Chi tiết tin tức Điển cố Phật giáo trong sáng tác của Nguyễn Du 23:24:00 - 09/03/2024
(PGNĐ) - Trong các sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du, Phật giáo để lại dấu ấn sâu đậm. Một trong những dấu ấn đó là sự xuất hiện thường xuyên với vai trò quan trọng của lớp từ ngữ điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của ông. Bài viết hướng đến nhận diện, tìm hiểu giá trị của điển cố Phật giáo trong các sáng tác của đại thi hào (qua Đoạn trường tân thanh, Văn tế thập loại chúng sinh và thơ chữ Hán) để chứng minh điển cố Phật giáo nói riêng, văn hóa Phật giáo nói chung là một trong yếu tố làm nên sự thành công của văn chương Nguyễn Du. Đồng thời, khẳng định nghệ thuật sử dụng điển cố Phật giáo hiệu quả là một trong những đóng góp của Nguyễn Du đối với văn học Phật giáo nước ta. Qua đó, góp phần khẳng định vị trí của tác gia Nguyễn Du trong hành trình vận động và phát triển của văn học Phật giáo Việt Nam.
ĐIỂN CỐ PHẬT GIÁO – MỘT CHỈ DẤU VỀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI VĂN CHƯƠNG NGUYỄN DU Đạo Phật không chỉ để lại dấu ấn trong cuộc đời Nguyễn Du mà ảnh hưởng rất lớn đến các sáng tác của ông. Cùng với truyền thống dân tộc, đạo Phật là suối nguồn tư tưởng làm nên phẩm tính của văn chương Nguyễn Du. Bởi đó, nói như Đại Lãn, “viết về cụ Nguyễn Du mà chúng ta không nói đến Phật giáo thì đó là một thiếu sót quan trọng, vì phần lớn sự nghiệp văn thơ của cụ đều xuất phát từ quan điểm này để từ đó cụ gửi gắm tâm sự của cụ lại cho hậu thế” [2]. Đến với văn chương Nguyễn Du, không khó để nhận ra những dấu ấn rõ nét của Phật giáo. Tinh thần Phật giáo thấm đẫm trong tư tưởng thơ ca Nguyễn Du. Văn hóa Phật giáo với hình ảnh những ngôi chùa, nhà sư, lễ nghi, những triết lý quan trọng của nhà Phật được thể hiện sinh động trong những tác phẩm của ông. Trên phương diện ngôn ngữ, từ ngữ nhà Phật, đặc biệt, lớp điển cố Phật giáo là một chỉ dấu quan trọng về sự ảnh hưởng của đạo Phật trong thế giới nghệ thuật thơ Nguyễn Du. Điển cố là một phương tiện tu từ đặc trưng của văn học trung đại. Đây là những “từ hay nhóm từ được lấy ra từ những câu chuyện trong kinh, sử, truyện, các sách ngoại thư… về nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử, địa danh, những quan niệm trong cuộc sống” và “từ hay nhóm từ mượn ý, lời từ câu thơ hoặc bài thơ của người trước, hay được trích dẫn từ thành ngữ, tục ngữ, ca dao có tích chuyện được lưu truyền hoặc đã nổi tiếng” [3]. Trên tiêu chí nguồn gốc, điển cố được chia làm nhiều bộ phận, trong đó có điển cố Phật giáo. Điển cố Phật giáo là những điển có nguồn gốc từ kinh tạng Phật giáo, gắn liền với các giáo lý, nhân vật, địa danh, sự kiện, từ ngữ, thi kệ, công án… nhà Phật. Cần phân biệt điển cố Phật giáo và điển cố trong tác phẩm văn học Phật giáo. Điển cố Phật giáo có nguồn gốc hẹp hơn nhưng được sử dụng trong phạm vi rộng hơn (không chỉ trong văn học Phật giáo). Ngược lại, điển cố trong văn học Phật giáo có phạm vi sử dụng thường hẹp hơn nhưng nguồn gốc rộng hơn (không chỉ gắn với kinh điển nhà Phật). Thực tế, trong văn học Phật giáo, không ít điển cố có nguồn gốc Nho, Lão được sử dụng để chuyển tải thông điệp nhà Phật. Trong các sáng tác của Nguyễn Du, điển cố hết sức đa dạng với nhiều nguồn gốc, trong đó, điển cố Phật giáo là một bộ phận nổi bật. Cũng như điển có nguồn gốc Nho giáo, Lão Trang, văn chương Trung Hoa và nguồn gốc nội sinh từ văn hóa dân tộc, điển cố Phật giáo trong tác phẩm của Nguyễn Du khá đa dạng. Điển địa danh (gồm các điển là địa danh gắn liền với Phật giáo) có: “Hằng hà”, “Linh sơn” (Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài), “cầu Nại Hà” (Văn chiêu hồn)… Điển nhân danh (gồm các điển là tên gọi, biệt hiệu, danh xưng của chư Phật, chư Tăng hay nhân vật lịch sử liên quan đến đạo Phật) có: “Đại Sư” (Đề Nhị Thanh động), “Kim Thân” (Vọng Quan Âm miếu), “Thế Tôn” (Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài), “Tiêu Diện đại vương”, “Tôn Giả” (Văn chiêu hồn), “Minh Nguyệt” (Ngọa bệnh 2), “Phật vô lượng Đường thế nhân” (Vọng Tượng Sơn tự),… Điển tích truyện (gồm các điển là những câu chuyện, giai thoại nổi tiếng trong lịch sử Phật giáo) có: “phi lai” (Vọng Quan Âm miếu), “Tiến Phúc bi” (Long thành cầm giả ca)… Điển là đồ vật, hình ảnh sự vật gắn liền với Phật giáo có: “bào ảnh”, “nước tĩnh bình” (Văn chiêu hồn), “giọt nước cành dương” (Truyện Kiều)… Điển thi kệ, công án thiền, giáo lý nhà Phật có: “Minh kính diệc phi đài/ Bồ đề bản vô thụ” (Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài), “nhàn tâm vô quải ngại” (Hoàng Hà trở lạo), “nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp” (Vọng Quan Âm miếu), “huyền quan” (Ngọa bệnh 2), “không”, “tướng” (Đề Nhị Thanh động), “tiền chướng” (Điếu La thành ca giả), “nghiệp”, “duyên”, “nhân quả”, “ba sinh”, “sân si” (Truyện Kiều), “vạn cảnh giai không”, “có có không không” (Văn chiêu hồn)… Theo TS. Nguyễn Thị Việt Hằng, “điển cố bao gồm hai phương thức “dụng điển” và “lấy chữ” […]. Văn học Phật giáo Việt Nam sử dụng cả hai phương thức trên” và “do đặc thù gắn chặt với tông giáo mà nó phản ánh, đồng thời lại gắn với đối tượng tiếp nhận nên điển cố Phật giáo có khi được có khi được giảng giải khá dễ hiểu, có khi lại được dùng một cách uyên áo, đòi hỏi người đọc phải có một hiểu biết nhất định về đạo Phật để nắm bắt được nội dung mà tác giả gửi gắm” [4]. Điển cố Phật giáo trong thơ Nguyễn Du cũng không ra ngoài đặc trưng này. Về phương thức lập điển, trong sáng tác của Nguyễn Du có cả hai phương thức “dụng điển” và “lấy chữ”. Cách thức dẫn điển của nhà thơ cũng khá linh hoạt, có khi vừa dẫn điển vừa giảng điển, nhưng cũng có lúc chỉ nêu điển mà không dẫn giải. Thi hào Nguyễn Du là nhà thơ yêu quý và am tường về đạo Phật. Lớp điển cố Phật giáo phong phú được sử dụng sinh động trong các tác phẩm của Nguyễn Du là một trong chỉ dấu cho thấy điều này. Những điển cố Phật giáo này còn là minh chứng cho sự ảnh hưởng, chi phối sâu sắc của đạo Phật đối với các sáng tác của Nguyễn Du. Bởi trước hết, để có thể sử dụng điển cố Phật giáo, tác giả bắt buộc phải am hiểu về đạo Phật. Mặt khác, trong sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn, sử dụng thi liệu, điển cố. Việc tìm đến điển cố có nguồn gốc Phật giáo và sử dụng thường xuyên, linh hoạt, hiệu quả lớp điển cố này trong các tác phẩm cho thấy Nguyễn Du nhận ra những giá trị độc đáo của điển cố Phật giáo. Như đã nói, Nguyễn Du là tác giả yêu mến, hiểu sâu về Phật pháp và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật học trong sáng tác của mình trên nhiều phương diện, trong đó có việc lựa chọn, sử dụng thi liệu, ngôn từ. Việc ông chủ động sử dụng điển cố Phật giáo trong các tác phẩm của mình là một điều hoàn toàn tự nhiên. ĐIỂN CỐ PHẬT GIÁO – YẾU TỐ GÓP PHẦN LÀM NÊN GIÁ TRỊ CỦA VĂN CHƯƠNG NGUYỄN DU Trước hết, điển cố Phật giáo góp phần thể hiện một cách sâu sắc những cách quan sát, nhìn nhận, lý giải về cuộc đời, con người của Nguyễn Du. Tiếp cận thơ Nguyễn Du, không khó để nhận ra cảm quan Phật giáo là nền tảng tư tưởng cơ bản, chi phối lớn đến nhân sinh quan của nhà thơ. Xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng không ít lần, để giải thích cho cuộc đời vô thường, kiếp người mong manh, nho sĩ Nguyễn Du lại tìm đến triết lý nhà Phật. Điển cố Phật giáo được nhà thơ sử dụng một cách tự nhiên như sự gặp gỡ, tâm đắc của bản thân trước những lý giải của giáo lý nhà Phật, chẳng hạn: Kiếp phù sinh như hình bào ảnh (Văn chiêu hồn). Lý giải nỗi đau kiếp người, nhất là người phụ nữ, Nguyễn Du cũng nương trên triết lý nhà Phật. Nếu như trong Đoạn trường tân thanh, đi tìm căn nguyên nỗi khổ “hết nạn nọ đến nạn kia” của Thúy Kiều, ở Nguyễn Du có sự dung hòa giữa tư tưởng thiên mệnh của Nho giáo với triết lý nhân quả, nghiệp duyên của nhà Phật (Sư rằng: Phúc họa đạo trời/ Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra/ Có trời mà cũng tại ta/ Tu là cội phúc tình là dây oan/ Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan/ Vô duyên là phận hồng nhan đã đành hay Nàng rằng: Nhân quả dở dang/ Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao/ Số còn nặng nợ má đào/ Người đà muốn chết trời nào có cho), thì trong Văn chiêu hồn và thơ chữ Hán, nhà thơ gần như chỉ dựa vào nền tảng tư tưởng của đạo Phật. Nhiều từ ngữ, điển cố có nguồn gốc từ kinh điển Phật giáo được Nguyễn Du sử dụng để minh họa, giải thích cho nỗi đau khổ bởi có thân nghiệp, tiền chướng, nhân duyên nói lên điều này: Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu; Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng/ Phong nguyệt không lưu tử hậu danh (Phấn son không rửa được nghiệp chướng lúc còn sống/ Chết rồi chỉ còn để lại tiếng gió trăng – Điếu La thành ca giả). Với đặc tính trang nghiêm, uyên áo, điển cố Phật giáo đóng vai trò nhất định trong việc kiến tạo sắc thái trang trọng, chiều sâu triết lý cho lời thơ trong các tác phẩm của Nguyễn Du. Các điển cố nhân danh, địa danh gắn với danh xưng chư Phật hoặc các địa điểm nổi tiếng trong Phật giáo được tác giả chủ động đưa vào nhiều câu thơ đã gia tăng đáng kể tính chất trang nghiêm, thâm trầm cho tác phẩm, ví như: Đại Sư vô ý diệc vô tận [6] (Đức Phật vô ý cũng là vô tận – Đề Nhị Thanh động); Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn/ Thuyết pháp độ nhân như Hằng hà sa số (Ta nghe Thế Tôn ở Linh Sơn/ Thuyết pháp độ nhân [số người nhiều] như cát sông Hằng – Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài); Nhơn nhơn Tiêu Diện đại vương [7]/ Linh kỳ một lá dẫn đường chúng sinh (Văn chiêu hồn)… Tương tự, các điển cố là pháp ngữ, thi kệ, giáo lý nhà Phật được dẫn dụng thường xuyên đã góp phần mang đến chiều sâu tư tưởng, vẻ đẹp trí tuệ cho lời thơ của Nguyễn Du, chẳng hạn: Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu/ Minh kính diệc phi đài/ Bồ đề bản vô thụ [8] (Linh Sơn chỉ ở trong lòng người/ Cũng chẳng có đài “minh kính”/ Vốn làm gì có cây Bồ đề – Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài); Nhất chú đàn hương tiêu tuệ nghiệp (Một nén hương gỗ chiên đàn làm tiêu tan tuệ nghiệp – Vọng Quan Âm miếu); Có chữ rằng “vạn cảnh giai không”/ Ai ơi lấy Phật làm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi (Văn chiêu hồn); Vì chăng duyên nợ ba sinh/ Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi (Truyện Kiều). Cũng như điển cố có nguồn gốc Nho, Lão hay sử truyện Trung Hoa, điển cố Phật giáo mang trong mình tính chất linh động, giàu hình ảnh, có khả năng gợi dẫn, liên tưởng dồi dào. Với những đặc tính trên, điển cố Phật giáo đã góp phần nhất định trong việc gia tăng khả năng tạo hình, tính hình tượng cho ngôn ngữ thơ Nguyễn Du. Các điển là đồ vật, sự vật gắn liền với nhà Phật mang đến cho tác phẩm của ông những hình ảnh giàu sức gợi, ví như: Cho hay giọt nước cành dương/ Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên (Truyện Kiều); Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi/ Muôn nhờ Đức Phật từ bi/ Giải oan cứu khổ hồn về Tây phương (Văn chiêu hồn)… Các điển tích truyện hàm chứa nhiều câu chuyện kỳ thú, sâu sắc của Phật giáo góp phần gợi mở những trường liên tưởng thú vị cũng như thể hiện tinh tế những cảm xúc, suy nghĩ của tác giả trước các hiện tượng trong cuộc đời. Chẳng hạn, thể hiện tiếng đàn tài hoa với đủ cung bậc của người cầm giả đất Thăng Long cùng sự ngưỡng mộ của tác giả khi được thưởng thức lúc còn trai trẻ, Nguyễn Du dùng một loạt điển cố, trong đó có điển gắn với bia chùa Tiến Phúc: Hoãn như sơ phong độ tùng lâm/ Thanh như song hạc minh tại âm/ Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái tích lịch/ Ai như Trang Tích bệnh trung vi Việt ngâm (Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông/ Trong như đôi chim hạc kêu trong đêm khuya/ Mạnh như sét đánh vỡ bia Tiến Phúc [9]/ Buồn như Trang Tích lúc nằm đau ngâm tiếng Việt – Long thành cầm giả ca). Hoặc như điển “phi lai” rút từ điển “phi lai thạch” (hòn đá bay đến) gắn với giai thoại chùa Tương Sơn ở Quảng Châu có hòn đá bay đến hóa thành Phật được dùng để miêu tả vẻ hùng tráng, uy nghi của miếu Quan Âm cũng như những chiêm nghiệm của Nguyễn Du khi lần đầu trên đường Bắc sứ ngang qua danh lam này: Thạch huyệt hà niên sơ tạc phá/ Kim thân [10] tiền dạ khước phi lai (Từ năm nào hang đá bắt đầu đục phá/ Đêm qua tượng vàng mới bay đến đây – Vọng Quan Âm miếu)… Có thể nói, điển cố nói chung, điển cố Phật giáo nói riêng là một phương diện nhỏ trong thế giới thơ ca hết sức rộng lớn, phong phú của Nguyễn Du. Tuy nhiên, bằng sự am hiểu và nghệ thuật sử dụng điển tài năng của thi nhân, điển cố mang đến nhiều giá trị thẩm mĩ độc đáo, là yếu tố góp phần làm nên vẻ đẹp của văn chương của ông. Có thể xem Nguyễn Du là một trong những tác giả dùng điển cố tài hoa của văn học trung đại nói chung, văn học Phật giáo thời kỳ này nói riêng. ĐÓNG GÓP CỦA NGUYỄN DU ĐỐI VỚI VĂN HỌC PHẬT GIÁO TỪ NGHỆ THUẬT DỤNG ĐIỂN Như đã nói, đóng góp của tác giả Truyện Kiều đối với nền văn học Phật giáo Việt Nam hết sức đa dạng. Chủ nghĩa nhân đạo trong văn chương của ông là sự thể hiện một cách sâu sắc tinh thần từ bi, bác ái, vị tha của đạo Phật. Thơ ông chuyển tải sinh động nhiều tư tưởng, triết lý quan trọng của Phật giáo như “nghiệp duyên”, “nhân quả”: Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa, Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều, Rỉ rằng: Nhân quả dở dang (Truyện Kiều), Mỗi người một nghiệp khác nhau (Văn chiêu hồn), Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch (Mệnh mỏng nhưng có duyên nên được lưu trong sách – Điệp tử trung thư); “tánh không”: Mãn cảnh giai không hà hữu tướng (Khắp cõi đều là “không” làm gì có “tướng” – Đề Nhị Thanh động), Chớ ngại rằng có có không không (Văn chiêu hồn); “vô thường”: Kiếp hồng nhan có mong manh/ Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương (Truyện Kiều)… Nguyễn Du trong các tác phẩm còn thể hiện thành công hình ảnh nhiều ngôi già lam, nhiều vị Tăng Ni. Bên cạnh nhân vật vãi Giác Duyên hư cấu trong Truyện Kiều, những ngôi chùa Việt trong thơ chữ Hán, thi nhân còn có nhiều câu thơ về các ngôi cổ tự, các vị cao tăng hay thuộc vào loại bậc nhất trong nền văn học Việt Nam, chẳng hạn: Cổ tự thu mai hoàng diệp lý/ Tiên triều tăng lão bạch vân trung(Chùa xưa thu vùi trong lá vàng/ Sư già triều trước trong mây trắng – Vọng Thiên Thai tự), Cổ tự vô danh nan vấn tấn/ Bạch vân thâm xứ ngọa sơn tăng (Chùa cổ không tên khó hỏi thăm/ Nơi mây trắng dày sơn tăng nằm ngủ – Thương Ngô trúc chi ca 4), Đình vân xứ xứ tăng miên định (Chốn chốn mây dừng sư ngủ say – Vọng Quan Âm miếu). Có thể nói, văn chương Nguyễn Du là minh chứng thuyết phục cho vai trò to lớn của mạch nguồn tư tưởng Phật giáo trong việc kiến tạo các giá trị của văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học thời trung đại. Trên phương diện ngôn ngữ, cũng như nhiều tác giả Nho sĩ khác (Lê Thánh Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu…), đóng góp của Nguyễn Du là tích cực sử dụng lớp từ ngữ nhà Phật, đặc biệt là các điển cố Phật học trong tác phẩm, đưa lớp từ ngữ này trở thành phương tiện nghệ thuật hữu hiệu của văn chương. Bằng sự am hiểu, niềm yêu quý đạo Phật và tài năng nghệ thuật của bản thân, Nguyễn Du đã góp phần kiến tạo, khẳng định giá trị thẩm mĩ của điển cố Phật giáo trong văn học. Mang trong mình những đặc trưng của điển cố nói chung, điển cố Phật giáo vừa khái quát, hàm súc vừa đa dạng, linh động, đồng thời giàu tính hình tượng, sức liên tưởng, lại hàm chứa những chiều sâu triết lý và trầm tích văn hóa Phật giáo có khả năng dồi dào trong việc mang lại những hiệu quả thẩm mỹ mới lạ, độc đáo cho tác phẩm. Thực tế sử dụng điển cố Phật giáo linh hoạt, hiệu quả để mang lại những giá trị sâu sắc, tinh tế trong các sáng tác của Nguyễn Du khẳng định điều này. Những câu thơ sử dụng điển nhà Phật một cách uyển chuyển, tài hoa, giàu sức gợi của ông là minh chứng cho khả năng biểu đạt, biểu cảm tuyệt vời của điển cố Phật giáo, ví như: Kiếp phù sinh như hình bào ảnh (Văn chiêu hồn), Yên chi bất tẩy sinh tiền chướng (Phấn son không rửa được nghiệp chướng lúc còn sống – Điếu La thành ca giả), Thặng hữu nhàn tâm vô quải ngại/ Bất phương chung nhật đối phù âu (Dư có lòng nhàn không bận bịu/ Chẳng ngại cả ngày ngắm chim âu – Hoàng Hà trở lạo)… Cùng với gia tăng khả năng biểu đạt, biểu cảm của điển cố Phật giáo, Nguyễn Du còn góp phần mở rộng phạm vi hành chức của lớp điển cố đặc biệt này. Điển cố Phật giáo xuất phát từ kho tàng kinh điển đồ sộ của nhà Phật, mang trong mình những những tích truyện, triết lý uyên thâm của đạo Phật. Vì vậy, nó gần như xa lạ với những người không am hiểu về Phật giáo. Thực tế cho thấy, trong bối cảnh văn học trung đại chịu ảnh hưởng sâu nặng của Nho giáo, điển cố Phật giáo ban đầu chỉ phổ biến trong sáng tác của các thiền sư (tiêu biểu như văn học Thiền tông Lý Trần) và dần mở rộng phạm vi sử dụng trong văn học Phật giáo nói chung. Trong các sáng tác của các tác giả thế tục không mang cảm quan Phật giáo, điển cố nhà Phật gần như không được sử dụng. Đóng góp của thi hào Nguyễn Du thể hiện ở việc đưa điển cố nhà Phật vào các tác phẩm mang cảm hứng thế sự, đời tư, bên cạnh việc dùng điển nhà Phật nhuần nhuyễn trong những bài thơ, đoạn thơ mang cảm quan Phật giáo. Nhà thơ còn mượn, dẫn điển từ triết lý nhà Phật để thể hiện một cách sâu sắc, ý nhị cái nhìn, cách cảm, suy nghiệm của mình về thế giới tự nhiên, về xã hội và về chính bản thân như trong các bài Điếu La thành ca giả, Điệp tử trung thư, Hoàng Hà trở lạo, Ngọa bệnh 2… Rõ ràng, bằng thực tiễn sáng tạo của mình, Nguyễn Du đã cho thấy khả năng và phạm vi hành chức linh hoạt, hữu hiệu của điển cố Phật giáo trong văn chương. Đây là điều không phải tác giả nhà Nho nào cũng làm được. Tóm lại, sáng tác của Nguyễn Du đạt thành tựu to lớn trên nhiều phương diện, là những tác phẩm ưu tú của nền văn học dân tộc và nhân loại. Trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật, lớp từ ngữ điển cố nói chung, điển cố Phật giáo nói riêng được sử dụng một cách linh động, hiệu quả, góp phần kiến tạo nhiều giá trị quan trọng cho tác phẩm, trở thành một trong những phương tiện nghệ thuật hiệu quả, đặc sắc trong thế giới thơ ca Nguyễn Du. Đại thi hào Nguyễn Du là người yêu mến đạo Phật, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phật giáo trong sáng tác, đồng thời, bằng những tác phẩm xuất sắc của mình đã có những đóng góp lớn cho nền văn học Phật giáo nước ta. Chỉ trên một bình diện nghệ thuật sử dụng điển cố Phật giáo trong sáng tác của ông cũng cho thấy rõ điều này.
ThS. Phạm Tuấn Vũ/TCVHPG418
Chú thích:
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |