Chi tiết tin tức

Chủ nghĩa Platon và giáo lý đạo Phật

21:32:00 - 01/01/2025
(PGNĐ) -  Nếu phương Đông có Triết học Ấn Độ là nền văn minh cổ xưa nhất thì phương Tây có Triết học Hy Lạp cổ đại là nền văn minh lâu đời nhất. Những thành tựu của nền văn minh phương Tây vẫn luôn khiến người ta phải ngưỡng mộ, khâm phục.

Triết học phương Tây Hy Lạp cổ đại vẫn còn đến ngày nay được ghi nhận công rất lớn nhờ những tài liệu viết tay của Platon để lại, triết gia người Đức Karl Jasper từng nói, toàn bộTriết học phương Tây chỉ là những dòng cước chú dưới những trang sách của Platon. Có người cho rằng nếu mang tất cả các sách vở trên đời ra đốt hết cũng không hề hấn gì, ngoại trừ cuốn Cộng Hòa của Platon. Ông để lại cho nhân loại một di sản Triết học đồ sộ với nhiều lĩnh vực, từ bản thể luận, nhận thức luận, đạo đức học, kinh tế - xã hộicho đến giáo dục văn hóa, bản thể con người, ...
 

Các triết gia phương Đông lẫn phương Tây đều xem trọng vấn đề con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu, nguồn gốc con người từ xưa vốn là thiện hay ác. Các nhà triết học có xu hướng tìm về nguồn gốc con người qua một số nền tảng thiết yếu ví như đạo đức, thiện lương, sự tu tập chứng ngộ, giải thoát. Trong thời đại của mình, Platon là người phát minh ra thể loại đối thoại bằng văn bản và các hình thức biện chứngtrong triết học.
 

Chính lý do đó, tác giả xin phép đưa ra sự tương đồng giữa triết họcphương Tây, cụ thể ở đây là thuyết Platon và giáo lý đức Phật. Qua đó có thể trả lời câu hỏi: Phật giáo và Chủ nghĩa Platon tương đồng và khác nhau cơ bản như thế nào?

Đạo Phật được cho rằng vào Việt Nam từ khoảng thế kỷ thứ III trước Công nguyên. Tuy đạo Phật sinh ra và phát triển tại Ấn Độ (một nền Triết học phương Đông lâu đời), nhưng vẫn có sức ảnh hưởng rất lớn trong tâm hồn của những người con Việt.
 

Trong giáo lý Phật giáo, con người do nhiều nhân duyên mà tạo thành, trong đó 3 nhân chính yếu được xem như là: nghiệp lực, ngũ uẩn, và các thức.
 

Ngũ uẩn hay còn gọi là năm uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc pháp cấu tạo bởi bốn đại chủng: đất, nước, gió, lửa; thân xác chính là do tứ đại hợp lại mà thành. Cái gì có tính chất rắn là địa đại, tính chấtlỏng là thủy đại, tính nhiệt, hơi ấm là hỏa đại, tính lay động là phong đại. Thọ uẩn gồm khổ, lạc, hỷ, ưu, xả. Trong Câu Xá Luận các vị tổ cho rằng “thọ lãnh nạp tùy xúc”, có nghĩa là sự lãnh nạp tùy theo cảnh của xúc. Thọ y nơi xúc mà sinh ra. Tưởng thủ uẩn là hồi tưởng, được duyên bởi trải nghiệm hoặc là sự tưởng tượng,... trong Câu Xá Luận: “tưởng thủ tượng vi thể”, nghĩa là tưởng có công năng đối cảnh rồi chấp giữ các hình tượng sai khác. Hành thủ uẩn là dòng chảy không ngừng của tư duy, cùng sự vận hành tạo tác hành động bao gồm cả phương diện xấu tốt của ý chí và những gì được xem là nghiệp. Hành gồm sắc tư, thọ tư, tưởng tư, hành tư, thức tư, là sự thể hiện, hình thành các pháp hữu vi. Cũng là nghiệp thiện ác dẫn chúng sinh vào vòng luân hồi sinh tử. Thức uẩn bao gồm sáu thức giác quan (Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức) và hai thức vi tế (Mạt na thức, A lại da thức).
 

Con người sinh ra lớn lên đều nhờ nghiệp lực dẫn lối, từ nhiều kiếp vô minh duyên tới ái, thủ, hữu. Nghiệp của con người từ nhiều kiếp trướctạo nên, khi thân xác này chết đi, cận tử nghiệp sẽ dẫn dắt a lại da thứcđi tái sinh, tùy theo tâm của mỗi người sinh ra cảnh vui sướng hay đau khổ. Con người luôn chấp vào thân này là của tôi, là tôi, là tự ngã của tôi mà luẩn quẩn trong vòng sinh tử luân hồi, một khi ta không bám víuvào thân này hay bất kì điều gì, ta sẽ có cơ hội thoát khỏi khổ đau.
 

Đức Phật dạy sinh mạng của con người chỉ trong một hơi thở. Nếu hơi thở ấy thở ra và không thở vào, sinh mạng sẽ mất.
 

Chỉ có Thức thứ tám đi tái sinh kiếp này sang kiếp khác. Con người hay chấp thủ, ái luyến nên sinh ra tính tự kỷ, ích kỷ, tính tham và lòng ham muốn, như một người vì thấy một người khác giàu hơn mình, đẹp hơn mình, giỏi hơn mình sẽ sinh tâm đố kỵ, ngay cả đứa trẻ sinh ra cũng biết ích kỷ khi người lớn lấy đi của nó một món đồ mà nó rất thích. Đức Phật nói do sự chấp vào cái này là của ta, ta là chủ nhân của nó, không ai có thể đụng đến và độc quyền mình ta.
 

Khi và chỉ khi “như thật quán với chính trí tuệ: Năm uẩn là vô thường, cái gì vô thường cái đó gây khổ đau, cái gì khổ đau hãy quán chiếu rằng "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi"(1).

Qua Tứ Thánh Đế, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về nguồn gốc của khổ và con đường diệt khổ, Đức Phật trình bày: “… và này các tỳ kheo, thế nào là Khổ thánh đế? Sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bikhổ ưu não là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ…Thế nào là Khổ tập thánh đế? Sự tham ái đưa đến tái sinh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia…Thế nào là Khổ diệt thánh đế? Sự diệt tận không còn luyến tiếc tham ái ấy, sự xả ly, sự hỷ xả, sự giải thoát, sự vô nhiễm (tham ái ấy)…Thế nào là Khổ diệt đạo thánh đế? Đó là thánh đạo tám ngành, tức là chính tri kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định”(2).
 

Bốn chân lý này giúp đưa đến sự an lạc giải thoát. Người tu hành hiểu rõ Tứ Thánh Đế sẽ đạt đến Tứ thánh quả được giải thoát khổ đau bao gồm Tu- đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán.
 

Trên phương diện đối chiếu với Tứ Thánh Đế, chủ nghĩa Platon cũng có những điểm tương đồng với ý niệm đạo Phật. Platon cho rằng thế giớivật chất là không toàn hảo, thay đổi và con người bị thế giới này trói buộc; để chấm dứt sự trói buộc này, học thuyết Platon nhấn mạnh qua việc tu dưỡng bằng tri thức, lý trí. Chúng ta có thể nhận thấy sự tương đồng giữa Tứ Thánh Đế và chủ nghĩa Platon trên phương diện không vĩnh cửu của thế giới vật chất, tu tập để giải thoát khổ đau.
 

Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là ở cách tiếp nhận sự giải thoát khổ đau khi giáo lý nhà Phật đứng ở phương diện tu tập bằng Bát Chính đạo, giác ngộ không thể bằng suy luận của ý thức mà phải trực nhận, còn Platon thì ở góc độ học tập tìm kiếm tri thức về thực tại tuyệt đốithông qua lý trí suy luận.
 

Giáo lý Phật giáo và học thuyết Platon có chung quan điểm khác nữa đó là về thân xác con người đều được hình thành dựa trên tứ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa.
 

Điều khác biệt là Platon cho rằng con người là một hợp thể từ linh hồnvà thể xác, khi thể xác mất vẫn còn linh hồn tồn tại. Ông cho rằng linh hồn và thể xác không chỉ tách rời mà còn đối lập nhau, quan điểm của ông về thể xác được kết hợp từ đất, nước, lửa và không khí, chính vì vậy thể xác không thể bất diệt, còn linh hồn là vĩnh cửu, thuộc về thế giới ý niệm với ba phần: lý trí, lý tính (tinh thần) và dục vọng (xúc cảm, tham muốn); trong đó phần lý trí bất diệt và hai phần sau chết cùng thể xác.
 

Ông nói rằng “Khi thần thánh tạo nên linh hồn, đưa nó nhập vào các vì sao, số lượng các linh hồn là đáng kể, nhưng chỉ là số hữu hạn, những linh hồn ấy không được tạo ra thêm nữa. Các cấp độ của linh hồn cư trú trong các hạng người khác nhau, bởi sai lầm của các linh hồn được dàn trải từ thấp đến cao: linh hồn ưu tú và linh hồn bất tử. Linh hồn ưu túphần lớn là trú ngụ trong cơ thể của giới thượng lưu quý tộc. Linh hồnbất tử cư trú theo các loại: loại cao nhất là ở các nhà Triết học, nó giúp các nhà Triết học trở thành thông thái nhất, hạng hai ở các vua chúa, tướng lĩnh; hạng ba ở các quan chức nhà nước, hạng tư ở các nhà thể thao, thầy thuốc; hạng năm ở người tín ngưỡng, nhà tiên tri; hạng sáu ở nhà thơ, họa sĩ, hạng bảy ở thợ thủ công, người làm nghề nông; hạng tám ở các nhà Xoophixto; hạng chín ở bạo chúa”(3).

Đối với Phật giáo, con người không những tạo bởi đất, lửa, gió, nước mà nó còn tạo bởi nghiệp báo và các thức. Giáo lý đạo Phật đồng ý với quan điểm khi chết thể xác sẽ không còn tồn tại, tuy nhiên Phật giáokhông chủ trương khái niệm linh hồn bất diệt. Ở phương diện đạo đức, Platon cho rằng con người hành động sẽ dẫn tới gây hại cho chính bản thân mình, tinh thần và xa rời chân lý, đồng tình với góc độ này, Phật giáo cũng thể hiện rằng người làm ác sẽ tạo nên quả báo khổ đau tương ứng với nhân gây ra. Thế nhưng, Phật giáo không chấp nhận khái niệm về linh hồn vĩnh cửu như chủ nghĩa Platon.
 

Thuyết Platon không mang tính áp đặt giáo điều hoặc một sự khẳng định tối thượng về chân lý, mà ông phối hợp hài hòa giữa văn chươngtriết học, với xây dựng các cuộc hội thoại để kích thích lý trí tư duy. Trên góc độ này, Phật giáo có tính tương đồng, khi đức Phật đề cao tính trực nhận, trải nghiệm rõ đúng sai chứ không phải là công nhận một cách mù quáng, điều này được thể hiện qua kinh Tăng Chi Bộ, Chương III: Ba Pháp, Phẩm VII: Phẩm Lớn, bài “Các vị ở Kesaputta”:
 

“Này các Kàlàmà; chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa môn là bậc đạo sư của mình. Nhưng này các Kàlàmà, khi nào tự mình rõ biết như sau: "Các pháp này là bất thiện, các pháp này là có tội, các pháp này bị người có trí chỉ trích, các pháp này đều được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh, khổ đau’ thời này các Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng”(4).
 

Con người nên tin vào quan điểm nghiệp của chúng ta do chúng ta tạo nên, và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống ta, điều này đều được cả 2 bên công nhận.
 

Câu nói nổi tiếng “Tự chinh phục mình là chiến công vĩ đại nhất”(5) của Platon cho chúng ta thấy chủ thuyết duy tâm của ông. Đây cũng là tinh thần có quan điểm giống với đức Phật về sự chiến thắng chính mình. Trong kinh Pháp Cú “… tự thắng mình tốt hơn, thật chiến thắng tối thượng”(6), đức Phật cũng nhấn mạnh rõ dù chiến thắng ngàn vạn quân nhưng vẫn không bằng chiến thắng chính mình. Platon đã sử dụng khái niệm “tự chinh phục mình” diễn giải cho sự vượt lên rào cản khó khăn của bản thân để cố gắng nỗ lực. Trong tác phẩm Cộng hòa của ông cũng đề cập đến sự giáo dục thể lực, sự học tập không ngừng nghỉ để tất cả mọi người đều trở thành các triết gia. Đức Phật, với sự chứng ngộ chân lý, “chiến thắng chính mình” là sự chiến thắng tham, sân, si trong mỗi con người. Nó ẩn sâu trong mỗi tâm thức, không như Platon nói lòng tham nằm nơi thận, nó là một kho chứa năng lực phần lớn là thuộc tính dục. Sân si nằm ở trái tim theo thuyết Platon, đức Phật lại cho rằng nó nằm trong con người và khó lòng sửa đổi.
 

“Loài người sẽ không tránh khỏi cái ác cho tới khi các nhà Triết họcchân chính và biết tư duy đúng đắn chưa giữ được các chức trách nhà nước hoặc các nhà cầm quyền chưa trở thành các nhà Triết học chân chính”(7). “Cái ác” Platon nói đến chắc hẳn là khổ trong giáo lý đạo Phật.
 

Ông đưa ra cách tránh khỏi cái ác bằng cách giáo dục, nhưng liệu giáo dục có đem con người thoát khỏi cái ác không? Theo người viết sẽ không, vì chính cái ác là tham, sân, si mà ông định nghĩa trước đó, nó nằm ở trong thận của mỗi con người sao có thể dùng giáo dục để trở thành các nhà triết gia. Ví như một người bị thương, khi ta không chữa tận sâu trong vết thương, chỉ chữa trị ở ngoài, vết thương ấy vẫn có thể bị trở lại, thậm chí nó có thể bị lở loét.
 

Chúng ta hãy thử đặt giả thiết: Nếu một người linh hồn của họ là hạng thứ chín bạo chúa, liệu giáo dục có đem linh hồn họ trở thành hạng thứnhất các triết gia?
 

Trong giáo lý đạo Phật, đức Phật nói rõ về Tứ thánh đế; Khổ đế là chỉ rõ sự đau khổ của con người; Tập đế là nguyên nhân vì sao con ngườikhổ; Diệt đế là sự thật về khổ, chấm dứt khổ đau; Đạo đế là con đườngthực hành để thoát khổ đau, chứng ngộ an lạc.

Chính bản thân chúng ta tạo nên cuộc sống của chúng ta. Kinh Trung Bộ, Tiểu kinh Màlunkyà, ngài ví dụ sự khổ đau bằng mũi tên tẩm độc, chàng trai trẻ không lấy mũi tên độc ra và luôn hỏi mũi tên này từ đâu tới, ai bắn, làm bằng chất liệu gì. Cuối cùng, vì không lấy mũi tên độc ra, vị ấy chết mà chưa kịp chữa trị(8).
 

Ở đây, chúng ta không nên bàn quan niệm đúng sai, cái nào tốt cái nào xấu, mà chỉ nên đối chiếu giữa hai nền tư tưởng lớn. Biết rằng, trước đó Platon có qua Ấn Độ để tham vấn về Triết học, đâu đó ông cũng tiếp xúc với tư tưởng Phật giáo. Trí tuệ của mỗi con người rộng vô biên, vì thế, đây chỉ là những điểm khác và giống nhau giữa giáo lý đạo Phật và chủ nghĩa Platon mà thôi.
 

Kết luận: Tóm lại, Triết học Hy Lạp cổ đại đi vào lịch sử nhân loại không chỉ với tư cách là “cái nôi” của Triết học thế giới, mà hơn thế nó còn sản sinh ra những triết gia “siêu trí tuệ” về những vấn đề của cuộc sống, đặc biệt là vấn đề về bản tính con người. Những quan niệm về bản tính con người của các nhà Triết học Hy Lạp cổ đại ra đời, phát triển trong điều kiện kinh tế, xã hội và chính trị của thời đại chiếm hữu nô lệ. Các tri thức khoa học còn quá ít và sơ sài, trình độ phát triển của tư tưởng và văn hóa còn thấp, sức ảnh hưởng của thần thoại khá nặng nề, song không phải vì những điều kiện ấy mà vấn đề về con người của các triết gia Hy Lạp cổ đại không được luận giải một cách đúng đắn.
 

Đặc biệt, với Triết học Platon, ông không những đưa ra luận giải bản tính con người mà ông còn có thể đưa ra cách thức làm cho con ngườitrở thành triết gia, trở về với bản nguyên thuần túy của mình. Ông đặt nền móng cho Triết học phát triển sau này.
 

Thời đó, khoa học chưa phát triển, máy móc còn thô sơ nhưng họ hướng tới sự tìm tòi thế giới, bản tính con người một cách sâu sắc. Phật pháp ở thế gian, không xa sự giác ngộ của thế gian, tuy hai nền triết học khác nhau nhưng đều chung tư tưởng giúp con người lìa khổ, thoát khổ. Người tu sĩ Phật giáo cũng cần hiểu biết thêm văn hóa phong tục và những quan niệm của các triết gia các nước, để có thể đem đạo vào đời một cách phù hợp nhất, hiệu quả nhất, làm an lạc cho mọi người.
 

Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiếu
Cao học Khóa V, Học viện PGVN tại TP.HCM
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2024
Thư Viện Hoa Sen 12/2024

***

CHÚ THÍCH:
(1) Viện Nghiên cứu Phật học, Kinh Tương Ưng III, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2018, tr. 95-6
(2) Viện Nghiên cứu Phật học, Kinh Trường Bộ, tập I, II, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2018, tr. 454 - 9
(3) Phạm Thị Thu Phương, Luận văn tốt nghiệp thạc sĩ Triết học “Vấn đề con người trong triết học Hy Lạp cổ đại , 2009, tr. 79
(4) Viện Nghiên cứu Phật học Kinh Tăng Chi, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2018, tr.219- 220
(5) Giáo trình bộ môn triết phương Tây của Giáo thọ hướng dẫn, tr.26
(6) Viện Nghiên cứu Phật học. Kinh Tiểu Bộ I, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2018, Pháp Cú, phẩm Ngàn, số 103, tr. 56
(7) Sđd, tr. 96
(8) Viện Nghiên cứu Phật học, Kinh Trung Bộ I, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2018, Tiểu kinh Malunkya, tr. 523- 4

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin