Chi tiết tin tức

Tiến sỹ văn hóa đọc “thuê” người đọc sách

10:58:00 - 08/01/2014
(PGNĐ) -  Quả thật là thời nay, con người lười đọc sách. Mà Đức Phật đã dạy 3 chữ: văn, tư, tu. Tức phải học, phải đọc rồi mới nghiền ngẫm đúng sai, phải quấy để rồi thực hành. Làm sao để mọi người chăm đọc sách hơn, làm thế nào để kinh sách có trong mỗi gia đình, luôn là trăn trở của người đứng đầu Công ty sách Thái Hà, tiến sỹ văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng. Thế rồi ông đã nghĩ ra một cách hay và ứng dụng thành công.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng về thăm quê một người bạn nhân dịp giỗ mẹ của bạn đó. Trong ngày giỗ mọi người cùng nhau tụng kinh, trong đó có kinh vu lan. Tổng số cuốn kinh này là 102 trang in khổ 15,5 cm X 23 cm. Phía trong gồm có kinh “Vu lan bồn” bản văn xuôi, kinh “Vu lan bồn” bản văn vần, kinh “Báo ân cha mẹ” bản văn xuôi, kinh “Báo ân cha mẹ” bản văn vần. (Cuối cuốn kinh còn có các phụ lục như Bát nhã Tâm kinh, Sám vu lan, sám Mục Kiền Liên và ý nghĩa lễ vu lan). Những lời kinh vô cùng thống thiết, kể rõ công ơn cha mẹ và hướng dẫn cách con cái nên làm để đền đáp công ơn bậc sinh thành ra mình.

 

 

 

 

Ngay trong những buổi tụng kinh đó nhiều người không cầm được nước mắt, nhất là đến các đoạn miêu tả 9 tháng 10 ngày khi mẹ mang thai phải chịu những nỗi thống khổ, rồi công nuôi dưỡng đến khi con khôn lớn trưởng thành. Rồi lớn lên, con cái mải lo chuyện riêng có khi quên cả cha mẹ, mặc mẹ cha thiếu thốn, buồn tủi, cô đơn. Những người có mặt đã rớm nước mắt không hẳn chỉ bởi nhớ thương đến cha mẹ mình mà còn bởi ân hận vì mình đôi khi cũng vô tâm, vô tình gây bao tội lỗi.

“Ơn cha, nghĩa mẹ nặng nề

Không phương báo đáp cho vừa sức đâu

Ví có người ơn sâu dốc trả

Cõng mẹ cha tất cả hai vai

Giáp vòng hòn núi Tu Di

Đến trăm ngàn kiếp thâm ân chưa đầy.

Ví có người gặp cơn đói rét

Nuôi song thân dâng hết thân này

Xương nghiền, thịt nát phân thây

Trải trăm ngàn kiếp ơn đây chưa đồng

Ví có người vì công sinh dưỡng

Tự tay mình khoét thủng song ngươi

Chịu thân mù tối như vầy

Đến trăm ngàn kiếp,ơn này thấm đâu…”

 

 

 

 

Dù có tự  mổ bụng, lấy hết ruột gan làm thuốc cứu mẹ cha, dù có dùng ngàn vạn mũi nhọn đâm vào mình hay tự đốt mình thành nến cúng Phật hoặc nghiền thân ra làm mỡ hay nuốt sắt nóng,… cũng không thể trả được công cha nghĩa mẹ.

Đêm đó ngồi thiền, TS Nguyễn Mạnh Hùng nghĩ ra cách để cuốn kinh này được nhiều người tụng đọc. Thế rồi sáng hôm sau ông nói với các cháu nhỏ rằng ông thuê các cháu đọc cuốn kinh Vu lan này. Mỗi cháu đọc xong một lần, tự động gặp ông để lấy 10 ngàn.

Nói ra và kết quả có ngay. Cháu nhỏ nhất mới lớp 1 cũng lấy 1 cuốn đọc ngay. Cháu lớn lớp 7 cũng say sưa đọc. Các cháu khác, mỗi đứa 1 cuốn tìm chỗ đọc say sưa. Có cháu bé mới 2 năm tuổi cũng lấy 1 cuốn để… đọc.

Nhìn ngắm những cháu bé say mê đọc, ai cũng vui. Vui lắm.Nhất là cha mẹ chúng.Chúng thi nhau đọc.Đọc ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tư thế.Đọc rồi sẽ hiểu.Đọc rồi sẽ ngấm.Mưa dầm thấm lâu.

 

 

 

Và rồi ông tiến sỹ văn hóa đọc cứ thế “trả lương”.Thời gian còn ở lại vùng quê này là 1 ngày, nhưng mỗi cháu đều đã “lĩnh lương” được 2 lần.Chính người nghĩ ra ý tưởng này cũng không ngờ thành công đến vậy.

Mỗi khi “trả lương” tiến sỹ văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng không quên hỏi các cháu xem thấy gì hay, nhớ được gì. Cháu bé nhất cũng hiểu rằng cuốn kinh nói về công lao to lớn của cha mẹ mình.

Khi lên xe về thành phố, ông vẫn vẫn thống nhất với các cháu nhỏ về giao kèo đã đưa ra: Đọc xong 1 lần cuốn kinh là nghiễm nhiên được nhận 10.000 đồng.Nếu đọc được 10 lần sẽ nhận 100.000. Ông lên xe và lòng vui vô hạn. Chưa có cách nào để các cháu chăm đọc tụng kinh hay hơn cách này. Ông nghĩ đến hiệu quả sau mỗi lần đọc, và rằng chắc chắn nay mai, lớn lên các cháu sẽ thành những người con hiếu thảo cho gia đình, những công dân tốt cho xã hội. Có gì quý hơn tình yêu thương và lòng biết ơn!

Về đến thành phố, ông ra ngay hiệu sách thỉnh về thêm mấy chục cuốn nữa.Đã có hành trang đây rồi và ông lại tiếp tục đi “thuê” các bé khác đọc cuốn kinh quý này.

Tôi vẫn nhớ như in lời Tiến sỹ văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng nói trong chương trình “Hoa mặt trời 3” rằng, có 3 nghề cao quý nhất là làm người xuất gia, làm người truyền đạo (hoằng pháp) và người làm nghề xuất bản kinh sách. Tôi vẫn không quên rằng ông lo lắng và quan tâm đến giới trẻ, nhất là đạo đức nhân bản nhân quả. Tôi rất vui với những việc làm rất nhỏ từ những sáng kiến giản đơn của ông.

Ngàynay xã hội đang bị vật chất hóa, và con người hình như luôn đặt vật chất lên hàng đầu.Khi chúng ta bị vật chất thao túng, nếu không biết tu tập chúng ta sẽ trở thành nô lệ của tiền bạc.Mà nếu đồng tiền không được sử dụng đúng sẽ mang lại những hậu quả khôn lường.Không biết tu khéo lại thành người khát nước mà đòi đi uống rượu.

Con người do vô minh nên chỉ biết nhìn quả, mấy ai thấy nhân. Nhìn cây ngoài vườn chỉ chú ý đến hoa, đến trái chứ mấy ai để ý đến gốc, đến rễ.Mặt trong to thì mặt ngoài ắt phải lớn. Mặt dưới rộng thì mặt trên khắc phải tương ứng theo. Nếu chúng ta học nhau, nhắc nhau cùng gieo nhân lành thì quả ngọt tự nhiên có và ta chỉ việc thu hoạch mà thôi.

Trong đất luôn có sẵn những hạt giống, chỉ cần có ánh nắng mặt trời, có khí hậu cân bằng nóng lạnh, đủ độ ẩm và chất dinh dưỡng thì những những hạt giống này sẽ mọc thành cây để đơm hoa kết trái. Con người ta cũng vậy, ông “Phật” vẫn luôn ngự trong ta, vấn đề là ta có nhận ra và có tạo nhân duyên để ông “Phật” hiện ra hay không mà thôi. Ngẫm nghĩ thấy việc làm của tiến sỹ văn hóa đọc Nguyễn Mạnh Hùng rất thú vị và đáng được mỗi người cha, người mẹ, mỗi người lớn chúng ta học theo.

Nguồn: Người Phật tử

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin