Chi tiết tin tức

TT. Chân Quang giảng cho sinh viên chủ đề: Sống để làm gì?

22:08:00 - 01/02/2018
(PGNĐ) -  Tối ngày mùng 06/12/năm Đinh Dậu, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã thuyết giảng đề tài SỐNG ĐỂ LÀM GÌ cho hơn 2500 em sinh viên về chùa công quả phục vụ đại lễ Phật thành đạo. Ngoài ra, còn có hơn 3500 phật tử thuộc Ban Điều Hành đạo tràng trong cả nước. 

Giữa chốn rừng cao núi cả, trong cái se lạnh của những ngày cuối năm, các em được đón nhận những lời trao đổi của Thượng tọa đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Bài Pháp thoại đã cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của xã hội loài người và những yêu cầu bức thiết mà thời đại ngày nay đặt ra. Từ đó, các em biết tìm cho mình lí tưởng sống đúng đắn và phấn đấu cho lí tưởng đó để tiếp tục là người có giá trị, đứng vững được giữa cuộc đời.

Mở đầu, Thượng tọa đặt cho các em câu hỏi quen thuộc: “Sống để làm gì?”. 

Theo Thượng tọa, rất nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng vì trót được sinh ra thì phải sống. Tuy nhiên cuộc đời không đơn giản chỉ là sống, là tồn tại mà còn kéo theo nhiều nhu cầu khác, nhiều suy nghĩ, ước mơ, tình cảm yêu ghét… Con người tự đặt ra cho mình nhiều mục tiêu, nhiều nhu cầu mà các giống loài khác không có. Do đó, để duy trì cuộc sống này cũng cực lắm chứ không phải dễ. 

Kế tiếp, Thượng tọa đặt câu hỏi thứ hai: loài người được định nghĩa là giống loài thông minh nhất, nhưng thế nào là thông minh nhất? Có thể nói rằng, “giống loài thông minh nhất là giống loài tự tạo ra nhu cầu cho mình nhiều nhất”. Câu nói này hơi cao xa nhưng ngẫm lại ta sẽ thấy đúng. Ví dụ, các loài thú sinh ra rồi sống, chết theo bản năng, ít có nhu cầu về ăn uống, giao phối, bầy đàn,… 

Riêng con người, nhu cầu lại nhiều quá sức tưởng tượng, chẳng hạn phải có những chiếc điện thoại đời mới, có những chiếc xe hiện đại, phải được thưởng thức âm nhạc v.v…  Ta tự tạo ra nhu cầu vì nghĩ rằng chúng mang đến cho mình niềm vui, hạnh phúc. Tuy nhiên không ngờ rằng đó cũng chính là gánh nặng, là trói buộc, khổ đau. Vì vậy, cần hiểu rõ nhu cầu cũng có tính hai mặt.

Quay lại với câu hỏi sống để làm gì, Thượng tọa cho rằng em nào cũng đã có sẵn câu trả lời trong đầu, nhưng cuối cùng câu trả lời đúng nhất vẫn là sống làm sao để trở thành một người có ích cho cuộc đời. 

Như ta thấy, nhu cầu của mọi người thì rất nhiều nhưng xét cho cùng, chúng cũng chỉ là giả, không có thật. Giờ ta phải định hình, tỉnh táo lại, đã theo Phật là phải biết nhân quả, luân hồi; biết mục tiêu vô ngã; biết thiền định. Nhờ đó, ta biết giảm bớt đi các nhu cầu của mình, từ từ sống giản dị lại.

Chúng ta nhiều lần tự hỏi mình sống để làm gì? Bố mẹ sinh ra ta hay cái nghiệp xô đẩy? Sao cuộc sống nhiều lúc lại trở nên vô nghĩa?...  Nếu hiểu đạo, ta sẽ thấy cuộc sống này không có gì là quan trọng, mọi thứ chỉ là phù du. Lúc đó, ta biết dành trọn cuộc sống của mình để làm lợi cho người khác.

Người khẳng định, biết sống để làm lợi cho người khác giúp ta tránh được hai tâm lí. Một là tâm ích kỉ, hai là tâm có động cơ để sống. Tâm ích kỉ mọi người đã quá quen, nhưng tâm có động cơ sống có thể là lần đầu ta mới được nghe.

Theo Thượng tọa, tâm có động cơ sống rất xâu xa, nhiều người tự tử cũng chỉ vì mất đi tâm này. Nghĩa là cái tâm đó giúp ta duy trì được cuộc sống. Cứ xác định được mục tiêu sống có ích cho cuộc đời là ta có động cơ. Nhờ động cơ này, ta cố gắng phấn đấu, có sức mạnh kiên cường để vượt qua những khó khăn. Tức là, nếu xác định làm người sống có ích thì ta được rất nhiều cái lợi cho tâm hồn và cuộc đời mình. Người nghĩ được điều này hẳn là người hay giúp đỡ, tử tế với người khác. Quả báo mang lại là cuộc đời họ được nhiều hạnh phúc, may mắn. Thêm nữa, trong vòng luân hồi bất tận này, họ được chọn cho mình một con đường ở đẳng cấp trên cao.

Thế giới có rất nhiều giống loài, mỗi giống loài lại có nhiều đẳng cấp. Người chọn động cơ sống ích kỉ, chỉ tập trung thỏa mãn cho nhu cầu của mình thì sẽ không biết sống vị tha, không biết tử tế với người khác. Trong luân hồi, học đang tự đi về hướng đẳng cấp thấp. Ngược lại, nếu biết chọn động cơ sống có ích cho cuộc đời là ta chọn cho mình chiều hướng đi lên.

Thêm nữa, sống có ích cho đời, nghĩa là ta phụng sự, cống hiến, đem lại niềm vui cho mọi người xung quanh, cho cộng đồng, đất nước và nhân loại của mình. Như vậy, cái ban đầu của ta là chọn mục tiêu sống đúng là sống cho có ích. Nhưng trước hết, muốn đem lại giá trị và lợi ích cho mọi người, câu hỏi quan trọng ở đây là ta có gì để cho người khác?

Muốn cho ai tiền thì chính mình phải có tiền, muốn cho người khác niềm vui thì bản thân mình phải tràn ngập niềm vui trước, muốn mang hạnh phúc cho người thì mình phải hạnh phúc trước. Nếu người khác vui hơn, họ không cần ta cho niềm vui. Nếu giàu hơn, họ không cần ta cho tiền. Nếu giỏi hơn, họ không cần ta dạy. Ta có thể trở nên thừa thãi, mặc dù đã xác định mục tiêu sống có ích. Điều bẽ bàng là có mục tiêu rồi nhưng vẫn trở thành vô ích. Cho nên ta phải hơn rồi mới cho người khác được.

Hiện tại, rất nhiều người đã và đang sống rất có ích cho đời. Dù tuổi cao nhưng họ vẫn miệt mài cống hiến không ngừng nghỉ. Chỉ nỗ lực phụng sự vậy họ mới thỏa mãn được mục tiêu sống có ích của mình.

Lại nữa, Thượng tọa đặt tiếp câu hỏi: liệu ta có kiến thức, năng lực, nghề nghiệp gì để phụng sự đời, mang niềm vui hạnh phúc cho đời? Mỗi người hãy tự ngẫm lại mình. Liệu sắp đến ta sẽ đóng góp, cống hiến được gì cho đời nếu ta thua kém cuộc đời? 

Theo Thượng tọa, ngày hôm nay ta không thể lường trước chuyện gì, vì sự tiến bộ của khoa học đã vượt ngoài sức tưởng tượng của con người. Tương lai không còn là vài mươi năm nữa, mà có thể chính là ngày mai. Cũng giống như sự tiến bộ của loài người: 

+ Đầu tiên là dùng công cụ lao động đơn giản, như mảnh đá vỡ có cạnh sắt để thay cho bàn tay mà đào bới cắt xén.

+ Thứ hai là chế tạo những công cụ phức tạp hơn một chút (chẳng hạn cắt, ghép lắp gỗ để đạp đất, mài đá để chặt cây…). 

+ Thứ ba là sắp xếp các công cụ đó phức tạp hơn nữa nhằm mượn năng lượng của trời đất, ví dụ lấy sức gió quay cánh quạt, lợi dụng nước chảy qua guồng nước để xay gạo, chế tạo chiếc xe để ăn cắp sức của con ngựa v.v… 

+ Bước thứ tư là chế ra được động cơ máy nổ, đồng thời khai thác dầu mỏ để chủ động về năng lượng. Khi này hiệu quả của máy móc vượt hơn sức của con người gấp ngàn lần, như những chiếc máy nâng được khối đá cả trăm tấn, hoặc những cỗ máy bay được đến tận sao Hỏa v.v… 

+ Bước thứ năm, không còn dùng máy móc thay thế cơ bắp nữa mà dùng máy móc để tính toán thay con người, ta gọi là “máy điện toán”. 

+ Bước thứ sáu là tìm ra trí tuệ nhân tạo. 

Thượng tọa nhận định, bắt máy tính toán giúp mình đã là một bước tiến rất xa, trí tuệ nhân tạo này còn xa hơn nữa và thế giới vẫn chưa có một định nghĩa chính xác về nó. Vậy nên, nhân cơ hội này, Người sẽ cố gắng giải thích để mọi người hiểu được những cái căn bản về nó. 

Trước hết, việc đưa phép tính vào rồi bắt máy móc tính toán là hành động có mục đích. Còn trong trí tuệ nhân tạo, ta giao toàn bộ cho máy móc tự tìm mục đích, tự tìm bài toán và tự tìm lời giải, tìm giải pháp, tức là để máy móc suy nghĩ và sáng tạo luôn thay cho con người. 

Ở mức độ này thì giữa máy và con người bắt đầu có giá trị bằng nhau, nhưng máy giỏi hơn con người. Ta phải nhớ, giá trị của con người nằm ở chỗ có mục đích và sáng tạo. Việc biết tìm cho mình mục đích sống cũng chính là tạo nên cho mình một giá trị. Nhưng hôm nay, thay vì tạo giá trị cho mình, ta lại đẩy cơ hội đó sang cho máy móc. Như cách đây mấy ngày, một phần mềm của Microsoft khi được nhập vào một đoạn văn ngắn tả con chim, nó đã tự sáng tạo ra hình ảnh của con chim giống như trong đoạn văn. Tức là nó đọc hiểu được đoạn văn và sáng tạo được.

Và còn rất nhiều trường hợp khác nữa, máy móc đã bắt đầu giỏi hơn con người. Do vậy, Thượng tọa cho rằng, nếu cứ tiếp tục đùn đẩy, giao phó lại tất cả cho máy móc thì một ngày nào đó, chúng ta không còn một chút giá trị nào nữa. Mọi cái từ đơn giản đến phức tạp, máy móc đều làm được mà không cần con người. Lúc đó, con người chỉ có lên chùa thôi.

Tuy nhiên, lên chùa cũng không phải dễ bởi muốn tu được thì ta phải có phước lớn. Nếu không thể tu hay không thể công hiến, phụng sự là ta không có phước rồi. Ngay cả tu ta cũng không tu được thì ta chẳng còn làm được gì nữa. Cuối cùng, chính nền văn minh do con người tạo ra đã gạt con người qua một bên, con người trở thành thừa thãi giữa thế giới này.

Trong tình huống ấy, Thượng tọa đặt ra câu hỏi rằng: khi máy móc lên ngôi, làm chủ cuộc sống này thì liệu chúng còn cho ta cuộc sống; cho ta cơm ăn áo mặc; cho ta đi chùa hay chúng lại loại bỏ ta cho bớt gánh nặng? Thật sự rất khó trả lời. Nhưng ta có thể chắc chắn được một điều rằng nếu kịch bản đó xảy ra, dù ta có quan điểm sống để cống hiến, phụng sự thì cũng không còn cơ hội sống để làm điều đó nữa. Máy móc sẽ thay ta làm mọi việc, kể cả tu.

Trong vòng xoáy ấy, thế giới này sẽ đi về đâu? Dù cố gắng suy nghĩ thì ta cũng không thể thấu rõ được, nhưng chúng ta phải nhanh chóng bước vào tiến bộ đỉnh cao của loài người, đó là trí tuệ nhân tạo. Để trở thành người có giá trị, bước được vào giai đoạn trí tuệ nhân tạo mà không bị ai gạt ra, ta phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều, đặc biệt là trau dồi trí tuệ. Cái phải biết trước nhất là lập trình máy tính. 

Nhân đây, Thượng tọa kêu gọi các em thanh niên, thậm chí cả phật tử nói chung ai cũng phải học lập trình giỏi. Ngày hôm nay ai không biết đi xe đạp, xe máy, thậm chí ở một số quốc gia là xe ô tô, hoặc không hiểu về toán học thì không thể bước vào cộng đồng con người. Cũng vậy, trong tương lai không xa, ai không biết lập trình cũng sẽ trở thành con người của quá khứ.

Lập trình là gì? Muốn nhờ máy tính làm công việc nào, ta phải biết nói chuyện với nó, cách nói chuyện đó gọi là lập trình. Trong tương lai, ai không biết lập trình, tức là không biết nhờ máy tính giúp mình, đó sẽ là người bị gạt ra khỏi xã hội loài người. Đệ tử Phật phải biết lập trình vi tính, để ta tiếp tục là người có ích cho cuộc đời, cho đất nước, cho nhân loại, cho Phật pháp. 

Kế đến Thượng tọa chỉ đạo cho các Chúng thanh niên phải nhân rộng những lớp học lập trình ở khắp nơi. Nếu từ trước đến nay, chúng ta hỏi han sức khỏe, học vấn,… là vì quan tâm, yêu thương nhau. Nhưng bây giờ, nếu quan tâm nhau thì phải hỏi nhau xem học lập trình chưa. Đừng coi lập trình là chuyện đùa, phải coi đó là nhiệm vụ, trách nhiệm, và ta phải học được môn học khó khăn này.

Bằng những lập luận rõ ràng, chặt chẽ, cùng ngôn từ giản dị, gần gũi, và lối truyền đạt hài hước, dí dỏm, bài Pháp thoại của Thượng tọa đã tạo nên sức cuốn hút đối với giới trẻ. Thông qua buổi nói chuyện này, các em có cơ hội nhìn lại bản thân, biết được mình đang đứng ở đâu giữa cuộc đời này. Đồng thời, biết đặt ra mục tiêu, lí tưởng sống đúng đắn cho mình để không bị là người thừa trong xã hội.

Lại thêm, bài Pháp mang đến thông điệp hết sức thực tế. Đó là chúng ta chỉ sống và có giá trị khi còn là người có ích, còn cống hiến được cho cuộc đời, cho xã hội. Thực sự, quá nhiều người đang không biết mình sống để làm gì, mình sống vì cái gì. Nếu cứ tiếp tục như vậy, thật chẳng phải là ta đang lãng phí cuộc đời mình hay sao. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí.   

Đồng thời qua bài nói chuyện của Thượng tọa, chúng ta có thể cảm nghe một trí tuệ sắc bén, một tầm nhìn xa rộng đáng ngạc nhiên. Và điều đó càng chứng tỏ “tất cả các pháp đều là Phật pháp”, dù thời đại tiến bộ đến đâu thì đạo lý, trí tuệ từ Phật giáo vẫn có khả năng soi sáng, dẫn đường đến đó.

 

Tâm Trụ

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin