Chi tiết tin tức

Hải Phòng: HT. Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng tại chùa Hải Ninh

22:10:00 - 28/12/2017
(PGNĐ) -  Sáng ngày 28/12/2017 (nhằm ngày 11/11/Đinh Dậu) , nhân kỷ niệm ngày khánh đản Đức Phật A Di Đà và tiếp nối tinh thần của giác linh Cố Ni trưởng Thích Diệu Tâm, tại chùa Hải Ninh ( Chùa Đồng Thiện) – phường Vĩnh Niệm – quận Lê Chân – thành phố Hải Phòng đã trang nghiêm diễn ra lễ Khai mạc Khóa tu niệm Phật 7 ngày lần thứ XIV. Đồng thời, đại chúng đã được nghe Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thuyết giảng sau buổi lễ khai mạc.

Chứng minh buổi lễ có: Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng Ban hoằng pháp TW GHPGVN; Đại đức Thích Thanh Hiển - Ủy viên thường trực, kiêm Chánh thư ký BTS GHPGVN thành phố Hải Phòng; Đại đức Thích Giác Sơn - Ủy viên thường trực, Phó trưởng BTS GHPGVN quận Lê Chân; Đại đức Thích Quảng Nghĩa – Trưởng Ban hướng dẫn cư sĩ Phật tử GHPGVN thành phố Hải Phòng, Trưởng BTS GHPGVN quận Dương Kinh; Đại đức Thích Giác Trung - Ủy viên thường trực, Chánh văn phòng trường Trung – Cao đẳng Phật học Thành phố Hải Phòng; Ni sư Thích Diệu Minh – trụ trì chùa Hải Ninh, Trưởng Ban tổ chức khóa tu.

Ngoài ra, buổi lễ còn có sự hiện diện của gần 100 Phật tử phát tâm tinh tiến về tu tập trong khóa tu niệm Phật lần thứ XIV diễn ra trong suốt 7 ngày, từ 28/12/2017 đến hết ngày 3/1/2018.

Mở đầu chương trình là lời phát biểu khai mạc của sư cô Thích Diệu Thủy – thay mặt Ban tổ chức khóa tu. Trong lời phát biểu, sư cô nhấn mạnh mục đích của khóa tu niệm Phật “Trong Kinh Đại Tập có dạy: “ Đời mạt pháp ức ức người tu hành hiếm có một người đắc đạo. Chỉ có nương vào niệm Phật mới thoát khỏi sinh tử”. Vâng theo lời dạy của Đức Từ Phụ, Cố giác linh Ni trưởng Thích Diệu Tâm - Trụ trì chùa Hải Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Phật tử cắt bớt trần duyên, thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, chứng nghiệm sự an lạc trong giáo pháp của Đức Phật thông qua 8 khóa tu niệm Phật”.

Sau lời cảm niệm tri ân của đại diện Phật tử chùa Hải Ninh, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có lời đạo từ cảm niệm công đức của cố Ni trưởng trụ trì Thích Diệu Tâm – một người Ni trưởng mẫu mực, giới đức trang nghiêm, tận tâm phụng sự Tam Bảo của Phật giáo Hải Phòng nói riêng và trong hàng ngũ lãnh đạo Ni giới Phật giáo Việt Nam nói chung. Đồng thời Hòa thượng cũng có lời cảm niệm công đức của chư tôn đại đức đã về chứng minh lễ khai mạc ngày hôm nay, bởi theo hòa thượng, sự có mặt này chính là “trợ duyên giúp cho người quá vãng tròn được tâm niệm người đi trước đã làm và người sau tiếp nối”. Hòa thượng mong rằng Ni trưởng trụ trì cùng chư ni trong chốn trụ xứ nói riêng và chư tôn đức Tăng Ni nói chung sẽ tiếp tục duy trì các khóa tu hiện tại và mở rộng hơn nữa, đồng thời dành sự quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của Đất nước.

Chương trình hành chính hoàn mãn sau lời phát biểu cảm tạ của sư cô Thích Diệu Hiếu – Chư ni chùa Hải Ninh.

Sau đó là thời pháp thoại của Hòa thượng. Mở đầu thời pháp thoại, Hòa thượng chia sẻ niềm hoan hỷ , ấm lòng bởi “được trở về ngôi chùa Hải Ninh này, nhìn lên bàn thờ Tổ sư, nhìn lên bàn thờ các cụ, chúng tôi hoài niệm về công lao của các Ngài. Chư vị lịch đại Tổ sư đã có một chiều dài lịch sử với sự tồn tại, phát triển của lịch sử Phật giáo Việt Nam trên đất Cảng thân yêu này. Gần đây nhất, giai đoạn cận đại, 2 chị em Cố ni trưởng trụ trì tiền bối Tịnh Nguyệt người ở Sa Đét, nhưng đã ra đây hành đạo và hoằng truyền chính pháp, thắp sáng ngọn đèn từ ở chùa Hải Ninh này. Để rồi lưu lại xá lợi của Hòa thượng người em của sư bà – cố Hòa thượng Khánh Nghiêm. Sau khi Đất nước thống nhất, cố ni trưởng lại trở về miền nam, trong thời gian lưu dấu tại Tổ đình này, cố ni trưởng Tịnh Nguyệt đã tiếp độ được các vị đệ tử mà sau này trở thành các vị ni lớn trụ trì chùa Hải Ninh, chùa Phổ Minh, chùa Đông Khê, chùa Đôn... Các vị ni trưởng, các vị ni sư lớn đã tiếp dòng thiền để khêu đèn chính pháp, đặc biệt trở về Tổ đình đây, nhìn di dung của cố trưởng lão Viện chủ chùa Quan Âm ở tại Paris – Pháp, càng cảm niệm công đức của quý Ngài hơn.

Các Ngài đã không quản ngại đường xa nghìn trùng, mang chính pháp của Phật bên đất trời Tây. Bên Pháp là một đất nước hầu như theo đạo công giáo, mà các Ngài đã sang đó mang chính pháp của Phật, mang phong tục văn hóa và đạo đức của người Việt truyền bá cho người Việt đang định cư tại nước Pháp cũng như làm ảnh hưởng cho người dân bản xứ biết tới đạo Phật, biết tới văn hóa Việt Nam. Hòa thượng trở thành bậc danh tăng của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại. Rồi Ni trưởng Thích Diệu Minh cũng sang đó hầu hòa thượng và kế đăng”.

Nhân dịp này, Hòa thượng đã nhắc lại cho đại chúng về đạo hạnh của cố ni trưởng Thích Diệu Tâm “một vị ni trưởng lớn, đạo hạnh và suốt đời tận tụy cho Giáo hội, cho Phật pháp, phục vụ nhân sinh, người sống được nhờ, người chết được yên phần mồ. Đó là công đức của cố ni trưởng Thích Diệu Tâm rất lớn. Bên cạnh đó, cố Ni trưởng chăm lo cho đời sống tu tập của Phật tử mà hôm nay chúng tôi thấy rất hoan hỷ, đó là việc cố Ni trưởng đã tổ chức được 8 khóa tu niệm Phật. Cứ mỗi một năm, về mùa khánh đản Đức Phật A Di Đà, người lại tổ chức khóa tu niệm Phật 7 ngày cho các Phật tử. Tuy rằng số lượng không đông, nhưng ngồi đây tôi thấy gần 100 vị nét mặt trang nghiêm, toát lên vẻ thanh cao tâm hồn giải thoát của một người được tu Phật, vượt qua chướng duyên mỏi mệt của thân tứ đại tuổi già, đặc biệt trong tiết trời lạnh mưa giá rét của ngày đông hôm nay, các Phật tử vẫn trang nghiêm ngồi tu tập này, cho nên tôi thấy rất ấm lòng ở buổi giảng hôm nay”.

Ngoài ra, Hòa thượng giảng sư còn sách tấn các hành giả đang tu pháp môn niệm Phật, chia sẻ những kinh nghiệm của Hòa thượng về pháp môn niệm Phật thù thắng, củng cố niềm tin cho các Phật tử có mặt tại đạo tràng. Pháp môn tu niệm Phật cũng được Chư tổ nhắc đến trong bài cảnh sách thảo đường buổi sáng:

“ Bài cảnh sách trong nhà tịnh nghiệp,

Tuân lời vàng cổ triết Thiền tông,

Muốn tu Tịnh độ thành công,

Cốt sao ba nghiệp sạch trong làu làu.

Thân khẩu ý trước sau tinh khiết,

Thời hiện tiền tịnh nghiệp mới nên,

Trau dồi ba nghiệp chưa chuyên,

Vãng sinh Tịnh độ nhân duyên lu mờ.”

Trong bài cảnh sách này, Chư tổ cũng dăn dạy chúng ta muốn tu tịnh độ được thành công thì chúng ta phải làm sạch ba nghiệp, luôn trau dồi ba nghiệp sao cho ba nghiệp Thân – Khẩu – Ý được thanh tịnh, như thế thì người tu niệm Phật mới thành công. Hơn thế nữa, chúng ta phải niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn, buông bỏ mọi lương duyên, nếu chúng ta còn khổ đau thì ma chướng sẽ kéo ta xuống địa ngục, nếu chúng ta thoát được khổ đau, gieo nhân ở Ta Bà tốt thì Cực Lạc sẽ trổ hoa. Hòa thượng cũng chia sẻ thêm, buổi sáng thức dậy, các Phật tử nên niệm Phật 10 câu, bởi lúc đó tâm của chúng ta chưa bị tạp loạn, chưa bị chi phối bởi các hoạt động bên ngoài, niệm Phật một cách chí thiết, chí thành và nguyện một ngày an lành sẽ đến trong mỗi chúng ta. Mặt khác, chúng ta cần phải hành trì mỗi ngày 3 thời niệm Phật, niệm Phật không dời khỏi tâm, niệm Phật mọi lúc, mọi nơi, đi đứng, nằm ngồi không dời câu niệm Phật, có lúc niệm thành tiếng, có lúc niệm ở trong tâm. Có được như vậy thì Cực Lạc sẽ ở gần với chúng ta hơn, nhất định chúng ta sẽ được sinh về nước của Đức Phật A Di Đà.

Kết thúc thời pháp thoại, Hòa thượng giảng sư đã chúc chư Ni trong chốn trụ xứ cùng quý Phật tử có một khóa tu niệm Phật nhân kỷ niệm khánh đản Đức Phật A Di Đà thật an lạc, chúc các Phật tử tinh tấn tu học để gieo nhân lành vãng sinh Cực Lạc.

 

Thành Trung - Bảo Trinh

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin