Chi tiết tin tức

TT. Thích Chân Quang giảng tại Khóa học hè: ”Sống để làm gì?”

18:15:00 - 24/06/2018
(PGNĐ) -  Vừa qua, sáng ngày 14/06/2018, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi nói chuyện với các em khóa sinh trong khóa sinh hoạt hè tại đây, với chủ đề “Sống để làm gì?”.

Mở đầu, Thượng tọa yêu cầu các em tự đặt câu hỏi: tại sao mình có mặt trên đời, và mình sống để làm gì?

Ai cũng thế, vì cha mẹ sinh ra, vì nghiệp duyên đưa đẩy mà ta đến với cuộc đời, trôi nổi theo dòng đời, nhiều khi cũng chẳng thắc mắc mình sống để làm gì.

Khi đến với mái chùa, các em được truyền cho một triết lý sống cao thượng là “Sống để phụng sự”. Tuy nhiên, phải hiểu rằng câu nói đó chỉ là một lời đanh thép để ghi khắc vào trong lòng, còn nói cho đầy đủ phải là “sống để góp phần dựng xây một thế giới tốt đẹp hơn”. Đó là lý tưởng của tất cả chúng ta.

Mà để thực hiện lý tưởng quá lớn này, nơi mỗi người cần có hai điều. Thứ nhất là lòng yêu thương cả thế giới này. Thứ hai là bản lĩnh, có năng lực thật sự. Nếu không có khả năng, mình dễ trở thành người ăn bám, thành gánh nặng cho người khác, hoặc làm đến đâu hư đến đó, chẳng đóng góp dựng xây được bao nhiêu.

Đầu tiên là lòng yêu thương. Bắt đầu từ cái tâm “thương yêu” mà ta có “phước”, và có “phước” rồi thì sẽ có nhiều “cơ hội” mà đóng góp cho đời. Phước lớn bao nhiêu, cơ hội mở ra bấy nhiêu. Có thể nói, người có phước là người nhiều cơ hội, người kém phước là người ít cơ hội.

Ví dụ có người chỉ thương gia đình mình, đó là cái phước nhỏ, dần dần người này cũng có những cơ hội nho nhỏ để làm điều tốt gì đó cho gia đình. Hoặc người khác thương được cả làng xóm, như vậy cái phước bắt đầu lớn hơn một chút nên cơ hội cũng lớn hơn. Tự nhiên dần dần người này có năng lực, có tiền bạc, có con người để làm nhiều việc công ích cho xóm làng.

Hoặc người yêu thương được đất nước thì phước lớn vô cùng, nên có ngày họ cũng được cơ hội làm những điều thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia. Cho nên, nhìn những vị lãnh đạo lớn ta phải hiểu rằng trong quá khứ, tấm lòng của họ là yêu cả đất nước này.

Có thể nói rằng, yêu thương đến đâu thì phước lớn theo đến đó, và phước lớn đến đâu thì cơ hội cũng mở ra đến đó.

Vậy nếu ai thương được cả thế giới này thì cũng có nghĩa là phước lớn vô cùng, nên cũng sẽ có cơ hội vô cùng để dựng xây thế giới tốt đẹp cho mai sau.

Hôm nay nơi mái chùa, Thượng tọa hi vọng các em mở tấm lòng ra nghĩ về cả thế giới. Trong kiếp này, có thể các em vẫn chưa làm được gì đáng kể. Tuy nhiên vẫn phải kiên trì nuôi dưỡng tình yêu thương rộng lớn đó qua nhiều kiếp, đến khi phước đã đủ lớn rồi thì cơ hội cũng sẽ mở ra rất lớn. Có khi 5 kiếp, 10 kiếp sau, các em bỗng trở thành những vĩ nhân, danh nhân mà sự cống hiến là rộng khắp, để lại tên tuổi cho cả thế giới.

Tất cả đều bắt đầu từ trái tim yêu thương. Nhưng nếu mỗi ngày ta không tự nhắc nhở, không tự buộc mình thì chẳng bao giờ thành tựu tình thương lớn đó. Vì thế, hàng ngày phải quỳ trước Phật, xin Phật cho mình sức mạnh để tâm hồn nhỏ bé hẹp hòi của mình có thể mở ra với tất cả muôn loài trên hành tinh này. Kiên trì suốt 5 năm, 10 năm như thế rồi từ tâm mới le lói xuất hiện.

Và trải qua nhiều kiếp huân tập như vậy, lòng từ bi mới trở thành bản chất tự nhiên. Đến kiếp nào đó vừa sinh ra đời, mình đã nhận thức từ rất sớm rằng trái tim mình yêu thương được cả thế giới này.

Dịp này, Thượng tọa cũng nhắc nhở các em về lòng yêu nước. Những ngày này, giữa một số biến động của đất nước, các em phải xác định lập trường sống và chết với đất nước mình, trung thành, quyết tâm bảo vệ đất nước.  Dù chưa làm được nhiều, nhưng ý niệm đó phải ghi khắc trong tâm mình.

Tiếp theo, ngoài tình yêu thương, yếu tố thứ hai để dựng xây thế giới là bản lĩnh, tức là phải tài giỏi.

Muốn tài giỏi, đầu tiên các em phải “siêng năng từ những việc rất bé”. Người đã gieo cái nhân lười biếng thì không bao giờ giỏi được.

Cho nên tại khóa hè ở chùa, các em được thực hành: dọn dẹp, sửa chữa (đóng đinh, sửa bóng đèn…), giữ an toàn điện, cứu hộ cứu nạn và nhiều kĩ năng nho nhỏ khác, để mai này trở về với cuộc sống ngoài kia các em trở thành con người hữu dụng, siêng năng. Mà khi siêng năng trong từng việc nhỏ như thế thì mai này các em mới làm được điều lớn lao.

Thứ hai, Thượng tọa cũng yêu cầu các em tập thêm một kĩ năng là “quan sát xem người chung quanh mình cần gì”. Ở trong nhà, các em biết cha mẹ mình đang cảm thấy vui buồn mệt mỏi thế nào, đang cần gì; ở trường lớp, các em biết người bạn trong lớp mình đang thiếu thốn gì, hay mắc cái lỗi nào, và chính các em sẽ giúp bạn được gì…

Cả tuổi thơ cố gắng như vậy thì trí tuệ sẽ lớn dần. Sau này bước vào cơ quan làm việc, các em sẽ hiểu được công việc cần gì, hoặc nếu làm cán bộ viên chức, các em cũng nhận ra người dân địa phương đang cần gì. Tức là tài năng, trí tuệ bắt đầu từ sự tinh tế với những điều rất nhỏ, huân tập từ thuở bé thơ.

Cuối cùng, Thượng tọa khuyến khích các em tập quan sát cuộc sống chung quanh, “tìm ra những điểm bất hợp lý” mà lâu nay mình bỏ qua như: chiếc ghế đặt sai chỗ, rác vung vãi hai bên đường, chiếc bóng đèn không cần thiết phải bật sáng v.v.. Phải tập nhìn ra, và tập sắp xếp lại cho hợp lý.

Thượng tọa nhấn mạnh rằng, lâu nay ta có mắt nhưng đôi mắt đó dường như không sáng, vì mình rất hay bỏ qua những điều vô lý chung quanh. Mà như vậy là người không trí tuệ, không sâu sắc.

Vì thế, sau giờ học, các Chánh đã chia nhau đi quanh chùa, thực hành tìm và ghi lại những điều chưa hợp lý của cảnh trí chung quanh. Cái gì có thể sắp xếp lại thì sắp xếp ngay, như khiêng một thanh sắt, dời một tảng đá… còn việc gì chưa làm được vẫn phải ghi vào sổ, nộp lại vào cuối buổi. Thiết nghĩ phần thực hành nhỏ này sẽ ghi dấu ấn vào tâm trí của trẻ, giúp trẻ sau này thường ý thức tôi luyện cho mình sự tinh tế, bén nhạy.

Bài học kết thúc trong những nụ cười, ánh mắt đầy hân hoan thương kính của khóa sinh dành cho Thượng tọa giảng sư – Người đã thắp sáng, đã hồi sinh cho bao điều thiện lành lớn dậy trong tâm hồn các em./.

 

Bài, ảnh: Tâm Trụ

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin