Chi tiết tin tức Đại sư Garchen Rinpoche hoằng pháp tại Tổ đình Trung Hậu 22:18:00 - 14/07/2017
(PGNĐ) - Sáng ngày 14 tháng 07 năm 2017, nhằm ngày 21 tháng 06 năm Đinh Dậu, chư tăng và Phật tử Tổ đình Trung Hậu – xã Tiền Phong – huyện Mê Linh – Hà Nội đã hoan hỷ cung đón đại sư Garchen Rinpoche cùng Tăng đoàn đến hoằng pháp trong ba ngày 14,15,16 tháng 7 năm 2017.
Đón tiếp quý đoàn có: Thượng tọa Thích Chiếu Tạng - Ủy viên HĐTS, Phó Ban hoằng pháp TW, Phó BTS kiêm Trưởng Ban Phật giáo quốc tế GHPGVN thành phố Hà Nội cùng chư tôn đức Tăng bản tự. Đại sư Garchen Rinpoche sinh năm 1936, tại Nangchen, miền đông Tây Tạng. Ngài là đệ tử tâm truyền của đức Kyobpa Jigten Sumgon, vị tổ lừng danh của dòng Drikung Kagyu trong Phật giáo Tây Tạng. Đại sư được tuyên nhận là hóa thân của một vị đại thành tựu giả trong thế kỷ thứ mười chín vào năm lên 7 tuổi. Sau khi thọ nhận nhiều giáo huấn sâu xa và rộng lớn trong các truyền thống tu tập tại Tây Tạng, Ngài đã trải qua hai mươi năm miên mật ẩn tu, vượt qua nhiều gian khổ, thử thách. Ngài đã đạt được những chứng đắc sâu dày và phát triển toàn hảo tình yêu thương vô điều kiện và lòng từ bi rộng lớn với mục đích hiến trọn đời mình để đem lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Trong suốt hơn 30 năm qua, đại sư Garchen Rinpoche đã không ngừng mệt mỏi hoằng pháp lợi sinh trên hơn 15 quốc gia ở khắp ba châu lục Á, Âu, và Mỹ. Ngài toàn tâm trao truyền những giáo lý thâm diệu của đức Phật ở cả ba thừa: Nguyên thủy thừa, Đại thừa, và Mật thừa. Ngài đã truyền cảm hứng và chuyển hóa cuộc đời của rất nhiều người trên khắp thế giới. Do vậy mà đại sư Garchen Rinpoche đã nhận được sự yêu mến và tôn kính lớn lao từ hàng ngàn người trên toàn thế giới. Đúng 9h30, trong không gian tràn ngập sự hân hoan và niềm phấn khởi, toàn thể quý Phật tử đã xếp thành hai hàng danh dự từ ngoài cổng tam quan vào đến nhà khách để cung nghinh Đại sư quang lâm. Sau khi có lời thăm hỏi Thượng tọa trụ trì cùng chư Tăng bản tự, vào lúc 10h00, Đại sư đã có thời pháp thoại đến toàn thể hội chúng. Mở đầu thời pháp thoại, Đại sư chia sẻ cho đại chúng về việc “Phát Khởi Bồ Đề Tâm” và lục độ Ba La Mật, cũng như giúp đại chúng hiểu khái niệm cũng như ý nghĩa của lễ quán đỉnh đại thủ 5 nhánh – con đường đạt tới trí tuệ Ba La Mật. Theo Đại sư, “tâm của chư Phật là bồ đề tâm trân quý. Thật sự không phải chỉ là chư Phật mà tất cả các chúng sinh ai cũng có tâm, do đó ai cũng có khả năng, có hạt giống của tình yêu thương, dù chỉ là tình yêu thương nhỏ bé trong dòng tâm thức của chúng sinh thì cũng có thể là nguyên nhân để đưa đến hạnh phúc trong tương lai. Tình yêu thương này nếu càng vĩ đại sẽ càng lan tỏa tới tất cả chúng sinh, khi đó chúng ta gọi đây là bồ đề tâm trân quý. Bồ đề tâm chính là cội rễ duy nhất để đưa đến hạnh phúc và an lạc cho tất cả chúng sinh. Ngoài bồ đề tâm ra thì không có gì là nguồn căn của hạnh phúc được”. Đại sư đã chỉ cho đại chúng thấy được tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc phát tâm bồ đề. Bồ đề ở đây có nghĩa là trí tuệ. Trí tuệ ở đây chỉ sự giác ngộ. Giác ngộ có nghĩa là nội tâm đủ sức thẩm định, đủ lực phán đoán, không còn bị bất luận một sự kiện nào chi phối, từ đó hướng đến sự giải thoát. Cũng vậy, tất cả chúng ta ai ai cũng có Phật tính, nhưng tạm thời lại không nhận ra vì đang bị che mờ, chi phối bởi chướng ngại, phiền não. Khi chúng ta nhận thức, phát khởi lòng tin vững chắc và trưởng dưỡng bồ đề tâm thì lúc ấy Phật tính sẽ hiển bày, đạo lộ hướng đến quả vị giải thoát sẽ rộng mở đón chúng ta. Qua đó, Đại sư cũng đã giải thích “Đại thủ ấn 5 nhánh chính là tinh túy của chư Phật và được chư Phật trong 3 thời ban truyền cho chúng ta. Tinh túy ở đây chính là rốt ráo làm thế nào để trưởng dưỡng được tâm bồ đề tối thượng. Phương tiện để có thể trưởng dưỡng được tâm bồ đề tối thượng ở nơi tâm ý chưa phát sinh, đây chính là các pháp tu tập dựa trên 4 niệm chuyển tâm. Đây là con đường tu tập của việc giải thoát giới. Khi đó chúng ta phải quán chiếu được luật nhân quả, sự khó khăn khi có được thân người. Kế tiếp đó là phương tiện thiện xảo để làm cho nơi nào tâm bồ đề phát triến sẽ không bị thoái chuyển, chúng ta dựa vào tứ vô lượng tâm để trưởng dưỡng bồ đề tâm. Phương tiện thiện xảo thứ ba để giúp bồ đề tâm tiếp tục tăng trưởng là con đường tu tập của mật thừa" Đầu tiên Ngài nói đến Bồ Đề tâm và Bổn Tôn đây chính là 2 điểm đầu tiên của Đại Thủ Ấn 5 nhánh và kế tiếp điểm thứ 3 liên quan đến các Pháp tu của dòng truyền thừa gia trì điều này có liên quan đến việc gia trì của vị đạo sư, sau khi có được sự gia trì của đạo sư thì chúng ta sẽ đi đến được điểm thứ 4 của đại thủ ấn hay là Mahamucha và điểm thứ 5 là hồi hướng tức là hồi hướng tất cả công đức đến quả vị giác ngộ. 5 khía cạnh tu tập này được bao gồm trong tất cả những quyển khác nhau, trong tất cả những con đường tu tập khác nhau không chỉ là trong truyền thống của Đại Ấn nhưng trong những truyền thống tu tập khác có thể họ không gọi đó là Đại Ấn tuy nhiên lại không hề có một sự khác biệt nào giữa các Pháp môn tu tập của các dòng truyền thừa khác nhau. Mỗi một nhánh tu trong 5 nhánh tu của đại thủ ấn ở đây đã được trọn vẹn thành những bài phạn ca, những đoạn kệ ngắn. Đức Tổ Chức Chân Dung Cung đã soạn những câu kệ này, đầu tiên khi nói về Bồ Đề Tâm thì Tổ Chức Chân Dung Cung đã dụ cho Bồ Đề Tâm hay tình yêu thương và lòng từ mẫn giống như 1 con chiến mã – 1 con chiến mã đang chạy đua trong 1 cuộc tranh đua và Ngài nói rằng “Nếu chúng ta có được Bồ Đề tâm thì cũng giống như con chiến mã đã thắng cuộc đua của nó, người nào mà có được Bồ Đề tâm thì nhất thời sẽ được tái sinh ở những cõi cao và tốt giáo thì sẽ đạt đến được trạng thái toàn giác”. Chúng ta nói rằng nguyên nhân có thể đưa chúng ta đến được con đường giác ngộ chính là tình yêu thương, lòng minh mẫn chính là Bồ Đề tâm, bất kỳ chúng sinh nào vốn cũng đều có Bồ Đề tâm ở một cái mức độ nào đó ngay cả một tình yêu thương nhỏ bé nhất ở trong tâm thức của chúng ta một cách rất tự nhiện cũng có mang đầy đủ tất cả tinh túy của 6 ba la mật, ở đâu có tình yêu thương thì ở đó chúng ta sẽ thực hành 6 ba la mật. Nhất thời được tái sinh lên những cõi cao là vì tu tập giới hạnh cho nên chúng ta mới có được thân người hiếm quý, vì không tham nhẫn nên chúng ta mới có được những người bạn bình hòa với chúng ta, có được khuôn mặt xinh đẹp, trang nghiêm. Chính vì bố thí cho nên chúng ta sẽ có được những tài của ở đời vị lai, đây chính là 3 ba la mật đầu tiên, xuất phát từ tình yêu thương dẫn đến 1 trạng thái hạnh phúc nhất thời trong các cõi cao. 2 Ba La Mật cuối cùng là Thiền Định Ba La Mật và Trí Tuệ Ba La Mật đây chính là nguyên nhân có thể đưa chúng ta đến được với giác ngộ viên mãn. Khi nói đến Thiện Định, muốn có được thiền định phải nói đến tình yêu thương vô lượng vô biên, nhưng nếu không có trí tuệ thì tình yêu thương này sẽ trở thành một hình thức đáng trách và sau đó Trí Tuệ Ba La Mật sẽ bị biến trở thành vô minh. Chúng ta cần phải nhìn về 6 cõi luân hồi như thế, nếu có được Bồ Đề Tâm thì 6 cảm xúc ô nhiễm của con người sẽ trở thành 6 Ba La Mật đây chính là con đường giúp chúng ta đến được với con đường của giác ngộ và đến được với vương quốc của pháp thân, từ đó chúng ta sẽ biến hóa được trong 2 thân còn lại là ứng thân và biến hóa thân để tiếp tục làm lợi lạc chúng sinh. Tâm của đạo sư, tâm của Phật và tâm của chúng ta tương đồng với nhau, có cùng 1 bản thể và bản thể này là 1 sự tuôn chảy không dán đoạn, nhưng vì bởi sự che chướng mà chúng ta không thể nào khai mở được hoàn toàn được tâm Phật của mình, muốn làm được điều đó thì ta phải phát lên được Bồ Đề Tâm, chúng không nằm đâu xa mà nằm trong chính tâm thức của chúng ta. Buổi chiều cùng ngày, Ngài Dorzin Rinpoche đã quang lâm giảng đường để giải đáp những thắc mắc của Phật tử xung quanh những giáo lý kim cương thừa và pháp tu Mật tông. Sau đó, Đức Garchen Rinpoche đã quang lâm và thực hiện nghi thức lễ quán đỉnh đại thủ ấn 5 nhánh – con đường đạt tới trí tuệ Ba La Mật. Cánh cửa bước vào Kim Cương thừa là “Quán đỉnh.” Đức Garchen Rinpoche trao truyền lực gia trì của một Bản tôn đặc biệt, vị Phật của lòng từ bi. Trong buổi lễ quán đỉnh, đức Garchen Rinpoche sẽ gieo “hạt giống” trong tâm thức đệ tử, thông qua thực hành và lòng sùng mộ, hiển bày những phẩm tính giác ngộ của Bản tôn đó. Một lễ quán đỉnh đánh dấu việc đệ tử chính thức bước vào con đường Mật thừa. Tuy nhiên, những giáo lý này sẽ nằm trong thực hành của một Bản tôn đặc biệt, vì thế thọ nhận quán đỉnh là rất cần thiết. Nếu Phật tính của chúng ta giống như hạt giống, quán đỉnh làm hạt giống ấy phát triển và tịnh hóa, chuyển hóa những che chướng ngăn cản sự phát triển của nó. Ở cấp độ thâm sâu nhất, quán đỉnh là sự trao truyền trực tiếp chân lý tuyệt đối của giáo pháp. Như chúng ta đã biết, tất cả mỗi mọi chúng sinh đều có Phật tính, nhưng nó bị che lấp. Hơn thế nữa chúng ta đã nhận ra nó. Nếu chúng ta sẵn sàng và có kết nối thanh tịnh với một Kim Cương Đạo sư, việc nhận ra sẽ được trao truyền thông qua buổi lễ. Như vậy, từng phần trong quán đỉnh giới thiệu từng khía cạnh khác nhau của bản tính tự nhiên của chúng ta, lập tức tịnh hóa các tập khí khác nhau, những thứ ngăn cản việc chứng ngộ. Có lẽ việc nhận ra này sẽ bám chặt và chúng ta sẽ chứng ngộ từ thời điểm này trở đi. Hay điều đó có thể chỉ là tạm thời, nhưng khi đã thấy, chúng ta sẽ có thể tiếp cận giác tính này trong thực hành sau đó. Cuối cùng, lời nguyện quy y và phát Bồ đề tâm được tụng đọc theo vị Lạt ma. Mật giới [samaya] được ban cùng với ít nước nghệ hay rượu để khóa lại hứa nguyện, cùng với lời cảnh báo nghiêm khắc về điều có thể xảy ra với những ai phá giới. Vào ngày mai và ngày kia tức ngày 15/7 và ngày 16/7/2017 tại Tổ Đình Trung Hậu, Đại sư Garchen Rinpoche sẽ tiếp tục có những bài giáo huấn tinh yếu về Thiền định và trực chỉ chân tâm dựa trên bài kệ Đại Nguyện Phổ Hiền Như Lai. - Hướng dẫn thực hành thiền chỉ & thiền quán Từ-Bi-Tâm.
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |