Chi tiết tin tức

PG Hà Tĩnh: Dấn thân phụng sự vượt lên sự khó khăn

19:56:00 - 24/09/2017
(PGNĐ) -  Theo nghiên cứu, Phật giáo du nhập vào Hà Tĩnh từ rất sớm, trước kỷ nguyên Tây lịch, với sự kiện nhà sư Phật Quang từ Ấn Độ đã đến đây tu hành và truyền đạo cho Chử Đồng Tử, được đề cập trong Lĩnh Nam chích quái.

Phục hồi hoạt động Phật giáo trong khuôn khổ Hiến chương Giáo hội

Tuy là vùng đất có bề dày Phật giáo lâu đời, nhưng với sự biến thiên khắc nghiệt cũng như hoàn cảnh của các yếu tố lịch sử, con người, xã hội… mà Phật giáo gần như vắng bóng ở vùng đất này trong một thời gian dài. Sự tha thiết của đồng bào có cảm tình với đạo Phật, thể hiện gốc rễ tâm linh nhiều đời, luôn là ưu tư canh cánh trong lòng nhiều vị giáo phẩm, trong đó có HT.Thích Bảo Nghiêm (lúc bấy giờ giáo phẩm Thượng tọa). 

hatinh.jpg
Đại lễ Phật đản PL.2561 do Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh tổ chức

Trong cuộc đời tu hành của mình, HT.Thích Bảo Nghiêm cho rằng buổi quy y Tam bảo đầu tiên ở đất Hà Tĩnh này là đáng nhớ nhất, phải thực hiện qua băng cassette... Hòa thượng xem tấm hình chụp lại buổi quy y ấy, các vị Phật tử đầu tiên ấy quỳ trước bát hương đặt trên đống gạch, mà không ngăn được niềm xúc động.

Để tái lập lại sự sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng đạo Phật, thời điểm đánh dấu đó là vào năm 1993, và gần 4 năm sau đó với những khó khăn, để rồi đến năm 1997 HT.Thích Bảo Nghiêm chính thức về vùng đất này hướng dẫn bà con Phật tử. Những khó khăn ban đầu không phải là ít; song qua thời gian gắn kết cùng với tâm nguyện mà Hòa thượng cùng chư Tăng từng bước gầy dựng lại Phật giáo cho mảnh đất này.

Với sự tha thiết cần cầu tu học của các Phật tử tại Hà Tĩnh, một số chư Tăng đã lui tới hoằng dương Phật pháp. Năm 2004, được sự chấp thuận của TƯGH và chính quyền địa phương, HT.Thích Bảo Nghiêm chính thức về thành lập Ban Đại diện Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh. Mọi công tác Phật sự ban đầu đều cố gắng hoàn bị để giúp cho mọi mặt sinh hoạt phát triển. Sau ba năm hoạt động chính thức, năm 2007 Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2007-2012 được tổ chức. Đại hội đánh dấu sự kiện Phật giáo chính thức hoạt động hợp pháp trong khuôn khổ Hiến chương của GHPGVN và pháp luật cho phép.

Tại sự kiện này đã bầu ra Ban Trị sự (BTS) gồm có 26 thành viên, với 10 thành viên Thường trực. Sau đại hội, BTS đã tiến hành bầu bổ sung thêm 3 vị vào ủy viên BTS, nâng tổng số thành viên lên 29 vị.

Trên tinh thần trang nghiêm Giáo hội và củng cố nhân sự, BTS các huyện, thị, thành phố đã kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo của BTS Phật giáo tỉnh với tình hình thực tế địa phương để lựa chọn, đề cử nhân sự, nhằm đáp ứng các hoạt động Phật sự ngày càng phong phú, đa dạng phù hợp với đà phát triển của xã hội tỉnh nhà. Hiện nay BTS Phật giáo tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị cho đại hội và quyết định chuẩn y cho 13 BTS các huyện, thị, thành phố phù hợp với tâm tư nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử địa phương.

Những thành quả cho sự dấn thân không mệt mỏi

Trong nhiệm kỳ này, để ổn định sinh hoạt và từng bước phát triển Phật giáo, BTS Phật giáo tỉnh đã ra quyết định bổ nhiệm trụ trì 19 vị; kiêm nhiệm trụ trì 4 vị; thuyên chuyển sinh hoạt tôn giáo từ địa phương khác về Hà Tĩnh 4 vị; tiếp nhận 32 hồ sơ xuất gia cho Phật tử.

Thể theo nguyện vọng của các vị trụ trì và các vị tập sự cầu thọ giới pháp, BTS đã phối hợp cùng BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức 3 Đại giới đàn Nghệ Tĩnh. Năm 2013 tổ chức Giới đàn Nghệ Tĩnh lần thứ I tại trụ sở văn phòng chùa Cảm Sơn, với số lượng giới tử Hà Tĩnh được thụ giới: 5 vị Tỳ-kheo; 11 vị Sa-di. Giới đàn Nghệ Tĩnh lần thứ II được tổ chức vào năm 2015, tại chùa Đại Tuệ (H.Nam Đàn, Nghệ An) số lượng giới tử Hà Tĩnh được thụ giới: 10 vị Tỳ-kheo; 8 vị Sa-di. Giới đàn Nghệ Tĩnh lần thứ III được tổ chức vào năm 2017, tại chùa Thanh Lương 3 vị Tỳ-kheo; 16 vị Sa-di.

Tuy số lượng chư Tăng tại Hà Tĩnh tương đối ít, nhưng BTS đều đặn tổ chức khóa hạ hậu An cư hàng năm với số lượng hành giả năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2013, chư Tăng an cư tập trung tại chùa Cảm Sơn (TP.Hà Tĩnh). Từ năm 2014 đến năm 2017 BTS tổ chức cho chư Tăng an cư tập trung tại chùa Thanh Lương (H.Nghi Xuân). Mùa an cư năm nay, có 37 Tỳ-kheo và 6 Sa-di an cư tập trung. Các khóa an cư đều dựa vào thời khóa tu học truyền thống của Phật giáo miền Bắc. Mặc dù số lượng Tăng cũng như hành giả an cư không phát triển nhanh về số lượng, nhưng thể hiện ở chất lượng Tăng sĩ đều vì sự phát triển chung ngôi nhà Giáo hội.

Là một tỉnh mới thành lập Giáo hội, Tăng sĩ lại ít nên công tác giáo dục được Thường trực BTS và cá nhân Hòa thượng Trưởng BTS rất lưu tâm. Vì để có nhân sự hoạt động trong tương lai thì việc đầu tư Tăng tài là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các tu sĩ mới xuất gia, Sa-di hay tân Tỳ-kheo đều được tạo điều kiện ra học tại Trường Trung cấp Phật học Hà Nội. Đây là sự đầu tư về lâu về dài cho Giáo hội địa phương.

Ngoài ra, giữ gìn truyền thống quy củ thiền môn xưa, BTS luôn khuyến khích mô hình giáo dục gia giáo, thầy dạy trò, truyền đạt những quy củ thiền môn do chư vị Tổ sư để lại, quan tâm dạy bảo cho những vị mới xuất gia, mới thọ giới. Đây là cách để đào tạo một Tăng sĩ có nền tảng vững chắc về kiến thức cũng như đạo hạnh sơ cơ của người mới tập sự.

Địa thế Hà Tĩnh là dải đất hẹp nằm tựa vào Trường Sơn, nên địa hình chủ yếu là núi. Vì thế công tác hoằng pháp vùng sâu vùng xa cũng có nhiều khó khăn nhất định. Nhưng không vì thế mà việc hoằng pháp không được chú tâm. Hòa thượng Trưởng BTS luôn đặt trọng tâm công tác hoằng pháp vùng sâu vùng xa, đặc biệt là vùng núi. Với tư cách là Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư, Hòa thượng kết hợp để việc hoằng pháp ở các địa phương đạt hiệu quả nhất. Đến nay ngoài các lễ lớn hoặc các giảng đường tại các chùa có thuyết giảng định kỳ, các đạo tràng tu học, khóa Bát quan trai, khóa tu niệm Phật… đều được các chùa tổ chức đều đặn, quy mô và ngày một phát triển về số lượng cũng như chất lượng tu học.

Đặc biệt công tác hoằng pháp đến đối tượng trẻ rất được BTS lưu tâm và tạo điều kiện cho các chùa tổ chức. Mỗi khóa tu tuổi trẻ tại các chùa như Đà Liễu, Phong Phạn, Trúc Lâm Thanh Lương… thu hút từ 400 - 500 em tham gia tu học. Các chùa cũng linh hoạt tổ chức tư vấn cho các em vào các mùa thi đại học. Đây là kết quả cho thấy hiệu quả sự điều hành Phật sự của lớp Tăng trẻ mà HT.Thích Bảo Nghiêm chủ trương: Tăng trẻ - dấn thân phụng sự - vì lợi ích chung của Phật giáo. Có thể nói, tinh thần dấn thân phụng sự khi còn trẻ của Hòa thượng đã được lớp Tăng sĩ trẻ ngày nay kế thừa và tích cực hành đạo.

Một điểm nổi bật trong 5 năm qua đó là BTS phân công tổ chức lễ đài Phật đản tập trung diễn ra từ mùng 8 đến 15-4 âm lịch . Mỗi đơn vị đăng cai tổ chức 3 năm liền, cuối năm thứ 3 trao cờ đăng cai tổ chức lễ đài Phật đản cho đơn vị 3 năm tiếp. Ngoài ra chư Tăng còn tổ chức lễ Phật đản tất cả địa phương huyện thị mà mình phụ trách.

Nhìn lại những Phật sự trong hai nhiệm kỳ và những năm hoạt động vận động cho sự thành lập Giáo hội Phật giáo Hà Tĩnh, có thể những thành quả ấy khiêm tốn so với những đơn vị Phật giáo tỉnh thành khác; nhưng đó là một sự cố gắng bền bỉ, dẻo dai và nhất là sự dám đương đầu với những khó khăn thực tế. Đến nay mọi hoạt động Phật sự đều được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ các cấp chính quyền cùng với sự ủng hộ của TƯGH, Phật giáo Hà Tĩnh bước đi những bước đi đều chắc. Điều đó giúp cho tương lai Phật giáo Hà Tĩnh có một diện mạo ổn định và bền vững trong tương lai. 

 

HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hà Tĩnh: “Chúng tôi kêu gọi sự dấn thân của Tăng Ni trẻ nhưng phải là người có đạo tâm”

hatinh 2.jpg

Hà Tĩnh có một đặc thù là hiện nay tu sĩ hoạt động Phật sự đều là Tăng, chứ không có Ni. Đây là kết quả có lý do vì là vùng còn nhiều khó khăn trong quá khứ trước đây. Chúng tôi dự định nhiệm kỳ mới sẽ sắp xếp cho 3 vị Tỳ-kheo-ni đến hành đạo. BTS cố gắng để Giáo hội tại Hà Tĩnh có đầy đủ bốn chúng cùng tu học như lời Đức Phật dạy.

Đây là một tỉnh có số lượng Tăng sĩ ít và mỏng trong khi đó địa bàn hoạt động Phật sự tương đối rộng lớn. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, BTS đã tiến hành thành lập tất cả các Ban Đại diện (nay là BTS) Phật giáo tại các huyện; ngay cả như huyện Hương Khê là vùng núi giáp với biên giới Lào, chúng tôi cũng đã tiến hành thành lập. Vì thế ngoài sự tiếp Tăng độ chúng tại địa phương, BTS cũng tiếp nhận Tăng Ni từ các nơi đến hành đạo vì sự phát triển chung của Phật giáo.

Tuy nhiên, Tăng Ni đến hành đạo phải có đạo tâm với cái chung của Phật giáo, không vì mục đích cá nhân riêng tư để gây xung đột với lợi ích chung. Hiện tại, chư Tăng Ni từ các tỉnh chuyển đến sinh hoạt đều rất hòa hợp trong các sinh hoạt và đồng tâm hợp sức cùng với BTS đưa Phật giáo Hà Tĩnh ngày càng phát triển.

Pháp Đăng

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin