Chi tiết tin tức Bác Hồ và Phật giáo 19:08:00 - 02/09/2024
(PGNĐ) - Xuất thân trong các cuộc vận động của Phật giáo (1963-1966), thời đi theo kháng chiến (1966-1975), tôi có nhiều dịp chuyển thư từ, hình ảnh của Hoà thượng Thích Đôn Hậu và bà con Phật tử tập kết ngoài miền Bắc vào cho các chùa và đồng bào theo Đạo Phật ở Huế.
Nhờ thế, sau ngày thống nhất đất nước (1975), nhiều lần tôi được các Sư bà Thích nữ Diệu Không, Sư bà Thích nữ Cát Tường, Sư cô Tịnh Giải (thế danh là Trương Thị Bích Vân) tiếp tại chùa Hồng Ân và chùa Kiều Đàm (Huế). Sư bà Cát Tường cho tôi chiếc xe Jeep của trường Mẫu giáo Kiều Đàm trước năm 1975. Tôi không được dùng xe riêng nên đã chuyển cho anh Võ Đông - Trưởng phòng TTVH TP Huế sử dụng vào việc công. Chiếc xe ấy đã giúp nhiều việc cho phòng, mãi đến thời gian gần đây mới cho “giải nghiệp”. Biết tôi là người rất lịch sử, thích chuyện cũ và thơ văn, Sư bà Thích nữ Diệu Không đã kể cho tôi nghe chuyện các gia đình Hồ Đắc - Cao Xuân của Sư bà quan hệ với gia đình Bác Hồ, chuyện Phật giáo cứu dân và đặc biệt chuyện Sư bà làm thơ Kỷ niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ mừng Ngày thống nhất đất nước 30/4/1975. 1. Chuyện ông Tư Sinh Sau ngày đất nước thống nhất, tôi quan tâm ngay việc nghiên cứu Huế để giải toả những thắc mắc về lịch sử Huế mà suốt thời gian theo kháng chiến, tôi không tự trả lời cho mình được. Một trong những thắc mắc đó là thời gian gần mười năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và học hành ở Huế. Nhờ có ý thức sớm như vậy, tôi đã may mắn gặp được những người bạn học, những “người cùng thời” với Bác ở Huế. Một trong những “người cùng thời” đó là Sư bà Thích nữ Diệu Không. Sư bà không những là người cùng thời mà còn từng làm dâu trong gia đình Cao Xuân Nghệ An - gia đình có mối quan hệ sâu sắc với gia đình thân sinh của Bác. Sư bà Diệu Không nhũ danh Hồ Thị Hạnh, ái nữ của cụ Thượng Hồ Đắc Trung, lúc chưa xuất gia là vợ ông Cao Xuân Xang (con trai thứ của cụ Cao Xuân Dục). Sư bà tiếp tôi trong phòng khách của chùa Kiều Đàm (Huế). Sư bà kể: -“Năm lên 10 tuổi, tôi theo thầy tôi là cụ Hồ Đắc Trung vào ở trong Bộ Học. Lúc ấy tôi mới học chữ Hán nên hễ thấy đâu có chữ Hán là để mắt đọc, đọc không hiểu thì hỏi. Bỗng tôi thấy trên tường vừa quét vôi trắng có chừa một khoảng tường cũ ám khói. Trong khoảng ấy có ghi một câu cách ngôn bằng chữ Hán nét chữ đã cũ nhưng rất đẹp. Tôi đọc lõm bõm được vài chữ những không hiểu hết ý nghĩa nên hỏi thầy tôi. Thầy tôi đáp: -“Nghe nói trước đây, gian phòng này dành cho ông Tư Sinh ở. Ông hay đặt cách ngôn và viết lên vách để dạy con. Ông viết nhiều lắm nhưng thợ bên Bộ Công qua sửa nhà bôi hết. Còn câu ấy chữ đẹp và có ý nghĩa răn dạy con cái rất tốt nên thầy truyền cho thợ phải để lại.” Bà kể tiếp: - “Sau đó, thầy tôi không làm ở Bộ Học nữa. Tôi lớn lên, lấy chồng là ông Cao Xuân Xang - con trai cụ Cao Xuân Dục - bạn với thầy tôi (1). Nhớ chuyện cũ, có lần tôi hỏi nhà tôi: - “Anh có biết ông Tư Sinh đã từng ở trong Bộ Học - nơi anh ở trước đây không?” Ông nhà tôi đáp: - “Biết rõ. Ông Tư Sinh là người cùng quê Nghệ An với mình, năm Ất mùi (1895) ông có nhận học điền của họ Cao Xuân (Diễn Châu) để vào Kinh thi Hội, đi một lần với anh Cả (2). Nhưng khoa đó ông không đậu. Cho mãi đến khoa Tân Sửu (1901), ông mới đỗ Phó bảng. Sau này, con ông là Nguyễn Sinh Côn, học sinh trường Đông Ba và trường Quốc Học cũng được họ Cao Xuân cấp học điền. Gia đình ông Phó bảng có nhiều ân nghĩa với gia đình mình”. Tôi (Sư bà Diệu Không) có cái tính hay hỏi nên hôm đó đã hỏi ông nhà tôi: “Ai là người Nghệ có chí học hành thì được họ Cao Xuân cấp học điền, chứ có riêng chi cha con ông Tư Sinh mà anh nói nhiều ơn nghĩa?”. Ông nhà tôi không muốn kể nhưng biết tính tôi cứ đeo hỏi nếu chưa được trả lời đầy đủ. Để khỏi bị “quấy rầy”, ông đã giải thích tiếp: “Năm ấy, ông mình (3) đang chuẩn bị thành lập Bộ Học cho Triều đình thì một hôm, ông Phó bảng từ Nghệ An vào thăm ông. Ông hỏi Phó bảng: “Chú Bảng vào Kinh làm chi?” Ông Phó bảng đáp: “Xin thú thật với cụ, từ ngày mẹ các cháu mất, tôi phải nuôi dạy các cháu một mình. Nuôi dạy và thương yêu các cháu cũng là một cách làm vừa lòng mẹ các cháu dưới suối vàng. Tôi không rõ các cháu nghe ai xúi giục, các cháu muốn học chữ Tây. Ngoài quê mình ngặt một điều không có ai dạy và cũng chẳng ai trọng nể việc học chữ Tây, nên tôi phải vào Kinh”. Ông cười rồi vặn hỏi ông Bảng: “Thế chú có biết dưới mắt người Tây, những người đỗ đại khoa như chú mà không làm quan thì làm chi không?” - Ông Phó bảng ngẫm nghĩ mãi mà vẫn không tìm được câu trả lời. Ông mới nói tiếp: “Không làm quan thì làm giặc đó. Đời nào người Tây để cho chú yên để dạy con ở giữa chốn Kinh kỳ này”. Ông Bảng lo lắng: “Thế cụ bảo cháu phải làm gì?” Ông dạy: “Chú phải làm quan”. Ông Phó bảng phân trần: “Cái đời làm quan vào lòn ra cúi, cháu không muốn!”. Ông bảo: “Thế thì chú không ở đây được”. Ông Bảng van nài: “Thế thì cụ cho cháu một chức quan mà chẳng ai thèm làm để cháu được ở đây!”. Thế là ông Phó bảng Nguyễn Sinh Huy được bổ làm Tư vụ Học chánh (tùng bát phẩm 7-2) và được đến ở ngay trong nhà của Bộ. Ông Bảng làm Tư vụ nhưng chẳng mấy khi ông chịu làm việc. Suốt ngày ông uống rượu, ngâm thơ và đặt cách ngôn viết lên vách dạy con cái thôi. Quan lại và nhân viên chung quanh ông rất khó chịu trước thái độ của ông. Sở dĩ không ai dám nói ra điều gì vì họ nể ông. Về sau ông Phan Châu Trinh đi hoạt động cách mạng, bỏ trống chức Thừa biện ở Bộ Lễ lâu ngày, ông Bảng bị chuyển sang điền khuyết. Từ đó ông được Triều đình cấp cho một gian nhà ở dãy trại đường Đông Ba”. Chuyện kể của Sư bà đã giúp tôi thông tin để viết về chuyện cụ Nguyễn Sinh Huy vào Huế làm quan. Thông tin này chưa từng được phát hiện nên tôi đã phải ghi chép xong rồi đem đọc lại cho Sư bà nghe. Sư bà sửa chữa nhiều lần rồi tôi mới dám đưa vào cuốn sách Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế (Nxb Văn Học tái bản năm 2003). 2. Phật giáo cứu dân Và Sư bà cũng kể những hoạt động của Phật tử Sài Gòn trước và sau ngày 30/4/1975 để tôi viết báo. Sư bà dạy tôi:“Kháng chiến lo cứu nước, mình là Phật giáo còn phải hoạt động cứu dân. Không những cứu bớt đổ máu, cứu những đổ nát mà còn phải cứu thoát ra khỏi sự sợ hãi để hưởng thống nhất hoà bình an lạc!” Tôi rất thấm thía lời dạy của Sư bà. Đây không phải là một lời nói, một khẩu hiệu suông mà cả một thực tế rất quý báu. Suốt những năm chiến tranh, sau các cuộc giao tranh diễn ra ở vùng nông thôn, nhiều xác cán bộ, bộ đội du kích cách mạng…không may nằm lại giữa ruộng đồng, dân chúng, và người thân của liệt sĩ ít người dám ra mặt nhận xác về chôn. Gặp những tình huống như thế, các Khuôn hội Phật giáo chắp tay trước mọi hiểm nguy đứng ra đảm nhận việc chôn cất. Một số nơi còn dựng cả am miếu để thờ người chết trận. Sau chiến dịch Huế xuân 1968, nhiều người Huế bị chính quyền VNCH bắt giam vào lao Thừa Phủ vì bị tình nghi đã cộng tác với Mặt trận Giải phóng. Đến ngày Rằm tháng bảy năm Mậu Thân (1968), Sư bà Diệu Không tổ chức ngày “Xá tội vong nhân”, đứng ra xin Chính quyền VNCH trả tự do cho hàng trăm tù chính trị chưa xác định được “tội danh” - một trong những người được trả tự do năm ấy là anh Hoàng Phủ Ngọc Phan. Nếu không được Sư bà “cứu” thì địch đã phát hiện ra Hoàng Phủ Ngọc Phan một người Cộng sản thứ thiệt ở Huế, và chắc chắn không làm gì còn có nhà báo viết chuyện cười Hoàng Thiếu Phủ sau này. Và, anh của Phan là Hoàng Phủ Ngọc Tường và tôi – ba anh em cùng thoát ly và cùng hoạt động ở chiến khu Huế - khó lòng được yên ổn để đi cho đến tận cùng cuộc kháng chiến cứu nước. Thời gian cuối tháng 4/1975, Sư bà Diệu Không đang ở Sài Gòn. Ngày nào Phật tử cũng đem đến cho Sư bà những tin tức chiến sự nghe được qua các đài phát thanh Sài Gòn, Hà Nội, BBC, VOA... Sau khi nghe tin vùng cao nguyên và các tỉnh dọc bờ biển miền Trung phần từ Huế vô đến Xuân Lộc đã được giải phóng, đêm 29/4, sân bay Tân Sơn Nhất lại bị pháo kích dữ dội, Sư bà nghĩ thế nào ngày mai Quân giải phóng cũng vào đến Sài Gòn. Trưa ngày 30/4/1975, Sư bà cho tổ chức các xe phóng thanh chạy khắp thành phố kêu gọi binh lính Sài Gòn bỏ súng. Tại Đại học Vạn Hạnh gần cầu Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sĩ), thanh niên sinh viên Phật tử đeo băng xanh đỏ thiết lập trạm tiếp nhận súng ống bên cạnh các xe tải cắm cờ Ngũ sắc của Phật giáo. Những binh lính ở xa nhà, lỡ đường có thể vào tá túc trong các chùa Phật. Bà vận động các chùa nấu cơm tiếp tế cho dân chúng đang tham gia công tác trên các đường phố và binh lính Sài Gòn vừa giải giáp. Những việc này chưa hề được ghi lại trong trang sử Giải phóng Sài Gòn 30/4/1975. Tôi hỏi cảm tưởng của Sư bà trước sự kiện 30/4/1975, Sư bà trả lời bằng một bài thơ ngắn nói về công ơn Hồ Chủ tịch : Tặng Việt Nam Độc lập Trăm tám năm rồi mới thấy đây, 3. Thơ kỷ niệm Hồ Chủ tịch Cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, tôi được Thành ủy Huế mời đóng góp bài cho cuốn sách Bác Hồ trong lòng dân Huế. Trong tay tôi đã có sẵn bài Ba lần được gặp Cụ Hồcủa Hòa thượng Thích Đôn Hậu đã ghi được ngay sau ngày Việt Nam thống nhất, tôi xin bà Tâm Hải Đào Thị Xuân Yến (tức bà Nguyễn Đình Chi), đệ tử của Hòa thượng Thích Đôn Hậu bổ sung thêm bài Vinh dự lớn lao. Bà Tâm Hải bảo tôi: "Sư bà Thích nữ Diệu Không" rất quý trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên xin gặp bà và đề nghị bà viết cho một bài". Tôi thực hiện ý kiến của bà Tâm Hải ngay. Nhưng lúc Sư bà Diệu Không lại đi Thành phố Hồ Chí Minh nên chuyện "xin bài" của Sư bà chưa thành. Sau này có dịp lên thăm Sư bà ở chùa Hồng Ân, tôi kể lại chuyện cũ, Sư bà rất tiếc. Để chứng tỏ gợi ý của bà Tâm Hải là đúng, Sư bà Diệu Không đứng dậy mở tủ lục trong cặp tư liệu lấy đưa cho tôi bài thơ Kỷ niệm Hồ Chủ tịch 3 khổ, đánh máy trên nửa trang giấy Ronéo vàng rộm và một chùm thơ đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng. Chùm thơ 16 bài vừa sáng tác vừa dịch, mang tựa đề Thăng Long ký sự. Kỷ niệm Hồ Chủ tịch Giải phóng quê hương khỏi đọa đày Tác giả không ghi thời điểm sáng tác bài thơ này. Theo văn cảnh và ý tứ trong thơ, có lẽ Sư bà đã sáng tác bài Kỷ niệm Hồ Chủ tịch ngay trong những ngày vui đất nước được giải phóng và thống nhất vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1975. Đối với chùm thơ Thăng Long ký sự, Sư bà ghi rõ thời gian sáng tác "Mùa thu Bính Thìn 1976", trong dịp Sư bà đi thăm miền Bắc. Trong 16 bài trong Thăng Long ký sựcó hai bài thơ dịch: Bài Cảm thời của Nguyễn Trãi do cụ Cao Xuân Huy (Giáo sư Bác Cổ Hà Nội) sao lục và bài Đi chùa của Hồ Chủ tịch do cán bộ Phật giáo Vũ Ngọc Hồng sao lục tặng Bà. Xin trích bài Đi chùa của Hồ Chủ tịch Sơn trung tiều phu xướng Thích nữ Diệu Không dịch, Chú tiều trong núi hát Trong chuyến đi thăm Thăng Long Hà Nội cuối năm 1976 ấy, bà đã đến viếng nhiều cảnh, nhiều người như Thăm chùa xưa, Thăm tháp Quảng Đức (chùa Hòa Giai Hà Nội), Thăm tháp Bổn Sư Hồ Chủ tịch, Thăm trường Quảng Bá, Đêm thu trên Hồ Tây, Đi thăm mộ.v.v. và đặc biệt, xin trích bài Sư bà đi: Thăm lăng Hồ Chủ tịch Tâm và ý của Sư bà đối với Hồ Chủ tịch thể hiện đầy đủ trong thơ của Sư bà. Qua đó ta thấy tâm và ý của một Ni trưởng Phật giáo khác với tâm và ý của các nhà yêu nước khác, khác với các vị lãnh đạo cách mạng đối với Hồ Chủ tịch. Sư bà là một trong những người biết gia đình Bác từ thuở ấu thơ. Sư bà không những viết về sự nghiệp cứu nước của Bác mà Sư bà cùng đồng hành hoạt động yêu nước, yêu dân với Bác. Tuy nhiên, Bác là người đứng đầu Cách mạng Việt Nam, Sư bà là một Ni trưởng của Phật giáo Việt Nam. Sư bà không phải là người của Bác. Theo Sư bà, Bác Hồ có “đôi điểm đồng” với Phật giáo. Đôi điểm đồng đó là khát vọng “Giải phóng quê hương khỏi đọa đày”, là “Cách mạng tình người về nẻo chánh/ Phá vòng nô lệ thoát lao lung”. Cách mạng Việt Nam đã thỏa mãn được khát vọng của dân tộc. Bác Hồ trở thành “Bậc Thầy cao cả của non sông". Dân tộc Việt Nam, trong đó đa số là Phật tử “muôn đời đều nhớ rõ” ơn Bác, ơn Cách mạng Việt Nam. Gác Thọ Lộc (Huế), tháng 12-2007 Tâm Hằng N.Đ.X
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |