Chi tiết tin tức

Tuyệt vọng khi không còn lối thoát

15:57:00 - 02/07/2017
(PGNĐ) -  Thật ra, đâu có ai làm cho ta đến nỗi phải chịu đau thương như thế! Chính ta làm cho ta đau khổ mà thôi. Chẳng có ai thao túng cuộc đời của ta được. Nhiều người nghĩ rằng chết là hết nên tự kết liễu đời mình vì cho đó là giải pháp an toàn nhất. Họ không đủ sức chịu đựng để gánh lấy nỗi đau đang đè nặng trên vai. Nếu ta biết trở về con người tâm linh để gây dựng nội lực mạnh mẽ và nhìn thấu tận tim gan của vấn đề thì sự thất bại trong hiện tại sẽ là hành trang cho sự thành công ở mai sau. Khi ta đã tiếp nhận được con người tâm linh thì mọi thứ đối với ta chỉ là mộng ảo phù du, do đó ta nhìn đời với một màu sáng trong, thuần khiết.

Khi con người rơi vào trạng thái khổ đau cùng cực, không còn phương hướng, không còn lối thoát trong cuộc sống, người đó tự giết mình để chạy trốn cuộc đời. Nhiều người nhìn đời với con mắt bi quan, cho đời là bể khổ, dù cuộc đời vốn vẫn đẹp như những vì sao lấp lánh. Bản chất cuộc đời không có tốt hay xấu, tùy theo suy nghĩ và nhận thức của mỗi người mà cuộc đời trở thành thiên đường hạnh phúc hay địa ngục trần gian. Tại sao ta cô đơn? Tại sao ta tuyệt vọng? Ai đưa đẩy ta vào chỗ đó? Thượng đế ư? Thần linh ư? Vua quan ư? Gia đình ư? Bạn bè ư? Xã hội ư? Chỉ có ta làm cho ta tuyệt vọng, không ai ngoài chính bản thân ta.
 

Người tuyệt vọng là người không còn hy vọng trong hiện tại và trong cả tương lai. Trước mắt họ chỉ thấy một bầu trời đen tối, họ không có đủ niềm tin và nghị lực để khai mở con người tâm linh của mình, nên họ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ giữa dòng đời vô tận. Mặc dù đang sống chung với người thân, với gia đình, với bè bạn, với xã hội, nhưng họ vẫn cảm thấy cô đơn, hụt hẫng trước một sự thật quá phũ phàng, trước một sự thật quá đau thương, buồn tủi. Bởi họ không còn chỗ bám víu, không còn nơi nương tựa. 

Họ cảm thấy lạc loài, cô đơn như người đã từng giàu có bây giờ trắng tay, mất tất cả. Mọi cái, mọi thứ trên đời giờ đã hết, một sự thật không thể chối cãi được. Trong khi mọi cái đều thay đổi quá nhanh như vậy, ta cảm thấy chới với, bơ vơ như không còn chỗ đứng, nên đành cam chịu khổ đau trong tuyệt vọng.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thời Phật còn tại thế, có một thiếu nữ con của một gia đình giàu sang bậc nhất với tài sản trị giá hơn 400 triệu đồng tiền vàng. Năm 16 tuổi cô đã có nét đẹp của dáng ngọc mày ngà, có thân hình gợi cảm làm tâm hồn các chàng công tử con nhà quý phái đều chết mê, chết mệt. Thế rồi cha mẹ cũng hứa gả cô cho một chàng công tử môn đăng hộ đối. Chỉ còn hơn một tuần nữa thì ngày cưới được tổ chức long trọng. Nhưng trớ trêu thay, cô đã phải lòng chàng trai ở đợ trong nhà và đã trót trao thân cho người ấy. Chàng và nàng âm thầm trong lặng lẽ, sắp xếp mọi kế hoạch để chuẩn bị chuyến đi không hẹn ngày về nơi phương trời xa xôi theo tiếng gọi của con tim.
 

Nơi đất lạ quê người, chàng khai phá rừng hoang, trồng trọt, bán củi nuôi thân. Nàng ở nhà chăm lo công việc nội trợ. Từ xưa nay, nàng chưa từng động đến móng tay, mọi việc đều có người ở phục dịch, lo lắng hết cả. Giờ thì phải sống một đời bần hàn cơ cực trong rừng sâu núi thẳm, trong thương tiếc ngậm ngùi; bụng làm thì dạ chịu, nàng biết trách móc vào đâu được, âu cũng là duyên nghiệp năm xưa. Khi nàng có thai sắp đến ngày sinh nở, nàng thưa với chồng muốn về nhà cha mẹ ruột để có người chăm sóc, giúp đỡ. 

Anh chồng quá sợ vì nghĩ mình chỉ là tên nô lệ phục dịch chắc chắn sẽ bị trừng trị theo luật pháp nên không cho vợ về. Một hôm, người chồng đi đốn củi trong rừng và người vợ quyết định trốn đi. Người chồng đi làm về biết được mọi chuyện nên đã đuổi theo kịp và người vợ đã cho ra đời một bé trai kháu khỉnh ngay trên đường đi. Đứa con đầu lòng chào đời trong niềm vui vô hạn của hai người, họ cảm thấy hạnh phúc tràn trề.
 

Thời gian qua mau, đứa con đầu nay được ba tuổi thì nàng lại có thai. Cũng như lần trước, nàng cũng tìm đường về nhà cha mẹ và người chồng cũng đuổi theo bắt kịp. Như có linh tính chuyện không may xảy đến, nàng đang mệt mỏi vì cơn đau sắp sinh con thì mây đen ùn ùn kéo đến làm tối sầm cả bầu trời. Cơn mưa như giận dữ trút đổ xuống ào ạt, tiếng sấm sét không ngừng gào thét. Anh chồng cuống quýt lên vội vàng chặt vài nhánh cây để che đỡ cho nàng có chỗ khai hoa nở nhị. Nhưng bất hạnh thay, chàng bị một con rắn độc cắn chết liền tại chỗ. 
 

Ngay lúc chồng vừa chết thì đứa con thứ hai cũng kịp chào đời trong cơn mưa tầm tã. Một đứa vừa lên ba, một đứa mới chào đời, chúng không chịu nỗi cảnh mưa gió bão bùng nên đã khóc thét lên trong màn đêm đen tối. Người mẹ ấy giờ không còn cách nào khác, chỉ biết nằm úp xuống ôm hai con vào lòng để hứng chịu cơn mưa oan nghiệt. Trời vẫn còn thương cho kẻ bất hạnh, dứt cơn bão giông tố cũng qua đi. Tuy hiện tại đã mất đi người chồng yêu quý, nàng vẫn gắng gượng trong bước đi nghiêng ngả, một tay bồng con, một tay dắt con đi về hướng nhà cha mẹ ruột.
 

Nàng phải lê từng bước khổ sở, nhọc nhằn, thất tha, thất thểu, rồi họ đến được bờ sông. Cơn mưa đêm qua đã làm cho nước sông tràn ngập không thể đi qua bình thường được. Vả lại, lúc này nàng quá yếu, nàng không thể ôm hai đứa con lội cùng một lúc nên đành để lại đứa con lớn bên bờ này và ôm đứa nhỏ lội qua. Sau khi ráng sức qua tới bờ kia, nàng cẩn thận lấy nhánh cây đặt đứa bé nằm lên trên, rồi chuẩn bị bơi trở lại rước đứa con lớn. 
 

Nhưng chẳng may cho nàng, trong khi đang bơi qua hơn giữa dòng thì nghe tiếng tru của một con chó sói đang nhào tới để gặm đứa bé đi. Trong cơn hốt hoảng, nàng giơ tay la lên để cản ngăn con sói nhưng không còn kịp nữa. Bên này đứa con lớn tưởng mẹ kêu mình nên nhảy ùm xuống sông bị dòng nước cuốn trôi đi mất. Chồng chết, hai đứa con cũng đi theo. Giờ thì bao nhiêu hy vọng, ước mơ về một gia đình hạnh phúc đã tan tành theo mây khói, nàng chỉ còn hướng về cha mẹ, gia đình, người thân để mong được chút yêu thương và tha thứ. 
 

Nhưng sự thật càng phũ phàng hơn, khổ đau này chưa dứt, khổ đau khác đã chồng lên ngay nơi số phận của nàng. Nơi nàng sinh ra và lớn lên, khói bụi vẫn còn mờ mịt, nghi ngút tỏa. Nàng hỏi ra mới biết cha mẹ và người thân đều bị nhà sập đè chết hết vì cơn bão đêm qua. Nàng bây giờ không còn bình tĩnh nữa, trong phút chốc đã hóa ra điên loạn. Trên người không còn mảnh vải che thân, nàng vừa đi, vừa khóc, vừa cười, vừa hát nghêu ngao:
 

Chồng ta đã chết giữa đường

Hai con cũng vậy đi chầu theo sau.

Cha mẹ, gia đình, người thân

Cũng đã ra đi không ngày trở lại.
 

Hồi tưởng về quá khứ, đáng lẽ ra nàng đã hưởng trọn cuộc đời cao sang, quyền quý, được sống hạnh phúc bên mái ấm gia đình với dòng tộc cao quý do cha mẹ sắp đặt. Chỉ một phút lỡ làng đi theo tiếng gọi của con tim mà cuộc đời nàng phải trả một giá quá đắt, chẳng lẽ thượng đế đã trừng phạt nàng chăng? Xã hội ngày xưa theo truyền thống tập cấp chủ tớ nên phân biệt rành rẽ và có luật pháp hẳn hòi. Ai ở giai cấp nô lệ phục dịch thì suốt đời làm tôi tớ, không được quyền đụng chạm đến giai cấp tôn quý, huống hồ là lấy người giai cấp trên. 
 

Chính điều này đã tạo ra sự bất công oan trái trong hôn nhân, tình yêu lứa đôi. Con người ta không còn yêu nhau bằng tình thương chân thật nữa mà có sự lựa chọn, áp đặt của người trên nhờ sự mai mối theo cách thức môn đăng hộ đối đã để lại biết bao chuyện đau thương trong tình yêu nam nữ; không lẽ đấng tối cao nỡ nhẫn tâm, tàn nhẫn đến thế ư?
 

Trong cơn tuyệt vọng não nề, nàng đã mất hết tính người nên khoe thân thể cho mọi người nhìn thấy mà không còn biết mình là ai. Trời đất như quay cuồng, mọi thứ đều điên loạn, trong cơn tuyệt vọng của con người xác thịt thì khó ai có thể vượt qua nỗi bế tắc của cuộc đời. Vậy mà… dường như có một sự mầu nhiệm nào đó khi chúng ta biết khai thác con người tâm linh thì mọi khúc mắc sẽ được tháo gỡ. 
 

Khi con người bị bế tắc trong cơn khủng hoảng của tuyệt vọng, làm tâm tư trong sáng bị lu mờ nên nhìn mọi thứ bằng con mắt chán chường, bi quan, cảm thấy cuộc sống này không còn giá trị và ý nghĩa nữa nên ta cứ nhắm mắt buông xuôi, mặc cho số phận đã an bài. Nếu không có chút định tĩnh ta có thể hóa ra điên loạn, hoặc tệ hơn ta có thể tự kết liễu đời mình một cách oan uổng. Nhưng nếu nhìn thật kỹ, ta sẽ thấy đất trời đang rộng mở, đang bao bọc và che chở cho ta. Xung quanh ta còn biết bao người thân thương đang dang rộng vòng tay để ôm ấp, thương yêu trìu mến bằng sự hiểu biết và tha thứ, cảm thông. Chỉ vì tâm ta bị vướng kẹt trong phạm vi nhỏ hẹp mà ta đành lòng hủy hoại trong cô đơn, tuyệt vọng.
 

Người con gái ấy trong thoáng chốc mất hết tất cả, chồng con, cha mẹ, người thân, nên hóa ra điên cuồng, lang thang, thất thểu trong tâm trạng mê mờ. Thông thường, mọi sự thất bại về danh vọng, tiền bạc hay một lý tưởng nào đó chỉ là một phần trong đời sống của ta. Đằng này, người phụ nữ đó đã mất đi tình yêu, gia đình, người thân trong cùng một lúc, nên chỉ có thể trở nên điên loạn, thẫn thờ. Nếu giả sử ta đặt mình trong hoàn cảnh ấy, liệu ta có còn đủ sức chịu đựng hay đành chấp nhận chọn lấy cái chết trong cơn tuyệt vọng. 
 

Cũng may cho người con gái ấy, trong cơn điên loạn tuyệt vọng vô vàn đó, nàng đã gặp được đức Phật với tâm từ tỏa sáng đang trải rộng lòng thương xót, làm cho nàng từ từ tỉnh lại. Bất giác, nàng nhìn lại toàn thân mình không một mảnh vải che thân, nàng ngượng ngùng, xấu hổ, mới nằm úp trên mặt đất. Phật nhờ người đưa cho nàng chiếc y, mặc xong, nàng đến quỳ dưới chân Phật với tâm thành kính cao độ. 
 

“Kính bạch Phật Đà, xin hãy cho con làm đệ tử của Ngài, xin cho con được quy y Ngài và nương tựa Ngài. Con bây giờ không còn gì nữa, tất cả những người thân thương nhất của đời con đều đã ra đi hết”. Phật biết được tâm trạng của nàng, nên dùng những lời từ ái khuyên nàng chớ có nên đau buồn, phiền muộn. Bất cứ một ai đã gặp Như Lai thì có chỗ an trú, có chỗ nương tựa, có chỗ che chở vững chắc.
 

Chúng sinh sống trên thế gian này trải qua biết bao thăng trầm trong dòng luân hồi vô tận. Người khóc vì mất con, kẻ khóc vì mất người thân yêu…, nước mắt tiếc thương rơi nhiều hơn nước bốn biển trong hiện tại. Như Lai đã nói về sự khổ đau, mất mát của con người không thể tính đếm hết được. Những người mình yêu thương, gần gũi giờ đã vĩnh biệt ra đi thì hỏi ai không luyến tiếc, nhớ nhung, nuốt lệ thương đau trong cô đơn, buồn tủi. 
 

Những điều mong muốn, những ước mơ không được hài hòa như ý, cuộc sống cứ như đi ngược lại những gì ta mong mỏi, hỏi sao ai chẳng tuôn dòng lệ rơi. Rồi đến khi sắp từ giã cõi đời, cha mẹ, người thân, con cái, bạn bè, không ai có thể che chở, bao bọc cho ta suốt cả cuộc đời. Người trí cần phải có nhận thức sáng suốt để chuẩn bị hành trang làm tư lương cho con đường mình sẽ đi tới, nơi đó không có mặt của khổ đau và bất hạnh.
 

Sau khi được Phật khai thị, tâm trí nàng bắt đầu khai mở và từ đó nàng xin Phật được xuất gia tu học. Nhờ mỗi ngày quán chiếu sự vô thường thay đổi của kiếp người, không phải ai cũng có diễm phúc sống đến tuổi già để cùng gia đình chung vui hạnh phúc. Do siêng năng phục vụ đại chúng và tinh cần tu tập, lúc nào nàng cũng niềm nở, vui tươi với mọi người nên nàng được các bạn đồng tu gọi là “Ni vui vẻ”. 
 

Cho đến một hôm, nhân dịp múc nước rửa chân, nước chảy ra đất rồi từ từ thấm xuống hết và cứ như thế dù nhiều hay ít nước vẫn thấm xuống hết. Nàng nhận ra cái chết không từ bỏ một ai, từ khi mới sinh cho đến lúc tuổi già. Kẻ chết khi còn nhỏ, hoặc lúc trưởng thành, cho đến trung niên rồi già rồi chết. Thần chết luôn sẵn sàng rước ta đi trong bất cứ lúc nào. Ngay trong giờ khắc đó, nàng đã chứng quả A La Hán. Phật biết được nên nói bài kệ khen ngợi nàng:
 

Dù sống lâu ở đời

Không biết đạo giải thoát

Tốt hơn sống một ngày

Không si mê lầm lạc.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Chúng ta sống cứ mải mê chạy theo, bám víu công danh sự nghiệp, tiền bạc, vật chất tiện nghi mà quên đi phần tinh thần, tức con người tâm linh, nên dễ dẫn đến quẫn trí và tuyệt vọng. Không có gì đau khổ, cùng cực bằng tâm mờ mịt đi trong đêm tối ba mươi. Còn có sự sống là còn có hy vọng, nhưng hy vọng của chúng ta không phải là mộng mơ, không phải vu vơ, huyền hoặc. Nếu chúng ta hy vọng mà không có đích đến rõ ràng thì thật nguy hiểm. Như trường hợp của kẻ xấu chỉ muốn làm sao tìm cách chiếm đoạt của người khác mà nhẫn tâm cướp của giết người, hy vọng kiểu đó chỉ gây thêm tội lỗi và khổ đau cho nhân loại.
 

Người con gái ấy nếu không có duyên gặp Phật để Ngài rưới nước cam lồ từ bi thì liệu nàng có đủ khả năng để làm lại cuộc đời hay không? Sau khi quán chiếu thực tại đời sống con người, nàng nhận ra mọi thứ, mọi cái trên đời này dù có thương yêu, bao bọc, che chở đến đâu cũng không thể nào giữ lại được khi duyên phận đã hết. Vợ chồng, con cái, mẹ cha, người thân, bè bạn lúc nào cũng dang tay chào đón ta trong từng hơi thở, nếu ta không chịu tiếp nhận hơi thở của người thân hay con người tâm linh thì ta tự mình rơi vào hố sâu tuyệt vọng nên buông xuôi tất cả. 
 

Thật ra, đâu có ai làm cho ta đến nỗi phải chịu đau thương như thế! Chính ta làm cho ta đau khổ mà thôi. Chẳng có ai thao túng cuộc đời của ta được. Nhiều người nghĩ rằng chết là hết nên tự kết liễu đời mình vì cho đó là giải pháp an toàn nhất. Họ không đủ sức chịu đựng để gánh lấy nỗi đau đang đè nặng trên vai. Nếu ta biết trở về con người tâm linh để gây dựng nội lực mạnh mẽ và nhìn thấu tận tim gan của vấn đề thì sự thất bại trong hiện tại sẽ là hành trang cho sự thành công ở mai sau. Khi ta đã tiếp nhận được con người tâm linh thì mọi thứ đối với ta chỉ là mộng ảo phù du, do đó ta nhìn đời với một màu sáng trong, thuần khiết.
 

Thật ra, khi ta đối đầu với thất bại, ta nên bình tĩnh, sáng suốt tìm ra lối đi, chớ nên trốn chạy cuộc đời vì trong đó trách nhiệm của ta là chính. Ta không thể đổ lỗi cho ai, ta không thể buộc mọi người phải quan tâm đến ta mà chính ta phải có trách nhiệm lớn lao trong ấy. Ta có thể chấp nhận chịu khổ một mình chứ không nên bắt kẻ khác phải khổ cùng ta, vì ta không có quyền làm cho người khác khổ. Ta có quyền giận dỗi mình nhưng không có quyền trách giận kẻ khác. 
 

Có những người quan niệm hết sức sai lầm, họ cho rằng cõi này là cõi tạm. Các ông vua thời xưa sau khi chết đều bắt giết người thân và tất cả vàng bạc, tài sản đều phải được chôn theo để cùng về sống bên kia thế giới vĩnh hằng. Điều này quá ác độc! Họ chưa về được thế giới bên kia mà hiện tại không biết bao người phải khổ lụy theo thì liệu họ có thể yên vui nơi thế giới xa lạ đó, hay trong lòng phải mang theo nhiều oán hận, thù hằn. 
 

Ai làm người chắc ít nhiều gì cũng từng nếm trải chút đắng cay trong cuộc đời. Chúng ta không nên bi quan, chán nản mà phải tự mình vươn lên nhìn thấy được sự thật của nó để dũng cảm vượt qua. Tuy rằng có té đau đôi chút nhưng không đến nỗi làm ta gục ngã. Ta có thể vấp ngã từ đất và ta cũng từ đất đứng lên phải không các bạn?  

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin