Chi tiết tin tức

Những nén nhang không tắt

20:11:00 - 07/03/2016
(PGNĐ) -  Và những cây nhang đã cháy hết kia sẽ lại còn được thắp lên từ tâm tưởng của những thế hệ kế tiếp.

Bóng tối của một ngày mùa đông Trung Bộ phủ xuống nhanh. Đoạn đường đất hẹp dẫn đến ngôi mộ cụ Trần Quý Cáp không nhìn rõ được: chân tôi đã hai lần thọc xuống bùn. Gió mạnh, bó nhang phải thắp nhiều lần mới bén. Chúng ôi đứng yên lặng; trong tiếng côn trùng thắc thỏm nghe như có nỗi quan hoài khó tả. Người đã đưa tôi đến đây – người bạn gặp lại sau nhiều năm xa – thực ra cũng không còn sinh sống tại Quảng Nam, nhưng mỗi khi có dịp về lại quê nhà, đều đến những nơi yên nghỉ của các danh nhân chí sĩ đất Quảng, lặng lẽ thắp nén nhang tưởng nhớ. Buổi chiều gần cuối năm này, bạn đã đưa tôi đến viếng mộ các cụ Hoàng Diệu, Phan Thành Tài, Nguyễn Duy Hiệu. Mộ cụ Phan Thành Tài nằm trong xóm nhà dân, gần bến xe Vĩnh Điện ngày xưa, được xây dựng đàng hoàng, có tường rào biệt lập và có người thường xuyên chăm sóc. Nơi yên nghỉ của cụ Hoàng Diệu trang nghiêm, nhìn ra cánh đồng xanh sung sức, hai bên là mộ của phu nhân ngài. Còn phía trước chỗ nằm của cụ Hường Hiệu là khoảng sông đầy gió, khoáng đãng. Chính quyền và nhân dân Quảng Nam đã làm những việc cần làm một cách xứng đáng để ghi nhớ công đức tiền nhân.

Mộ của đồng tác giả bài phú Danh sơn lương ngọc, bài phú từng làm náo động cả trường thi Bình Định hồi đầu thế kỷ thứ XX, cũng bề thế, từ xa đã nhìn thấy do cao vượt hẳn lên. Chỉ tiếc là đường vào lại quá hẹp, chỉ là một lối mòn len lỏi giữa nhiều ngôi mộ khác. Theo lời người bạn, trước đây gần mươi năm, chưa có cảnh “chen chúc” như hiện nay.. Ngôi mộ cụ Trần không có tường rào nên thiếu nét trang nghiêm cần có cho nơi yên nghỉ của một bậc chí sĩ yêu nước có nhiều công lao trong cuộc Duy Tân lớn vào đầu thế kỷ trước. Trộm nghĩ, điều này vẫn có thể khắc phục, nếu chính quyền địa phương và thân nhân của những ngôi mộ nằm quanh mộ cụ Trần thỏa thuận, di dời mộ theo một sự sắp xếp hợp lý, đàng hoàng.

Bóng tối đã hoàn toàn trùm xuống khu vực nghĩa trang. Những nén nhang sắp cháy hết lập lòe trong gió lạnh. Tôi chợt thấy mình thật tệ hại khi nhận ra bản thân đã quá vô tư đến mức vô tâm, trong khi nhiều năm qua vẫn cứ ngỡ, mình cũng là người có chút lòng tưởng nhớ đến những bậc tiền nhân: đây là lần đầu tiên tôi đến đứng trước nơi an nghỉ của các ngài. Nơi đây, lúc này, tôi hiểu rằng, cái chết không lấy đi tất cả. Đó chỉ là sự mất đi của một dạng tồn tại để chuyển sang một hình thức sống khác. Và với những con người đã làm xong những việc cần làm trong cuộc đời của họ, không kể là những nhân vật tên tuổi hay chỉ là những người bình thường, tất cả vẫn sẽ còn được lưu giữ trong ký ức của Thời Gian. Đó là Thời-Gian-Không-Mất. Thời gian sẽ lại chiếu thêm ánh sáng vào những gì con người đã làm khi họ còn sống trên đời này. . .

Những cây nhang đã tắt. Tôi cầm tay người bạn. Bàn tay không ấm nhưng vẫn nghe những nhịp máu thầm trôi bên dưới. Bàn tay chúng tôi rồi sẽ rời xa, nhưng phút mong manh này là mãi mãi. Và những cây nhang đã cháy hết kia sẽ lại còn được thắp lên từ tâm tưởng của những thế hệ kế tiếp. Bởi vì, trong cái giá rét của mùa đông đang nứt ra mầm sống của mùa xuân mới theo qui luật tự nhiên của đất trời. ■

 

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 192

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin