
Thú nọ có được sao?
Dầm sương tuyết ngủ lăn ngủ lóc
Coi mạng mình như bọt như bèo
Mũ tuột mình trần chạy nhắng
Người kia, thú nọ khác nào!…”.

 Đặng Huy Trứ khẳng định rượu là đầu mối gây nên vô số tội ác. Vào tù sa ngục cũng là do rượu. Giết người kết án cũng là do rượu. Quên hết điều lễ nghĩa, trụy lạc cũng là do rượu. Khinh suất, chẳng kể luật vua, phép nước, làm tiết lộ việc cơ mật quân sự cũng đều do rượu mà ra. Đó là chưa kể rượu là đầu mối gây nên bệnh hoạn và đôi khi đưa đến cái chết lãng nhách đi theo cùng với chỉ một cơn say.

“… Việc bé xe ra to, đường bằng phẳng bỗng sóng cồn gió lốc,

Lòng lành biến thành ác, trẻ không dưng mà roi quất, đòn đau!

Lồng lộn thỏa hờn trong thoáng chốc, Xích xiềng vương cẳng biết đâu!

Xui nên hai họ hiềm thù say cuồng chửi bậy

Quên phắt bao đời gươm giáo, chất chứa hờn sâu!

Người tôn trưởng cũng khinh lờn, họa lớn chờ gieo trước mắt;

Bậc thánh thần cũng phỉ báng, ách xa đợi giáng lên đầu Tiết lộ binh cơ, luật quân khó thoát

Chây lười quốc sự, phép nước dung sao?

Bụng trướng bởi trúng phong, một giấc hồn đi biền biệt, Tâm hồn vì động hỏa, ngũ quan bệnh đến ào ào!…”.

 Nhân cách mất sạch vì rượu. Rượu vào làm đỏ mặt như vông, đồng thời rượu vào cũng bôi đen danh dự là thế ấy. Vậy thì, thanh thiếu niên đừng có bị ám ảnh bởi cái ý tưởng là để tiêu sầu giải muộn, hoặc uống rượu là để nhập vào làng văn sĩ thi nhân. Thơ văn viết được hay không, là do tài năng uẩn súc, đào luyện nhân cách lâu ngày mà thành, chứ không do bồ đào mỹ tửu. Giải muộn, thì thanh thiếu niên có muôn ngàn cách giải muộn: hành động hợp lễ, hành động trung hiếu thì sầu muộn tự tan. Đất nước đang bị xâm lăng, thì lo việc cứu nước là sự giải muộn lớn lao nhất, sự giải muộn hàng đầu mà người thanh thiếu niên cần phải học tập. Sao lại không biết giải muộn theo cách đó? Sao lại nệ theo vết xe bánh cũ, mà chỉ khư khư một con đường tiêu cực tuyệt vọng là hô hào mời nhau:

Hội tu nhất ẩm tam bách bôi (…)
Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu

(Tương tiến tửu – Lý Bạch)

 Đặng Huy Trứ viết:

“… Cứ can tâm mà phóng đãng
Coi túy lúy là phong lưu
Mượn điều muốn tìm phương giải muộn
Dốc chén cho là chuyện thanh tao!…”.

Với trách nhiệm và lòng thương bao la đối với lớp hậu sinh, Đặng Huy Trứ kết luận bài phú Răn không uống rượu một cách khẳng định:

“Đem sẵn cuốc mà chôn”
câu nói nọ thước khuôn nào nhỉ?
“Có đầy be cứ uống”
lời thơ kia giá trị là bao?
Chống ma rượu, này có thơ để lại
Khuyên cháu con chớ dại sa vào!
(1)

 Lời kết luận đầy lòng trắc ẩn. Đặng Huy Trứ thấy thanh thiếu niên ham uống rượu, nguy hiểm chẳng khác gì thấy những em bé đứng chơi bên miệng giếng. Vì thế, Đặng Huy Trứ hết sức“này thơ để lại” can ngăn và gìn giữ không cho con cháu sa rớt vào miệng giếng đen ngòm giết người, giết chí khí, giết đức hạnh của căn bệnh nhiều đời là căn bệnh mê man xứ rượu, làng say:

Có đoạn tuyệt được rượu, thì hưng thịnh
Không đoạn tuyệt được rượu, thì tan nát.

 Việc nước, phép nhà – thế nào là hưng thế nào là vong? Hãy cứ xem sự kiện có“Tuyệt tửu”(đoạn tuyệt rượu) được hay không, đã thấy rõ rằng ngay trước mắt“ Tuyệt tửu ”là phương thuốc thánh, phương thuốc nhiệm mầu để giữ gìn cội nguồn đức hạnh làm người, giữ gìn nề nếp gia phong, giữ gìn vận mệnh đất nước. Đó là ý chí Đặng Huy Trứ giáo dục con cháu thanh thiếu niên trong bài Giới tửu, viết năm 1868.

GIỚI TỬU

Dứt rượu là hưng, say rượu vong
Nước nhà, suy kỹ, lẽ cùng chung
Hỏng người vì rượu, bao ghê sợ
Mất trí vì men, mấy thảm thương
Việc nước, lời xưa là thánh dược
Suối “liêm”, nước “nhượng” ấy lương phương
Phép nhà con cháu nên gìn giữ
Xa lánh làng say, sớm liệu đường
(2)

(Ngô Linh Ngọc dịch thơ)

Đặng Huy Trứ là một nhà thơ lớn thế kỷ XIX, để lại một sự nghiệp văn chương đồ sộ, trong đó gồm có hàng nghìn bài thơ. Vậy mà nhà thơ Đặng Huy Trứ đâu có cậy nhờ rượu, vay mượn say, để tìm cảm hứng làm thơ đâu. Trái lại, Đặng Huy Trứ phê phán nghiêm khắc Lưu Linh, Lý Bạch và nghiêm huấn con cháu, thanh thiếu niên phải tránh xa sự say sưa theo với cùng con ma men ác độc hại người, hại bao nhiêu thế hệ thanh thiếu niên.

Chúng ta ngày nay đọc thơ văn của ông, những dòng thơ văn đầy tâm huyết, đầy tính giáo dục, cần phải chiêm nghiệm và học tập những lời răn dạy thống thiết của ông. •

 

TƯỜNG HỮU

(1) (2). Thơ văn trong bài này trích từ cuốn ”Đặng Huy Trứ – con người và tác phẩm”.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 192

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin