Chi tiết tin tức

Tết của người công nhân vệ sinh: Đón giao thừa cùng rác

19:55:00 - 25/01/2020
(PGNĐ) -  Ai cũng nói, công nhân vệ sinh là nghề chứa đựng đủ thứ cảm xúc tủi hổ trên đời. Nhưng có một thứ cảm xúc khó tả mỗi khi tết đến, xuân về. “Người ta sống cùng gia đinh, chúng em sống cùng rác”.

 

1_11.jpg
Một công nhân vệ sinh dọn dẹp hoa rác mùa Tết

 

Trong những ngày giáp Tết, các anh chị em công nhân về sinh dường như vội vã hơn, tập trung hơn. Cũng phải thôi vì càng gần tết, người dân xả rác nhiều hơn ra đường phố. Đêm giao thừa, sau 15 phút bắn pháo hoa, khi biển người tỏa về nhà khui rượu đón xuân thì đường phố biến thành một bãi rác khổng lồ. Đó là lúc anh chị em công nhân vệ sinh bước vào trận chiến cam go nhất. Rác tràn ngập khắp nơi, từ vỏ chai đến vỏ bánh kẹo, túi nilon… Nhưng đáng sợ nhất là rác thải từ đồ ăn, thực phẩm. Các thực khách từ hàng quán bên đường tha hồ ném ra đường tất cả những gì họ thải ra. Ngày thường ít ra các quán cũng biết để gọn vào thùng rác hoặc vệ đường thì trong ngày chuyển giao năm mới thiêng liêng, họ xả sạch xuống đường. Anh chị em công nhân vệ sinh đi dọn những ngày này nhìn đến khổ, tâm trạng ai cũng có chút nặng nề dù đây là công việc của mình.

 

Một chị tổ trưởng của công ty môi trường đô thị cho biết, lượng rác thải dịp tết thường nhiều hơn so với ngày thường. Chính vì thế mà công nhân vệ sinh luôn phải để lại khoảng 30% nhân lực để làm xuyên tết. Những người được nghỉ tết thì cũng chỉ được nghỉ mùng 1, mùng 2.

Trong khi người dân nhà nhà chuẩn bị trang hoàng, mua nọ sắm kia đón tết thì các chị công nhân vệ sinh cũng chỉ biết lẩm nhẩm trong đầu các thứ cần mua, rồi nhờ vợ, chồng hoặc người thân mua giúp. Nếu nhà nào có cả hai vợ chồng đều làm công nhân vệ sinh thì Tết cũng đơn sơ lắm. Chưa có con thì thôi đón Tết cùng anh em luôn, có gia đình thì cuống cuồng mua vội khi chợ đã vãn. Tết như vậy, thử hỏi sao không thấy tủi thân. Cũng có trăn trở, nghĩ suy nhưng tinh thần trách nhiệm vượt lên trên, bởi ai cũng hiểu đặc thù công việc, vì trách nhiệm với tập thể, với khó khăn chung của nghề làm sạch đường phố. Đã chấp nhận làm công nhân vệ sinh thì phải làm ngày đêm không kể nắng mưa lễ Tết. Bởi rác người ta thải ra chỉ cần 1 ngày không dọn thì ô nhiễm ngay.

 

Muốn biết tết của nghề dọn rác ra sao, cứ đến các chợ đầu mối. Càng về Tết thì khối lượng công việc càng nhiều, làm mãi không hết việc, bởi người dân xả ra từng giờ, từng phút. Rác Tết ngập ngụa, nhiều gấp mấy lần ngày thường, lại phải dọn ngay đưa lên xe đi xử lý. Thứ rác từ thịt, cá, rau, củ nếu không xử lý ngay thì mùi hôi thối sẽ ảnh hưởng đến dân cư xung quanh.

Nhìn những anh chị em dọn rác vào dịp Tết mới thấy sự vất vả của họ. Chưa dọn xong một đống thì đống khác đã đổ ra, lại phải quay ra dọn tiếp. Chỉ cần chỗ nào nhiều người đổ là rác ứ lại thành đống to dọn không xuể, dân lại giục đến ong đầu. Dọn vệ sinh ở trong phố thì đỡ vất vả hơn, nhưng lại đối mặt với những “sản phẩm” rất nguy hiểm như mảnh nhọn, bơm tiêm… Dù được bảo hộ cẩn thận nhưng ai cũng sợ khi thấy những chiếc bơm tiêm vứt trong các ngõ ngách. Chưa kể, chai lọ chưa những chất hóa học dùng cho công nghiệp, rồi chất khử trùng luôn gây nguy hiểm cho công nhân vệ sinh. Tết đến, người nghiện ma túy đâu có dừng lại, chỉ có anh em vệ sinh là khổ.

 

Đặc thù của công nhân vệ sinh là làm rất nhanh mệt. Tết đến còn mệt hơn vì lượng rác “khủng” người dân thải ra. Một công nhân nói, cứ mỗi dịp tết đến, số rác trên từng con phố phải tính bằng chục tấn. Anh chị em vệ sinh phải đổi ca liên lục, làm suốt ngày đêm, làm từ sáng đến tối mới thu gom được gần hết rác trên phố. Chỉ “gần hết” thôi bởi còn những thứ rác khó thu gom như trên hồ, dưới mương.

 

Được đón tết cùng anh chị em công nhân vệ sinh là kỷ niệm thật khó quên. Năm đó tôi ở lại trực Tết. Cạnh chỗ làm có một tổ công nhân vệ sinh luôn tay dọn rác người dân xả ra trên đường phố. Gần đến giao thừa, người dân đứng chật kín chuẩn bị xem bắn pháo hoa.

 

Lẫn trong biển người đông đúc là mấy bóng áo bảo hộ dạ quang với chổi trên tay, xe rác bên cạnh gần đầy. “Thôi đằng nào cũng dọn, cứ tranh thủ xem pháo hoa đi, cả năm mới có một lần”, tiếng một anh công nhân động viên. Đáp lại, chị công nhân bên cạnh lấy tay gạt khẩu trang xuống, nở nụ cười vui sướng trên khuôn mặt khắc khổ vì khói xe, bụi đường.

 

Tôi vào trong, cầm ra mấy chiếc ghế mời các anh chị ngồi, trong lòng cảm giác vui sướng vì sắp được xem pháo hoa chợt tắt, nhường chỗ nỗi niềm bâng khuâng khôn tả.  Pháo hoa chưa bắn mà rác trên đường ngày càng nhiều, dễ thấy nhất là những đống vỏ hạt hướng dương, vỏ bim bim, vỏ chai… Nhưng chị bảo đáng sợ nhất là… rác hòa nước.

 

Đồ ăn thừa hòa với nhau đổ ra đường là thứ khó dọn, bình thường người ta không xả nhưng giao thừa thì mặc kệ. Một thứ đáng sợ không kém trong đêm giao thừa là kem ăn dở được người dân cho vào vỏ vứt bừa bãi, chảy ra nhớp nháp trên vỉa hè. Quét đi nhưng lũ kiến, gián vẫn bị thu hút bởi hương thơm trong kem, rồi hôm sau xác bọn chúng lại vương vãi trên đường.

 

Pháo hoa bắt đầu nổ đì đoàng trên không trung. Những người công nhân vệ sinh vẫn cầm cây chổi, cùng hướng mắt lên trời. Những người lăn lộn trong ồn ào bụi bặm của phố xá, phải chăng cũng xứng đáng được hưởng vài phút pháo hoa của năm mới. Giao thừa xong cả thành phố về chúc nhau rồi lăn ra ngủ thì công nhân vệ sinh lại phải làm đến sáng để dọn dẹp những thứ mà “giao thừa” đã thải ra.

 

“Biết là nghề phải thế, nhưng tôi cũng tủi khi dân xả vô tội vạ”. Chị nói, niềm vui đêm giao thừa của công nhân vệ sinh rất đơn giản, đó là người dân bỏ rác vào thùng hoặc gom vào túi để một chỗ. Pháo hoa kết thúc, hàng trăm đống rác tự phát ngồn ngộn trước mắt nhìn phát ngán, nhưng thấy những túi rác được gom lại cũng đủ vui vì đỡ mệt. “Nhìn thấy ai bỏ rác vào thùng là tôi vui”. Niềm vui ấy sao mà đơn giản thế, nó đơn giản hơn nhiều những thứ chúng ta cho là bình dị nhất. Và đấy chính là niềm vui giao thừa của người công nhân vệ sinh!

 

Đinh Thành Trung

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin