Chi tiết tin tức

Đức Từ Cung với sự phát triển và chấn hưng Phật giáo xứ Huế từ những năm 30 đến những năm 80 Thế kỷ XX

20:50:00 - 05/06/2024
(PGNĐ) -  Đức Từ Cung hay Đoan Huy Hoàng thái hậu không chỉ quan tâm chăm lo hương khói, cúng tế tổ tiên nhà Nguyễn, mà còn là một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Trên cương vị Hoàng Thái hậu triều Nguyễn, bà Từ Cung đã có nhiều đóng góp trong công cuộc chấn hưng Phật giáo vào những năm 30 của thế kỷ XX. Bà cũng là người đã bỏ tiền của riêng của mình để trùng tu sửa sang nhiều ngôi chùa lớn, cúng dường và lưu trữ kinh điển quý của nhà Phật. Với việc sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử và phương pháp logic, kết hợp với phương pháp phân tích, so sánh, bài viết đi sâu làm rõ hai nội dung chính: Thứ nhất, trình bày một cách khái lược về thân thế của Đức Từ Cung; thứ hai, những đóng góp của bà đối với sự phát triển hưng thịnh Phật giáo xứ Huế.
Bàn thờ Phật của bà Từ Cung tại cung An Định. (Ảnh: Hữu Phúc)

VÀI NÉT VỀ THÂN THẾ CỦA ĐỨC TỪ CUNG (ĐOAN HUY HOÀNG THÁI HẬU)
Từ Cung Đoan Huy Hoàng Thái hậu (1890-1980) là thân mẫu của vua Bảo Đại và là Hoàng Thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn (1802-1945). Tên thật của bà là Hoàng Thị Cúc, người làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Bà là con của một thường dân tên là Hoàng Văn Tích, sau khi được làm vợ vua Khải Định, thân sinh của bà mới được phong Thái Thường Tự Khánh, tước Nghi Quốc Công. Bà được tuyển vào cung để hầu hạ hai bà vợ của vua Đồng Khánh là Thánh Cung Nguyễn Thị Nhàn và Tiên Cung Dương Thị Thục.

Khi sống trong cung, bà Hoàng Thị Cúc đã nhanh chóng “lọt” vào mắt xanh của hoàng tử Bửu Đảo, con trai của bà Tiên Cung, lúc đó đang giữ tước Phụng Hóa Công và đã có vợ là con gái của quan đầu triều Trương Như Cương, nhưng cả hai người sống với nhau lâu mà không có con. Trong một lần đến thỉnh an bà Tiên Cung, bà Hoàng Thị Cúc đã mang cốt nhục của Phụng Hoá Công. Vì sinh được hoàng tử Vĩnh Thụy nên bà được hoàng tộc triều Nguyễn trọng vọng [1], lần lượt được phong Tam Giai Huệ Tần (1917), rồi Nhị Giai Huệ Phi (1918).

Năm 1916, Phụng Hóa Công Bửu Đảo được tôn lên làm vua, lấy niên hiệu Khải Định. Khi Khải Định lên ngôi, bà vợ chính họ Trương đã xuất gia đi tu, dựng một ngôi chùa tại làng Thanh Thủy (thuộc huyện Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) để ngày đêm niệm Phật. Tuy bà đã đi tu nhưng nhà vua vẫn để trống ngôi vị Hoàng quý phi dành cho bà. Ngoài bà họ Trương và bà Hoàng Thị Cúc, sau khi lên ngôi, vua Khải Định còn tuyển thêm cung phi, như Ân phi Hồ Thị Chỉ con gái quan Thượng thư Hồ Đắc Trung. Bà nổi tiếng xinh đẹp mà hiểu Tây học nên vua cho tiến cung vừa làm phi, vừa làm phiên dịch cho vua khi cần giao tiếp với người Pháp. Vừa có nhan sắc, vừa học thức và lại con nhà cao môn lệnh tộc, nên khi vua còn sống, địa vị Ân phi trong cung là Đệ nhất giai phi, còn cao hơn địa vị của bà Hoàng Thị Cúc là người đã sinh ra con nối dõi cho vua Khải Định. Cuối năm 1925, vua Khải Định trước lúc băng hà, bà được di chiếu lập làm hoàng thái hậu, còn hoàng tử con trai bà là Vĩnh Thụy được đưa lên làm vua kế vị vào năm 1926, lấy niên hiệu Bảo Đại. Sau khi hoàng tử Vĩnh Thụy lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Bảo Đại, bà Hoàng Thị Cúc được tôn là Đoan Huy Hoàng thái hậu, nắm giữ quyền lực cao nhất chốn hậu cung [2]. Từ đó về sau, người dân Huế luôn gọi bà một cách tôn kính là Đức Từ Cung hay Đức Từ.

Sau khi Ngô Đình Diệm “lật đổ” Quốc trưởng Bảo Đại để nắm quyền bính trong tay trong cuộc trưng cầu dân ý giả hiệu vào ngày 4/10/1955, chính quyền họ Ngô đã trục xuất bà khỏi cung An Định, vốn là biệt cung do vua Khải Định xây bằng tiền túi để tặng cho Đông Cung Thái tử Vĩnh Thụy và là nơi trú tất của Đức Từ Cung kể từ khi triều Nguyễn cáo chung. Trong hoàn cảnh này, bà đã mua lại ngôi nhà của bà Ân phi Hồ Thị Chỉ. Bà Từ Cung đã ở ngôi biệt thự này từ năm 1955 cho đến ngày qua đời (3/10/1980). Trong sổ tiếp quản di tích ngôi nhà có tên là Nhà lưu niệm bà Hoàng thái hậu Từ Cung, thường gọi tắt là Nhà lưu niệm bà Từ Cung [3]. Tại đây, bà lập bàn thờ để thờ các vị vua nhà Nguyễn, lo hương khói, ngày đơm tháng kỵ của những thành viên trong hoàng tộc. Cũng theo tài liệu do nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân công bố vào tháng 4/2011, chính Đức Từ Cung đã giao cho Thị vệ Nguyễn Đức Hòa bí mật chuyển lên Dinh Ba ở Đà Lạt hai két sắt chứa đầy ngọc ngà châu báu của vương triều Nguyễn để cất giữ. Sau đó, bà đã bàn giao hai két sắt này cho chính quyền cách mạng [4].

Sinh thời, bà Từ Cung đã đóng góp nhiều công sức trong việc thờ tự, tế cúng cũng như sửa sang lại Thái Miếu (nơi thờ chín vị chúa Nguyễn), Hưng Miếu (nơi thờ song thân của vua Gia Long) và các tôn lăng của các thành viên trong hoàng gia triều Nguyễn đã bị hư hại do chiến tranh tàn phá. Đặc biệt, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của bà mà Đoàn Ba Vũ, đoàn ca múa cung đình triều Nguyễn, được duy trì cho đến ngày hòa bình lập lại. Nhờ vậy, Huế mới giữ được một di sản ca múa nhạc cung đình để phục vụ du khách và du lịch ở Thừa Thiên – Huế và là cơ sở góp phần xây dựng hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế trình UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2003.

Trong những năm tháng có chiến tranh, bà chẳng hề rời bỏ cố đô, chẳng kể hiểm nguy, ở lại lo việc hương khói. Bà rất chiếu cố đến họ tộc và được bà con nể trọng. Bà tuy kiến thức học vấn chẳng nhiều nhưng lễ nghi phép tắc luôn giữ, đúng là bậc mẫu nghi [5]. Vào những năm tháng cuối đời, bà lại trở về cuộc sống cô đơn và nghèo khó, không có con cháu bên cạnh. Nhưng dù cuộc sống khó khăn, chật vật đến mấy, kể cả phải bán dần từng món đồ trang sức, Đức Từ Cung vẫn làm tròn phận sự của mình với tổ tiên nhà Nguyễn cho đến giây phút cuối cùng. Bên cạnh đó, bà còn có nhiều công lao trong việc hộ trì, phát triển Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu trên đất Huế. Đức Từ Cung mất ngày 3/10/1980, lăng mộ được xây cất ở làng Dương Xuân, cạnh lăng vua Đồng Khánh và lăng vua Tự Đức.

Đức Từ Cung ngồi tại tư thất của bà ở đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế. (Ảnh tư liệu, chụp năm 1972)

VAI TRÒ CỦA ĐỨC TỪ CUNG TRONG PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VÀ SỰ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO XỨ HUẾ
Những đóng góp trong phong trào chấn hưng Phật giáo
Từ đầu năm 1930, Hòa thượng Giác Tiên đã đứng ra vận động và tập hợp các bậc tăng sĩ, cư sĩ để tiến tới thành lập Hội nghiên cứu Phật học tại Huế. Trên cơ sở thống nhất về tên gọi và quy cách hoạt động, đầu năm 1932, cư sĩ Lê Đình Thám cùng Nguyễn Phúc Ưng Bàng, Hoàng giáp Đinh Văn Chấp,… đã thay mặt các thành viên trong ban vận động đệ trình đơn lên Chính phủ Nam triều và Khâm sứ Trung Kỳ về việc thành lập Hội. Thế nhưng việc để được công nhận còn gặp nhiều sự trở ngại, một số người trong ban vận động thành lập Hội đã nhờ đến sự trợ giúp của bà Thánh Cung và bà Từ Cung (bà nội và mẹ vua Bảo Đại). Dưới sự tác động của hai bà, đặc biệt là bà Từ Cung, vua Bảo Đại đã ban hành Chỉ dụ chấp thuận việc thành lập một tổ chức nghiên cứu Phật giáo tại Kinh đô Huế. Đến ngày 17/9/1932, Chính phủ Nam triều và Khâm sứ Trung Kỳ cho phép tổ chức này đi vào hoạt động với tên gọi là Nghiên cứu và thực hành giáo lý Phật giáo (Société d’Etude et d’Exercice de la religion Boudhique), trụ sở ban đầu của Hội đặt tại chùa Trúc Lâm, Huế. Sau một thời gian, bằng các hoạt động thực tiễn và theo yêu cầu của hội, ngày 15/7/1938, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil đã ký nghị định phê duyệt việc điều chỉnh tên thành Hội Nghiên cứu và Thực hành giáo lý Phật giáo tại An Nam, gọi tắt là Hội An Nam Phật học. Từ đây, trụ sở của hội được chuyển về đóng tại chùa Từ Đàm. Trong quá trình hoạt động chấn hưng, để thích ứng với hoàn cảnh lịch sử mà đổi tên thành Việt Nam Phật học hội.

Ngoài ra, vua Bảo Đại còn nhận lời với bà Từ Cung là làm Hội trưởng danh dự của Hội. Tiếp đến, ngày 18/2/1935, do có sự điều chỉnh trong bản điều lệ và quy tắc nên Hội đã trình lên chính quyền sở tại và được vua Bảo Đại chuẩn y theo Chỉ dụ số 32. Cũng trong năm này, bà đã góp phần rất lớn trong việc tổ chức Đại lễ Phật đản rất long trọng tại Quốc tự Diệu Đế, sau đó tổ chức cuộc rước Phật lên chùa Báo Quốc do Hội An Nam Phật học chủ trương vào năm 1935. Trong dịp này, Hội được Tam tôn cung (Bà Thánh Cung, Tiên Cung và Từ Cung] ban 1.000 cây đèn lồng để thắp sáng về đêm trên thành chùa Diệu Đế. Khi cử hành Đại lễ Phật đản có “Lưỡng tôn cung [Bà Thánh Cung và Từ Cung] và Hoàng đế Bảo Đại đến dự; lại có toàn thể Hội viên phụ nữ làm đèn để thả trên sông Hương vào tối mồng 8” [6].

Bên cạnh đó, Thái hậu Từ Cung còn đi khắp nơi để vận động, thuyết phục các tỉnh mở các chi hội và mời các nhà sư có uy tín về Huế giảng dạy cho các chùa. Những hoạt động kể trên thể hiện được những nỗ lực không nhỏ của bà trong công cuộc vận động và thành lập Hội Phật giáo. Bà cũng là người nhiệt tình trong các hoạt động Phật sự như: trùng tu chùa chiền bị hư hại, bảo trợ cho các lớp học tăng ở Tây Thiên và Báo Quốc trong những năm 1940-1950. Bà còn ra sức vận động một số quan đại thần của triều Nguyễn như: Tôn Thất Hân, Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Khoa Tân, Tôn Thất Tùng và người trong hoàng tộc như Ưng Bàng [7], Viễn Đệ, Công Tôn Nữ Thị Bân… nhằm bảo trợ cho Hội. Với sự huy động của bà, tham gia vào Ban Danh dự của hội toàn các bậc vương phi, hoàng tộc trong triều, đặc biệt còn có đại diện của Khâm sứ Trung Kỳ đã làm cho Hội hoạt động một cách vững mạnh, tạo điều kiện trong mục tiêu chấn hưng và phát triển Phật giáo.

Năm 1947, sau khi thực dân Pháp tái chiếm Huế, chùa Thiên Mụ, cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Huế bị Pháp đánh phá và chiếm đóng. Hòa thượng Thích Đôn Hậu bị Pháp bắt, tra tấn và sắp bị hành hình. May nhờ có người thông báo cho Sư bà Diệu Không biết để tức tốc chạy đến thông báo cho bà Từ Cung. Nhờ sự can thiệp tức tốc của bà, thực dân Pháp đã đồng ý thả ngài Đôn Hậu, một vị cao tăng đã có đóng góp rất lớn với sự phát triển của Phật giáo Trung Việt.

Năm 1953, khi ngài Trưởng lão Narada mang ba viên xá lợi Phật sang Việt Nam, một trong số đó đã được trao cho bà Từ Cung. Hai năm sau, Đức Từ Cung đã hiến cúng Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, đang là Hội chủ của Tổng hội Phật giáo Việt Nam để trao lại Hội Phật học Nam Việt, tôn thờ tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn [8].

Trùng tu và hưng công nhiều ngôi chùa lớn
Đức Từ Cung đã góp nhiều tiền của để tu sửa nhiều ngôi quốc tự vốn nhận được sự bảo trợ của hoàng gia, nhưng nay không còn và đã xuống cấp nghiêm trọng như: Thánh Duyên, Diệu Đế, Từ Ân, Phổ Quang, Báo Quốc, Tường Vân… Ngoài ra, Đức bà Từ Cung hưng công xây dựng chùa Khải Đoan [9] và ủng hộ rất nhiều trong việc phát triển các Ni viện tại Huế như: Diệu Đức, Hồng Ân, Diệu Viên. Ngay tại quê nhà ở làng Mỹ Lợi, bà giao cho người anh cả là Hoàng Trọng Khanh cùng với dân làng dựng chùa Phật.

Cúng dường và lưu trữ kinh điển quý
Sau năm 1945, trong hoàn cảnh triều Nguyễn chấm dứt sứ mệnh lịch sử và chiến tranh tàn phá, bà Từ Cung lo sợ thất lạc bộ Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh bằng Hán tự đựng trong những chiếc hộp gỗ quý [10] nên đã chuyển về thờ ở tầng trên cung An Định, sau đó chuyển đến thờ tại tư thất của mình tại đường Phan Đình Phùng. Năm 1978, bà Từ Cung thấy sức khỏe không được tốt nên đã tiến cúng bộ kinh này cho chùa Báo Quốc và lưu giữ đến ngày nay. Hiện nay, chùa Báo Quốc còn lưu giữ những đồ thờ tự do Đức Từ Cung được tiến cúng vào chùa.

KẾT LUẬN
Trong suốt 91 năm sống trên đất Huế, dù ở thời kỳ nào, ở vị trí cao quý là một vị Hoàng thái hậu, hay một thường dân, Đức bà Từ Cung vẫn luôn giữ một tấm lòng thành kính với dân tộc, quê hương, với hoàng gia triều Nguyễn và đặc biệt là một người Phật tử thuần thành. Mang tư tưởng xem Phật giáo là hồn dân tộc, Đức Từ Cung đã thực hiện nhiều việc làm để hộ trì, phát triển, chấn hưng Phật giáo trong bối cảnh đất nước bị đô hộ và công cuộc Pháp hóa được chính quyền thực dân Pháp đẩy mạnh. Từ những việc làm ủng hộ những bậc cao Tăng, cư sĩ, thuyết phục vua Bảo Đại, hoàng thân quốc thích, quan lại triều Nguyễn để tạo một sức mạnh cho sự ra đời của An Nam Phật học hội trong phong trào chấn hưng Phật giáo, cho đến lưu trữ kinh Phật, tu sửa chùa chiền, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển Phật giáo. Có thể nói, Hoàng thái hậu Từ Cung là một vị hộ pháp đắc lực và có rất nhiều đóng góp cho cho sự hưng thịnh Phật giáo xứ Huế.

 

ThS. Nguyễn Hữu Phúc/TCVHPG421 

 

Chú thích:
* Th.S Nguyễn Hữu Phúc – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
[1] Tôn Thất Bình (2002), Chuyện nội cung vua chúa triều Nguyễn, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, tr.77.
[2] Lưỡng Kim Thành (2013), Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.240.
[3] Nay tọa lạc tại số 149 đường Phan Đình Phùng, TP. Huế.
[4] Trần Đức Anh Sơn (2024), “Hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn”, in trong Huế triều Nguyễn một cái nhìn, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.521.
[5] Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc (1996), Nguyễn Phúc tộc thế phả – Thủy Tổ phả – Vương phả – Đế phả, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.398
[6] Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr.391.
[7] Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Bàng (1881-1953) là danh nhân tiêu biểu của Huế, từng đảm trách Chánh Hội trưởng An Nam Phật học hội từ năm 1941-1943.
[8] Trần Đình Sơn (2022), “Hương đức hạnh thơm ngát xuân kinh “, Giai phẩm Giác Ngộ xuân Quý Mão 2023, tr.60-61.
[9] Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đăk Lăk. Tên chùa được ghép từ hai chữ đầu trong tên của nhà vua Khải Định và Đoan Huy Hòang Thái Hậu, mang ý nghĩa ghi nhận công đức người sáng lập. Đây là ngôi chùa do đích thân bà Đoan Huy Hoàng Thái hiến cúng cho Tổng Hội Phật Giáo vùng đất Tây Nguyên. Năm 1953, chùa được Quốc trưởng Bảo Đại ban sắc tứ. Hiện nay, ở chánh điện còn treo quả Đại hồng chung bằng đồng do bà Từ Cung, Hoàng thái tử Bảo Long và Hoàng thái tử Bảo Thăng dâng cúng trước sự chứng minh của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Dẫn theo Nguyễn Đắc Xuân (2022), Chuyện Nội cung Cựu hoàng Bảo Đại, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.136.
[10] Đây là bộ kinh được in vào năm Cảnh Hưng thứ 18 (1757). Tất cả gồm 400 quyển, in trên giấy đẹp, bìa gấm, đựng trong 80 hộp gỗ quý, mỗi hộp 5 quyển. Dưới thời Nguyễn, bộ kinh này được thờ trong Đại Nội.

Tài liệu tham khảo:
1. Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm (2006), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
2. Tôn Thất Bình (2002), Chuyện nội cung vua chúa triều Nguyễn, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
3. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc (1996), Nguyễn Phúc tộc thế phả – Thủy Tổ phả – Vương phả – Đế phả, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
4. Lưỡng Kim Thành (2013), Gần 400 năm vua chúa triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
5. Trần Đức Anh Sơn (2024), “Hoàng thái hậu cuối cùng của vương triều Nguyễn”, in trong Huế triều Nguyễn một cái nhìn, Nxb. Thế giới, Hà Nội.
6. Trần Đình Sơn (2022), “Hương đức hạnh thơm ngát xuân kinh “, Giai phẩm Giác Ngộ xuân Quý Mão 2023, trang 60-61.
7. Nguyễn Đắc Xuân (2022), Chuyện Nội cung Cựu hoàng Bảo Đại, Nxb. Thuận Hóa, Huế. 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin