Chi tiết tin tức

Quan điểm và chính sách Phật giáo của chúa Nguyễn và vương triều Tây Sơn

17:44:00 - 28/10/2022
(PGNĐ) -  Nguyễn Hoàng là người đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo, tuy chỉ xuất phát từ ý đồ chính trị, cốt để thu phục lòng người. Nhưng về sau, các chúa Nguyễn đã dần trở thành những tín đồ của Phật giáo, là những phật tử đặt nền móng cho sự phát triển Phật giáo tại Thuận Hóa.

Tháng 10, năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng đã cùng với thân quyến của mình và những người thân thích ở Thanh Hóa, cùng một số người mến mộ ông vào trấn thủ xứ Thuận Hoá.

Thời kỳ đầu, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông vẫn chưa có ý định xây dựng một chính quyền nhằm đối trị với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Nhưng trong lần ra yết kiến vua Lê (1592) và giúp vua Lê đánh quân Mạc ở phía Bắc, Nguyễn Hoàng đã bị Trịnh Tùng giữ lại, vì lo sợ Nguyễn Hoàng sẽ xây dựng lực lượng quân đội mạnh mẽ tại Thuận – Quảng. Nhận thấy được sự chuyên quyền của chúa Trịnh, đến năm 1600, Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa, và đã có ý định xây dựng một cát cứ riêng ở Đàng Trong, và ý đồ này được thể hiện rõ trong lời nói của Nguyễn Hoàng đối với con trai Nguyễn Phúc Nguyên.

Nguyễn Hoàng vốn là một người trọng Nho giáo, sống theo lối sống của một nhà Nho, không có nhiều thiện cảm với Phật giáo. Điều này được chứng minh bởi suốt 40 năm kể từ khi vào trấn thủ xứ Thuận Hoá, cho đến năm 1601, Ông mới cho xây dựng ngôi chùa đầu tiên là chùa Thiên Mụ.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Gia tri dac trung va y nghia kien truc chua Hue chua Thien Mu
Chùa Linh Mụ, TT.Huế. Ảnh: St

Sống tại Thuận Hoá với một thời gian dài, Nguyễn Hoàng đã dần hoà nhập vào với cuộc sống của người dân tại đây, và thấy được tư chất hiền lành, cùng với niềm tin vào Phật giáo của người dân, Nguyễn Hoàng đã xây dựng và phát triển Phật giáo. Mặc dù, Nguyễn Hoàng cũng muốn xây dựng một thể chế trên vùng đất Thuận – Quảng dựa trên nền tảng tư tưởng Nho giáo. Nhưng lúc này lại không có lực lượng của Nho sĩ làm cơ sở, giáo dục Nho học tại đây lại chưa có gì,… trong khi đó, lực lượng khai phá vùng đất mới là nông dân, không học hoặc ít học, lại rất cần sự vỗ về, an ủi, động viên,… nên Phật giáo chính là sự lựa chọn hợp lý của Nguyễn Hoàng. Nhằm để ổn định nhân sinh và dần dần các chúa Nguyễn đã có sự mến mộ và xiển dương Phật giáo. Theo Tiến sĩ Lê Bình Phương Luân, sở dĩ Nguyễn Hoàng chọn Phật giáo được xuất phát bởi ba nguyên nhân: với việc xây dựng một vương triều mới đối lập với Đàng Ngoài thì không thể lấy tư tưởng Nho giáo để xây dựng vương triều; Phật giáo đáp ứng được những nhu cầu trong cuộc sống với người dân Thuận Hoá; Phật giáo đã có từ lâu đời tại đây, nhưng Nho giáo thì chưa có[1]. Ngoài ra trong Lịch sử Phật giáo xứ Huế tác giả Thích Hải Ấn đã cho thấy rõ “Nguyễn Hoàng nghiên cứu thấy dân Thuận Hoá tin vào Phật giáo có phần mạnh hơn các tín ngưỡng khác. Ông bèn đổi các chiến thuật từ ghét các nhà sư sang vị trí ái mộ đạo Phật để cho dân thấy ông cũng là một Phật tử, không khác họ”[2].

Như vậy, việc cho xây dựng chùa Thiên Mụ, và theo Phật giáo của Nguyễn Hoàng được xuất phát từ ý đồ chính trị chứ không phải là một niềm tin tôn giáo. Tuy nhiên, đây lại là tiền đề cho sự phát triển Phật giáo Thuận Hoá một cách rực rỡ về sau.

Đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635), Phật giáo lại có bước phát triển với những ngôi chùa mới khác được xây dựng, chúa Sãi cũng rất trọng dụng đến Phật giáo, ông đã lấy ngôi chùa Thiên Mụ làm nơi thờ tổ tiên họ Nguyễn. Chính điều này đã nâng tầm ảnh hưởng của Phật giáo với trong phủ chúa và đời sống nhân dân. Đặc biệt, trong thời chúa Sãi, có Đào Duy Từ, ông là một nhà Nho, người Thanh Hoá, ở Đàng Ngoài, nhưng vì là con của một người hát chèo nên không được ứng tuyển vào thi, vì vậy Đào Duy Từ đã có cơ hội đến với chúa Nguyễn Phúc Nguyên và chính ông là người sáng tác ra những điệu khúc Phật giáo và đã có ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Nối tiếp là chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), đến đây đời sống nhân dân có nhiều thay đổi, dân cư đông đúc hơn, và có sự phát triển hơn về mặt con người và kinh tế. Chính những điều này cũng đã thúc đẩy Phật giáo tại Thuận Hoá ngày càng phát triển, các Thiền sư tại Trung Quốc cũng đến truyền giáo và đã có những thành công về những giai đoạn đầu. Đây cũng là tiền đề cho sự du nhập của Phật giáo Trung Quốc đến Phật giáo Đàng Trong.

Đến đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), Phật giáo lại có hướng phát triển mạnh mẽ. Các Thiền sư Trung Quốc đã vào đất Đàng Trong nhiều hơn, ngoài ra một số thiền sư Đại Việt cũng đã xuất hiện trong giai đoạn này, và họ đã truyền bá giáo pháp một cách rộng rãi hơn đến với đời sống người dân. Với sự quan tâm đến Phật giáo, Chúa đã cho trùng tu những ngôi chùa lớn, và xây dựng thêm một số ngôi chùa tại các làng, xã. Đặc biệt, Chúa đã mời Thiền sư Nguyên Thiều từ Bình Định ra Thuận Hoá để truyền giáo và đã cấp đất để xây dựng ngôi chùa Vĩnh Ân (tức là chùa Quốc Ân ngày nay).

Nối nghiệp là chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Trăn[3] (1687-1691), Chúa là người có niềm tin vào Phật pháp, được Lê Quý Đôn đánh giá là người “có đức khoan hoà, hay chuộng kẻ sĩ”[4]. Tuy chỉ ở ngôi 4 năm, nhưng chúa cũng là người ủng hộ Phật giáo rất tích cực, và đã làm được các việc Phật sự như là sửa chùa Thuận An vào năm Mậu Thìn (1688). Ngoài ra, Chúa còn  phái Thiền sư Nguyên Thiều trở về Trung Hoa mời các vị cao tăng sang Thuận Hoá để truyền bá Phật giáo. Những điều này cho chúng ta thấy được niềm tin của chúa vào Phật giáo.

Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) là thời kỳ Phật giáo phát triển rực rỡ. Là một vị Phật tử thuần thành với pháp danh Hưng Long, Chúa đã cho phát triển Phật giáo đến độ cực thịnh, đã biến vùng Phú Xuân thành kinh đô của Phật giáo lúc bấy giờ. Chúa đã cho mời được Thiền sư Thạch Liêm từ Trung Quốc sang truyền đạo, mở các giới đàn và cho sửa sang rất nhiều ngôi chùa lớn. Đặc biệt Nguyễn Phúc Chu đã cùng với mọi người trong nội phủ đều quy y với Thiền sư Thạch Liêm, thọ giới Bồ tát, và là một người hộ trì Phật giáo.

Hai đời chúa tiếp theo là Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) và Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), là những người con cháu của chúa Nguyễn Phúc Chu, cũng đã nối nghiệp người trước, đã quy y làm Phật tử, và đều là những Phật tử thuần thành, ủng hộ nhiệt huyết với Phật giáo, tạo mọi điều kiện, cơ sở để phát triển Phật giáo tại Phú Xuân. Dưới thời hai vị chúa này, cũng đã có rất nhiều ngôi chùa mới được xây dựng và trùng tu, các chúa cũng ban biển sắc tứ cho một số ngôi chùa. Các dòng phái Thiền đều được phát triển mạnh trong giai đoạn này. Chính những điều này đã tạo cho Phật giáo Thuận Hoá có chiều hướng phát triển và dần lan rộng ra khắp Đàng Trong.

Chúa Nguyễn Phúc Thuần (1765-1776) là đời chúa cuối cùng của chính quyền họ Nguyễn tại Đàng Trong, trong thời gian này, vì lên ngôi lúc mới 12 tuổi, cho nên mọi việc triều chính đều do Trương Phước Loan quyết định. Nhưng Trương Phước Loan lại là người “chuyên quyền, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân đều lấy làm khổ sở. Trong khoảng bốn, năm năm tai dị hiện ra luôn, động đất, núi lỡ, sao sa, nước đỏ, trăm họ đói kém, trộm cướp nổi lên khắp nơi”[5]. Chính những điều đó đã làm cho đời sống của người dân cơ cực hơn. Ngoài ra, đến những năm cuối của Chúa thì nạn chiến tranh với Tây Sơn đã xảy ra, điều này đã tăng thêm sự cơ cực, nghèo khó của người dân. Phật giáo cũng đã rơi vào tình trạng chung của xã hội, không có sự phát triển, chùa chiền bị tàn phá, và những ảnh hưởng bởi chiến tranh.

Đến thời Tây Sơn, do những ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh trước đó, các ngôi chùa vẫn bị bỏ hoang. Đỗ Minh Điền trong một bài viết về “Tình hình Phật giáo tại Huế thời Tây Sơn” đã có cho rằng, “chùa chiền vùng Huế nói riêng trước khi Tây Sơn làm chủ Phú Xuân đã có hơn mười năm hoang phế, tiêu điều do binh lửa chiến tranh. Sang đến thời Tây Sơn, do một số chùa không ai hương khói, quản lý nên tiếp tục càng sa sút và hoang phế hơn. Có thể nói, sau hơn ba thập kỷ giao tranh Phật giáo Huế nói riêng đã rơi vào tình cảnh ảm đạm chưa từng có và chịu rất nhiều mất mát, tổn thất quá nặng nề”[6]. Ngoài ra, trong Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim cũng đã nói về sự suy tàn của Phật giáo trong thời Tây Sơn, các sư tăng đều bị bắt đưa vào quân ngũ. Đã có rất nhiều ngôi chùa bị tàn phá bởi quân lính Tây Sơn, như các chùa Thiên Mụ, chùa Báo Quốc, chùa Quốc Ân,… Tuy nhiên vẫn có một số ngôi chùa được quan quân Tây Sơn cho trùng tu như chùa Thiền Tôn, chùa Quảng Khánh,… Ngoài ra, một số ngôi chùa đã bị quân Tây Sơn chiếm dụng để làm nơi chứa kho vũ khí của quân đội[7], và làm nơi làm việc[8] cũng như phủ để vợ của vua Quang Trung ở[9]. Đã có rất nhiều ý kiến khác nhau về chính sách đối với Phật giáo thời Tây Sơn. Tuy nhiên, vương triều chỉ mới được thành lập, cho nên việc xây dựng quân đội vẫn là ưu tiên hàng đầu, và với cái chết đột ngột của vua Quang Trung đã khiến cho vương triều hỗn loạn, không có sự chặt chẽ về chính sách. Vì vậy Phật giáo trong thời Tây Sơn vẫn chưa có một chính sách rõ ràng.

Nguyễn Hoàng là người đặt nền móng cho sự phát triển của Phật giáo, tuy chỉ xuất phát từ ý đồ chính trị, cốt để thu phục lòng người. Nhưng về sau, các chúa Nguyễn đã dần trở thành những tín đồ của Phật giáo, là những phật tử đặt nền móng cho sự phát triển Phật giáo tại Thuận Hóa. Các thiền phái dần được xuất hiện và phát triển trong giai đoạn này. Có thể nói, Phú Xuân chính là kinh đô Phật giáo của Đàng Trong.

Tác giả: Thích Quảng Hoàng
Học viên Cao học khoá 3 Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
Chú thích
[1] Lê Bình Phương Luân, “Phật giáo ở Huế dưới thời chúa Nguyễn”, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Khoa học Huế, tập 3, số 2, 06/2015, tr. 97-99.
[2] Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 93.
[3] Trong Lịch sử Phật giáo xứ Huế của Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm, tác giả đã gọi chúa Nguyễn Phúc Trăn là Nguyễn Phúc Thái. Theo như tra lại các bản sử triều Nguyễn đã được dịch ra tiếng Việt như Đại Nam thực lục, Phủ biên tạp lục,… chúng tôi đều nhận thấy là Nguyễn Phúc Trăn. Có lẽ Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm đã nhầm từ một tài liệu nào khác. Nhưng đây chúng tôi cũng chỉ đánh giá một cách khách quan, vì không nhìn thấy được bản gốc nên chúng tôi chưa dám khẳng định.
[4] Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục (tập 1), Lê Xuân Giáo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách xuất bản, tr. 97.
[5] Phan Khoang (1969), Việt sử: xứ Đàng Trong 1558-1777, Nxb. Khai trí, Sài Gòn, tr. 253.
[6] Đỗ Bang (chủ biên – 2019), Thuận Quảng thời Tây Sơn, Nxb. Tri thức,Tp. Hồ Chí Minh,tr. 170.
[7] Chùa Báo Quốc, Vạn Phước đã bị quân đội Tây Sơn chiếm dụng để làm kho chứa vũ khí cho quân đội.
[8] Theo Đại Nam nhất thống chí, Thái sư Bùi Đắc Tuyên đã chiếm dụng chùa Thiền Lâm, biến nơi đây trở thành phủ và nơi làm việc của Thái sư (Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Lao Động, tr. 134).
[9] Chùa Kim Tiên, đã bị quân Tây Sơn chiếm dụng làm nơi ở cho Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân.

Tài liệu tham khảo
1. Thích Hải Ấn và Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hoá Sài Gòn, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 93
2. Đỗ Bang (chủ biên – 2019), Thuận Quảng thời Tây Sơn, Nxb. Tri thức,Tp. Hồ Chí Minh
3. Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục (tập 1), Lê Xuân Giáo dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách xuất bản
4. Phan Khoang (1969), Việt sử: xứ Đàng Trong 1558-1777, Nxb. Khai trí, Sài Gòn
5. Lê Bình Phương Luân, “Phật giáo ở Huế dưới thời chúa Nguyễn”, Tạp chí Khoa học và công nghệ, Trường Đại học Khoa học Huế, tập 3, số 2, 06/2015
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Lao Động
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin