Chi tiết tin tức

Dân tộc và độc lập dân tộc là cảm hứng sâu xa của Hòa thượng Tố Liên

21:38:00 - 20/11/2016
(PGNĐ) -  Tiếp nối dự kiến đã được định sẵn vào năm 2006, khi diễn ra Hội thảo khoa học về Sa môn Trí Hải, bậc đại trưởng thụ về công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc. Năm nay, chúng ta lại làm tiếp công việc với một cuộc hội thảo về Hòa thượng Tố Liên, một nhà sư ở miền Bắc, nhưng đồng thời cũng là nhà hoạt động và kiến tạo của Phật giáo Việt Nam hiện đại và quốc tế nhân dịp 30 năm ngày giỗ của Ngài.

Thực sự, do một số lý do khách quan, chúng ta chưa có được sự tôn vinh đúng mực và kịp thời thân thế và hành trạng đa diện và đầy công trạng của Ngài đối với Phật giáo miền Bắc, Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới trong lúc đất nước ta trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến năm 1954. Thời gian đã cho thấy, bằng những hoạt động và trước tác trong một khoảng thời gian khá mật tập (1950-1952), một thái độ chính trị, một tình cảm dân tộc và tự hào dân tộc, một tư duy mạch lạc và nhất quán, trung thành với chân lý của đức Phật, một tài năng và bản lĩnh ngoại giao có thể được coi là hiếm hoi trong điều kiện lần đầu tiên ra nước ngoài và chưa có nhiều thông tin về Việt Nam trên trường quốc tế… đã ánh lên, để ngày nay ta có quyền nhắc đến sự thật ẩn giấu đã lâu rằng Ngài là một người yêu nước sâu sắc và đã góp phần làm hiển danh tên tuổi của một nước Việt Nam mới trên trường quốc tế. 
 
Thế nhưng hẳn nhiên có những lý do để cho một thời chúng ta ngại ngần nói lên điều này. Dường như hai nhân vật nổi bật của phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc là Hòa thượng Trí Hải và Hòa thượng Tố Liên đã không được hiểu và đánh giá một cách công tâm và bình tĩnh về những đóng góp của hai Ngài trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà tuy không nói ra, song là bởi hai Ngài ở lại Hà Nội sau khi toàn quốc kháng chiến diễn ra. Đúng như thế, các nhà sư có thể tham gia kháng chiến bằng nhiều cách thức, phù hợp với tình hình và phù hợp với bản tính người con Phật nơi các Ngài. Xông ra trận tiền, bị giặc giam cầm tù đày là một cách thức dễ làm lay động lòng người như Hòa thượng Thiện Chiếu, Hòa thượng Thanh Tứ và các nhà sư cởi áo cà sa để đánh giặc đã minh chứng. Nhưng cách thức như Hòa thượng Trí Hải, Hòa thượng Tố Liên giữ gìn đạo mạch trong khi chùa và phật tử đang trong vòng cương tỏa của thực dân là một biểu hiện khác mà ta cần ghi nhận. Bài tham luận của chúng tôi xin được tham góp ở khía cạnh còn ít được đề cập đó.
 
Tài liệu dùng để viết bài này, chúng tôi tự biết chưa đủ như thông tin nắm được, có thể còn có nhiều hơn thế. Tuy nhiên, những gì có được cũng khiến chúng tôi nghĩ có thể nói về chủ đề này mà không sợ bị hiểu sai quá nhiều so với ý nghĩ và ý kiến của Ngài. Đó là cuốn Ký sự phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Ấn Độ và Tích Lan [1] do chính tay Ngài viết sau khi thăm viếng và tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo tại Colombo, Sri Lanka năm 1950.
 
Gác qua bên việc chính quyền ông Bảo Đại đã tạo cơ hội cho phái đoàn Phật giáo Việt Nam đi Sri Lanka như thế nào và vì mục đích gì, mà chỉ cần nói đến các hoạt động của Hòa thượng Tố Liên trong những ngày ở thăm Ấn Độ. Thông qua cuốn ký sự, ta có thể thấy tình cảm lay động lớn lao dường nào khi Ngài thăm lại các cổ Phật tích xa xưa, khiến Ngài có được niềm tin sâu xa rằng con đường Ngài đi theo lời chỉ dẫn của đức Phật là đúng và hợp thời không chỉ cho riêng mình mà cho cả nhân loại – chúng sinh và dân tộc, song không bao giờ lại quên một sứ mệnh cao cả là đem đến một hình ảnh Việt Nam có thực và đang đấu tranh vì độc lập Tổ quốc đối với tối thiểu là các bạn Ấn, rồi sau đó là bạn hữu Đông Tây khác. Để hiểu rõ hơn, hãy lần lượt đọc một số trích đoạn của Ngài:
 
“6. Ngài Thủ Hiến Bengale hỏi về Phật giáo và Chính trị Việt Nam 
 
Lễ chiêm bái xá lợi xong, ngài Tổng Thư ký lại cho biết rằng: “Thủ hiến xứ BENGALE (Băng gan) hẹn 4 giờ chiều hôm nay sẽ tiếp chúng tôi”. Đúng 4 giờ, ông Tổng Thư ký cùng đi với chúng tôi vào Phủ Thủ hiến. Đến nơi lính gác cửa vào trình, ngài Thủ Hiến ra cửa đón chào và mời chúng tôi vào công đường nói chuyện. Ngài Thủ Hiến nói: “Tôi tuy không chính thức quy Phật, nhưng tôi rất tin Phật và rất mộ giáo lý của Phật, vì Phật dạy: Hạng người nào cũng theo được”. Ngài hỏi: “Bên Việt Nam cuộc chiến tranh Việt Pháp đã yên chưa?”.
 
- Thưa Ngài, chưa yên!
 
Ngài nói: “Tôi đọc các báo có nói nhiều về sự đau khổ của dân Việt Nam, nên tối nào tôi cũng cầu nguyện cho nền độc lập của nước Việt Nam sớm thực hiện cho dân tình đỡ khổ”.
 
Những câu nói của ngài Thủ hiến BENGALE vừa nói xong, khiến cho tôi thêm để ý xem dung mạo như thế nào, mà nói những câu thiết tha đối với dân Việt Nam như vậy. Quả nhiên tai to, trán cao, mắt sáng, tiếng nói dõng dạc, tầm người cao lớn, cả tướng mạo đáng kính, vận bộ quần áo vải gai phơn phớt trắng, biểu lộ một tư cách con người có vẻ trầm tiềm, cương nghị và nhân từ, khiêm tốn. Lúc mới tới, Ngài tiếp chúng tôi bằng cách vồn vã và thân mật như tình khế hữu. Tôi nghĩ luôn, Ngài đã kính mộ giáo lý của Phật, lại thân mật với Chư tăng, cố nhiên có tư tưởng mong cho thế giới hòa bình bằng cách không bạo động. Như vậy, những câu mà Ngài tiếp chúng tôi thành thực tự đáy lòng thốt ra”.
 
Nếu chỉ dừng ở đó, hẳn ta chưa thấy được bao nhiêu quan kiến của Ngài về công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc đương thời dưới sự lãnh đạo của chính phủ cụ Hồ. Song cũng đã hé lộ một điều sâu kín trong lòng Ngài. Và quả nhiên, khi trả lời một vị Đại đức người Ấn, Ngài đã nói rõ ra:
 
“8. Một vị Đại đức hỏi về Phật giáo Việt Nam 
 
Một hôm về buổi tối, một vị Đại đức nguyên là Tiến sĩ xuất gia đến phòng của tôi nói là sẽ hướng dẫn phái đoàn Phật giáo chúng tôi đi chiêm bái các nơi Phật tích. Theo chương trình thì phải đi tới mười ngày mới về. Tôi cám ơn và mời Đại đức ngồi nói chuyện. 
(…) 
- Số tăng, ni ở VIệt Nam có được bao nhiêu?
 
- Đích số thì tôi chưa biết rõ, nhưng ở Việt Nam rất ít làng không có chùa, có làng lại có đến hai ba chùa. Mỗi chùa cả thầy lẫn tiểu, ít nhất cũng tới ba người. Nhiều chùa có tới vài ba chục vị. Xem thế thì biết số tăng, ni ở Việt Nam không phải là ít.
 
- Thượng tọa bao nhiêu tuổi mới xuất gia, tu ở chùa nào, thuộc về pháp phái nào?
 
- Tôi xuất gia giữa năm 1916, tức là năm lên 13 tuổi, thụ nghiệp Hòa thượng tôi tại chùa Hương Tích ở tỉnh Hà Đông thuộc về pháp phái Lâm Tế.
 
- Thượng tọa theo công cuộc chấn hưng Phật giáo đã được bao nhiêu năm?
 
- Đầu năm 1935, tôi đang tu niệm ở chùa La Sơn, bỗng bị nghiệp sư bắt ra giúp Hội V.N.P.G vì có một số các yếu nhân của Hội đó vào tận chùa Hương Tích thỉnh cầu, nên Hòa thượng tôi bắt phải ra chùa Quán Sứ để theo đuổi mục đích chấn hưng Phật giáo, chẳng may tôi bị bệnh phải xin tạm nghỉ về chùa Côn Sơn thuộc tỉnh Hải Dương điều trị, nhưng cũng không khỏi, sau lại phải ra bệnh viện Hà Nội mổ giữa năm 1945 chính là năm nước chúng tôi bùng nổ cuộc cách mạng do cụ Hồ Chí Minh lãnh đạo. 
(…) 
Công cuộc của Ủy ban Tăng già Bắc bộ đó đang tiến triển thì cuộc chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, dân chúng và các phật tử ở Hà Nội chạy loạn hầu hết còn mấy vị chúng tôi, tử, sinh phó mặc cho định nghiệp, liều chết ở lại chùa Quán Sứ, lẽ cố nhiên phải đương đầu với đầy thảm trạng đau thương, cũng đều trông cậy có phật lực che chở cho qua cơn sóng gió hết sức nguy nan khủng khiếp mới còn đến ngày nay, lại hân hạnh được sang nước Phật đây để được gặp gỡ các phật tử thế giới…”.
 
Qua lời thuật lại với một vị Đại đức, chúng ta đã rõ Ngài ủng hộ ai trong cách mạng và kháng chiến của dân tộc chống thực dân Pháp: đó là chính phủ của cụ Hồ. Và Ngài đã tự thuật về việc ở lại Hà Nội như một sự giữ gìn đạo mạch trong cơn lửa khói, có thể coi đó là một sự âm thầm cống hiến cho đạo pháp cũng tức là cho dân tộc.
 
Đúng thế, cần có những thẩm định kỹ hơn các hoạt động của Ngài ở Hà Nội. Và đây là kết quả của những hoạt động của Ngài từ năm 1945 đến 1946 được ông Nguyễn Đại Đồng tập hợp như sau:
 
“Năm 1945 Ất Dậu
 
Cuối thành 12/1944 - tháng 01/1945, Ban Quản trị Hội Phật giáo Bắc Kỳ thỉnh Thượng tọa Tố Liên từ chùa Côn Sơn, Hải Dương về giúp việc Hội tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. 
 
Sang tháng 2 (tức tháng Giêng năm Ất Dậu) nạn đói ngày càng trầm trọng. Thấy việc chỉ giúp quần áo mùa đông thôi là chưa đủ mà phải cứu đói nữa, Thượng tọa Trí Hải (đại diện Hội Phật giáo tại Ban Cứu tế mùa đông) cùng với Thượng tọa Tố Liên và cư sĩ Thiều Chửu thành lập Tổng hội Cứu tế. Tổng hội họp ra mắt ở chùa Quán Sứ, được các thành viên Ban Cứu tế mùa đông cộng tác và sự ủng hộ của các trí thức và nhà từ thiện khắp Bắc Kỳ. Tổng hội Cứu tế do ông Nguyễn Văn Tố một thành viên sáng lập Hội Bắc Kỳ Phật giáo làm Hội trưởng, trụ sở đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. 
 
Tổng hội đã tổ chức quyên góp giúp đỡ những người đói khổ, lập Cô nhi viện tại trường Phổ Quang nuôi hơn 200 trẻ thất lạc, bơ vơ trong nạn đói. Tổng hội cũng lập một trại nuôi đồng bào bị đói ở Ngã Tư Vọng - Giáp Bát (Hà Nội) cứu đói cho hàng nghìn người. 
 
Trong tháng 11/1945, đại biểu Tăng già các tỉnh thuộc Bắc Bộ cùng đại biểu 3 hội: Phật giáo Cứu quốc, Phật tử Việt Nam, Phật giáo Việt Nam đã họp đại hội nghị và đã quyết nghị lập tại Bắc Bộ, trước khi đi đến chỗ đại hội nghị toàn quốc, một Ủy ban Chấp hành Tăng già Phật giáo Việt Nam. [2] Ủy ban này có nhiệm vụ liên hiệp hết thảy các sơn môn, các hội Phật cùng chung một chủ nghĩa “Từ bi cứu khổ” của đức Phật Thích Ca để thực hiện việc:
 
1. Hoằng dương Phật pháp và phụng sự Tổ quốc; 
2. Cứu khổ cứu nạn.
 
Danh sách các vị trong ủy ban:
 
Chánh Chủ tịch: Thích Mật Ứng, chùa Quảng Bá, Hà Nội; 
Phó chủ tịch: Tố Liên, chùa Quán Sứ, Hà Nội; 
Thư ký: Mật Chiếu, chùa Phổ Giác, Hà Nội; 
Tài chính: Thanh Thước, chùa Dư Hàng, Hải Phòng; 
Giám sát: Thái Hòa, chùa Hương Hải, Hải Dương; Thanh Kinh, chùa Hương Sơn, Hà Đông; 
Trưởng ban Nội, Ngoại vụ: sư ông Vĩnh Quang, chùa Phổ Giác, Hà Nội; 
Phó ban Nội, Ngoại vụ: sư ông Tâm Chính, chùa Quán Sứ; 
Cư sĩ tham dự: Văn Quang Thùy, Lê Ngọc Tiến.
 
Trụ sở ủy ban đặt tại chùa Quán Sứ, 73 phố Quán Sứ, Hà Nội
 
Ngày 6/11/1945, Ủy ban Tăng già Phật giáo Việt Nam đề nghị các phật tử và những người thờ Phật lập bàn thờ ở nhà hoặc đến chùa lễ Phật để cầu nguyện cho nền độc lập hoàn toàn của Tổ quốc. Đúng 8 giờ sáng tất cả các chùa khu vực Hà Nội đều thỉnh chuông trong 15 phút. 
 
Báo Cứu Quốc số 113 ra ngày 10/12/1945 đăng danh sách 43 vị ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa 1 ở Hà Nội có ông Nguyễn Thanh Lai tức Tố Liên chùa Quán Sứ Phật giáo hội, Nguyễn Hữu Thuyết bác sĩ số nhà 10 phố Hàng bè, phó Hội trưởng Hội Phật giáo Cứu quốc, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam, bác sĩ Trần Duy Hưng ở 73 Thợ Nhuộm, một phật tử.
 
Năm 1946 Bính Tuất
 
Ngày 8/5/1946, Báo Diệu Âm cơ quan truyền bá Phật pháp của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ ra số đầu tiên. Diệu Âm ra đời sau khi Đuốc Tuệ và Tinh Tiến đình bản, mỗi tháng Diệu Âm ra một kỳ (nguyệt san). Nội dung gồm 2 phần:
 
1. Phần xuất thế gian: chuyên nghiên cứu về Phật pháp, lấy chỉnh đốn Tăng già, cổ vũ Tăng đoàn, tuyên dương chính pháp tôn chỉ;
 
2. Phần thế gian: chuyên nghiên cứu giáo dục, y tế, v.v... để lợi tế quần sinh 
Mỗi số đều có tin tức Phật giáo, đăng tin hoạt động của Phật giáo tại các tỉnh ở Bắc Bộ. 
 
Trụ sở tòa báo tại số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội. 
Chủ nhiệm: Nguyễn Thanh Chân 
Chủ bút: Nguyễn Thanh Lai hiệu Tố Liên 
Quản lý: Nguyễn Văn Thuận, hiệu Mật Chiếu
 
Ngày 25/6/1946, Hội Phật giáo Việt Nam ra Thông bạch về việc muốn tránh những việc vô đạo đối với Chư tăng ni, chủ các chùa:
 
Muốn tránh những việc vô đạo đối với các Chư tăng ni, chủ các chùa, vậy xin yêu cầu Ngài nào có đủ tài liệu chứng cứ về những việc đó, xin báo cáo cho Trưởng ban giám sát Hội Phật giáo Việt Nam biết để tìm phương ủng hộ. Nên đề phòng rất ngặt các thứ cờ bạc ở các chùa vì đã có lệnh của Chính phủ nghiêm cấm.
 
Xét thấy có nhiều kẻ giả mạo tăng ni đi giao dóng đường tức là họ bán rẻ Phật pháp, bêu xấu Trung ương. Vậy xin vị nào chẳng may ở phải chùa nghèo cũng nên nhớ lời Phật dậy: “An bần, lạc đạo” cho trọn đời thanh tu chứ không nên đi giao dóng, ngõ hầu mới khỏi đồng tội với kẻ giả mạo trừ khi được Chính phủ cho phép lạc quyên về tu bổ kiến trúc.
 
Trưởng ban Kiểm soát Hội Việt Nam Phật giáo 
 
Tố Liên
 
Trong bài, Tăng già muốn nâng cao trình độ thời phải nhiệt liệt tham gia vào việc Bình dân học vụ đăng trên nguyệt san Diệu Âm - cơ quan hoằng pháp của Ủy ban Tăng già Bắc Bộ, Thượng tọa Tố Liên viết: Các chiến sĩ quyết hy sinh tính mệnh ra nơi chiến địa, chiến đấu với quân thù để giữ vững non sông đất nước, thì đằng này các giáo viên hy sinh hết tâm lực thì giờ để tiễu trừ giặc dốt cho quốc dân, hai đường đều có công ân cứu quốc cả. Riêng tôi, thì tôi nhận thấy việc BDHV còn mật thiết hơn.... toàn cõi Việt Nam mỗi chùa đều lập một trường BDHV, trường học đó lại là trụ sở tuyên truyền báo chí, đó là một phương pháp cải tổ nhân tâm rất giản dị mà có rất nhiều hiệu quả. Hầu khắp nước Việt Nam, làng nào cũng có chùa, vị sư chủ chùa nào cũng gắng gỏi cũng nhiệt liệt với công cuộc BDHV như vậy thì chẳng cần phải bỏ bút mặc chiến bào mà vẫn thành công tiễu trừ giặc dốt xóa cái nạn dân ngu như vậy chả là một biện pháp cứu quốc có hiệu lực ư.
 
Trên báo Diệu Âm số 6 ra ngày 25/7, trong bài Công cuộc cứu tế là bổn phận của đoàn thể phật tử, Thượng tọa Tố Liên kêu gọi: cách tổ chức Hội cứu tế như sau:
 
1. Lập ở mỗi huyện 1 hội do toàn thể tăng ni chủ sự. Ở các chùa và các nhà từ thiện trong huyện tổ chức và đoàn kết. Nếu phủ huyện nào cũng có hội thì tức là toàn tỉnh toàn bộ, toàn quốc đều có để kiểm soát lẫn nhau;
 
2. Mỗi hội sẽ có mở nhiều viện cứu tế cho nhi đồng, người già yếu tàn tật. Song buổi đầu chỉ tổ chức 2 viện: 1 viện đồng ấu nam, 1 viện đồng ấu nữ.
 
Về nền tài chính của Hội: đối với 1 người thì đó là việc to, nhưng đối với toàn thể đồng bào hằng tâm hằng sản thì đó là chỉ là một việc dễ dàng. Các hình thức tạo nền tài chính như sau: 1. Tiền vào Hội. 2. Thóc quyên. 3. Tiền lạc quyên. 4. Tiền trợ cấp và thu được bằng các cuộc vui” [3].
 
Như thế, sự tham gia vào các công tác xã hội theo lời hiệu triệu của chính phủ, triển khai phật sự cho ngay thẳng, chỉnh đốn tổ chức… trong tư cách của một nhà sư và đúng với tính chất nhà Phật, chắc hẳn chiếm trọn thì giờ, trí óc và tình cảm của Ngài. Chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn thế. Cho nên, sau ngày toàn quốc kháng chiến, việc Ngài ở lại Hà Nội là có những câu thúc về đạo mạch, về phật tử và tài sản của nhà chùa với một mong muốn là giữ lại những thứ đó cho qua khỏi cuộc chiến tranh. Lời thuật lại của Ngài ở trên rất đáng trân trọng vì nó được viết ra trong khi Ngài còn chịu phụ thuộc vào danh nghĩa của Chính phủ Bảo Đại thân Pháp để đi Ấn Độ và Sri Lanka.
 
Ở lại Hà Nội và tận dụng mọi cơ hội để giữ và phát huy thế hợp pháp hoạt động cho phật sự có thể là một cuộc đấu tranh nội tâm ở trong Ngài, mà bây giờ chúng ta không có dịp được nghe Ngài nói trực tiếp.
 
Sự thể hiện lòng yêu quý và tự hào dân tộc của Ngài còn ở chỗ Ngài có một sự trình bày rất khúc triết về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ta hãy đọc đoạn trích sau:
 
“15. Diễn giảng tại chùa Hội Phật giáo đại Bồ đề 
 
Sáng ngày 20/5/1950, ông Tổng thư ký Hội Đại Bồ Đề cho mời lên phòng khách đàm đạo hồi lâu, ông cho biết rằng: “Vì các Ngài không báo tin trước, nên hôm Quý Phái đoàn đến, bản Hội chưa có dịp hội họp đông đủ để được tỏ tình thân mật với Quý Phái đoàn. Nay bản Hội đã đưa thiếp mời Chư tăng và quan khách cùng thiện tín hội viên tới chùa Hội quán đây vào hồi 6 giờ chiều hôm 22 này. Hôm đó, trước khi khai giảng xin mời Thượng tọa lấy tư cách Trưởng Phái đoàn Phật giáo Việt Nam sẽ chủ lễ khai xá lợi hai vị Thánh tăng mà Ngài đã dự lễ hôm vừa rồi, để cho mấy Phái đoàn Phật giáo các nước mới tới và các quan khách đều được chiêm bái”. Sau khi nghe ông Tổng Thư ký nói, Phái đoàn chúng tôi ai nấy rất mực cảm động, đều đứng dậy cảm ơn.
 
Dưới đây là thiếp mời bằng Anh văn của Hội Đại Bồ Đề:
 
The Maha Bodhi Society of India request your presence at the Sri Dharmarajika Vihara, 4A, Bankim Chalterjee Street (College Square), Calculla on Monday, the 22nd May, 1950, at 6 p.m.., at a reception to be given in honour of the Buddist Mission consisting of Venble Abbot To Lien (the leader), Ven ble Bhikkhu Thach Lich and Mr. Pham Chu, the Secrectary of the Mission, sent by His Majesty Bao Dai. 
 
Head of the Government of Viet Nam. 
Dr. Kalidas Nag, M.A., D. Litt will preide. 
Devapriva Valisinha. 
General Secretary
 
Đúng thời giờ kể trên, lễ khai xá lợi cử hành, tuy đơn giản nhưng rất mực trang nghiêm. Sau 10 phút lễ xong, ông Tổng thư ký Hội Đại Bồ đề giới thiệu Phái đoàn Phật giáo Việt Nam với cử tọa. Xong, tôi nhân danh Trưởng Phái đoàn tỏ lời cảm ơn và giới thiệu ông PHẠM CHỮ thay tôi lên diễn đàn dịch bài giảng của tôi nói về “LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM” ra tiếng Anh.
 
Dưới đây là nguyên văn bài diễn văn:
 
Thưa các ngài,
 
Hiện nay, Phật giáo đã là thế giới hóa, các nhà học Phật Đông, Tây đều suy tôn Ấn Độ là đệ nhất Tổ quốc Phật giáo, thế là lấy Ấn Độ làm Trung tâm điểm của Phật giáo thế giới. Đến Việt Nam chúng tôi cũng được thấm nhuần với nguồn dòng giáo lý từ bi bình đẳng ấy gần 2.000 năm nay (189-1950) cố nhiên Phật giáo Việt Nam phải có một lịch sử sự thật.
 
Trước khi bàn đến lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng tôi cảm thấy tận đáy lòng thành thật xin bộc bạch với Quý Ngài rằng: Chúng tôi bao giờ cũng tu trì theo chân lý tuyệt đối của chư Phật, không hề manh tâm tranh giành lấy một thiên lịch sử cho Phật giáo Việt Nam, cũng không dám mong phô trương nền tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Chẳng qua vì giữa nhân loại đương xô đẩy nhau đi tìm lịch sử của hiện tượng để nghiên cứu, để học hỏi. Phật giáo cũng đã là pháp môn hiện tượng thích hợp với lòng mong cầu của nhân loại, có đủ phép này phép khác để trị sạch hết hiện tượng thảm họa đương diễn giữa nhân loại. Nói tóm lại Phật giáo đã là pháp môn hiện tượng bao la giữa đại đồng thế giới, đem thu hẹp lại thì Phật giáo cũng đã là một tôn giáo truyền bá vào nước Việt Nam. Chúng tôi là người được thấm nhuần, ngày nay may mắn lại được gặp các Ngài ở đây đều là phật tử, đều là Phật lữ hay ít nhất cũng đều là người có Phật tính, lẽ nào lại không mạnh bạo đem những chỗ đã nghe, đã học về lịch sử Phật giáo Việt Nam, hầu mong cống hiến Quý Ngài, để đền bù những tấm thịnh tình vô biên của Quý Ngài đối với Phái đoàn Phật giáo Việt Nam chúng tôi, tức là đối với cả dân tộc Việt Nam và tín đồ Phật giáo Việt Nam.
 
Xét về lịch sử truyền giáo suốt cổ kim, chúng tôi thấy rằng, một khi có tôn giáo nước này truyền vào nước khác, trước nhất phải do hai nguyên nhân:
 
1) Nước có tôn giáo, sau khi đã thành công chiến thắng và đã đặt được nền thống trị.
 
2) Trước nhất phải do dân tộc nước có tôn giáo này với dân tộc chưa có tôn giáo kia, đã mở cuộc giao thông buôn bán với nhau qua một thời gian, để am hiểu nhau về ngôn ngữ và kết chặt dây liên lạc thân ái.
 
Nguyên nhân Phật giáo của Đại Ấn truyền vào Việt Nam không ở điểm chiến thắng, thống trị mà chính ở điểm hai dân tộc Ấn - Việt sớm liên lạc thông thương với nhau, huống hồ Phật giáo lại rất thích hợp với tính tình dân tộc cũng như phong hóa cổ truyền của quốc gia Việt Nam. Điều đó chứng minh ở điểm này:
 
Xem trong bản đồ Ấn Độ, Chi Na tức là bán đảo Đông Dương, sẽ thấy nước Việt Nam có tới 7/10 đất đai ở lọt vào khoảng giữa Ấn Độ và Trung Hoa, mà đường giao thông từ Ấn sang Việt Nam còn thuận tiện hơn từ Trung sang Việt, vì thế nên Phật giáo của Đại Ấn đã sớm thấm nhuần hầu hết dân tộc Việt Nam ngay từ thế kỷ thứ nhất, thứ nhì.
 
Đứng về phương diện lịch sử, chúng tôi thấy trong truyện Đàm Thiên Pháp Sư có chép rằng: Một buổi kia vua Cao Tổ nhà Tùy có sắc dụ cho Đàm Thiên Pháp sư rằng: “Trẫm nhớ đến đạo đức từ bi của Đức Thích Ca Giáo chủ, không biết báo ơn Đức Ngài thế nào cho xiết, nên chỉ ước mong truyền bá đạo Ngài thế nào cho đi khắp thiên hạ. Trẫm đã cho đi rước xá lợi của Phật về kính thờ trong 49 ngọn tháp, lại mới xây xong 150 ngôi chùa để làm tiêu biểu tín ngưỡng đạo đức cho dân nước ta (Tàu). Bây giờ Trẫm lại muốn xây tháp làm chùa ở Việt Nam, hơn nữa là cử các Pháp sư sang đó truyền bá Phật giáo, hầu mong một ngày gần đây đạo Phật sẽ lan tràn khắp thế giới. Nay Pháp sư lựa chọn mấy vị Tăng có đạo hạnh sang Việt Nam hoằng hóa cho dân tộc xứ đó để họ sớm hiểu biết đạo Bồ đề”.
 
Đàm Thiên Pháp sư tâu: “Nước Việt Nam vốn có đường giao thông sang Ấn Độ hơn sang nước Tàu ta, nên Ấn Độ đã có nhiều các bậc đại Pháp sư, như Khang Tăng Hội, Chi Khương Lương v.v… sang Việt Nam truyền bá Phật giáo rất sớm (Pháp sư Khang Tăng Hội sang Việt Nam vào năm 225, Pháp sư Chi Khương Lương sang vào năm 226 và Pháp sư Ma Ha Kỳ Vực sang vào năm 294). Hiện ở Việt Nam các vị Pháp sư đó đã dịch được nhiều kinh Phật, đã giáo hóa được nhiều tăng sĩ và ở Việt Nam cũng đã có nhiều chùa tháp rồi, nay ta không phải phái Pháp sư sang Việt Nam nữa”.
 
Trở lại mà xét vào lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ thấy các bộ sách Thuyền uyển tập anh, Thống yếu kế đăng và Đạo giáo nguyên lưu v.v… các bộ sách đó đều nói nhiều về công nghiệp truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ qua Việt Nam lúc đầu. Mặc dầu năm 189, Mâu Bác cư sĩ là người Tàu vì lánh nạn mà truyền Phật giáo qua Việt Nam trước ngài Khang Tăng Hội, nhưng bàn về hệ thống kế đăng vẫn phải tôn ngài Khang Tăng Hội làm Giáo tổ thứ nhất của Phật giáo Việt Nam, mà chính thân phụ ngài Khang Tăng Hội sang buôn bán doanh nghiệp ở Việt Nam đã lâu năm.

Đại Ấn đã có ba vị cao tăng rộng lòng phổ thông Phật giáo, chẳng từ gian lao sang xây nền đắp móng cho Phật giáo Việt Nam, không những thế mà thôi, lại đến thời kỳ khuếch trương cho Phật giáo Việt Nam thành lâu đài trang nghiêm sáng lạng cũng lại nhờ ở bậc Thánh tăng của Đại Ấn là Tổ sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi Ngài sang Việt Nam vào năm 580, ở chùa Pháp Vân, quận Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông bây giờ[4] .

Tăng đạo Việt Nam có quy mô tổ chức, có hệ thống nối truyền, để xương minh mệnh mạch Phật tổ, để bồi bổ nhân tâm thế đạo, là nhờ ở công đức của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi; vì Ngài đã ròng rã 14 năm trụ trì chùa Pháp Vân, chỉ một niềm chuyên chú dịch kinh giảng đạo, trong thì đào tạo Chư tăng, ngoài thì tiếp hóa thiện tín, rốt ráo lại sáng lập nên một phái Thuyền tôn trước nhất, lớn nhất ở Việt Nam, gọi là Tôn Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Tôn phái của Ngài truyền nối đến 19 đời: không những ngọn đuốc tuệ chói lọi khắp non sông Việt Nam mà ảnh hưởng còn chấn động đến cả Trung Quốc, sự thực còn ghi chép ở Việt Nam Phật giáo sử.

Sau khi Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi tịch, giữa khoảng năm 603-604, vua Cao Tổ nhà Tùy được nghe tiếng liền khởi lòng tôn kính, có hạ chiếu cho sang Việt Nam xây tháp để kính thờ Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi ở chùa Pháp Vân, chùa Tràng Khánh v.v… lại gửi sang 5 hòm lễ vật tặng ban cho Pháp Hiền Thuyền sư là vị Thánh tăng thứ nhất của Việt Nam vì được Ngài truyền tâm pháp cho nên kế pháp vị thống xuất tăng chúng.
 
Từ ngài Khang Tăng Hội truyền Phật giáo sang Việt Nam đến ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền Thuyền tôn sang Việt Nam trước sau trải qua 345 năm (225-580). Trong thời gian ấy ở Việt Nam cũng có nhiều các tăng sĩ am hiểu Phạm tự, thông thạo tiếng Ấn, nên cũng được sang cầu đạo, tham thuyền ở Phật địa và cũng dịch được nhiều kinh Phật như Vận Kỳ Thuyền sư. Mộc Xoa Đề Bà, Khuy Xứng Thuyền sư, Huệ Diệu Pháp sư, Trí Hành Thuyền sư và Đại Thắng Đăng Pháp sư.
 
Lại đến thời kỳ Việt Nam chúng tôi nội thuộc nhà Đường, Phật giáo ở Việt Nam vẫn thịnh hành lắm, cũng có những bậc cao tăng Việt Nam có ảnh hưởng lớn với Phật giáo Trung Hoa. Sự thực còn thấy trong bộ sách “Loại hàm anh ngữ” của Tàu và ở sách Kiến văn của ông Lê Quý Đôn là nhà Nho học trứ danh ở Việt Nam, đều chép rằng: “Phụng Định Pháp sư và Duy Giám Pháp sư đều được vua nhà Đường mời sang Tàu để vào Vương cung giảng kinh bàn đạo. Đường cư Nguyên thi hào của Tàu hồi đó có thơ tiễn biệt ngài Phụng Định khi về Việt Nam sau này:
 
Quê nhà trông cõi Việt, 
Mây bạc tít mù xa. 
Cửa trời vắng kinh kệ, 
Mặt bể nổi hương hoa,
 
Sóng gợn có in bóng, 
Thành xây hến mấy tòa, 
Trường An lòng quấn quít, 
Giao Châu chuông đêm tà.
 
Lại có thi hào Cổ Đảo tặng thơ tiễn biệt ngài Duy Giám Pháp sư khi rời Vương cung nhà Đường về Việt Nam rằng:
 
Điện xuân giảng kinh luận, 
Giường ngự vướng mùi hoa, 
Bể Nam quen lối cũ, 
Non Việt viếng tuần già, 
 
Ăn mòn khi gió táp, 
Áo lấm lút mưa sa. 
Kìa kìa, trời lẫn nước, 
Tin tức biết bao qua.
 
Ôi! Việt Nam chúng tôi, gần 1000 năm 3 lần thuộc quyền đô hộ của các triều Hán, Tần, Tùy, Đường, mà giữa thời gian ấy các triều đại của Đại Ấn cũng có các vua anh hùng như vua Sảng Đức, (299 trước kỷ nguyên và vua A Dục 222 cũng trước kỷ nguyên) đều gây dựng lên Vương triều Khổng tước, hùng cường thịnh trị, mãi về sau hơn 300 năm, nối đến triều đại vua Ca Tỳ Sắc Ca mở vận nước cũng không kém hùng cường, thế mà lịch sử Việt Nam chỉ thấy chép những trang hai dân tộc Ấn Việt giao thông buôn bán với truyền bá văn hóa Phật giáo chứ không có qua một trang lịch sử đẵm xương máu xảy ra đáng tiếc. Các nhà học giả Đông, Tây ngày nay đều công nhận văn minh Ấn Độ là văn minh tinh thần chứ không phải văn minh vật chất, những lời tán dương đó đủ thấy hầu hết nhân vật yêu chuộng văn minh cao siêu, hòa bình tuyệt đối đều tỏ lòng kính trọng văn hóa Ấn Độ chớ không những dân tộc Việt Nam quý mến.
 
Huống hồ còn có những bậc Thánh tăng truyền bá sang nước tôi một nền tôn giáo Từ bi Bình đẳng, một nền văn hóa triết học cao siêu mà vẫn không kém tinh thần đại từ bi, đại hùng lực. Chính nền văn hóa đó không những đã sản xuất ra cho Việt Nam những vị Cao tăng ở gần 1.000 năm nước tôi thuộc quyền đô hộ của người Tàu mà chỉ đem đạo đức, học thức để cảm hóa lòng người, có uy quyền mạnh khiến họ đỡ sự khinh miệt người Việt Nam, lại dự một phần lớn xây đắp nền độc lập, mãi về sau cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Phật giáo đã được công nhận là quốc giáo khắp các triều đại kể trên, cũng như Ấn Độ đã tôn Phật giáo làm Quốc giáo, ở các triều đại Sảng Đức, A Dục, Ca Tỳ Sắc Ca v.v…
 
Nền Phật giáo lại còn đào tạo nên những bậc Pháp sư kiêm Thái sư giúp vua trị nước, ơn thắm muôn dân ở hai triều Đinh Lê như Khuông Việt Thái sư, giúp vua Lê Đại Hành giữ ngoại giao; như ngài Đỗ Thuận Quốc sư dự bộ Tham mưu, bàn tính quốc quân đại sự; như Vạn Hạnh Quốc sư giáo dục cho ông Lý Công Uẩn trở nên bậc hiền quân; như Khánh Vân Pháp sư. Ở Việt Nam mà nói đến Phật giáo hết thảy đều tán dương Phật giáo về đời Lý, đời Trần. Vì các đời đó có các vị vua thâm ngộ thuyền tâm như Thánh tôn Anh Tôn và Cao tôn nhà Lý đến nhà vua xuất gia thành Phật như Nhân tôn nhà Trần, Trạng Nguyên xuất gia chứng ngộ chánh pháp nhãn tạng như Huyền Quang Pháp sư. Còn đến những bậc Tuệ Nghiệp Pháp sư, văn nhân cư sĩ thật không sao kể xiết.
 
Nước Việt Nam có thể gọi là một nước Phật giáo, vì hầu hết mỗi làng đều có chùa chiền thờ Phật, tăng ni tu hành, mặc dầu hơn 300 năm nay, Phật giáo ở Việt Nam đã bị suy kém vì hoàn cảnh nội loạn và ngoại xâm xui nên. Nhưng chỉ suy kém về phần tinh thần giáo lý, còn đến lòng tín ngưỡng của dân chúng nay cũng như xưa. Dân Việt Nam đã có những câu truyền tụng về nỗi trẩy chùa Yên tử cực điểm khó khăn rằng: “Đi như cáy, về như cua - vất gậy mà quơ lấy cành”, vậy mà mỗi năm về tháng hai, hằng ngày ít nhất cũng có tới vài ngàn người trèo non vượt suối lên chiêm bái. Lại đến động Hương Tích ở làng Yên Vĩ, thuộc tỉnh Hà Đông đông gấp mười phần thế nữa. Trong cuốn Nhật trình chùa Hương Tích đã có những câu rằng:
 
Làng Yên Vĩ có non Hương Tích, 
Bao khí thiêng đất Việt đúc nên, 
Phật Quan Âm ngự tòa sen, 
Mười phương quý tiện đua chen khấn nguyền.
 
Khách trẩy chùa Hương này mỗi năm từ cuối tháng giêng đến cuối tháng ba âm lịch, mỗi ngày ít bù nhiều có tới vài vạn người, còn sự đi chiêm bái các danh lam cổ tích khắp trong nước không thể kể xiết đặng.
 
Gần đây lại nhờ có ảnh hưởng Hội Đại Bồ Đề và Hội Nghiên cứu Phật học ở Đại Ấn đây lan tràn đến, khiến cho từ 20 năm đến nay cơ duyên chấn hưng Phật học ở Việt Nam cũng rất bồng bột, từ các thủ đô lớn đến hầu hết các tỉnh, phủ, huyện, đều có hội chấn hưng Phật giáo. Số hội viên đông đúc không xiết kể. Cuộc Việt Pháp chiến tranh xảy ra gần 5 năm rồi, chùa chiền, bia tháp khắp các nơi cũng mang đầy dấu vết tang thương; nhưng cục diện ở Việt Nam cũng đã hé tia sáng thống nhất độc lập, mặc dầu đang ở vào thời kỳ tinh thần khủng hoảng, cũng như kinh tế quẫn bách. Vậy mà lòng công đức của dân chúng cũng đã gom góp để kiến thiết, tu bổ chùa tháp.
 
Các giáo hội Tăng già cũng như các Hội Phật giáo đương thành lập và đương phục hưng, các trường tăng ni học ở các thủ đô lớn cũng đã tổ chức được hơn 10 trường Phật học, số tăng ni học sinh trong các trường đó tổng cộng có tới gần 300. Còn về quan niệm tín ngưỡng Phật giáo của dân chúng quả thật là bồng bột, hầu như họ đã qua một cuộc bom đạn, khói lửa khiến cho phần lớn bị cốt nhục ly tán, tài sản tan không, cái thảm họa đó đã khiến họ càng hiểu chân lý vô thượng của Phật dạy, hóa nên không ai bảo ai mà đi lễ bái nghe kinh, cầu đạo lại bắt đầu bồng bột.
 
Hiện nay, dân tộc Việt Nam từ trí thức đến bình dân phần nhiều tin tưởng: Phật giáo Việt Nam có cơ chấn hưng để bồi dưỡng lại tinh thần dân tộc đã có mấy ngàn năm nay.
 
Ngày nay, Phái đoàn Phật giáo Việt Nam chúng tôi sang Quý quốc đây, mục đích trước là để tỏ lòng chiêm bái Phật địa và ca tụng Quý quốc đã sớm thu hồi chính quyền độc lập; sau là ước mong nối lại dây tinh thần văn hóa của Phật giáo đã bồi dưỡng cho hai dân tộc bao nhiêu thế kỷ chung sống trong bầu không khí trong sạch sáng suốt vậy.
 
Sau nửa giờ ông Phạm Chữ dứt tiếng, kế đến Tổng Lãnh sự Pháp và Trưởng Phái đoàn Phật giáo Việt Nam và Hội Đại Bồ đề. Các vị còn nêu cả vấn đề quan hệ về Hội nghị Phật giáo Quốc tế, thành ra cuộc nói chuyện kéo dài ra đến hai tiếng đồng hồ mới giải tán, ai nấy đều đem về một cảm tưởng hy vọng ở Hội Phật giáo thế giới sắp được thành lập cho phật tử hoàn cầu đều có một lực lượng đoàn kết đại hùng, đại lực để cùng thực hiện tinh thần phụng sự nhân loại”.
 
Một đoạn trích dài để chúng ta thấy được sự uyên bác về kiến thức, chủ kiến về chính trị, tiềm năng ngoại giao ở nhà tu hành và đằng sau là một niềm tự hào dân tộc, một viễn kiến tiền đồ nước nhà đã được bộc lộ.
 
Đọc lại những đoạn này, ta có cảm tưởng đang đứng trước một nhà hùng biện để nghe sự tuyên dương dân tộc và đạo pháp ở người ấy. Phải có một sự am hiểu, một sự vững vàng về lập trường dân tộc và ủng hộ kháng chiến đến thế nào mới hiên ngang nói về dân tộc mình như thế.
 
Những đoạn trích trên đây và vài suy nghĩ cá nhân đã trình bày khép lại một phần nào sự nghiệp ưu tú của ngài Tố Liên. Chúng ta không còn gì hơn để có một nhận định chắc chắn rằng Hòa thượng Tố Liên đã tham gia vào công cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập dân tộc bằng chính vai trò và khả năng tuyệt vời của một tu sĩ Phật giáo xuất chúng, mà nay đã đi vào lịch sử.
 
Hà Nội, cuối Xuân, Đinh Hợi, 2007
 
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn - Viện Nghiên cứu Tôn giáo
---
[1] Dẫn theo: http://www.phatviet.com 
[2] Báo Cứu Quốc số 106 ra ngày 1.12.1945 
[3] Tư liệu chuẩn bị cho hội thảo khoa học Hòa thượng Tố Liên (1903-1977) trong sự nghiệp xây dựng Phật giáo Việt Nam và Phật giáo thế giới. 
[4] Chi tiết này Hòa thượng Tố Liên bị nhầm, không phải chùa Pháp Vân ở Hà Tây mà chính là chùa Pháp Vân, Diên Ứng Tự, tức là chùa Dâu ở Thuận Thành, Bắc Ninh hiện tại.
Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin