Chi tiết tin tức

Vai trò của Phật giáo Việt Nam trong công tác xã hội hiện nay

22:39:00 - 14/11/2017
(PGNĐ) -  Đạo Phật là tôn giáo luôn đề cao hòa hợp, đoàn kết trên tinh thần giải thoát và giác ngộ của con người, nên khi truyền đến dân tộc nào cũng tùy thuận để thích nghi với văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc đó. Đấy là tính dung hợp, uyển chuyển, năng động của Phật giáo. Lịch sử Phật giáo Việt Nam giai đoạn nhà Lý đã thể hiện rõ nét nhất tính dân tộc. Bên cạnh đó, chịu ảnh hưởng của giáo lý Đại thừa, nhất là Thiền tông và Mật tông, nên Phật giáo Việt Nam vừa mang tính siêu nhiên, vừa mang tính hiện thực.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam hơn 2000 năm lịch sử, ngay từ những ngày đầu đạo Phật đã dung hòa với tập quán văn hóa bản địa. Trong lịch sử phát triển của đạo Phật ở Việt Nam, có những giai đoạn đạo Phật là quốc đạo như thời Lý - Trần (thế kỷ XI - thế kỷ XIII), niềm tin và tư tưởng triết lý đạo Phật đã có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.

 

Ngày nay hiệu ứng đó càng lan tỏa mạnh mẽ hơn, mọi khía cạnh của đời sống, từ sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng, đến văn học, nghệ thuật, đạo đức xã hội và các hoạt động công tác xã hội đều chịu ảnh hưởng và mang tư tưởng triết lý của Phật giáo.

 

Bài viết này mô tả về sự phát triển tổ chức Phật giáo Việt Nam và kết nối của Phật giáo với các trung tâm công tác xã hội trên toàn quốc.


1. Sự phát triển về tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập ngày 07/11/1981 đến nay gần 36 năm, cơ chế tổ chức Giáo hội đã tự hoàn thiện và hiện có 63/63 đơn vị tỉnh/thành hội Phật giáo trong toàn quốc.

 

Trong tổng số tăng, ni là 49.493 vị bao gồm 36.130 Bắc tông; 8.574 Nam tông Khmer, 805 Nam tông kinh (455 chư tăng, 350 tu nữ); 3.984 khất sĩ (4).

 

GHPGVN với cơ chế tổ chức 3 cấp hành chính (Trung ương, tỉnh thành và quận huyện) trên 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Giáo hội có 13 Ban, Viện và Phân viện trực thuộc T.Ư Giáo hội; 8 Hội Phật tử Việt Nam tại nước ngoài; 04 Trường Đại học, 34 Trường Trung cấp Phật học, 08 lớp Cao đẳng Phật học và trên 100 tiến sỹ, 100 thạc sỹ và 2500 cử nhân, 4.500 tăng, ni tốt nghiệp Trung cấp Phật học cả nước. Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc năm 2008, 2014 và các Hội nghị Quốc tế được tổ chức trong nước hoặc nước ngoài (5).

 

Theo Tổng điều tra các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp lần thứ tư của Tổng cục thống kê vào năm 2012 thì tổng số cơ sở của Phật giáo là 16.382 cơ sở, trong đó Hà Nội có 1.706 cơ sở, Tp.Hồ Chí Minh có 1.100 cơ sở. Số cơ sở thờ tự ở Đồng bằng Sông Hồng chiếm tới gần 50% tổng số cơ sở thờ tự của Phật giáo cả nước (7.162 cơ sở). Khu vực tập trung thứ hai là Đồng bằng Sông Cửu Long với 3007 cơ sở. Về mặt xếp hạng các cơ sở tôn giáo thì 14.058 cơ sở Phật giáo chưa được xếp hạng, có 525 cơ sở là di tích lịch sử, 331 là di tích văn hóa, 1332 là di tích lịch sử văn hóa, 136 là di tích kiến trúc nghệ thuật, khảo cổ. Theo Tổng cục thống kê thì các cơ sở tôn giáo thuộc Phật giáo được nhà nước công nhận gồm có chùa, tự, viện, tịnh xá, niệm phật đường, trường đào tạo riêng của tôn giáo không bao gồm tổ đình, tu viện, tịnh thất (6).

 

Theo báo cáo của Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh/thành, và thống kế tiếp cận với các tổ chức xã hội, GHPGVN có kết quả thực tế tạm ước tính như sau:

 

Qua bảng số liệu trên chúng ta thấy ở Việt Nam tỷ lệ tín đồ phật tử và những người có niềm tin vào đạo Phật chiếm tỷ lệ cao. Vì thế các hoạt động CTXH ở Việt Nam đã thu hút đông đảo những tín đồ phật tử và những người có niềm tin và sự kính ngưỡng Phật giáo.

 

2. Phật giáo và công tác xã hội ở Việt Nam

 

Với tỷ lệ người Việt theo đạo Phật hay có niềm tin vào đạo Phật chiếm tỷ lệ cao nên việc kết hợp đạo Phật với CTXH là rất quan trọng. Theo Đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 25/03/2010, dự kiến sẽ đầu tư 2.437,4 tỷ đồng cho việc phát triển nghề CTXH, thì 2 hoạt động chính của Đề án là: (1) Xây dựng một mạng lưới các Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH trong cả nước, và (2) đào tạo mới và đào tạo 60 ngàn nhân viên CTXH. Hiện nay, cả nước đã có 34 tỉnh, thành phố thành lập Trung tâm CTXH để cung cấp các dịch vụ CTXH. Các Trung tâm có 5 chức năng: 1) Điều phối dịch vụ thông qua tiếp nhận thông tin, đánh giá và chuyển tuyến dịch vụ cho thân chủ; 2) Cung cấp dịch vụ trực tiếp thông qua trực tiếp tiếp nhận nuôi dưỡng, tư vấn, tham vấn cho thân chủ; 3) Đào tạo – giáo dục – truyền thông thông qua việc đào tạo kỹ năng cho cán bộ CTXH cũng như cho thân chủ và cộng đồng; 4) Hỗ trợ, phát triển cộng đồng thông qua việc tổ chức các hoạt động cộng đồng, kết nối các nguồn lực trong cộng đồng; 5) Tư vấn chính sách thông qua việc tư vấn, khuyến nghị chính sách. Trong nhiều năm qua các ngôi chùa Việt Nam đã làm rất nhiều công việc khác nhau trong cộng đồng và xã hội như nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, những người bệnh bị xã hội ruồng bỏ, là bệnh viện, trạm xá, nhà trọ, trường học, địa điểm tập kết tạm thời khi có thiên tai, hoặc hoàn cảnh đặc biệt; là địa chỉ giải cứu cho các gia đình có vấn đề trong cộng đồng; và tích cực tham gia truyền thông, tham gia tích cực các vấn đề xã hội của đất nước. Trên thực tế, họ đã làm đầy đủ 5 chức năng của các trung tâm CTXH. Việc liên kết các chùa với hệ thống trung tâm CTXH trong cung cấp dịch vụ CTXH là mô hình khả thi và 

hiện nay đã được Đảng và Nhà nước quan tâm như sau (7):

 

Ngày 24/02/2017, Uỷ ban MTTQVN phối hợp với Bộ LĐTB & XH tổ chức “Hội nghị toàn quốc biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động BTXH và dạy nghề”. Đây là Hội nghị được tổ chức lần đầu tiên sau 40 năm giải phóng. Kết luận của hội nghị cũng đã đưa ra giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo đối với các hoạt động của công tác xã hội đó là (8):

 

- Lồng ghép các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành để đào tạo cho các tổ chức tôn giáo về nhân lực làm bảo trợ XH và dạy nghề. Hiện nay trong chương trình đào tạo ở Học viện Phật giáo trình độ cử nhân có môn học CTXH đại cương. Tuy nhiên cũng cần đưa thêm môn học kỹ năng tham vấn và kỹ năng CTXH vào chương trình đào tạo cho quý chư tôn đức tăng, ni.

 

- Bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, Đề án có liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, trợ giúp cho người khuyết tật, người nghèo cho các cơ sở thuộc tổ chức tôn giáo. Năm 2011, UBMTTQVN phối hợp với Quỹ dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) đã phối hợp với BTS GHPGVN tỉnh Hưng Yên triển khai Dự án “Tuyên truyền vận động người dân nhằm giảm thiểu lựa chọn

giới tính khi sinh”, và một số Dự án khác, đã:

 

- Giải quyết các chính sách trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế cho các đối tượng tại các cơ sở tôn giáo để bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

 

- Thường xuyên đối thoại và lắng nghe và trao đổi với các tổ chức tôn giáo, chức sắc để có giải pháp, mô hình hay, sáng tạo và hiệu quả trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ và dạy nghề.

 

- Quan tâm, bố trí đất đai tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho cơ sở trợ giúp xã hội, các tổ chức tôn giáo hoạt động và phát triển. Phát hiện, động viên khen thưởng kịp thời những cá nhân, cơ sở, tôn giáo làm tốt công tác bảo trợ XH và dạy nghề

 

- Quan tâm giải quyết các chế độ chính sách, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội, dạy nghề của các tổ chức tôn giáo, giải quyết khó khăn cho các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động bảo trợ XH và dạy nghề.

 

- Các địa phương phải có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, các cơ sở bảo trợ XH và dạy nghề trong chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy nghề đối tượng bảo trợ XH và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

 

- Các tổ chức tôn giáo quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực trong công tác bảo trợ xã hội và dạy nghề. “Nhiều tăng, ni phật tử tại các cơ sở bảo trợ XH của Giáo hội đã được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kiến thức về kỹ năng quản lý và tổ chức các hoạt động trợ giúp, chăm sóc tư vấn, dịch vụ… cho các đối tượng thuộc diện bảo trợ XH” (Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN).

 

Những nội dung trên đây thể hiện sự ủng hộ của Đảng và nhà nước Việt Nam đối với các tôn giáo (đặc biệt đối với Phật giáo) tham gia các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề.

 

Việc xây dựng mối liên kết của các Trung tâm CTXH với các chùa và triển khai các hoạt động cụ thể sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh địa phương, tính chất của mối liên kết và nguồn lực 2 bên để có thể tham gia tốt 5 loại hoạt động cơ bản mà các trung tâm CTXH phải thực hiện. Đó là (1) Điều phối dịch vụ, (2) Cung cấp dịch vụ trực tiếp, (3) Đào tạo - giáo dục - truyền thông, (4) Hỗ trợ phát triển cộng đồng và (5) Vận động chính sách.

 

3. Một số hoạt động xã hội cụ thể của Phật giáo Việt Nam

 

Tư vấn công việc, nghề nghiệp, định hướng cuộc sống: Quan tâm đến đời sống và định hướng nghề nghiệp cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đến tuổi trẻ. Trong 3 tháng hè, nhiều chùa trên cả nước đã tổ chức các lớp học tại chùa cho các em thiếu nhi. Một số ngôi chùa tổ chức các lớp học ngoại ngữ, dạy võ, mời các chuyên gia, các giáo sư nổi tiếng các trường đại học đến nói chuyện với các em học sinh, sinh viên về lựa chọn ngành học, định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực sở trường, tư vấn mùa thi, giúp các em vững bước vào đời trên cơ sở lựa chọn đúng nghề nghiệp phù hợp với học lực và năng khiếu.

 

Hoạt động từ thiện: Các hoạt động từ thiện, gây quỹ ủng hộ và giúp đỡ các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội được các cấp Giáo hội đặc biệt coi trọng. Hàng năm, có đến hàng trăm ngôi chùa quan tâm kêu gọi sự ủng hộ của xã hội đến trẻ em mồ côi, người gặp tai nạn, thiên tai v.v... ví dụ như Cơ sở Bảo trợ XH ngoài công lập chùa Bửu Châu (Tỉnh Gia Lai) chăm sóc nuôi dưỡng 54 trẻ mồ côi đang học phổ thông, hướng nghiệp, dạy nghề. Trung tâm nuôi dạy cô nhi khuyết tật Sơn Ca (Huế) đã tổ chức nuôi dạy các em cô nhi, mồ côi cha hoặc mẹ, các cháu vô gia cư, hoàn cảnh gia đình khó khăn, các trẻ bại não, để phục hồi chức năng. Đến nay đã phục hồi chức năng được 30 cháu từ bại liệt nặng.

 

“Năm 2017, cả nước có hàng trăm cơ sở Phật giáo tham gia các hoạt động trợ giúp XH, với hàng nghìn đối tượng bảo trợ XH như: trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật, người già không nơi nương tựa, trong đó có 57 cơ sở đã có pháp nhân được cơ quan chức năng cho phép hoạt động” (Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN”

 

Nhiều chùa trên cơ sở thực tế đời sống tại địa phương đã cung cấp bữa ăn miễn phí thường xuyên cho người nghèo, người vô gia cư, trẻ lang thang đường phố, người già không nơi nương tựa, người gặp hoạn nạn bất ngờ, người gặp thiên tai hay những bệnh nhân và người nhà chăm sóc người ốm trong bệnh viện.

 

Nhận nuôi và chăm sóc những người cao tuổi, người khuyết tật và các bệnh hiểm nghèo hoặc bị kỳ thị cao, ví dụ như ung thư, HIV/AIDS, bệnh phong... nhà dưỡng lão chùa Liên Bửu, tỉnh Trà Vinh chăm sóc, nuôi dưỡng 58 người cao tuổi, không nơi nương tựa và

vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp để làm quỹ nuôi dưỡng, tổ chức khám và chữa bệnh định kỳ cho các cụ mỗi tháng 2 lần.

 

Các vấn đề về công tác xã hội và hôn nhân gia đình: Giáo hội luôn quan tâm và đồng hành cùng các tổ chức xã hội, các đoàn thể trong các kế hoạch, chương trình hành động về bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống nông thôn mới, gia đình kiểu mẫu, cũng như các thiết chế văn hóa cơ sở.

 

Một số chùa đã tổ chức làm lễ hằng thuận cho các bạn trẻ kết hôn theo nghi thức Phật giáo, giúp cho các bạn trẻ xây dựng hạnh phúc gia đình trên nền tảng đạo đức Phật giáo.

 

Các ngôi chùa ở Việt Nam hỗ trợ những người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần ở dạng nhẹ như các rối nhiễu tâm lý liên quan đến xung đột gia đình, bệnh tật, các vấn nạn như nạn tự tử, đau khổ, lo lắng, stress…Ví dụ có cô giáo tiểu học sau khi ly hôn với chồng, cô vào chùa cùng con gái 5 tuổi sống 3 tháng hè, sau đó bình tâm trở lại và đi làm bình thường.

 

Một số chùa hỗ trợ các gia đình liên quan tới phúc lợi trẻ em: bạo hành, ngược đãi, bỏ bê trẻ em; trẻ bỏ học; thanh thiếu niên phạm pháp, v.v… Một số chùa hỗ trợ phu nữ bị bạo hành, ly hôn, xung đột thế hệ, ngoại tình, v.v…

 

Chăm sóc thai sản và dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em ở vùng nông thôn, miền núi, nơi sức khoẻ bà mẹ trẻ em không được quan tâm đúng mức.

 

4. Kết luận
 

GHPGVN ngày càng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tăng đối với người dân Việt Nam về niềm tin tôn giáo nói chung và tín ngưỡng Phật giáo nói riêng.

 

GHPGVN ngày càng được sự ủng hộ, khuyến khích của các cơ quan chức năng của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban ngành, đoàn thể các cấp và sự hỗ trợ, giúp đỡ về kỹ năng, xây dựng năng lực hoạt động trợ giúp XH và dạy nghề cho các cơ sở tôn giáo, Phật giáo Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào các hoạt động trợ giúp xã hội.

 

“Uỷ ban trung ương MTTQVN và ngành LĐ, TB và XH các cấp hàng năm cần có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về chủ trương, chính sách, pháp luật và nâng cao kỹ năng chuyên môn về các hoạt động chăm sóc, giáo dục, dịch vụ, tư vấn, đào tạo cho tăng ni, phật tử, nhân viên trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Phật giáo” (Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS T.Ư GHPGVN, 24/02/2017). 

 

Đây chính là cở sở thuận lợi cho việc kết hợp các hoạt động của đạo Phật với các Trung tâm CTXH.
 

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa (1)
TS.Nguyễn Thị Thái Lan (2)
CN.Phạm Nhật Vũ (3)
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 5/2017

--------------------------------------------------------------

Chú thích:

1. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và phát triển CTXH, Khoa XHH, Trường ĐHKHXH&NV,

2. Giảng viên Khoa Xã hội học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN

3. Công ty truyền hình Công an nhân dân

4. Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên HĐTS GHPGVN,“Một số giải pháp thống kê tăng, ni phật tử ở Việt nam”, tại Hội thảo “Thống kê tăng ni, phật tử ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn” tháng 9/2016 tại Hà Nội

5. Như đã dẫn 1

6. PGS.TS. Hoàng Thu Hương, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, “Thống kê Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp” tại Hội thảo “Thống kê Tăng Ni, Phật tử ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn” tháng 9/2016 tại Hà Nội

7. TS. Nguyễn Ngọc Hường, “Kết nối đạo Phật với CTXH: Đề xuất mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại Việt Nam”, Phụ lục 4 trong sách “Giá trị của Phật giáo đối với công tác xã hội trong xu thế toàn cầu hoá”, Nguyễn Hồi Loan chủ biên

8. Dạ Yến- Quốc Định, “Biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ XH và dạy nghề, phatgiao.org. vn/trong nuoc/201702/Bieu-duong-phat-huy-..25948.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hoàng Thu Hương, Nguyễn Thị Kim Hoa (2016), Thống kê tăng, ni, phật tử ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Kỷ yếu Hội thảo Tăng sự toàn quốc năm 2016

2. Nguyễn Ngọc Hường (2015), Kết nối đạo Phật với CTXH: đề xuất một mô hình cung cấp dịch vụ CTXH tại Việt Nam, Sách Giá trị của Phật giáo đối với CTXH trong xu thế toàn cầu hoá, Nguyễn Hồi Loan chủ biên, NXB ĐHQGHN, Tr 279

3. Nguyễn Hồi Loan (Chủ biên) (2015), Giá trị của Phật giáo đối với CTXH trong xu thế toàn cầu hoá, NXB ĐHQGHN

4. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (2016), Thống kê tăng, ni, phật tử ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Kỷ yếu Hội thảo Tăng sự toàn quốc năm 2016

5. Dạ Yến - Quốc Định (2016), “Biểu dương, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia hoạt động bảo trợ XH và dạy nghề”, phatgiao.org.vn/trong nuoc/201702/Bieu-duong-phathuy-..25948.

6. Hòa thượng Thích Minh Thiện (2016), Ủy viên HĐTS GHPGVN,“Một số giải pháp thống kê tăng, ni, phật tử ở Việt nam”, tại Hội thảo “Thống kê tăng ni, phật tử ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn” tháng 9/2016 tại Hà Nội

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin