Chi tiết tin tức

Như một dòng nước lặng lẽ trôi

16:47:00 - 04/03/2016
(PGNĐ) -  Thông thường người ta nghĩ rằng “an bình” là một sự lắng dịu của tâm thức, thế nhưng thật ra an bình là sự lắng dịu của những thứ ô nhiễm tâm thần.

Bắt đầu từ giây phút này, tôi xin quý vị hãy cố gắng chú tâm, đừng để tâm trí mình phiêu du hết nơi này đến nơi khác. Quý vị hãy tưởng tượng rằng mình đang ngồi một mình trên đỉnh núi cao hay trong một khu rừng hoang vắng. Quý vị là gì và tại sao lại đang ngồi ở đấy? Phải chăng quý vị đang mang một thân xác và một  tâm  thức  hay  không  –  thật thế, không có gì khác hơn ngoài hai  thứ  ấy.  Những  gì  cất  chứa bên trong nhân dạng một con người đang ngồi nơi ấy chỉ đơn giản gồm một thứ gọi là «thân xác», và một thứ gọi là «tâm thức». Đối với tâm thức thì nó là một thứ gì đó biết ý thức và trong lúc này thì nó cũng đang suy nghĩ

Nếu muốn tìm hiểu xem một cái gì đó đang ngồi tại nơi này và trong giây phút này, thì đấy cũng chỉ là một thân xác và một tâm thức. Chúng ta thường lẫn lộn giữa hai thứ ấy, thế nhưng nếu muốn tìm thấy sự an bình thì phải hiểu bản chất đích thật của hai thứ ấy là gì. Trong lúc này thì tâm thức chưa được luyện tập, nên nó còn nhơ bẩn và u tối – có nghĩa là nó chưa phải là một tâm thức tinh khiết. Vì thế chúng ta phải sử dụng phép thiền định để luyện tập nó.

Nhiều người nghĩ rằng thiền định là phải ngồi xuống, hai chân bắt tréo vào nhau, thế nhưng thật ra thì cũng có thể thiền định với bất cứ một tư thế nào. Chúng ta có thể thiền định khi đang đứng, đang ngồi, đang đi hay đang nằm, tóm lại là có thể thiền định vào bất cứ lúc nào. Nghĩa từ chương của chữ Samâdhi là «tâm thức được thiết lập một cách vững chắc». Nếu muốn phát huy samâdhi thì không được bóp ngạt tâm thức! Luyện tập samâdhi là nhằm phát huy trí tuệ và sự hiểu biết. Samâdhi là một tâm thức vững chắc, tập trung vào một điểm duy nhất. Vậy thì nó tập trung vào điểm nào? Đấy là điểm thăng bằng. Nó tập trung đúng vào điểm ấy. Tuy nhiên nhiều người lại nghĩ rằng luyện tập thiền định là phải tìm cách làm cho tâm thức phải im lặng. Họ thú nhận rằng: “Tôi cố gắng ngồi xuống để thiền định thế nhưng không sao giữ cho tâm thức dừng lại được một phút nào cả. Nó chạy hết đầu này đến đầu kia. Vậy làm thế nào để bắt nó phải dừng lại?”. Thiền định nào có phải là bắt tâm thức dừng lại đâu. Phải luôn cần có một sự chuyển động thì sự hiểu biết mới có thể bùng lên được.

Người ta thường than phiền: “Tâm thức phóng đi, tôi lôi nó trở lại; nó lại phóng đi, tôi lại phải lôi nó về”.

Ngồi đấy để đuổi bắt tâm thức quả là   mất   hết   thì giờ. Họ cứ tưởng rằng   tâm   thức chạy tán loạn ra khắp       hướng, thế nhưng thật ra thì đấy chỉ là một cảm giác mà thôi. Chẳng hạn một số người khi nhìn vào gian phòng này sẽ thốt lên: “Ồ, gian phòng to quá!”. Thế nhưng thật ra thì gian phòng cũng chẳng to lớn gì. Nếu quý vị cho rằng nó to lớn thì đấy cũng chỉ là một sự cảm nhận của quý vị mà thôi. Trên thực tế, gian phòng chỉ mang kích thước của nó, kích thước đó tự nó không lớn cũng không nhỏ. Thế nhưng mọi chuyện lại cứ xảy ra như thế! Người ta bỏ hết thì giờ vào việc đuổi theo các cảm giác  của mình. Thiền định là nhằm vào mục đích mang lại sự an bình… Vì thế, trước hết phải hiểu an bình là gì, nếu không thì chẳng bao giờ chúng ta có thể tìm được nó.

Thông thường người ta nghĩ rằng “an bình” là một sự lắng dịu của tâm thức, thế nhưng thật ra an bình là sự lắng dịu của những thứ ô nhiễm tâm thần. Đối với sự an bình theo cách mà người ta thường hiểu thì các thứ ô nhiễm tâm thần cũng chỉ tạm thời được đặt sang một bên, tương tự như lấy một tảng đá đè lên một đám cỏ. Bởi vì khi lấy tảng đá đi thì vài hôm sau cỏ lại mọc lên trở lại. Cỏ chỉ tạm thời bị lấp đi nhưng không bao giờ biến mất. Samâdhi (sự tập trung tâm thần, sự tĩnh lặng, sự định tâm hay “nhập định”) cũng hoàn toàn tương tự như thế: tâm thức tạm thời lắng dịu thế nhưng các thứ ô nhiễm tâm thần thì vẫn còn nguyên! Thể dạng samâdhi mang lại một hình thức an bình nào đó, tương tự như tảng đá che khuất cỏ, sự an bình ấy chỉ có tính cách tạm thời. Nếu muốn tìm thấy một sự an bình đích thật thì phải phát huy trí tuệ. Sự an bình do trí tuệ mang lại sẽ tương tự như tảng đá để nguyên một chỗ. Nếu quý vị không lấy tảng đá đi thì cỏ cũng sẽ không bao giờ có thể mọc lại được. Đấy là sự an bình đích thật, và cũng là sự chấm dứt của các thứ ô nhiễm tâm thần.

Chúng ta vừa nói đến trí tuệ (pannâ) và sự tĩnh lặng (samâdhi) có vẻ như là hai thứ khác nhau, thế nhưng phải hiểu rằng từ căn bản, hai thứ ấy cũng chỉ là một. Trí tuệ là thể dạng năng động của samâdhi, và samâdhi là thể dạng thụ động của trí tuệ. Cả hai có cùng một nguồn gốc như nhau, nhưng lại hướng vào hai chiều khác nhau và đảm trách các chức năng khác nhau […].

Khi nào cần phải ngồi xuống để thiền định thì quý vị cứ ngồi xuống, thế nhưng không được quên rằng chẳng phải cứ ngồi xuống thì mới có thể thiền định được. Phải để cho tâm thức được tự do sống một cách trọn vẹn với mọi sự vật, hãy để cho mọi sự vật chuyển động hầu giúp chúng cảm nhận được bản chất đích thật của chúng. Vậy phải nhìn vào chúng như thế nào? Phải xem chúng mang tính cách vô thường, không hoàn hảo và vô cá thể. Tất cả đều bất định. Nếu quý vị cho rằng: “Vật này đẹp tuyệt vời! Nhất định tôi phải chiếm hữu nó mới được”, thì quý vị cũng nên nghĩ ngay rằng: “Chuyện đó chưa chắc đã là đúng”. Hoặc nếu quý vị cho rằng: “Tôi không thích thứ ấy một chút nào cả!”, thì cũng phải nghĩ ngay: “Chưa chắc là đúng”. Có phải thế hay không? Quả đúng là như thế đấy quý vị ạ! Chắc chắn không sai đâu.

Có những món ăn trông có vẻ thật tuyệt vời, thế nhưng ngay cả đối với những chuyện nhỏ nhặt như thế quý vị cũng phải tự nhắc nhở mình: chưa chắc đã đúng. Tuy có vẻ đúng thật là như thế, đĩa thức ăn thật ngon, thế nhưng quý vị cũng cứ phải nghĩ rằng: “Chưa chắc!”. Nếu muốn kiểm chứng điều ấy thì cũng không phải là chuyện quá khó: quý vị cứ thử ăn món ăn mà mình ưa thích mỗi ngày xem sao – tôi xin nhắc lại là quý vị ăn mỗi ngày cùng một món ấy, thì sớm muộn quý vị cũng chán ngấy và sẽ phải thú nhận rằng: “Món ăn không còn ngon như trước nữa”. Sau đó quý vị cũng có thể nghĩ rằng: “Thật ra tôi thích các món ăn khác hơn”. Thế nhưng cũng lại chưa chắc là đúng như thế!

Một số người hành thiền ngồi im “trong tư thế thiền định” cho đến khi tâm thần ngầy ngật, nhìn vào cứ tưởng như họ sắp chết đến nơi, họ không còn ý thức được là mình đang ở đâu nữa. Quý vị không nên để mình rơi vào tình trạng bế tắc như thế! Nếu cảm thấy buồn ngủ thì nên đứng lên đi đi lại lại! Hoặc sửa lại tư thế ngồi! Phải biết suy nghĩ. Nếu thật sự mệt mỏi thì cứ nằm ngủ, thức dậy sẽ thiền định trở lại. Luyện tập là phải như thế: phải ý thức, sáng suốt và nhận định đúng đắn. Tu tập trước nhất là phải quán sát thân xác và tâm thức mình. Phải nhìn thấy bản chất vô thường của chúng, sau đó mọi thứ khác cũng sẽ chuyển động theo . Hãy nghĩ đến những chuyện ấy trong khi thưởng thức một món ăn ngon. Hãy nghĩ rằng: “Chẳng có gì chắc chắn cả”. Mỗi khi các phản ứng nổi lên thì phải hạ chúng đo ván ngay, không nên để chúng cho mình đo ván. Mỗi khi cảm thấy không thích một thứ gì đó thì quý vị đành nhận chịu khổ đau: đấy là cách để cho hoàn cảnh hạ mình đo ván! Thái độ thụ động đó không thể giúp quý vị vật ngã các hoàn cảnh khó khăn và cho chúng đo ván được.

Hãy chuyên cần luyện tập trong bất cứ tư thế nào: dù là đang ngồi, đang đi, đang đứng hay đang nằm. Bởi vì dù là mình đang ngồi, đang đứng, đang đi hay đang nằm, thì nóng giận vẫn cứ có thể bùng lên với mình được, hoặc một sự thèm muốn nào đó cũng có thể hiện lên dù là mình đang trong tư thế nào. Vì thế không nên mâu thuẫn với chính mình mà phải luyện tập trong bất cứ tư thế nào. Nhất là không nên luyện tập cho có, mà phải cố gắng một cách nghiêm chỉnh! Trong lúc đang ngồi hành thiền biết đâu cũng có thể hiện ra trong tâm thức mình một khó khăn nào đó, thế nhưng chưa kịp dẹp xong khó khăn ấy thì một khó khăn khác lại hiện ra. Vậy quý vị hãy tự nhủ: “Chưa chắc đúng, chưa chắc đúng là như thế!”. Đấy là cách giúp mình nghi ngờ tính cách đích thật của các tư duy ấy và phải hạ chúng đo ván ngay tức khắc, trước khi chúng có thể cho mình đo ván! „

Ajahn Chah (1918-1992) là một nhà sư nổi tiếng của Thái Lan và cũng được xem là một trong số các vị thiền sư lỗi lạc nhất của thế kỷ XX. Cách thuyết giảng trực tiếp, minh bạch và dễ hiểu của ông đã thu hút được đông đảo người nghe. Kiến thức uyên bác của ông cũng đã góp phần giúp cho Phật giáo Thái Lan tiến một bước thật dài trong thế kỷ XX, và đã tạo thêm nhiều uy tín cho Phật giáo Theravada nói chung trong thế giới Tây phương.

 

AJHAN  CHAH | HOANG  PHONG dịch

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 192

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin