Chi tiết tin tức

TT. Thích Chân Quang giảng pháp chủ đề: ''Bản năng'' tại chùa Nhân

19:04:00 - 23/12/2017
(PGNĐ) -  Vừa qua, TT Thích Chân Quang – Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang (BRVT) đã đến thăm và chia sẻ Pháp thoại có chủ đề “BẢN NĂNG” tại chùa Nhân (thôn Ngọc Khám – xã Gia Đông – huyện Thuận Thành – tỉnh Bắc Ninh).

Theo đó, Bài Pháp đã chỉ rõ nguồn gốc, đặc điểm cũng như những tác động của bản năng đến đời sống sinh hoạt và con đường tu hành của các phật tử. Từ đó, giúp mọi người biết cách kiềm chế bản năng, điều chỉnh hành vi mình cho đúng đắn. Đồng thời, cố gắng tinh tấn tu tập, sớm chứng ngộ Thánh vị cao siêu, dứt được hoàn toàn bản năng.

Trước khi đi vào nội dung, Thượng tọa khẳng định bài Pháp thoại này tương đối khó hiểu vì nó đi vào tầm sâu của tâm thức, tâm lí. Vốn dĩ bản năng là những khuynh hướng tự nhiên, không cần học mà được lập trình sẵn. Và nó cực kì mạnh mẽ, phức tạp, không đơn giản như những gì chúng ta thường nghĩ.

Ví dụ, bản năng sinh tồn, vì miếng ăn người ta dám làm nhiều việc đồi bại, tội lỗi, thậm chí là giết người. Hay bản năng ái dục, nó là bản năng tự nhiên, bình thường của chúng sinh nhưng khi bị kích động, cái “bình thường” ấy vẫn khiến con người làm những chuyện cực kì độc ác. Nghĩa là nếu đẩy bản năng vào hoàn cảnh nào đó, ta sẽ thấy sức mạnh của nó rất khủng khiếp. Nó có thể khiến người ta bất chấp tất cả, bỏ qua cả đạo lí, đạo đức, pháp luật, danh dự và tình nghĩa, chỉ để thỏa mãn bản năng của mình.

Người nhấn mạnh, chỉ người có phước mới kiềm chế được bản năng. Tuy nhiên, chỉ là kiềm chế thôi chứ không thể diệt trừ hoàn toàn được. Giống như một ông cụ tóc bạc, chống gậy lom khom, vậy mà thẳm sâu trong tâm vẫn chưa bao giờ dứt cái thích với người nữ, khủng khiếp như vậy. Nhưng ông không làm bậy, ông kiềm chế bản năng được vì ông có phước, có tu dưỡng, có khiêm hạ

Hiểu rõ điều đó rồi, ta mới thấy giá trị của người đạo mạo không phải là hết xấu, mà là kiềm chế hóa, giải bớt cái xấu mà thôi. Còn sức mạnh của bản năng quá lớn và nó luôn thúc đẩy chúng sinh tạo nghiệp rồi trôi mãi trong luân hồi sinh tử. 

Bản năng có nhiều dạng. Ví dụ như: sinh tồn, yêu ghét, ái dục,… hay cái biết tự nhiên, không cần ai dạy cũng là một dạng bản năng. Ngoài ra, còn có cái gọi là trực giác. Trong loài người, nữ giới có trực giác nhạy bén hơn nam giới. Giữa chúng sinh, trực giác của một số loài còn mạnh hơn con người, chúng có thể hiểu được suy nghĩ, tình cảm của chúng ta. Ví dụ như cá heo, cá voi,… Ngay cả cây cối cũng có trực giác, có bản năng sống. Đây là lí do mà khi ăn quả, ăn lá, ta đều phải có lòng biết ơn.

Có những trường hợp đặc biệt mà bản năng bị biến dạng, giống như trường hợp đồng tính. Thực ra cơ chế sinh lí của con người không phù hợp cho nữ yêu nữ, nam yêu nam. Đến nay, cả thế giới vẫn chưa hiểu được cái không bình thường này và cũng chưa tìm ra cách để đưa người ta trở về bình thường nên đành chấp nhận bằng cách hợp pháp hôn nhân đồng tính. Nhưng nếu chấp nhận, khuyến khích quá đáng, xã hội sẽ trở nên hỗn loạn. 

Hay những trường hợp loạn luân, tức là tính dục cận huyết thống. Tự nhiên đã cài đặt cho con người một loại điện sinh học, bảo vệ, ngăn cản không cho những người cận huyết thống có sự yêu thích về tính dục với nhau. Nhưng trong thực tế, vẫn xảy ra tình yêu cận huyết thống. Đó cũng là một dạnh bệnh mà bản năng bị biến dạng. Dĩ nhiên là có nhiều nguyện nhân, trong đó có nguyên nhân là phước bị tổn giảm, khiến người ta làm những việc không còn được bình thường, đúng đắn. 

Theo Thượng tọa, bản năng thì có cả tốt và xấu. Một vài bản năng còn làm lợi cho con người. Ví dụ như bản năng thương con của người mẹ, bản năng ham sống sợ chết,… Nhờ có những bản năng này mà con người biết yêu thương, quan tâm đến sức khỏe, tính mạng, cảm xúc của mình cũng như của người khác. Do đó, khi tìm hiểu bài này rồi, chúng ta mới có cơ sở để định nghĩa được thế nào là bậc Thánh. Đó là bậc “diệt trừ được bản năng”. Còn thực tế, nhiều khi chúng ta nhầm lẫn. Thấy một người rộng rãi bố thí, ta nói người đó sống như Thánh. Tức là ta chỉ nhìn vào hành động mà đánh giá chứ không hề biết người đó đã diệt được bản năng hay chưa.

Trong nấc thang chứng quả Thánh, Sơ quả Tu Đà Hoàn chính là bậc Thánh đầu tiên. Để chứng bậc Thánh này, ta phải diệt được 3 bản năng, hay còn gọi là “kiết sử”, tức là những điều được ấn định, đóng khung trong tâm thức. Ba bản năng đó là thân kiến, nghi và giới cấm thủ.

Thượng tọa phân tích, “thân kiến” hay còn gọi là ích kỉ, hết thân kiến là hết ích kỉ. Nghe thì thấy bình thường, nhưng nếu ta hiểu được cái tâm của một vị đã thắng bản năng ích kỉ, ta có thể quỳ lạy, tôn vị đó là Thánh được.

Tiếp đến, vị này diệt trừ được cái “nghi” cũng hết sức vĩ đại. Trên đời có rất nhiều việc không biết đâu là đúng, đâu là sai nên chúng ta quyết định làm mọi việc một cách chủ quan theo ý thích hoặc theo những gì mình được học.

Cũng khó có thể trách chúng ta bởi ranh giới giữa cái đúng và sai trong cuộc đời chỉ nhỏ như sợi tơ, kẽ tóc, kẻ phàm phu khó mà phân biệt được nên dễ nghi ngờ, nhầm lẫn. Chỉ khi chứng được Tu Đà Hoàn, ta mới thấy rõ đúng sai. Lúc đó, sự tự tin, vững vàng sẽ xuất hiện, thay thế cho cái do dự. Ta cũng không còn bị cám dỗ, đe dọa bởi tiền bạc, danh vọng nữa. Nếu chưa dứt được kiết sử “nghi”, chúng ta còn nhập nhằng giữa đúng và sai, vẫn có thể bị tác động, lôi kéo dẫn đến nhầm lẫn.

Khi chứng Tu Đà Hoàn, cái nhìn của các vị ấy bỗng mở ra thênh thang, vượt qua cả cái “giới cấm thủ”, hay còn gọi là cố chấp. Từ đó, lúc cần các vị sẽ sử dụng nguyên tắc, lúc không cần thì buông ngay. Cũng dễ hiểu bởi cái nhìn, đạo đức của các vị lớn hơn mọi quy tắc trên đời, nên các vị tự tại. Tuy nhiên, đó không phải là buông tuồng, dễ dãi. Cho nên, ta phải hiểu rằng Tu Đà Hoàn là bậc vô cùng vĩ đại giữa cuộc đời này, chưa nói đến những bậc Thánh cao hơn. Chỉ diệt hết 3 bản năng: thân kiến, nghi và giới cấm thủ thôi đã làm ta cực kì thán phục. 

Hơn nữa, chúng ta thường buông xuôi theo bản năng hơn là chiến đấu với chúng. Giống như ích kỉ - một bản năng cực kì mạnh, vì nó mà con người không ngừng xung đột, tranh đoạt, mưu hại, nhưng do nó quá mạnh nên ta không cưỡng lại được, đành phải chịu thua. Đồng thời, lập ra những lí luận để bảo vệ sự ích kỉ của mình. Ví dụ, nhiều quốc gia đã hạ độ tuổi được phép quan hệ tình dục xuống mức 13 tuổi, vì ở độ tuổi đó theo thống kê ở đất nước họ, có rất nhiều đứa trẻ đã quan hệ tình dục. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy chúng ta chịu thua bản năng. Mà chiều theo bản năng là đặc tính của loài thú. Thánh là bậc chiến thắng bản năng. Còn chúng ta, phải kiềm chế bản năng bằng ý chí thì mới được làm người.

Thượng tọa nhận định, nếu thế giới khuyến khích con người thích gì làm nấy, chiều theo bản năng thì thế giới đó đang đi dần về cõi thú. Chỉ khi con người còn biết kiềm chế, còn biết giằng co với bản năng thì thế giới mới có chỗ cho con người tồn tại. 

Tuy nhiên, có một bản năng mà con người luôn ca ngợi, các chủ thuyết chính trị luôn tôn vinh, đó là thích được tự do. Bản năng này vừa có lợi, vừa có hại. Tự do giúp con người dễ sáng tạo hơn, nhưng nếu ai cũng thích tự do, sống theo ý muốn của mình mà bất chấp tất cả, không quan tâm đến cảm nhận của những người xung quanh thì cuộc sống thật hỗn loạn. 

Chẳng hạn, vì tin vào quyền tự do mà xã hội đã rất bất công. Ví dụ, con người được tự do lựa chọn người mình thích rồi được quyền đăng kí kết hôn, trở thành vợ chồng chính thức trên pháp lí mà không màng đến ý kiến của cha mẹ. Luật pháp thật sự rất sơ hở, tàn nhẫn vì đây là một sự bất công, một cái nhân xấu, dễ dẫn đến hôn nhân không bền vững. Đây cũng là một nguyên nhân khiến tỉ lệ ly hôn ngày nay cao hơn ngày xưa. Hôn nhân chỉ thực sự bền vững khi có sự hiếu thuận trong đó. Kể cả việc một người muốn xuất gia cũng vẫn nên được sự đồng ý của cha mẹ, vì đó là sự công bằng với người đã sinh thành, dưỡng dục mình.

Nhiều người đã dịch từ ‘giải thoát” của đạo Phật sang tiếng Anh là “tự do”, thật là một sai lầm lớn. Người lí giải rằng, giải thoát là trạng thái của bậc Thánh còn tự do là khuynh hướng bản năng của phàm phu. Sự tự do của bậc Thánh không phải thích gì làm nấy mà là thoát khỏi bản năng, không còn bị bản năng sai xử. Vậy nên, mỗi ý thích của bậc Thánh đều ăn khớp với đạo lí và chúng đều là đạo đức, trí tuệ, giải thoát.

Ngoài ra, con người còn có bản năng thích thống trị, thích được người khác nghe lời. Nếu để bản năng này phát triển thoải mái, tất cả chúng ta đều trở thành kẻ độc tài. Phàm phu vốn thích áp đặt ý kiến của mình nên người khác. Còn bậc Thánh, dù rất sáng suốt nhưng vẫn lắng nghe, khuyến khích, muốn mọi người được nói, suy nghĩ để ai cũng giỏi. Phàm và Thánh khác nhau là vậy.

Cũng có trường hợp các bản năng của con người xung đột với nhau. Ví dụ như 2 bản năng tham sống sợ chết và sợ khổ. Trong trường hợp tự tử thì bản năng sợ khổ lấn át luôn bản năng ham sống sợ chết. Vì không chịu được khổ, không chịu được cảnh nợ nần, bị người yêu thương ruồng bỏ,… nhiều người dám tự kết liễu mạng sống của mình.

Hay bản năng hung dữ và bản năng sợ. Một người bình thường rất ngang tàng nhưng vẫn lễ độ với cảnh sát vì sợ. Tức là cái sợ lấn át cả cái hung dữ. Thế nên, cha mẹ dạy con hay người lãnh đạo quản lí đất nước, đều khai thác bản năng sợ hãi này để điều chỉnh hành vi của mọi người. Với những đứa trẻ chưa đủ khả năng nhận thức, ta có thế dùng đòn roi để răn dạy. Còn những người đủ khả năng nhận thức, ta phải dùng lời khuyên, đạo lí để điều chỉnh hành vi, lối sống của họ.

Trong đạo Phật, có 2 loại chứng ngộ là chứng Thiền và chứng Thánh. Nếu chứng Thánh thì dứt được bản năng (kiết sử), còn chứng Thiền thì diệt được tập khí (triền cái). Vậy bản năng và tập khí khác nhau như thế nào?

Thượng tọa giải thích, tập khí cũng được lấy từ bản năng nhưng đó là những bản năng đã trở thành thói quen, ấn định nên hành động của ta. Ví dụ, nóng giận vừa là bản năng, vừa là tập khí. Nhưng nóng giận của tập khí chỉ là đỏ mặt tía tai, khua chân múa tay. Còn nóng giận của bản năng là mưu sâu kế độc, là tự ái, hận thù. Tức là bản năng sâu cay, chìm khuất và là gốc rễ của tập khí. Do đó, chứng Thiền ta mới diệt cái ngọn, phải chứng Thánh ta mới diệt tận gốc được bản năng.

Trước khi kết thúc bài Pháp, Người tổng kết rằng “bản năng nằm trong hành ấm, là gốc rễ của bản ngã và mọi hoạt động trong tâm thức”. Vì thế, bản năng rất mạnh, chi phối mọi suy nghĩ, hành vi, tình cảm của chúng ta. Hầu hết chúng sinh, kể cả thú vật hay cây cỏ đều bị bản năng sai xử. Thêm nữa, bản năng của mỗi loài lại khác nhau và đều có cả bản năng tốt và xấu. Và phải học đến bài Pháp này, chúng ta mới có định nghĩa chính xác về bậc Thánh, đó là những bậc đã diệt trừ được bản năng. Nghe đơn giản nhưng thực sự nó vĩ đại vô cùng. 

Thực tế, bản năng là một khía cạnh của bản ngã, nằm sâu thẳm bên trong mỗi chúng sinh và không dễ dàng thắng lướt được, nên không ít lần ta mỏi mệt, buông xuôi. Nhưng chừng nào còn chiến đấu, còn kiềm chế thì ta còn tu tập và còn là một con người. Còn nếu cứ tôn thờ, chạy theo bản năng là ta đang bước về cõi thú. 

Cuối cùng, Người đã gửi những lời chúc tốt đẹp đến các phật tử và hy vọng rằng theo năm tháng tu hành, sẽ có ngày mọi người dứt được bản năng, bước vào Thánh vị đầu tiên cao quý. 

Tóm lại, bản năng là một đề tài vô cùng quen thuộc với người phật tử nhưng chưa bao giờ mọi người có một cái nhìn đầy đủ, chính xác về nó. Chỉ khi nghe đến bài Pháp thoại này, các phật tử mới thực sự hiểu một cách tường tận, thấu đáo về nguồn gốc, bản chất, đặc điểm của bản năng. Những đạo lí này sẽ góp phần thúc đẩy, uốn nắn, chỉnh sửa cho mọi người trong quá trình tu tập, giúp họ luôn đi đúng con đường mà Đức Phật đã dạy.

Thêm nữa, bài Pháp còn cho thấy bản năng chính là nguyên nhân của rất nhiều tội ác. Chính vì nuông chiều, chạy theo bản năng mà con người đã làm nhiều việc xấu xa khiến xã hội ngày càng trở nên hỗn loạn, rối ren. Để tháo gỡ được tất cả các nút thắt, trả lại sự bình yên, trật tự cho xã hội thì bài toán mang tên “bản năng” cần phải được nhanh chóng giải đáp. Và đây là nhiệm vụ của tất cả mọi người chứ không của riêng một ai. Đây cũng chính là thông điệp mà Thượng tọa gửi gắm đến mọi người nhân bài Pháp thoại này./.

 

Tâm Trụ

Nguồn: PTVN

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin