Chi tiết tin tức

Điểm gai góc nhất về tài sản trong Hiến chương Giáo hội

16:49:00 - 06/11/2016
(PGNĐ) -  Sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước, quyền sở hữu nhà đất phải có sự chấp thuận của nhà nước. Khi bán nhà, chủ sở hữu nhà phải làm đơn xin bán nhà, chính quyền cho phép thì mới được bán. Dần dần, nguyên tắc cho phép sở hữu tài sản đó (một phần của pháp chế xã hội chủ nghĩa) đã được đổi mới. 

1. Điều 57 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam
 

Phần nội dung dưới đây sẽ đi vào điểm gai góc nhất về vấn đề tài sản trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điểm gai góc nhất này nằm ở điều 57 và là căn cứ để triển khai trong Điều 63 về tài sản mà chúng ta đã có dịp phân tích.
 

Điều 57 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam bản sửa đổi được ban hành năm 2013, viết như sau: “Điều 57: Đơn vị cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường (gọi chung là tự viện), dưới sự quản lý của các cấp Giáo hội. Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.”
 

Viết như vậy là rất rõ, chỉ có một cách hiểu duy nhất và dứt khoát: tất cả tự viện (đã liệt kê các tên gọi khác nhau) đều là tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

2. Đề xuất loại bỏ những nội dung ở điều 63 mâu thuẫn với điều 57
 

Nếu nội dung trên của Hiến chương đã đạt đến cấp độ diễn đạt như thế, thì những khái niệm ở điều 63, mà chúng ta đã bàn luận và đề xuất loại ra khỏi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng bộc lộ sự nhiễu loạn.
 

“Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Vậy thôi là đủ, làm gì còn phải bảo hộ, quản lý, phải hợp pháp, xây dựng hợp pháp, là của thành viên…
 

Hễ tự viện (chùa, tổ đình, tịnh xá, thiền viện, tu viện, tịnh viện, tịnh thất, niệm Phật đường) là của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đã xác định tài sản rạch ròi thì chẳng những Bộ luật Dân sự hiện hành của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam mà pháp luật sở hữu của toàn thế giới đều phải công nhận chủ sở hữu có các quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt.
 

Căn cứ xác định sở hữu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở đây là tự viện, bất kể có liên hệ đến thành viên hay không, có tạo mãi hợp pháp hay không, có xây dựng hợp pháp hay không. Cho nên xét nguồn gốc, tình trạng giấy tờ, liên hệ thành viên như điều 63 là mâu thuẫn với điều 57. Do đó, trước tiên là đề xuất loại bỏ hết những nội dung ở điều 63 mâu thuẫn với điều 57.

Hình chỉ mang tính chất minh họa

3. Vấn đề pháp luật ở điều 57
 

Điều 57 xác định căn cứ để Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác lập quyền sở hữu tài sản là bất động sản. Chỉ đưa ra căn cứ là tự viện, rồi tuyên bố đó là giáo sản, tức là tài sản của giáo hội là không phù hợp với luật pháp.
 

Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam dùng từ giáo sản, là từ Hán Việt, tuy có thể hiện được, nhưng không thuộc lớp từ toàn dân. Một văn bản mang tính quy phạm pháp luật, như Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chỉ nên dùng từ vựng thuộc lớp từ toàn dân, để dễ hiểu và không gây tranh cãi. Lẽ ra, để rõ ràng và để mọi người có thể hiểu được, nên diễn đạt lại. Tự viện là tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

Luật pháp, đối với mọi quốc gia, không cho phép một tổ chức chỉ tuyên bố quyền sở hữu tài sản trong điều lệ, quy chế, hiến chương đối với một loại bất động sản là đủ thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản đó. Điều đó gồm luôn tổ chức tôn giáo.
 

Thí dụ, nếu Giáo hội Ca tô La Mã có tuyên bố bằng hình thức nào đó rằng tất cả nhà thờ Ca tô La Mã đều thuộc sở hữu Giáo hội Ca tô La Mã, thì không có giá trị gì hết. Nhà thờ là một bất động sản, loại tài sản phải đăng ký sở hữu, vì vậy, xét sở hữu của một nhà thờ, thì chính quyền và toàn xã hội căn cứ trên giấy tờ về quyền sở hữu đối với ngôi nhà dùng làm nhà thờ đó. Chúng ta đã trở lại với kết luận mọi tuyên bố về quyền sở hữu chỉ riêng của Giáo hội Ca tô La Mã đưa ra là không có giá trị.
 

Nếu Giáo hội Ca tô La Mã nói tất cả nhà thờ tại Việt Nam đều là tài sản của Giáo hội Ca tô La Mã thì điều đương nhiên và bắt buộc là giáo hội Ca tô La Mã phải có giấy tờ chứng minh chủ sở hữu của tất cả từng ngôi nhà thờ. Nhà thờ nào không có giấy tờ sở hữu của đạo Ca tô La Mã, có giấy tờ đứng tên chủ sở hữu khác chẳng hạn thì đương nhiên nhà thờ đó không thuộc sở hữu giáo hội đạo Ca tô La Mã.
 

Đây là nguyên tắc luật pháp quốc tế, đồng thời cũng là tập quán chung. Chủ sở hữu một bất động sản là người, hay tổ chức có tư cách pháp nhân được ghi tên trên giấy chủ quyền bất động sản đó. Ở nước ta, vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, nên giấy chủ quyền được chia 2 nội dung: quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 

Sau 1954 ở miền Bắc và sau 1975 trên cả nước, quyền sở hữu nhà đất phải có sự chấp thuận của nhà nước. Khi bán nhà, chủ sở hữu nhà phải làm đơn xin bán nhà, chính quyền cho phép thì mới được bán. Dần dần, nguyên tắc cho phép sở hữu tài sản đó (một phần của pháp chế xã hội chủ nghĩa) đã được đổi mới. 
 

Hiện nay, chủ sở hữu có toàn quyền định đoạt tài sản, khi bán, trao đổi, cho tặng, thế chấp không cần làm đơn xin cho phép, mà chỉ cần làm hợp đồng mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất công chứng theo luật định, hoàn thành nghĩa vụ thuế. Người mua (tổ chức, doanh nghiệp) được ghi rõ tên trong Hợp đồng Công chứng Mua bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại chính quyền và được cấp giấy chứng nhận.
 

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là kết quả của việc đăng ký hợp pháp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, là văn bản thể hiện sự công nhận của chính quyền đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không phải là giấy phép, là văn bản thể hiện việc cho phép(như giấy phép xây dựng, một loại giấy phép xây dựng có giá trị thể hiện quyền sở hữu).
 

Có thể nói rằng, theo luật pháp hiện hành, chính quyền không can thiệp vào quyền sở hữu (như không còn việc cho phép bán nhà nữa), mà chỉ chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 

Đến đây, điểm được coi là gai góc về sở hữu tài sản trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đối với những tài sản mà luật pháp yêu cầu phải đăng ký với chính quyền và được chính quyền chứng nhận, Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
 

4. Cụm danh từ riêng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” không có trong các loại giấy tờ nhà và đất
 

Trong nội dung phân tích vấn đề hợp pháp của tài sản trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hiện trạng các loại giấy tờ nhà và đất ở miền Nam đã được nêu ra. Nhiều loại giấy tờ sở hữu nhà đất do chế độ cũ cấp hoặc xác nhận đều có giá trị.
 

Trước năm 1964, tất cả giấy tờ sở hữu nhà đất đối với chùa và cơ sở khác của Phật giáo Việt Nam đều ghi tên cá nhân.
 

Sau năm 1964 đến năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn công nhận quyền tư hữu đối với các tự viện. Hầu hết giấy tờ sở hữu nhà đất đối với tự viện và cơ sở khác của Phật giáo đều vẫn ghi tên cá nhân.
 

Từ năm 1981 đến nay pháp luật về nhà đất có nhiều thay đổi.
 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ chỗ không xác định giáo sản đã xác định giáo sản. Nhưng trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chúng ta không thấy ghi rõ cụm danh từ riêng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (chỉ ghi tên, địa chỉ cơ sở tôn giáo, điều này sẽ được phân tích trong một nội dung riêng).
 

Khi xác định chủ sử dụng đất, chủ sở hữu công trình xây dựng trên đất đối với một ngôi chùa, thì không thể căn cứ vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà phải căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc các giấy tờ khác vẫn được luật pháp hiện hành công nhận mà tôi đã liệt kê trong phần viết về nội dung tài sản hợp pháp trong Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

Vì vậy, vấn đề trở nên hết sức phức tạp. Một loạt câu hỏi sẽ nảy sinh, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, điều 57, khẳng định “Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” liệu có mâu thuẫn với luật pháp, khi những giấy tờ nhà đất cho đến nay không ghi cụm danh từ riêng “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”?
 

Như thế, nếu phát sinh tranh chấp, thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở đâu trong cuộc tranh chấp?
 

Tranh chấp tiềm tàng đã có, trong tình Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định “Tự viện là giáo sản Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, có nghĩa Giáo hội Phật giáo Việt Nam là chủ sở hữu tất cả tự viện. Nhưng các loại giấy tờ nhà đất qua các thời kỳ trước đây vẫn ghi tên cá nhân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không xác định chủ sở hữu là Giáo hội Phật giáo Việt Nam (khác với tên cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp đều được ghi rõ). Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải quyết ra sao với tình huống tranh chấp tiềm tàng này.
 

- Xác định “Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, tức gồm tất cả mọi tự viện. Như vậy có trái với nguyên tắc tham gia tự nguyện mà Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xác định?
 

- Đối với tình trạng chiếm dụng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình xây dựng đã xảy ra thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam có biện pháp xử lý ra sao vừa đúng pháp luật, vừa đúng với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

- “Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, nội dung như thế của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có khuyến khích những tu sĩ tạo lập am, cốc, thất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi tên họ tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vì sau khi tham gia, thì am, cốc, thất của họ trở thành giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam? Tương tự, như thế liệu có khuyến khích trụ trì dùng tiền riêng của mình để mở rộng diện tích chùa, mà khi sáp nhập với chùa, diện tích phần công trình và đất do họ đứng tên sẽ là giáo sản?
 

- Câu “Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” có nội hàm đồng nhất Phật giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điều này có trái với nội dung Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, phân biệt rõ tôn giáo và tổ chức tôn giáo?
 

- Tại sao chỉ tự viện là giáo sản Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khi những cơ sở khác của Phật giáo như trường học, phòng khám bệnh, tượng đài… không là giáo sản?
 

- Từ “giáo sản” có mâu thuẫn với quyền sử dụng đất của tự viện, trong khi theo luật pháp hiện hành quyền sở hữu chỉ áp dụng với công trình xây dựng trên đất?
 

- Vì sao “Tự viện là giáo sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” nhưng trong những trường hợp hỗ trợ tái bố trí, di dời, chính quyền chỉ làm việc với người chiếm hữu sử dụng, không làm việc với chủ sở hữu?
 

- Một số trụ trì chùa không làm thủ tục đăng ký để được cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ ghi tên cơ sở tôn giáo, thì với vai trò chủ sở hữu “giáo sản”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có biện pháp gì”?
 

- Việc tuyên bố quyền sở hữu nhưng không thực hiện được quyền sở hữu trong thực tế có làm ảnh hưởng đến uy tín cũng như quyền hạn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
 

- Việc loại bỏ hẳn quyền tư hữu trong điều khoản tự viện của Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có phải là bước phát triển so với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trước đây? Tuy nhiên, việc loại bỏ hẳn quyền tư hữu có phạm vào giới lấy của không cho của nhà Phật?
 

Nội dung trả lời cho những câu hỏi trên và những câu hỏi khác nữa liên quan đến tài sản của Phật giáo Việt Nam sẽ được trình bày trong những bài tiếp theo của loạt bài quyền sở hữu tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Minh Thạnh

Nguồn: phatgiao.org.vn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin