Chi tiết tin tức Đừng ham hành đạo sớm 22:18:00 - 18/10/2019
(PGNĐ) - Trong bài “Tổ Như Hiển - Chí Thiền”, đăng trên tuần báo GN 994, HT.Thích Trí Quảng có nhắc đến lời dạy của HT.Thích Trí Tịnh, rằng: “Pháp của Phật đánh đổi cả sinh mạng để cầu còn chưa chắc được, đâu phải cá ươn mà nài ép người ta mua”, làm cho tôi liên tưởng đến tình hình nhận đệ tử xuất gia của một bộ phận Tăng Ni ngày nay.
“Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (Thân người khó được, Phật pháp khó nghe). Phật pháp quý báu là vì nhờ biết được Phật pháp mà người ta thoát khỏi u mê, không rơi vào nẻo ác, hiện tại có cuộc sống an lạc và cuối cùng là giác ngộ giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, thành Phật. Chính vì thế mà người xưa coi Phật pháp quý hơn thân mạng mình. Tiền thân của Đức Phật vì muốn được nghe nửa bài kệ mà chấp nhận bỏ thân mạng, vì muốn được nghe kinh Pháp hoa mà sẵn sàng trọn đời làm sàng tọa hầu hạ cho vị tiên nhơn nói kinh. Thiền sư S.N.Goenka kể rằng, trước khi biết đến Phật giáo, ông bị chứng nhức đầu kinh niên, chạy chữa khắp các nước tiên tiến trên thế giới mà vẫn không hết. Ông nghe bạn giới thiệu rằng thiền có thể làm hết nhức đầu, bèn tìm đến trung tâm thiền nổi tiếng của Miến Điện do Thiền sư U Ba Khin hướng dẫn. Nhưng Thiền sư U Ba Khin từ chối cho Goenka tham gia khóa thiền vì rằng: “Giáo pháp của Phật cao thượng nhiệm mầu, há chỉ dùng để trị chứng nhức đầu của ông sao?”. Người xưa đối với việc chọn người học Phật vô cùng nghiêm cẩn như vậy cho nên mới có thành tựu, mới đào tạo được pháp khí cho thiền gia. Ngay từ thời Đức Phật, Ngài đã đưa ra những chuẩn mực ai có thể xuất gia làm Tăng và ai không thể. Luật Ma-ha Tăng-kỳ đề cập 32 điều mà một người không được phép xuất gia, ví dụ như kẻ lừa đảo, phạm ngũ nghịch, nhỏ quá, già quá, bị mù điếc, bị câm què, mắc nợ, bị bệnh, dị dạng… Đức Phật từ chối cho phép xuất gia đối với những người không đủ điều kiện không phải vì Ngài không từ bi hay không bình đẳng mà vì Ngài không muốn Phật pháp bị hủy hoại bởi những người không đủ khả năng hay tư chất kham nhẫn hành trì giáo pháp. Nếu ai cũng có thể xuất gia thì người đời nhìn vào Tăng đoàn sẽ nói rằng Tăng đoàn Phật giáo đều là hạng người thất tình, thất nghiệp, thất chí hay trại dưỡng lão… Hơn nữa, do không thể hành trì Phật pháp nên họ sẽ có những hành vi sai với Chánh pháp, bị người đời chỉ trích và chán ghét. Và điều này làm cho Phật pháp bị hủy diệt nhanh chóng. Chúng ta thấy ngày nay nhiều chùa nhận đệ tử xuất gia quá dễ dãi, không có chọn lựa, cân nhắc. Có vị còn cố gắng nhận đệ tử cho nhiều để được danh tiếng, được thập phương bá tánh cúng chùa cho nhiều, chứ không phải vì mục đích đào tạo Tăng/Ni tài, ươm mầm cho Phật pháp. Họ nhận vào cho đông rồi để đó chứ không dạy dỗ gì cả. Cho nên ở chùa lâu năm mà tâm tính và hành vi thì không mấy chuyển hóa: “Tích niên hành xứ, thốn bộ bất di”, cũng tham lam, sân si, gây gổ và ham vui không khác gì người thế gian. Những sự việc không hay xảy ra trong Phật giáo gần đây đều là do những người như thế làm ra. Tôi cho rằng nếu người thầy có trách nhiệm nuôi dạy đệ tử cho đàng hoàng thì những việc đáng tiếc như thế sẽ không thể xảy ra. Bởi vì những người chân chính xuất gia, có tu có học nghiêm túc thì họ sẽ biết thế nào là giới luật và oai nghi, thế nào là bổn phận và phép tắc của Sa-môn. Họ luôn luôn “nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức”. Họ thấy được sự cao quý và khác biệt giữa một Sa-môn và bạn hàng tôm hàng cá. Khi mà ai cũng có thể làm Tăng, bất kể xuất thân, thành phần xã hội, thì chất lượng đương nhiên phải khác rồi. Chúng ta hãy nhìn cách tu học và hành trì của người xưa: “Ngũ hạ dĩ tiền chuyên tinh giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền”. Nghĩa là năm hạ về trước ròng chuyên giới luật, năm hạ về sau mới cho học giáo lý và tham thiền. Không kể giai đoạn ngũ giới và Sa-di, sau khi thọ giới Tỳ-kheo, vị tân Tỳ-kheo đó phải trải qua năm năm chuyên học và nghiên cứu về giới luật. Sau khi làu thông giới luật rồi thì mới cho học giáo lý và các phương pháp tu tập như tham thiền chẳng hạn. Học giáo lý và tham thiền mà còn phải chậm như vậy hà huống là học các phương tiện ứng phó đạo tràng. Còn ngày nay chúng ta nuôi dạy đệ tử như thế nào? Mới xuất gia bữa trước thì bữa sau cho thọ giới Sa-di. Rồi ít năm sau cho thọ giới Tỳ-kheo. Có trường hợp còn đặc cách cho thọ cả Sa-di và Tỳ-kheo trong cùng một giới đàn luôn, với lý do là để thuận tiện cho việc tu học và làm Phật sự. Tu học và làm Phật sự gì không thấy nhưng chỉ thấy ăn trên ngồi trước, đi đám cho nhiều và nhận bao thư cho dày. Thọ Tỳ-kheo rồi thì tự thấy mình là “thiên nhơn chi đạo sư”, cái cổ liền bị vôi hóa cứng đơ, gặp Phật tử đáng cha mẹ ông bà mình thì nghênh nghênh tự đắc, không biết cúi đầu chào hỏi. Ngược lại bắt họ phải thưa hỏi đảnh lễ mình. Người như vậy thì làm được gì cho Phật pháp và chúng sinh. Ngày qua tháng lại, “đến lúc tuổi đời đã cao, tuổi hạ cũng lớn mà bụng rỗng tâm cao… chỉ biết một bề kiêu ngạo”. Tôi biết có một vị thầy nọ. Thầy bị bệnh nặng và sắp qua đời. Mặc dù đang nằm ở bệnh viện nhưng thầy ấy vẫn làm đơn xin Giáo hội tấn phong cho thầy lên Thượng tọa, “coi như tâm nguyện cuối cùng” của thầy. Có lẽ thầy nghĩ rằng như vậy sau này trên long vị của thầy sẽ ghi là Thượng tọa gì đó mới oai, chứ không phải chỉ là Đại đức. Tôi nghe vậy mà thấy ngậm ngùi. Đáng lẽ lúc này là lúc phải một lòng hướng Phật hay để tâm cho tỉnh thức mà an nhiên vào cõi Niết-bàn, sao còn lại nghĩ đến chuyện tấn phong. Những chức danh như Thượng tọa, Hòa thượng do Giáo hội chế định ra như là cách để tôn kính bậc trưởng thượng chứ đâu phải dùng để phân định địa vị và quyền uy cao thấp như hàm cấp ngoài đời. Chuyện này nói ra tuy thật đau lòng, nhưng tu hành như thế thì cũng thật đau khổ. Tôi có người huynh đệ. Huynh ấy xuất gia 4 năm mới thọ Sa-di và 14 năm sau mới chịu thọ Tỳ-kheo. Thật ra huynh ấy cũng không muốn thọ giới Tỳ-kheo, nhưng vì có nhiều điều bất tiện nên đành phải thọ. Ví dụ như những sư đệ tu sau mà đã là Tỳ-kheo. Lên tụng kinh đứng trước thì không dám, còn đứng sau huynh ấy thì không đúng pháp. Rất khó xử như vậy nên huynh ấy mới chịu thọ Tỳ-kheo. Huynh ấy nói rằng chỉ cần 10 giới thôi tu cả đời cũng không hết, thọ thêm làm chi. Hơn nữa, thọ mà mình giữ không được thì chỉ tội thêm mà thôi. Dĩ nhiên quan niệm này cũng chưa hẳn đúng, nhưng quý ở chỗ biết tự lượng sức mình. Vừa rồi có một học trò than thở với tôi rằng: “Ở chùa sao ai cũng ghét con”. Tôi nói đó là vì con nổi bật quá. Chùa càng to, sư phụ nổi tiếng, Phật tử nhiều, đạo tràng sung túc, thì càng dễ trở thành nơi cạnh tranh, ganh tỵ. Người học trò ấy nói rằng: “Chẳng lẽ mình không được nổi bật sao, chẳng lẽ chịu thiệt hoài sao?”. Tôi trả lời: “Phải”. Tu là phải chịu thiệt. Khi nào mình còn có cái tâm muốn nổi bật, nổi tiếng thì mình chưa tu gì cả, cái đức mình chưa cao. Ngày xưa chư Tổ vào chùa chỉ lo quét dọn nhà bếp nhà xí mà thành Tổ. Ngày nay mới vô chùa có mấy năm mà không chịu thua ai hết thì biết là đạo lực rất kém cỏi rồi. Mà người nào cũng muốn hơn người khác như vậy thì làm sao không xảy ra chuyện cho được. Việc hành đạo coi khó mà dễ. Còn yên phận tu hành coi dễ mà khó. Hành đạo dễ là vì nó phù hợp với khuynh hướng hướng ngoại của con người. Hơn nữa, việc hành đạo cũng thỏa mãn con người ta những thứ như danh văn lợi lộc. Cho nên nhập thế, nếu không vững thì sẽ bị thế tục lôi kéo đi luôn. Còn yên phận tu hành khó là vì nó đòi hỏi người ta sự buông bỏ. Mà buông bỏ thì không phải là thói quen của nhiều người. Chỉ có bậc đại hùng đại lực mới có thể buông bỏ hoàn toàn. Trong tự nhiên có rất nhiều loài cây khác nhau. Có loài cây vài tháng là có quả, có loài vài năm và cũng có loài mười năm trở lên mới cho quả. Cây nào càng cho quả sớm thì tuổi thọ của nó càng ngắn và ngược lại. Nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung nói rằng: “Ngọn cây không thể vươn tới được thiên đàng nếu một phần rễ của nó không cắm ở địa ngục”. Sự sinh trưởng và phát triển của con người há không giống với sự sinh trưởng và phát triển của tự nhiên lắm sao! Cho nên thời gian tu dưỡng là điều rất quan trọng đối với người tu, trước khi… xuống núi. Phật pháp không phải cá ươn mà năn nỉ đem cho. Phật pháp chỉ dành cho người biết trân quý, nhất là người đó phải có khả năng hành trì. Nếu không thì số lượng càng nhiều thì càng làm hại cho Phật pháp mà thôi. Thích Trung Hữu
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |