Chi tiết tin tức

Bàn về lý thuyết tiệm tu trong Kinh tạng Nikaya

10:11:00 - 10/12/2021
(PGNĐ) -  Mục đích cuối cùng của nền giáo dục Phật giáo là giác ngộ và giải thoát. Nói cách khác, sự ra đời của nền minh triết Phật giáo chỉ có nhiệm vụ duy nhất là giúp chúng sanh giảm đi những bất hạnh, đau khổ trong kiếp người. Giác ngộ chính là sự hiểu biết của bản thân phù hợp với những quy luật tự nhiên.

Sau khi Đức Phật chứng đạo dưới cội cây Bồ đề, vì lòng thương cho  chúng sanh đang bị đau khổ, mà vì đó nói pháp. Tất cả giáo pháp ấy, không ngoài những nội dung chứng đắc của Ngài. Nhưng thực tế, căn cơ của chúng sanh trong xã hội không đồng và văn hóa phong tục tập quán đều khác nhau. Cho nên, Đức Phật căn cứ vào căn cơ trình độ hiểu biết của từng người mà tuyên thuyết diệu pháp phù hợp. Xét theo tiến trình tu tập, trong đạo Phật có hai hướng tu tập chính yếu: Đốn ngộ và tiệm tu. Đốn ngộ là lối tu tập được xiển dương nhiều nhất vào thời Lục tổ Huệ Năng. Đốn ngộ chỉ dành cho những bậc thượng căn thượng trí mà thôi. Còn chúng ta là những hạng phàm phu, nhiều nghiệp chướng ràng buộc. Vì thế, chúng ta có thể theo hướng tiệm tu. Như vậy, trong tạng kinh Nikāya, Đức Phật đã dạy về lý thuyết tiệm tu như thế nào? Đó là vấn đề cần phải nghiên cứu kỹ để tìm ra con đường phù hợp với trình độ căn cơ của bản thân. Trong bài viết này, người viết chủ yếu dựa trên Kinh Trung Bộ: Kinh Kītāgiri (M.70), Kinh Ganaka Moggallāna (M.107). Và trong Tiểu Bộ Kinh, Kinh Phật Tự Thuyết, Chương Năm, Phẩm Trưởng Lão Sona, kinh 51 (Ud.51). Ngoài ra, còn phân tích dựa trên một số bản kinh khác thuộc Kinh tạng Pali để góp phần làm rõ vấn đề này.

KHÁI NIỆM TIỆM TU

Tiệm tu (漸修) trong đó tiệm (漸) nghĩa là dần dần, từ từ để đi đến mục tiêu, mục đích mình cần thực hiện. Tu (修) nghĩa là sự tu tập, sửa những điều sai thành điều đúng, sửa cái xấu thành cái tốt [1]. Như vậy, khái niệm tiệm tu được hiểu như là một đường hướng tu tập hướng đến sự giải thoát giác ngộ bằng sự tịnh tiến, thăng tiến một cách từ từ trên con đường tu tập. Thiền sư Phổ Chiếu (1158-1210) trong Tu Tâm Quyết nói: “Phàm nhập đạo có nhiều cửa, nhưng nói chỗ cốt yếu thì chẳng ngoài hai cửa Đốn ngộ và Tiệm tu”. Hai thuật ngữ này chủ yếu được xiển dương vào thời kì Phật giáo Đại thừa truyền bá sang Trung Hoa. Từ Sơ tổ Bồ Đề Đạt Ma cho đến Lục tổ Huệ năng đều xiển dương giáo pháp thiền đốn ngộ làm tông yếu. Các ngài giương cao ngọn cờ “trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”. Đại sư Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh chỉ dạy đệ tử rằng: “Giáo pháp xưa nay chỉ có một tông chỉ, chẳng qua do người học pháp có sự khác nhau trên khu vực Nam Bắc; Thiền cũng chỉ có một loại, chỉ là có sự phân biệt nhanh chậm trong sự lý giải của mỗi người. Thiền hoàn toàn không có nhanh hay chậm (đốn – tiệm), vì sao lại gọi là nhanh, chậm? Chỉ vì tư chất trời phú cho mỗi người khác nhau, nên quá trình lãnh hội có sai khác, vì thế mà có tên gọi là đốn tu hay tiệm tu. Mọi con đường lớn đều đổ về Trường An, trước cửa mỗi nhà đều có đường thông về Trường An, bất luận xuất phát từ con đường nào, cũng không kể là đi nhanh hay đi chậm, mục đích, địa điểm cuối cùng mà họ đến đều là thành Trường An. Không phải đến thời kì Thiền tông Trung Hoa phát triển thì mới hình thành những khái niệm về “đốn ngộ – tiệm tu”, mà trong kinh tạng Nikāya, thời Đức Phật đã có khái niệm này. Tuy nhiên, trong thời Đức Phật, Ngài khuyến hóa các đệ tử nên tu theo một đạo lộ trình tự hơn là đốn ngộ. Bởi đốn ngộ chỉ dành cho những vị thượng căn thượng trí như các ngài Sariputta, Mogalāna… mà thôi. Còn những vị Tỳ kheo không phải là bậc thượng căn thì nên tu tập theo một lộ trình. “Cũng vậy vị Tỳ kheo/Tinh cần, nương tựa đủ/Tu tập theo thiện pháp/Ðạt an ổn khổ ách/Tuần tự chứng đạt được/Ðoạn diệt mọi kiết sử” [2]. Nghĩa là một vị Tỳ kheo trong giáo pháp của Đức Thế Tôn, cần có sự hiểu biết về đạo lộ tu tập của mình một cách khoa học “Có một thế giới nhứt hướng lạc không? Có đạo lộ hợp lý nào đưa đến chứng đắc thế giới nhứt hướng lạc” [3]. Đạo lộ ấy chính là con đường tiệm tu theo giáo pháp được Đức Phật trình bày rõ ràng trong tạng kinh Nikāya.

Sau khi Đức Phật chứng đạo dưới cội cây Bồ đề, vì lòng thương cho chúng sanh đang chìm trong đau khổ, mà vì đó nói pháp. Tất cả giáo pháp ấy, không ngoài những nội dung chứng đắc của Ngài. (Ảnh: Viện NCPHVN)

LÝ THUYẾT TIỆM TU TRONG MỘT SỐ BÀI KINH THUỘC KINH TẠNG Nikāya

Từ Kinh Kītāgiri (Kītāgiri sutta)

Nội dung của bài kinh nói về một thời Thế Tôn đi du hành đến thị trấn Kītāgiri (xứ Kāsi) cùng với hội chúng Tỳ kheo. Sau đó, Thế Tôn cho gọi các Tỳ kheo để thuyết giảng về những lợi ích của việc dùng bữa trước giờ Ngọ và những điều bất lợi của việc ăn chiều, ăn phi thời. Sau đó, Đức Phật đã đề cập đến sự thành tựu trí tuệ nhờ tu tập có lộ trình phù hợp. “Con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra” [4]. Một đạo lộ phù hợp đưa đến sự giải thoát với bốn quả Sa môn. Đức Thế Tôn thuyết giảng giáo pháp rất khoa học. “Sau khi đạt tri kiến đầy đủ về con đường tu tập Giáo pháp” [5]. Chúng ta có thể nhận ra rõ ràng giáo pháp ấy gồm hai phần: “Pháp học” (Pariyatti) và “Pháp hành” (Patipatti). Đạo lộ tu tập của Phật giáo Nam truyền trong Kinh tạng Nikāya dựa trên nền tảng cơ bản là Giới – Định – Tuệ. Mô hình này là sợi chỉ đỏ thâu nhiếp các pháp môn tu tập cũng như các bộ phái Phật giáo. Nếu như phương pháp tu tập nào không hàm chứa nội dung này có thể xem là ngoại đạo. Muốn thành tựu được trí tuệ vô lậu, hành giả phải nương vào năng lực của cận định cùng với tuệ quán. Từ đó nhận chân được thực tại các pháp đúng như bản chất của chúng đang là. Trong phần cuối bài kinh, Đức Phật chỉ rõ cho các Tỳ kheo, trí tuệ không thể phát sinh một cách nhanh chóng mà phải phát triển từng phần theo nghĩa của sự tiệm tu. “Này các Tỳ kheo, ta không nói rằng trí tuệ được hoàn thành lập tức. Nhưng này các Tỳ kheo, trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ. Và này các Tỳ kheo, thế nào là trí tuệ được hoàn thành nhờ học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ? Ở đây, này các Tỳ kheo, một vị có lòng tin đi đến gần; sau khi đến gần, vị ấy tỏ sự kính lễ; sau khi tỏ sự kính lễ, vị ấy lóng tai; sau khi lóng tai, vị ấy nghe pháp; sau khi nghe pháp, vị ấy thọ trì pháp; sau khi thọ trì, vị ấy suy tư ý nghĩa các pháp được thọ trì; sau khi suy tư ý nghĩa, các pháp được chấp thuận; sau khi các pháp được chấp thuận, ước muốn sanh khởi; sau khi ước muốn sanh khởi, vị ấy nỗ lực; sau khi nỗ lực, vị ấy cân nhắc; sau khi cân nhắc, vị ấy tinh cần. Do tinh cần, vị ấy tự thân chứng được sự thật tối thượng, và với trí tuệ thể nhập sự thật ấy, vị ấy thấy” [6]. Đây là “bậc tùy tín hành”, do tự mình chưa có sự chứng đắc được các pháp tịch tĩnh vượt lên các sắc pháp cùng với các vô sắc pháp, sau khi có nhìn bằng trí tuệ, tuy nhiên các hữu lậu vẫn còn.

Từ Kinh Ganaka Moggallāna

Đại ý nội dung kinh văn: Một thời Đức Phật ở Sāvatthi trong lâu đài của Migrārāmātu, sau đó Bà-la-môn Gonnaka Moggallāna đến vấn an Thế Tôn và bạch rằng: Tòa lâu đài này được xây tuần tự, theo một đạo lộ tuần tự; các nghề như là bắn cung hay toán số,… cũng được học tập và thực hành một cách tuần tự như thế. Sau đó Bà-la-môn Gonnaka Moggallāna bạch Đức Thế Tôn, trong Pháp và Luật của Ngài có một đạo lộ tương tự như thế hay không? Đức Thế Tôn dạy trong Pháp và Luật của ta cũng có một đạo lộ tuần tự như thế. “Này Bà-la-môn, trong Pháp và Luật này, có một tuần tự học tập, có một tuần tự công trình, có một tuần tự đạo lộ” [7]. Và sau đó, Đức Phật đưa ra ví dụ cho lộ trình tu tập ấy. “Ví như, này Bà-la-môn, một người huấn luyện ngựa thiện xảo, sau khi được một con ngựa hiền thiện, trước tiên luyện tập cho nó quen mang dây cương, rồi tập luyện cho nó quen các hạnh khác; cũng vậy, này Bà-la-môn, Như Lai khi được một người đáng được điều phục, trước tiên huấn luyện người ấy như sau: Hãy đến Tỳ kheo, hãy giữ giới hạnh, hãy sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sự nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ trì và học tập các học giới” [8]. Đức Thế Tôn thuyết giảng về quá trình một Tỳ kheo thực hành Pháp và Luật của Ngài theo tuần tự như sau:

– Phải “hộ trì giới bổn” (Patimokkha) một cách đầy đủ oai nghi chánh hạnh, luôn quán sát thấy được sự nguy hiểm của các lỗi nhỏ nhặt.

– Luôn hộ trì các căn.

– Biết tiết chế trong ăn uống.

– Luôn luôn chú tâm tỉnh giác với các bất thiện pháp.

– Đoạn trừ năm triền cái.

– An trú vào tứ thiền.

– Từ đệ tứ thiền, an trú vào thiền quán từ đó cắt đứt các kiết sử (hữu học) và an trú vào hiện tại lạc trú cho các vị A-la-hán.

Như vậy, tiệm tu trong bản kinh này thể hiện một cách rất rõ ràng qua một trình tự tu tập được Đức Như Lai thuyết giảng cho các vị Tỳ kheo. Quá trình đó cũng không ra ngoài nền tảng căn bản của Giới – Định – Tuệ. Một vị Tỳ kheo có trí tuệ “Sáng sáng, thẩm xét kỹ/Bậc có trí tán thán/Bậc trí không tỳ vết/Ðầy đủ giới định tuệ” [9]. Đức Phật đưa ra một ví dụ dễ hiểu về cách người huấn luyện ngựa thiện xảo, trước tiên phải cho nó mang dây cương, sau đó mới tập nó quen với các việc khác. Cũng vậy, một vị Tỳ kheo trước tiên cần phải sống chế ngự với giới bổn, đó là điều căn bản của con đường tu tập. Giới chính là dây cương hướng hành giả đi đúng con đường phạm hạnh. “Những giới luật đưa đến giải thoát, được người có trí tán thán, không bị ô nhiễm bởi mục đích sai lạc, những giới luật hướng đến định tâm, thời này các Tỳ kheo, chúng Tỳ kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm” [10].

Phật pháp tuy rộng lớn vô biên, nhưng bản thể cốt yếu thâu tóm nơi Giới-Định-Tuệ. Ba yếu tố này hỗ tương cho nhau, không thể tách rời. Hành giả mới vào đạo cần phải nương nơi giới là điều quan trọng nhất. Trong Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ”. Trong đó, tuệ bao gồm: “văn tuệ, tư tuệ và tu huệ”. Văn tuệ chính là nghe và hiểu về tất cả những học giới, nghe hiểu về giáo lý “Tứ đế”, lý Duyên sinh, hiểu về dục và những chướng ngại pháp cho con đường tu tập, giải thoát, nghe và hiểu về ngũ thủ uẩn, thiền quán và như lý tác ý…. Tư tuệ bao gồm quán về: Sự nguy hiểm của dục lạc; sự trở ngại của “Ngũ triền cái”; sự trở ngại của tầm, tứ, hỷ, lạc; duyên khởi; ngũ uẩn; nô ngã; nô thường… Tu tuệ gồm: tẩy sạch các cấu uế của tâm, tẩy sạch ngũ triền cái, đoạn trừ các thiền chi tầm, tứ, hỷ, lạc; thiền quán về “Tứ vô lượng tâm” để vào “Diệt thọ tưởng định”, thiền quán về Tam pháp ấn để dần dần cắt đứt 10 kiết sử, chứng đắc “Tam minh, Lục thông” [11]. Đó được xem là sự tóm tắt về con đường tiệm tu qua lộ trình giới định tuệ được Đức Phật thuyết giảng rất rõ ràng. Trong Kinh Mi Tiên vấn đáp, Đại đức Nāgasena đưa ra ví dụ về sự quan trọng của lộ trình Giới Định Tuệ: “Ví như đất là nơi các hột giống nảy mầm và lớn lên; đất là nơi mà các loại củ có thể nứt mộng, đâm chồi, sinh cây. Cũng như thế ấy, giới là nơi nảy mầm, tăng trưởng của ngũ căn là tín, tấn, niệm, định, tuệ… cùng những thiện pháp khác, tâu Đại vương!” [12].

Phật pháp tuy rộng lớn vô biên, nhưng bản thể cốt yếu thâu tóm nơi Giới-Định-Tuệ. Ba yếu tố này hỗ tương cho nhau, không thể tách rời. (Ảnh: Flickr.com)

Sau đó, Bà-la-môn Gonnaka Moggallāna thưa Đức Phật rằng: “Tại sao trong khi có một con đường tuần tự như thế dẫn đến Niết bàn, có đức Gotama là người chỉ đường, Niết bàn có mặt như thế, nhưng một số hành giả chứng được cứu cánh Niết bàn, còn một số thì không? Đức Phật đã trả lời Bà-la-môn Gonnaka Moggallāna bằng ví dụ như sau: “Ông là người giỏi đường đi đến Rājagaha, có một số người muốn ông dẫn những người ấy đến Rājagaha, nhưng trong số ấy có người đi lạc không thể đến được Rājagaha.” Ngài chỉ là người chỉ đường mà thôi. Còn có đi đến được đích cuối cùng của con đường hay không thì không phụ thuộc vào Như Lai. Con đường ấy chính là con đường tiệm tu của một vị thánh đệ tử trong giáo pháp Như Lai. Những ai đi theo con đường ấy một cách tuần tự, không lạc hướng thì sớm hay muộn cũng đến được mục đích cuối cùng chính là sự giác ngộ. Còn những ai không đi theo con đường tiệm tu ấy, hoặc đi lạc hướng thì mãi mãi không thể nếm được quả vị giải thoát.

Lý thuyết Tiệm tu trong Kinh số 51, Kinh Phật Tự Thuyết

Trong Kinh Phật Tự Tuyết kể lại rằng [13], một thời Thế Tôn đang trú ở Sāvatthi, tại Pubbārāma, vào ngày trai giới, chư Tỳ kheo ngồi đợi Đức Thế Tôn thuyết giới bổn Pātimokkha. Tuy nhiên, trải qua canh một, canh hai,… canh cuối nhưng vì hội chúng không được thanh tịnh, nên Đức Phật chưa thuyết giới bổn. Sau đó, Tôn giả Māha Moggallāna quán sát thấy có một vị hành ác giới, không được thanh tịnh, nên Tôn giả đã mời vị ấy ra khỏi hội chúng Tỳ kheo. Sau đó, Đức Phật nói cho các Tỳ kheo nghe về tám đặc tính của biển lớn:  “Này các Tỳ kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỳ kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm” [14]. Đức Phật đã dùng hình ảnh biển lớn tuần tự xuôi dòng để minh chứng cho các Tỳ kheo thấy rõ con đường tiệm tu cũng tương tự như vậy. Sự thực hành pháp phải có trình tự thích hợp chứ không thể bỏ qua giai đoạn, như người đi lên cầu thang phải đi từng bước vững chắc, bước trước là nền tảng cho bước sau, cứ như vậy hành giả sẽ đến được đích. Cũng như xây một tòa nhà cao tầng, việc xây theo thứ lớp là điều tất yếu, nếu không có móng nhà làm sao xây được những tầng tiếp theo. Một khi có nền móng vững chắc, chính nó là nền tảng để xây tiếp những tầng cao hơn. “Cũng vậy này các Tỳ kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp và tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình” [15]. Sự thể nhập vào chánh trí của một vị thánh đệ tử trong Pháp và Luật của Đức Phật cũng trải qua nền tảng căn bản là Giới – Định – Tuệ như trên đã trình bày. Đạo lộ ấy chính là con đường độc nhất, con đường cổ xưa, con đường thánh đạo đưa đến cứu cánh Niết bàn. Ở đây, Đức Phật dùng hình ảnh biển lớn để thí dụ cho các vị thánh đệ tử trong giáo pháp của Ngài. Giống như biển lớn không chứa các xác chết, nghĩa là các Tỳ kheo ác giới, theo ác giới thì không thể tồn tại trong Pháp và Luật của Đức Phật. Giống như biển lớn, khi các con sông chảy vào đều bỏ tên cũ, mà có tên mới là biển lớn, cũng vậy các giai cấp khác nhau khi vào trong giáo pháp đều được gọi là Sa-môn Thích tử. Giống như có những dòng nước chảy vào, mưa xuống, biển lớn vẫn không có tăng giảm cũng vậy có những Tỳ kheo nhập Vô dư y thì không vì thế mà Niết bàn giới tăng hay giảm. Giống như biển lớn có một vị mặn, giáo pháp của Như Lai có một vị là vị giải thoát. Giống như biển lớn có nhiều châu báu thì giáo pháp của Đức Phật có Bốn niệm xứ, Bát chánh đạo. Giống như biển lớn là trú xứ của các sinh vật lớn, Pháp và Luật này là trú xứ của các bậc Dự Lưu cho đến bậc A-la-hán. “Sắc giới và Vô sắc giới, tâm tư quán triệt tánh vô thường, khổ, vô ngã, và phát triển tuệ quán trên con đường tu tập chứng được quả A-la-hán” [16].

THỰC HÀNH TIỆM TU

Những pháp âm của Đức Thế Tôn khi nói ra luôn xem xét kỹ lưỡng để phù hợp với tất cả các đối tượng, tuổi tác, trình độ về nhận thức cũng như các tầng lớp khác nhau của mỗi chúng sanh trong từng giai đoạn khác nhau. Đối với những bậc thượng căn, thượng trí thì Đức Thế Tôn chỉ cần khai thị trực tiếp hoặc qua lấy một ví dụ nào đó phù hợp với căn cơ và sự nhận thức của họ. Miễn sao sau khi nghe xong người ấy liền hiểu rõ những pháp âm mà Ngài tuyên thuyết và chứng ngộ được đạo quả Niết bàn giải thoát. “Nhờ bài kinh “Vô Ngã Tướng”, Kondanna chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư trong buổi họp Tăng chúng ở tinh xá Kỳ Viên, đã xác chứng Ngài là bậc Ðệ nhất trong các hàng Tăng chúng Tỳ kheo” [17]. Hoặc quá trình tu tập trải qua một thời gian sau mới chứng ngộ vì nhận thức của chúng sanh có sự sai biệt, tuy nhiên Đức Thế Tôn cũng đã dùng rất nhiều phương tiện khéo léo để hướng dẫn, khai thị cho các vị đệ tử. Giống như “Bà-la-môn Sundarika Bharadvaja được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới. Trong thời gian ngắn sau khi thọ đại giới, Tôn giả Bharadvaja sống độc cư, không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần và không bao lâu sau khi tự thân chứng ngộ với thượng trí” [18]. Như vậy, giáo pháp của Đức Thế Tôn có thể thâu tóm trong hai hướng tu tập tùy vào căn cơ và trình độ của chúng sanh. Nếu không vạch rõ con đường và mục đích để hướng đến, chắc chắn chúng ta không thể đến đích được như phần trên đã nói ví dụ về Bà-la-môn Gonnaka Moggallāna người dẫn đường. Thế lộ trình tiệm tu ấy như thế nào? Như đã trình bày, lộ trình tiệm tu ấy không ra ngoài nền tảng căn bản của Phật giáo, là: “đầy đủ Giới – Định – Tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, thành tựu chân lý, lân mẫn từ bi, nhẫn nhục tu tập lòng thân ái, bình đẳng đối với tất cả chúng sanh” [19]. Vì thế, việc tu tập luôn phải lấy Giới làm ngọn đuốc soi đường. “Muốn chiến thắng, bách chiến thắng, đại vương phải thiết lập vững vàng trận địa, nơi thế đất này, thế núi kia… Tất cả đều được chuẩn bị, dự phòng. Dường thế ấy, từ giới lập trận thế, từ giới lập chiến thuật, chiến lược; từ giới lập sa bàn, từ giới mà tiêu diệt đối phương… thì mười đội binh ma quân phiền não sẽ cởi giáp quy hàng. Nhờ giới mà niệm không buông lơi. Nhờ giới mà định tâm luôn kiên cố. Nhờ giới mà tuệ càng thêm sáng tỏ” [20].

Là người tu sĩ trong đời sống hiện đại, việc cấp thiết là thiết lập một con thuyền vững chắc với đầy đủ nền tảng căn bản Giới – Định – Tuệ, mới có thể tự thân vượt qua biển khổ tam giới và dục lạc thế gian. Sự nghiệp cao quý nhất của các hành giả là giác ngộ và giải thoát, một trong những hàm ý sâu xa của sự giải thoát là đoạn tận các lậu hoặc. Vì thế, người tu đạo cần phải thường xuyên quán sát đến con đường tu học của mình, không để mình vướng vào các kiến chấp hay những hiểu biết sai lệch. Chú tâm vào con đường của mình đã xác định. Con đường chúng ta đang đi chính là con đường tiệm tu, cũng chính là hướng đi Trung đạo, một mặt không quá buông lung, sa đọa, mặt khác cũng không nên quá khắc khổ, tu theo kiểu một đời có thể thành Phật ngay. Nếu bám chấp, thành Phật thì chưa thấy nhưng chỉ thấy nảy sinh phiền não, kiến chấp, hiện tại không có sự an lạc làm sao sinh ra quả an lạc được.“Khi những sợi dây đàn Tỳ-bà của Thầy không quá căng thẳng, không quá trùng xuống, nhưng vặn đúng mức trung bình, trong khi ấy, đàn tỳ-bà của thầy có phát âm hay sử dụng được không? Thưa được, bạch Thế Tôn” [21].

Tinh thần trách nhiệm cá nhân là một trong những tinh thần gốc rễ của nền giáo dục Phật giáo nói riêng và ngoài Phật giáo nói chung. (Ảnh: HVPGVN tại TP.HCM)

Và cũng giống việc tu tập của một vị thánh đệ tử tương tự như thế.“Cũng vậy, này Sona, khi tinh cần tinh tấn quá căng thẳng, thời đưa đến dao động; khi tinh cần tinh tấn quá thụ động, thời đưa đến biếng nhác. Do vậy, này Sona, thầy phải an trú tinh tấn một cách bình đẳng, thể nhập các căn một cách bình đẳng” [22]. Đức Phật cũng muốn nhắc nhở giáo huấn cho đàn hậu học, nên thận trọng trong việc sử dụng phương pháp tu tập để có được đời sống quân bình, đi đúng với chánh pháp. Áp dụng lối tiệm tu trong đời sống thực tiễn, cần có sự trải nghiệm và luôn giữ tâm thái không quá nôn nóng, sự tinh tấn phải thật bền bỉ thì từ đó mới có thể đảm bảo con đường mình đi sẽ về đến đích giác ngộ. Ngược lại, với phương pháp ấy, tâm chúng ta sẽ dễ dàng phóng dật buông lung và đi sai phương hướng mà mình đã hoạch định. Để có được sự tu tập sống an lạc và giải thoát, người tu đạo cần phải quán chiếu, chánh niệm về các hành động đi đứng nói năng và suy nghĩ của bản thân mình trong mọi hoàn cảnh.

Kết luận

Sống trong xã hội, cộng đồng, mỗi cá nhân phải tự ý thức và làm chủ được thân, khẩu, ý để không bị sa ngã vào dục vọng. Thế nên, tinh thần trách nhiệm cá nhân là một trong những tinh thần gốc rễ của nền giáo dục Phật giáo nói riêng và ngoài Phật giáo nói chung. Chúng ta cần nhận thức: Đức Phật nói về sự thật cuộc đời là khổ, không vì thế mà cho rằng Phật giáo là bi quan yểm thế được. Bởi vì không những nói về sự thật khổ đau mà Ngài đã chỉ ra nguyên nhân của khổ, và con đường diệt khổ. Đó chính là chân lý Tứ đế được Ngài tuyên thuyết ngay sau khi thành đạo. Chân lý và con đường thì luôn hiện diện ở đó, việc của mỗi người là bước chân học và hành theo con đường ấy, “Như Lai chỉ là người chỉ đường” [23] mà thôi. Việc học suông lý thuyết mà không thực hành thì không thực sự bổ ích. Đức Phật cũng đã giáo huấn cho hàng hậu học rằng: Người có pháp học mà không đi đôi với pháp hành cũng giống như đãy đựng sách mà thôi. “Ở đây Đức Như Lai, bậc Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác là người làm khơi dậy đạo lộ, làm khơi dậy con đường chưa được khơi dậy, tuyên thuyết con đường chưa được tuyên thuyết, là người hiểu biết, nhận rõ và giác ngộ con đường đó… Còn các thiện nam tử cứ y cứ vào con đường đó thực hành cũng được thánh quả A-la-hán.” [24].

Vấn đề thiết yếu của mỗi hành giả cũng chính là sự tinh tấn chuyên nhất tự mình nỗ lực để chiến thắng chính mình. Nhận thức rõ mục đích hướng đến trong tương lai không để mình sống như một khúc gỗ trôi sông để rồi trôi dạt vào đâu hay bị ai vớt cũng không hay, đến khi đó con đường trở về bảo sở sẽ xa thăm thẳm. Tiệm tu là con đường căn bản đưa đến thành tựu được quả vị tối thượng trong tương lai, cho những hành giả nào nỗ lực tinh tấn bước đi thật vững chãi trên đó.

“Bậc trí theo tuần tự.

Từng sát na trừ dần.

Như thợ vàng lọc bụi

Trừ cấu uế nơi mình.” [25]

 

 VĂN HÓA PHẬT GIÁO 379

 

Chú thích:

* Thích Vạn Đạt, Học viên Cao học Phật giáo.

[1] Từ điển Hán Nôm https://hvdic.thivien.net/hv.

[2] ĐTKVN,  Tiểu Bộ Kinh, tập 5, Chuyện Tiền Thân, Chuyện Hoàng Tử Có Tâm Thâu Phục, NXB Tôn Giáo, 1999, tr.325.

[3] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh, Tiểu Kinh Sakuludayi, NXB Tôn Giáo, 1999, tr.417

[4] ĐTKVN,Tương Ưng Bộ Kinh tập V,Đại Phẩm, chương I Tương Ưng Đạo, Phẩm Vô Minh, NXB Tôn Giáo 2015, tr.442.

[5] ĐTKVN, Kinh Tiểu Bộ tập 5, Chuyện Tiền Thân, Chuyện Lộc Vương Rohanta 501, NXB Tôn Giáo, 1999, tr.423.

[6] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh tập 1, Kinh Kītāgiri, NXB Tôn Giáo 2015, tr.584.

[7], [8] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh, tập II, kinh Ganaka Moggallāna, NXB Tôn Giáo 2015, tr.326.

[9] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh tập I, Kinh Pháp Cú,Phẩm Phẫn Nộ, kệ 229, NXB Tôn Giáo 2015, tr.74.

[10], [11] ĐTKVN, Trường Bộ Kinh I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, NXB Tôn Giáo 2015, tr.282.

[12] Thích Giới Nghiêm (dịch), Mi Tiên Vấn Đáp, NXB Hội Nhà Văn, 2019, tr.102.

[13], [14] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh I, Kinh Phật Tự Thuyết, Chương Năm, Phẩm Trưởng Lão Sona, kinh số 51, NXB Tôn Giáo 2015,  tr.164-169, tr.165.

[15] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh I, Kinh Phật Tự Thuyết, Chương Năm, Phẩm Trưởng Lão Sona, kinh số 51, NXB Tôn Giáo 2015, tr.167.

[16] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh, Trưởng Lão Ni Kệ, Tập Hai Mươi Kệ, Ambapālī, NXB Tôn Giáo 2015, tr.438.

[17] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh tập III, Trưởng Tăng Kệ,Phẩm Mười Lăm Kệ, Anna-Kondanna , NXB Tôn Giáo 2015, tr.438.

[18] ĐTKVN, Trung Bộ Kinh tập 1, Kinh Vi Dụ tấm vải, NXB Tôn Giáo 2015, tr.65

[19] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh tập IV, Chuyện Tiền Thân, Phẩm Kulavaka, số 34 Chuyện Con Cá, NXB Tôn Giáo 2015, tr.365.

[20] Thích Giới Nghiêm( dịch), Sđd, tr.105.

[21], [22], [23] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ tập 3, Chương 6 Pháp, Đại Phẩm VI, NXB Tôn Giáo, tr.155.

[24] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng Bộ, tập III, Viện NCPHVN ấn hành 1993, tr 123.

[25] ĐTKVN, Tiểu Bộ Kinh tập I, Kinh Pháp Cú, Phẩm cấu uế, kệ 229, NXB Tôn Giáo 2015, tr.76.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin