Chi tiết tin tức

Sơ lược về lịch sử Kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy

15:14:00 - 27/10/2022
(PGNĐ) -  Ngôn ngữ Pāli gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Thượng tọa bộ tại một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình như ở các nước Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện…Vào thời kỳ đầu xây dựng đất nước, tại các quốc gia này, các tu viện Phật giáo đã trở thành các trung tâm văn hóa và học thuật.

MỞ ĐẦU

Ngôn ngữ Pāli gắn liền với sự phát triển của Phật giáo Thượng tọa bộ tại một số quốc gia Đông Nam Á, điển hình như ở các nước Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện…Vào thời kỳ đầu xây dựng đất nước, tại các quốc gia này, các tu viện Phật giáo đã trở thành các trung tâm văn hóa và học thuật.

Có thể nói rằng công cuộc nghiên cứu văn học Pāli bắt đầu ở châu Âu vào các thập niên đầu thế kỷ XIX, khi E. Burnouf và Christian Lassen cho công bố lần đầu (1826) ở Pháp các bài viết của họ về Pāli. Tiếp sau đó là công tác Roman hóa và dịch sang tiếng Anh 38 chương đầu của tác phẩm Mahāvamsa được thực hiện bởi George Turnour (1837), đánh dấu sự nỗ lực quan trọng đầu tiên của một học giả châu Âu trong việc giới thiệu văn học Pāli ở phương Tây.

Sau đó, nhiều công trình dịch thuật của nhiều học giả khác lần lượt được xuất bản đã đánh thức giới học giả châu Âu tìm đến với đạo Phật. Năm 1875, cuốn từ điển Pāli đầu tiên do Robert Caesar Childers biên soạn được xuất bản ở London đánh dấu một bước tiến quan trọng của giới nghiên cứu Pāli ở châu Âu. Năm 1881 là năm đánh dấu sự ra đời của Hội đồng Kinh tạng Pāli (Pāli Text Society) ở London do Rhys Davids làm chủ tịch, nhằm giới thiệu kho tàng phong phú của văn học Phật giáo Nguyên Thủy cho các nhà nghiên cứu, sinh viên ở các nước phương tây và trên thế giới.

Kể từ khi hội Pāli Text Society ra đời, công tác biên tập và dịch thuật các tác phẩm văn học Pāli được tiến hành lần lượt cùng với sự xuất bản các văn bản gốc được khai thác, khám phá. Cho đến nay, hội này đã ấn hành và xác định niên đại của toàn bộ Tam tạng Pāli và tất cả các tác phẩm quan trọng của văn học Pāli hậu Kinh tạng, kể cả các sớ giải.

Hiện nay, văn học Pāli tiếp tục được nghiên cứu, phiên dịch và giảng dạy tại các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ như Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Campuchia cũng như nhiều trung tâm Phật học và đại học trên thế giới. Ngoài ra các quốc gia chịu ảnh hưởng Phật giáo Đại thừa cũng nỗ lực trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và phiên dịch văn tạng Pāli.

Ở Việt Nam đã có bộ Kinh tạng Pāli hoàn chỉnh do cố Trưởng lão HT.Thích Minh Châu việt dịch, Luật và Luận cũng đã có mặt tại Việt Nam. Còn các bộ chú giải và văn học hậu Kinh tạng thì hầu như chưa được dịch. Càng về sau, giới nghiên cứu tại đây cũng dần quan tâm đến lĩnh vực liên quan đến văn tạng ngôn ngữ Pāli. Cũng vì giá trị tri thức và giá trị thực hành của nền ngôn ngữ này cùng mối quan hệ giữa nó và Kinh tạng Phật giáo Nguyên Thủy mà chuyên đề Sự hình thành và phát triển Kinh điển Phật giáo được đưa vào giảng dạy và nghiên cứu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So luoc ve lich su kinh tang Phat giao Nguyen Thuy 1

1. Sự kết tập Kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy

Kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy được kết tập và được chép thành văn bản là cả một nỗ lực của các thế hệ tăng già trong suốt chiều dài lịch sử từ khoảng ba tháng sau khi đức Phật nhập Vô dư Niết Bàn cho đến khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch.

Lần kết tập thứ nhất còn được gọi là kỳ kết tập Rajagaha (Vương Xá) được tổ chức tại Vương Xá sau khi đức Phật nhập Niết Bàn khoảng ba tháng, với 500 vị A La Hán tham dự, dưới sự bảo trợ của vua Ajatasattu xứ Magadha vào năm thứ tám ông trị vì. Kỳ kết tập này đã kết tập được hai tạng là tạng Luật (Vinaya Pitaka) bởi ngài Upali và tạng Kinh (Sutta Pitaka) bởi ngài Ananda. Sau khi biên tập lại giáo Pháp và giáo Luật bằng truyền khẩu, những bậc trưởng lão đã xếp đặt một cách có hệ thống, sao cho một số lượng Tỳ kheo ở gần nhau trong một địa phương (hay xứ sở) được giao trách nhiệm ghi nhớ (bằng trí nhớ) một số phần nào đó của giáo Pháp và giáo Luật bằng tiếng Magadhi và nếu kết hợp tất cả những phần được giao cho những nhóm trong một địa phương, thì tăng đoàn ở địa phương đó sẽ có khả năng cùng nhau đọc tụng lại tất cả giáo Pháp và giáo Luật.

Lần kết tập thứ hai diễn ra khoảng một thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết bàn, với 700 vị A La Hán tham dự ở Vesali. Hội đồng đã làm việc liên tục tám tháng để tụng đọc, trùng tuyên tất cả giáo Pháp và giáo Luật để đảm bảo chắc chắn là những giáo lý đích thực của đức Phật được bảo tồn và truyền bá cho những thế hệ tương lai. Hội đồng kết tập lần thứ hai còn được gọi tên là Yasatthera Sangiti có nghĩa là Hội đồng Tăng già của Trưởng lão Yasa. Sau kỳ kết tập này hình thành hai bộ phái là Thượng Tọa bộ (Theravada) và Đại Chúng bộ (Mahasanghika), sau đó từ hai bộ phái chính này tiếp tục phân thành nhiều bộ phái khác. Đại hội này không nói rõ Tam Tạng Kinh điển được kết tập như thế nào. Lịch sử chủ yếu đề cập đến mười điều phi pháp là nguyên nhân dẫn đến sự kết tập lần này.

Kết tập lần thứ ba được tổ chức vào năm thứ 236 kể từ thời điểm đức Phật nhập Niết bàn, dưới sự bảo trợ của hoàng đế Aśoka do ngài Moggaliputta Tissa chủ trì, diễn ra tại Pataliputra với một ngàn vị A La Hán tham dự, kéo dài trong chín tháng. Lần kết tập này được tổ chức với mục đích thanh lọc và củng cố tăng đoàn, đồng thời biên soạn lại tất cả kinh điển chính thống. Trong kỳ kết tập này, Tam tạng Pāli hình thành một cách tương đối đầy đủ gồm có Kinh, Luật, Luận.

Sau khi đại hội kết thúc, vua Aśoka đã phái các đoàn truyền giáo đi các nơi để truyền bá giáo pháp của đức Phật trên khắp Ấn Độ cũng như mở rộng ra các nước lân bang. Trong số các đoàn truyền giáo đó có đoàn do vị A La Hán Mahinda, vốn là con trai của vua Aśoka đã mang Tam Tạng này truyền đến đảo quốc Tích Lan.

Tam Tạng tuy đã được kết tập tương đối hoàn chỉnh nhưng hình thức để giữ gìn và hoằng truyền Tam Tạng này cũng chỉ là khẩu truyền và bằng trí nhớ siêu việt của các trưởng lão Thánh Tăng. Trong văn học Kinh điển Pāli, chúng ta sẽ thấy rất nhiều từ ngữ mô tả về những tu sĩ, một phần hay phạm vi của từng phần trong Tam Tạng mà những nhóm tu sĩ khác nhau đã chuyên trì hoặc hay thuộc, nhớ, tụng đọc, chẳng hạn như:

1) Suttantika: Thầy hay pháp sư về Kinh tạng (Sutta Pitaka).

2) Vinaya-dhara: Thầy hay pháp sư về Luật tạng (Vinaya).

3) Matika-dhara: Thầy hay pháp sư về Diệu Pháp tạng (Abhidhamma).

4) Digha-bhanaka & Majjhima-bhanaka: Thầy hay người chuyên trì về Trường bộ (Digha-Nikaya) & Trung bộ (Majjhima-Nikaya).

Điều này hoàn toàn xác minh được rằng những bậc Trưởng lão (Tỳ kheo) vào những ngày xa xưa đã phát triển được một hệ thống truyền thừa tập thể một cách khoa học như vậy cho nên đã có thể giữ gìn nguyên vẹn tính nguyên thủy của giáo điển Tam Tạng trong trí nhớ của các Ngài. Nhiều bậc Trưởng lão trong số đó là những A La Hán, và theo định nghĩa của Phật, là những người “hoàn toàn trong sạch, thanh tịnh” đã không còn vướng vào dục vọng, điều xấu ác và vô minh (tham, sân, si). Với tâm thanh tịnh, các ngài rõ ràng có thêm khả năng tập trung để học, tụng, và ghi vào trí nhớ những lời dạy của đức Phật.

Nếu ba cuộc họp đầu tiên được tổ chức tại Ấn Độ, thì cuộc họp thứ tư được tổ chức tại Tích Lan. Sự kiện lịch sử này diễn ra tại hang động Aloka Vihara còn có tên gọi khác là tu viện Alu ở Matale trên Đảo Tampapani, Ceylon. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, Ceylon bị đe dọa bởi cuộc xâm lược của người Tamil và liên tiếp hứng chịu những thảm họa thiên nhiên của nạn đói. Trước tình hình nguy cấp của đất nước đó, các hoạt động truyền thống của Phật giáo cũng bị đe dọa.

Trong tình thế khó khăn ấy, có người đưa ra sáng kiến: “người đời sau chỉ có niệm, trí, dương, không nhớ nổi (Tam tạng) theo cách truyền thống”, nên cuộc họp quyết định ghi lại Tam tạng. cùng với các chú thích của cuốn sách. Đó là những lúc mà những viharas (chùa chiền, tinh xá, tu viện dành cho tu sĩ Phật giáo) không còn nhiều và việc bảo tồn Tam tạng Kinh bằng con đường truyền tụng với nhau là rất khó khăn. Vào lúc này, nghệ thuật chữ viết cũng đã phát triển sâu rộng, cho nên điều thiết thực và cần thiết nên làm là ghi chép toàn bộ giáo pháp của đức Phật thành sách, để tránh tình trạng sau này chính pháp biến mất, mai một hay tranh luận, một khi không còn ai hay nhóm người nào có thể thuộc nhớ và đọc tụng lại một cách chính xác toàn bộ ba tạng Kinh đồ sộ như vậy.

Hội đồng kết tập lần thứ tư là hội đồng kết tập của Phật giáo Nguyên Thủy, mặc dù ở Ấn Độ lúc đó cũng diễn ra một cuộc kết tập khác dưới sự bảo trợ của vua Kanishka của xứ Kushan vào khoảng năm thứ 100 sau công nguyên cũng được cho là kết tập Kinh điển Phật giáo lần thứ tư. Sau khi hội nghị diễn ra, tất cả Kinh điển, cùng với những luận giải đã được khắc bằng chữ viết trên những chiếc lá bối và tất cả những mẫu chữ viết đó đều được kiểm tra lại một cách cẩn thận đến từng chi tiết và chắc chắn về tính chất xác thực, chính xác của chúng. Đó là quá trình mà ba tạng Kinh Pitakas đã được bảo tồn cho đến ngày nay.

Đến thế kỷ thứ năm sau công nguyên, có Trưởng lão Budhaghosa người Ấn Độ sang Tích Lan, trú tại đại tự (Mahāvira) theo Trưởng lão Tăng Già Ba La (Sanghapāla Thera) nghiên cứu thánh điển tàng trữ tại chùa ấy rồi đem dịch sang tiếng Pāli. Ông đã đem giáo nghĩa của Thượng Tọa bộ ra soạn thuật thành một hệ thống hoàn chỉnh. Trong đó có thể nói Thanh Tịnh Đạo luận là một tác phẩm toát yếu toàn bộ Tam Tạng Kinh điển và Luận sớ. Ngài đã dịch bốn bộ Kinh Nikaya từ tiếng Sinha của Tích Lan sang tiếng Pāli. Buddhaghosa đã hoàn tất công việc dịch Kinh trong vòng ba tháng. Ngài cũng đã soạn các bộ chú giải về Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi bộ Kinh. Đến lúc này thì Tam Tạng Pāli mới cực kỳ hoàn bị. Sau khi hoàn tất công việc dịch thuật, ngài đã báo cho vị thiền viện trưởng. Ngài Sangharāja hết lòng khen ngợi và đã nổi lửa đốt hết những cuốn sách Mahinda đã viết bằng tiếng Sinha. Từ đó cho đến nay Văn tạng Pāli đã được bảo tồn, lưu giữ, tiếp tục phát triển và truyền bá rộng đến nhiều quốc gia khác.

2. Văn học Kinh tạng Pāli

Văn học Pāli như ngày nay cơ bản được phân thành hai thể loại là văn học Kinh tạng (canonical literature) và văn học không thuộc Kinh tạng (non- canonical literature) hay còn gọi văn chương hậu Kinh tạng. Văn học Kinh tạng tiêu biểu cho văn học Pāli bao gồm các tác phẩm Kinh, Luật, Luận (còn gọi là Pāli Tipitaka) được sưu tập và mở rộng dần tại ba kỳ kết tập tổ chức tại Ấn Độ và được chép thành văn bản bằng tiếng Sinha tại hội nghị kết tập thứ tư được tổ chức tại Tích Lan vào khoảng cuối thế kỷ thứ nhất trước công nguyên. Đến thế kỷ thứ năm Tây lịch thì được dịch sang tiếng Pāli bởi Trưởng lão Buddhaghosa. Pāli tipiṭaka được giữ gìn và lưu truyền trong truyền thống Phật giáo Thượng tọa bộ, tiêu biểu cho sự hợp tuyển sớm nhất và hoàn bị nhất của văn chương Phật giáo.

Văn học Kinh Tạng Pāli được sắp xếp theo thứ tự Luật tạng, Kinh tạng và Luận tạng.

2.1. Luật tạng (Vinaya Pitaka)

Luật tạng đại thể gồm có bốn phần: Pātimokkha, Suttavibhanga, Khandhaka, Parivāra.

Pātimokkha: Gồm 227 học giới của tỳ kheo. Pātimokkha có một ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tu tập của chư Tăng Phật giáo. Theo Luật tạng quy định thì mỗi nửa tháng chúng tăng phải họp mặt nhau lại một lần để tự sám hối các lỗi lầm và nghe tụng Pātimokkha. Đối với giáo hội ni chúng cũng tương tự như bên tăng chúng nội dung và ý nghĩa quan trọng của Pātimokkha.

Suttavibhanga: bao gồm hai phần là Mahāvibhanga và Bhikkhunīvibhanga. Mahāvibhanga giải thích về tám trường hợp phạm tội của Luật tạng và Bhikkhunīvibhanga giải thích về các học giới Pātimokkha của tỳ kheo ni.

Khandhaka: Gồm hai phần là Mahāvagga và Cullavagga. Khandhaka được xem là phần sau bộ cho Suttavibhanga. Mahāvagga đề cập sự hình thành và phát triển của Tăng già thời đức Phật bắt nguồn từ sự chứng ngộ của đức Phật dưới cội bồ đề, những hoạt động thuyết giáo và hóa độ đầu tiên của ngài, sự hình thành và phát triển giới luật gắn liền với nếp sống của chư tăng và các sinh hoạt của tăng già. Cullavagga tiếp tục mô tả nếp sống sinh hoạt của tăng già, sự ban hành giới luật, các sự vi phạm khác nhau của các Tỳ kheo, sự tranh chấp trong tăng già, các phận sự của tỳ kheo ni… hai kỳ kết tập Kinh điển đầu tiên cũng được nói đến trong tác phẩm này.

Khandhaka là những án văn học Pāli cổ điển mà cho tới hôm nay, có nhiều câu chuyện vừa mang tính sử học, vừa mang tính nhân bản…

Parivāra: Parivāra được biên soạn muộn màng nhất, được trình bày trong hình thức vấn đáp, bao gồm 19 chương đề cập các mục từ vựng, danh mục đặc biệt là danh mục 40 vị tổ giới luật bắt đầu từ đức Phật sang Upāli và sau cùng là Sīvatthera, người sống vào khoảng thế kỷ thứ nhất Tây lịch.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So luoc ve lich su kinh tang Phat giao Nguyen Thuy 4

2.2. Kinh tạng (Sutta Pitaka hay còn gọi Pañca Nikaya)

Kinh tạng gồm có năm tuyển tập.

Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikaya): Trường Bộ Kinh gồm toàn những bài Kinh dài nhất của Kinh tạng, gồm 34 bài Kinh chia thành 3 phẩm: Phẩm Sīlakkhandha gồm 13 bài Kinh đầu, phẩm Mahāvagga gồm 10 bài Kinh tiếp theo và phẩm Pātikavagga gồm 11 bài Kinh cuối. Trường Bộ Kinh cho chúng ta một bức tranh khá sinh động về bối cảnh xã hội thời đức Phật. Bộ Kinh còn nói đến những sự kiện chính trị, xã hội cùng với các hoạt động tư tưởng và tôn giáo diễn ra khá phức tạp trong thời gian này, về các hội chúng Bà La Môn và du sĩ đông đảo, các tư tưởng được lưu truyền từ các Kinh điển Vệ Đà…

Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya): Trung Bộ Kinh là những bài Kinh có độ dài trung bình, gồm 152 bài chia làm ba phần: Phần thứ nhất là Mahāpannāsa gồm 50 bài kinh đầu, phần thứ hai là Majhimapannāsa gồm 50 bài Kinh tiếp theo và phần thứ ba là Uparipannāsa gồm 52 bài kinh cuối. Các bài Kinh Majjhima Nikaya cung cấp cho chúng ta nhiều thông tin liên quan đến hoạt động giáo hóa cả bậc Đạo sư, các cuộc tiếp xúc của Ngài với các tầng lớp vua chúa, các quan quyền hay đại diện của các giáo phái đương thời cùng nhiều tầng lớp khác của xã hội. Các bài Kinh này còn cho chúng ta nguồn thông tin lớn về số lượng giáo lý và pháp môn thực hành trọng yếu của Phật giáo như Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Ngũ uẩn, lý Vô ngã, Niết Bàn… phê bình các dòng giáo lý tà kiến của Bà La Môn, Kỳ Na giáo.

Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta Nikaya): Tương Ưng Bộ Kinh có 56 phẩm với tổng số lượng 2889 bài Kinh, được chia thành năm thiên chính phân loại theo chủ đề. Phẩm Sagāthāvagga gồm các bài Kinh có xen kệ tụng nói về nếp sống thánh hạnh của Phật, phẩm Nidānavagga chủ yếu giải thích về duyên khởi, phẩm Khandhavagga dẫn giải về ngũ uẩn, phẩm Sadayatanavagga chuyên sâu về mười hai xứ, và phẩm Mahāvagga nói về các chủ đề như giác chi, niệm xứ, căn, lực…

Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya): Tăng Chi Bộ Kinh có 2308 bài kinh nằm gọn trong mười một chương, theo thứ tự từ chương một pháp đến chương mười một pháp. Toàn bộ những vấn đề giáo lý vốn đã dàn trải ở Trường Bộ và Trung Bộ, giờ lại được chắc lọc và hệ thống hóa ở bộ này.
Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya): Hầu hết Tiểu Bộ Kinh đều thuộc văn kệ, một số ít là văn xuôi, những tác phẩm thi ca quan trọng nhất của Pāli đều nằm trong Tiểu Bộ Kinh.

Theo ngài Budhaghosa sắp xếp thì Tiểu Bộ Kinh gồm có 15 phần:

Tiểu tụng (Khunddkapātha) gồm chín phần: Đức tin nơi Phật pháp; mười học giới của Sa Di; ba mươi hai thể trược; mười đề tài pháp số; các nguyên tắc xã hội học theo nhân sinh quan Phật giáo; vấn đề tôn trọng Tam Bảo và các phi nhân; vấn đề tang lễ và nghiệp lý, mà ở đây là vấn đề hồi hướng và cúng dường; các công đức cần thực hiện trong đời sống hiện tại; vấn đề tình thương đối với tất cả chúng sinh.

Pháp Cú Kinh (Dhammapada): Pháp Cú Kinh gồm 423 bài kệ được sắp xếp trong hai mươi sáu phẩm.

Cảm Hứng Ngữ (Udāna):Do cảm hứng nói lên, gồm các kệ ngôn và giai thoại, có bảy phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm mười bài Kinh. Có những Cảm Hứng Ngữ do chính đức Thế Tôn tự khái mà nói lên, nói về lý tưởng sống Thánh hạnh và hạnh phúc Niết Bàn. Cách nói chuyện trong Udana hết sức trong sáng, giản dị.

Như Thị Thuyết (Itivuttaka): Như thị thuyết có nghĩa là “đức Phật đã nói như thế”. Phần này gồm có hai thể loại văn xuôi và văn kệ. Vấn đề nội dung được nêu ra bằng văn xuôi rồi sau đó được thu gọn trong một bài kệ kết luận. Đó là những lời thuyết giáo trực tiếp của đức Phật cho một đệ tử của mình. Itivuttaka có bốn phân mục (nipāta), mỗi phân mục chia thành nhiều tiểu phẩm. Có tất cả 120 bài. Ngôn phong của Như Thị Thuyết rất sáng sủa, một phần cũng nhờ cách nói ẩn dụ của đức Phật. Các vấn đề giáo lý được minh họa rõ ràng.

Kinh Tập (Suttanipāta): Đây là thể loại tường thuật và đối thoại gồm năm phẩm lớn. Trong bốn phẩm đầu gồm 54 bài trường thi được đánh giá là loại hình thi ca trữ tình của Pāli… phẩm cuối cùng chỉ một bài Kinh Đáo Bỉ Ngạn (Parāyanāsutta) là một bài trường thi gồm mười sáu phân đoạn. Nội dung Kinh Tập đánh đổ toàn bộ những nghi thức tôn giáo vô lối, niềm tin mù quáng về sự tồn tại của thượng đế ảo tưởng và đồng thời nêu bật tinh thần tự giác, tự lực của mỗi người. Ai cũng có thể chứng ngộ Niết Bàn bằng con đường liễu tri Tam tướng và chứng ngộ Tứ đế thông qua công phu tu học Bát Thánh Đạo.

Thiên Cung Sự (Vimānavatthu): Nhan đề Pāli này nghĩa đen là “chuyện kể về tiên giới”. Đây là một tập thơ dài kể về các phúc lạc ở thiên giới, nơi được xem là chốn về của những người đã từng tu tạo công đức.

Ngạ Quỷ Sự (Petavatthu): Đây là một tác phẩm thi ca Pāli. Nội dung kể về khổ quỷ do tạo nhiều ác nghiệp trong tiền kiếp. Loại này chỉ có thể giải thoát được bằng phước báu hồi hướng.

Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā) và Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā): Đây là những câu chuyện tự thuật hoặc cảm hoài về kỷ niệm cuộc đời hoặc kinh nghiệm tu chứng của thánh Tăng và thánh Ni. Trưởng Lão Tăng Kệ gồm 107 bài kệ với 1279 câu kệ. Trưởng Lão Ni Kệ gồm có 73 bài với 522 câu kệ.

Phong cách ngôn ngữ dùng hình ảnh ẩn dụ, lối nói ví von, gợi hình. Về cú pháp thi ca thì phải nói rằng đây là những tác phẩm thi ca trữ tình có giá trị đứng vào bậc nhất trong vòng văn chương Ấn Độ cổ đại nói chung. Ta có thể cảm nhận được ở đây một dòng thi pháp độc đáo và vô cùng thơ mộng.

Bổn Sanh Kinh (Jātaka): Jātaka có nội dung kể về những câu chuyện tiền kiếp của đức Phật khi Ngài còn là một vị Bồ Tát. Jātaka gồm có 547 câu chuyện, chia thành năm phần chính:

– Paccuppannavatthu: Tức duyên sự hiện tại. Ở đây chính là sự kiện gợi ý để đức Phật dựa vào đó mà nhắc tích xưa.

– Atīavatthu: Câu chuyện quá khứ có liên quan đến sự kiện hiện tại.

– Gāthā: Phần kệ ngôn thường nằm ở cuối mỗi câu chuyện quá khứ do một nhân vật nào đó trong câu chuyện phát biểu.

– Veyyākarana: Phần giải thích từ vựng hoặc văn phạm cho những chỗ cần thiết ở các phần trên.

– Samodhāna: Phần nhận diện bổn sanh, tức là ở cuối mỗi câu chuyện đức Phật thường xác định từng nhân vật trong câu chuyện tiền thân là người nào trong thời hiện tại, lúc Ngài đang kể chuyện.

Bổn Sanh Kinh không những có giá trị như một sứ điệp của Phật giáo, mà bản thân tác phẩm còn trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng vào dòng văn học thế giới. Trong kho tàng cổ tích của nhiều quốc gia đã có ít nhiều vay mượn và đã trở nên phong phú từ những chất liệu được mô phỏng từ Bổn Sanh Kinh.

Xiển Minh (Niddesa): Niddesa gồm hai phần chính là Mahāniddesa (Đại Xiển Minh) và Cullaniddesa (Tiểu Xiển Minh). Nội dung là những giải thích về 33 bài kinh của hai phẩm cuối cùng trong Kinh Tập. Tác giả được coi là ngài Xá Lợi Phất, vị đệ nhất Thanh Văn của đức Phật. Đại Xiển Minh chú thích về Atthavagga, Tiểu Xiển Minh chú thích về hai bài Kinh Khaggavisānasutta và Pārāyanasutta.

Bổn Sự Kinh (Apadāna): Apadāna kể về những công đức quá khứ của chư vị Thánh Thanh Văn thời đức Phật. Đây là một tập tự truyện kể về tiền thân của 500 vị Thánh Tăng và 40 vị Thánh Ni.

Vô Ngại Giải Đạo (Patisambhidāmagga): Là phương pháp phân tích. Có ba phẩm lớn là Đại Phẩm (Mahāvagga), Song Tu Phẩm (Yunanaddhavagga) và Tu Tuệ Phẩm (Pannāvagga). Nội dung của Vô Ngại Giải Đạo gần như chỉ thuần các vấn đề của tạng Thắng Pháp dưới dạng câu vấn đáp.

Phật Tông (Buddhavamsa): Đây là thi kệ về 24 vị Phật thọ ký các kiếp tiền thân của đức Phật Thích Ca.

Hạnh Tạng (Cariyapitaka): Nội dung bao gồm 35 câu chuyện tiền thân kể về các kiếp tu tạo pháp độ của Bồ Tát và hoàn toàn thuộc thể văn kệ được rút ra từ Kinh Bổn Sanh.

2.3.Luận tạng (Tạng Thắng Pháp) (Abhidhammapitaka)

So với Đại tạng Kinh, thì Đại tạng Kinh Abhidhamma là một tác phẩm rất mới. Phần lớn nội dung được viết dưới dạng câu hỏi và câu trả lời. Bộ Abhidhamma gồm bảy bộ.

Dhammasagin: Nội dung đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất của Tam tạng Abhidhamma. Đặc biệt, cuốn sách này có giá trị của một cuốn cẩm nang tâm lý – đạo đức. Chính vì nội dung này mà Phật pháp đã là sách giáo khoa rất phổ biến của Phật giáo Sri Lanka trong nhiều thế kỷ.

Bộ phận Phân tích (Vibhanga): Trong loạt bài này, ngoài những câu hỏi bổ sung của lễ puja, còn có những lời dạy cụ thể bổ sung. Bài phân tích gồm có ba phần: phần đầu nói về những giáo lý cơ bản của Phật giáo, phần thứ hai nói về các cấp độ của trí tuệ, và phần thứ ba là về những trở ngại đối với việc chứng ngộ trí tuệ.

Dhātukathā: Bộ này bao gồm mười bốn chương thảo luận về Năm uẩn, Mười hai gốc rễ, Mười tám Giới, Bốn Sự Thật Cao Quý, Bốn Quán Niệm, Năm Sức Mạnh, Bảy Yếu Tố Giác Ngộ, Bát Chính Đạo.

Bộ Định chế (Puggalapananatti): Bộ sưu tập này chứa một bảng phân loại các loại người. Hình thức diễn đạt rất giống Canon, đặc biệt là ẩn dụ rất độc đáo.

Trường Ngữ hoặc Luận (Kathāvatthu): Tác giả của bộ sách này được cho là Moggaliputta Tissa, người đã chủ trì tập thứ ba của Tam tạng. Có thể nói đây là tác phẩm Kinh điển Pāli duy nhất có ghi rõ tên tác giả. Kathāvatthu gồm 23 phần. Tất cả các câu hỏi đều được đặt ra từ quan điểm chống Phật giáo, vì vậy tất nhiên các câu trả lời luôn được tiếp cận từ quan điểm của giáo lý truyền thống. Ngoài giá trị giáo lý nhà Phật, bản trường ngữ còn là một tài liệu lịch sử quan trọng của Phật giáo.

Bộ truyện song song (Yamaka): Yamaka bao gồm các câu hỏi và câu trả lời, với cách lập luận hai chiều và nội dung giải quyết các vấn đề còn sót lại từ bộ truyện trước.

Bộ Đại Xứ (Patthāṇā): Nội dung của bộ này tập trung vào giáo lý duyên hệ, nguyên tắc tồn tại của vạn pháp thông qua các mối tương quan mà ở đây chính là hai mươi bốn duyên hệ. Ở đây phần giải thích chỉ nằm trong khuôn khổ của một thư tịch, nên để thẩm thấu được cái độc đáo tuyệt vời của hệ thống giáo nghĩa này cần phải có một công phu nghiên cứu chuyên biệt.

3. Văn học hậu Kinh Tạng Pāli

Văn học Pāli hậu Kinh Tạng gồm nhiều tác phẩm chia thành các thể loại như sau:

3.1. Tạp tạng (các tập sớ cổ)

Các tập sớ cổ được biên soạn vào thời kỳ chư vị A-xà-lê hoàn chỉnh hóa dòng kinh điển Tam Tạng thành văn. Điển hình là các ngài Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapāla. Giai đoạn ra đời các tập sớ cổ từ đó có thể xác định là vào khoảng những năm đầu Tây lịch cho đến cuối thế kỷ thứ tư sau đó.

Tạp Tạng hay Tục Tạng có thể phân loại như sau:

– Các tác phẩm mang tính kinh viện

– Các tập sớ giải danh tiếng

– Các tài liệu sử học

– Các tập trích yếu nội dung Tam Tạng

– Các tác phẩm thi ca Pāli

– Các sách văn phạm Pāli

– Các sách về ngữ âm học và tu từ học Pāli

– Từ vựng học Pāli

Các tác phẩm mang tính kinh viện: Ở đây có thể kể (theo niên đại đã nêu) ba tác phẩm được ra đời vào thời điểm này:

– Nettipakarana: Tác phẩm của ngài Kaccāna, giải thích rộng những lời dạy ngắn gọn của bậc Đạo Sư.

– Petakosadesa: Bộ này cũng được cho là của ngài Mahākaccāna. Nội dung giải thích sâu sắc về vấn đề giáo lý cơ bản nhất, mà đại biểu là lý Tứ Đế.

– Milindapanhā (những nạn vấn của vua Milanda): Milanda là tên của vua Hy Lạp Menandros, một nhân vật nổi tiếng của triều đại Hy Lạp tại Ấn Độ. Ông mang trong mình cả hai dòng máu chiến sĩ và học giả. Ông đã từng có một cuộc đối thoại gay cấn với Trưởng lão Nāgasena của Phật giáo. Chính những câu vấn đáp của hai người đã được ghi chép thành nội dung bộ sách.

3.2. Các tập Chính Sớ (Atthakathā)

Đây là chú giải Phật ngôn. Lừng danh nhất có lẽ là ba vị Buddhadatta, Buddhaghosa và Dhammapāla.

*Ngài Buddhadatta với các tác phẩm:

– Abhidhammāvatāra: Chú giải các vấn đề Luận Tạng.

– Vināyavinicchaya: Chú giải về Luật Tạng.

– Uttaravinicchaya: Chú giải về Luật Tạng.

– Rūpārūpā-vibhāga: Chú giải một số vấn đề về Luận Tạng.

– Madhuratthavilāsinī: Chú giải tập Phật sử (Budhavaṃsa), Tiểu Bộ.

Ngài Budhaghosa: Là tác giả của hầu hết các tác phẩm chú giải về Tam Tạng Pāli. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ngài chính là bộ Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) mà nội dung là xoay quanh ba pháp Vô Lậu Học. Bộ Thanh Tịnh Đạo còn giải quyết một cách khái quát khía canh triết học của Phật giáo dựa trên những tinh hoa được chắt lọc từ Tam Tạng cùng các tập sớ cổ.

Ngài Dhammapāla có những tác phẩm:

– Paramatthamanjusāmahatīka: Chú thích bộ Thanh Tịnh Đạo.

– Nettipakaraṇassa atthasamvannanā, Līnatthavaṇṇana (phụ chú về các sớ giải Luận Tạng).

– Sīnatthapakāsinī chú thích các tập Chính Sớ của bốn bộ Nikaya đầu.

– Chú giải Bổn Sanh Kinh

– Chú giải của tập Chính Sớ Madhuratthavilāsinī (Sớ Phật Tông)

3.3. Các sử liệu Pāli

Dīpavamsa: là bộ sử liệu xưa nhất bằng chữ Pāli. Sách ra đời vào khoảng giữa hai thế kỷ IV- V Tây lịch, và được viết trong thể văn kệ với vài chỗ bằng thể văn xuôi. Nội dung nói về lịch sử Phật giáo Tích Lan qua các triều đại.

Mahāvamsa: Đây là tác phẩm của tác giả Mahānāma, một người có lẽ ra đời dưới triều vua Dhātusena, nhằm vào thế kỷ VI sau Tây lịch. Theo một số học giả Ấn Độ thì Mahāvamsa như là phần bổ túc và chú giải cho Dīpavamsa. Bộ Mahāvamsa đã kể lại khá rõ từng chi tiết về sự kiện ngài Mahinda sang truyền đạo ở Tích Lan xong rồi mới nhắc đến những sự kiện xảy ra dưới triều vua Mahāsena.

Culavamsa: Một tập sử ký có nội dung bổ túc cho bộ Mahāvamsa. Đây là một công trình được thực hiện bởi nhiều người qua nhiều giai đoạn không liên tục. Tác giả là Trưởng lão Dhammakitti.

Buddhaghosuppatti: Nội dung chủ yếu là bộ tự truyện của ngài Buddhaghosa. Tác giả là ngài Mahāmangala.

Saddhammasangaha: Đây là tác phẩm của ngài Dhammakitti có nội dung kể lại lịch sử Phật giáo bằng nhắc lại các kỳ kết tập Tam Tạng cùng các dữ kiện lịch sử khác từ buổi đầu cho đến thế kỷ thứ XIV. Sách được viết trong cả hai thể văn xuôi lẫn văn kệ và được thực hiện vào cuối thế kỷ XIV.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc So luoc ve lich su kinh tang Phat giao Nguyen Thuy 5

4. Kinh tạng Pāli và Phật giáo Nguyên Thủy

Kinh tạng Pāli và Tam bảo: Theo Kinh tạng Pāli thì Phật bảo là Lời dạy của đức Phật. Pháp bảo là cốt tủy, là nền tảng là tất yếu của Pháp. Tăng bảo là cẩm nang tu học của Tăng đoàn. Như vậy, để Tam bảo cửu trụ ở thế gian thì phải giưc gìn và truyền thừa Kinh tạng Pāli.

Kinh tạng Pāli và Tứ chúng: Nếu chúng xuất gia có nhiệm vụ là học, hành và truyền bá giáo pháp mà cụ thể là Kinh tạng Pāli thì chúng tại gia lại có trách nhiệm là học, hành và hộ trì giáo pháp tức Kinh tạng Pāli. Đối với Tứ chúng thì việc: học, hành, truyền bá đúng và chân chính, đúng nghĩa về Kinh điển Pāli là nhiệm vụ hàng đầu.

Kinh tạng Pāli và Tam pháp: Tam pháp ở gồm: Pháp học (pariyattisāsana) đó là tam tạng pāḷi và chú giải pāḷi đã có từ thời kỳ đức Phật, pháp hành (paṭipattisāsana) nó có nhiều pháp, trong đó có ba pháp hành chính là pháp hành giới, pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ. Pháp thành (paṭivedhasāsana) đức Phật tuyên thuyết Kinh tạng Pāli. Sự liên quan giữa pháp học, pháp hành và pháp thành Phật giáo là sự liên quan theo nhân với quả với nhau. Cho nên, khi pháp này phát triển, thì pháp kia cũng phát triển, trái lại khi pháp này suy thoái, khiến cho pháp kia cũng suy thoái. Để hiểu đúng đắn, chính thống và chân chính thì phải học từ Kinh tạng Pāli vì vậy cần duy trì và bảo tồn Kinh tạng Pāli.

Kinh tạng Pāli và Tam vô lậu học: Giới (Vinaya) là những nội dung, quy tắc của Tăng đoàn. Định (Sutta) là những pháp để định tâm, tịnh tâm. Huệ (Abhidhama) là những lời giải thích rộng trên phương diện nghiên cứu và học thuật. Như vậy muốn truyền đạo thì phải giữ gìn và bảo tồn Kinh tạng Pāli.

KẾT LUẬN

Liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, đức Phật luôn chỉ cho chư đệ tử của mình biết rằng nó chỉ mang tính quy ước, tương đối và giới hạn mà thôi. Nó là phương tiện, là công cụ giúp con người tự chuyển hóa, nói giúp con người đi vào thế giới thế tục tương đối rồi đi đến sự tuyệt đối, siêu thoát và tạo truyền thông trong giao tiếp giữa người với người, người với tập thể và chính bản thân mình. Ngôn ngữ Phật giáo luôn dễ nhớ, không đặt nặng về vấn đề ngắn hay dài, nhưng chú trọng đến ý nghĩa. Điều này khác với Bà-la-môn với văn cú ngắn gọn dễ nhớ nhưng không chú trọng đến ý nghĩa, họ còn cho rằng ngôn ngữ là thực tại tuyệt đối là cứu cánh tối hậu. Qua những gì mà đức Thế Tôn đã để lại, chúng ta thấy rằng Ngài đã ứng dụng ngôn ngữ của mình trên ba khía cạnh. Ngài sử dụng từ nguyên: tức là đức Phật đã trình bày về ngữ nghĩa với những thuật ngữ được sử dụng phù hợp, chính xác thí như các từ đã có từ trước vẫn được tận dụng vận dụng. Thứ hai, sử dụng một cách thiện sảo cả các từ đồng ngữ, đồng nghĩa. Và gần gũi nhất là đức Phật tùy thuận căn cơ chúng sinh nên sử dụng ngôn ngữ mô tả với các ví dụ, hình ảnh minh họa, ẩn dụ… chính ngôn ngữ và quan niệm về ngôn ngữ của đức Phật đã tạo nên giá trị vô giá cho ngôn ngữ Pāli và đóng góp của nền ngôn ngữ này đối với hệ thống Kinh tạng Phật giáo nguyên thủy nói riêng Phật giáo nhân loại nói chung là không thể đo lường được.

Ngày nay các văn bản văn học Pāli đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được giảng dạy tại nhiều quốc gia mà nhất là các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Thượng Tọa bộ. Giá trị nội dung của nguồn văn học này là rất lớn mà đến nay vẫn chưa được khai thác hết. Để văn học Kinh tạng Pāli hoàn chỉnh như ngày hôm nay là sự nổ lực rất lớn của tập thể Tăng già qua nhiều thế hệ. Đến nay, nguồn văn bản này tạo rất nhiều cảm hứng cho các giới nghiên cứu khắp nơi trên thế giới về mọi lĩnh vực của đời sống từ lịch sử, văn hóa, xã hội, triết học… văn học Kinh tạng đã mang lại cho loài người nhiều di sản văn hóa vô giá mà giá trị của nó sẽ là mãi mãi theo thời gian. Những kết quả trên cho chúng ta thấy sự lựa chọn về mặt ngôn ngữ và cách sử dụng chúng đầy trí huệ của đức Phật thật không thể nào đúng đắn và hợp thời hơn. Đây là một đề tài rộng lớn, là mảnh đất phì nhiêu cho những ai có duyên nên tìm đến nghiên cứu và học hỏi thực hành để chuyển hóa thân tâm qua nghiên tầm ngôn ngữ và nội dung mà nói chuyển tải ngang qua bề mặt ngôn ngữ đó.

Tác giả: Thích Nữ Thuần Hiếu
Học viên Cao học khóa II – Học viện PGVN tại Huế

***

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Doãn Chính (2003), Đại cương lịch sử triết học phương đông cổ đại, Nxb Thanh Niên.
2. Thích Kiên Định (2008), Lược sử Văn học Sanskrit và Hán tạng Phật giáo, Nxb Thuận Hóa.
3. HT.Thích Thanh Kiểm (2006), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Tôn giáo.
4. Lê Kim Kha dịch (2011), Giáo trình Phật học, Nxb Phương Đông.
5. Thích Tâm Minh (2006), Khảo cứu về Văn học Pāli, Nxb Phương Đông.
6. Tỳ-kheo Giác Nguyên dịch (1998), Giới thiệu văn Học Kinh điển Pāli, Nxb Phương Đông.
7. Thích Viên Trí (2009), Ấn độ Phật giáo sử luận, Nxb Phương Đông.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin