Chi tiết tin tức

Nam Định: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói chuyện thời sự với Tăng Ni Hạ trường chùa Cả

12:55:00 - 31/08/2016
(PGNĐ) -  Chiều ngày 30.8, chư Tăng Ni Hạ trường chùa Cả (Thánh Ân) đã được nghe Phó giám đốc Trung tâm Thông tin- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Hoá nói chuyện về tình hình thời sự trong nước, và quốc tế.

Đại đức Thích Giác Vũ phát biểu chào mừng và đề dẫn buổi nói chuyện

 

Thay mặt ban lãnh đạo Hạ trường, Đại đức Thích Giác Vũ đã phát biểu đề dẫn và đề nghị ông Vũ Ngọc Hóa nói chuyện tập trung vào một số vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay như tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, biển đảo, tham nhũng, an toàn thực phẩm, vấn đề ô nhiễm môi trường…, và một số vấn đề bức thiết đối với tỉnh Nam Định hiện nay.

 

Phó giám đốc Trung tâm Thông tin- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Hoá chia sẻ với Tăng Ni Hạ trường chùa Cả

 

Nói chuyện với Tăng Ni Hạ trường chùa Cả về những vấn đề trên, ông Vũ Ngọc Hóa cũng chia sẻ rằng trước mắt phải nói đến sự thành công của Đại hội lần thứ 12 của Đảng đã chọn ra được những người có đủ đức, đủ tài để lãnh đạo quốc gia, với khâu tuyển chọn nhân sự hết sức kỹ càng và cẩn thận không để lọt vào trung ương những kẻ cơ hội. Đặc biệt, trong đại hội này tỉnh Nam Định có đại biểu được bầu vào Bộ Chính trị, đó là ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư; ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và nhiều vị tham gia vào BCH TW Đảng khóa 12.

Về kinh tế, trong 30 năm đổi mới, kinh tế Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn hẳn thời kỳ trước đổi mới. Sau giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) với mức tăng trưởng GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua gần 20 năm với mức tăng trưởng rất ấn tượng: giai đoạn 1991-1995, GDP bình quân tăng 8,2%/năm gấp đôi so với 5 năm trước đó; giai đoạn 5 năm tiếp theo 1996-2000, mặc dù cùng chịu tác động của khủng hoảng tài chính khu vực (1997-1999), GDP vẫn duy trì bình quân tăng 7,6%/ năm. Giai đoạn 2001-2005, GDP tăng bình quân 7,51%; giai đoạn 2006-2010, do suy giảm kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 6,32%/năm. Trong các năm tiếp theo, do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 và khủng hoảng nợ công 2010, tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn (2011-2015) của Việt Nam tuy đã chậm lại nhưng vẫn đạt 5,75%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% cuối năm 2010 còn 9,6% cuối năm 2012, cuối năm 2013 xuống còn 7,8% và năm 2014 xuống còn 5,8%. Thành tựu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đường lối đổi mới đã đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Kinh tế tăng trưởng khá, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước hình thành, phát triển.

Trong 30 năm đổi mới cũng là một chặng đường hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, theo nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường toàn cầu. Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế. Tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO.  Cho đến nay, nước ta đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương.

Mặt khác chúng ta cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, đến nay, nhìn chung nền kinh tế của chúng ta có phát triển nhưng chưa vững bền, còn nhiều lúng túng, vấn đề CNH-HÐH chưa có một nền tảng và hướng phát triển rõ ràng. Ðiểm đáng quan tâm là nền kinh tế chúng ta còn nhiều mặt bị lệ thuộc nước ngoài, đặc biệt về nguyên liệu, công nghệ cũng như về vốn. Trong nhiều trường hợp, chúng ta chỉ theo đuổi phát triển kinh tế, mà không coi trọng vấn đề an ninh, quốc phòng, kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Về văn hóa-xã hội, xây dựng văn hóa tức là xây dựng con người. Do đó, văn hóa là những gì phục vụ cho đời sống tinh thần, thuộc về đời sống tinh thần của người Việt Nam, kể cả đời sống tâm linh, là sự thể hiện tư duy sáng tạo, sáng tác, phát minh, là ý thức về ngôn ngữ, về lịch sử, về kinh tế chính trị xã hội, về đạo đức, về thẩm mỹ của người Việt Nam cùng với những phương thức tiếp nhận những giá trị về đời sống tinh thần trong quan hệ giao lưu với các dân tộc khác.

 

Toàn thể Tăng Ni chăm chú lắng nghe ông Vũ Ngọc Hóa trình bày

 

Về việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam, trong Cương lĩnh hiện hành của Đảng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là một khái niệm đối lập với lạc hậu lỗi thời. Văn hóa ở thời nào cũng được cuộc sống con người chắt lọc, để giữ mặt tiên tiến loại bỏ mặt lạc hậu lỗi thời. Trong Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa tại Vơ-ni-dơ (I-ta-li-a), năm 1970, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO F.May-ơ đã đưa ra một khái niệm về văn hóa, vừa mang tính khái quát, vừa mang tính đặc thù, được cộng đồng quốc tế công nhận. Đó là "Văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động". Theo khái niệm này thì văn hóa đương nhiên là mang bản sắc dân tộc.

Nền văn hóa Việt Nam ta, ở thời nào cũng có tính tiên tiến và bản sắc dân tộc. Tuyên ngôn: "Nam quốc sơn hà Nam đế cư" (sông núi nước Nam, vua nước Nam ở) thời chống giặc Tống phương Bắc, là biểu hiện của văn hóa tiên tiến dân tộc. Lời hịch của Vua Quang Trung: "Đánh cho để dài tóc" "Đánh cho để đen răng" (không chịu để đồng hóa với giặc Thanh) "Đánh cho nó chích luân bất phản (Đánh cho nó, một chiếc xe để chạy về nước cũng không có) Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn (Đánh cho nó, một mảnh giáp cũng chẳng còn) Đánh cho sử tri, Nam quốc anh hùng chi hữu chủ" (Đánh cho lịch sử biết rằng: Nước Nam anh hùng là có chủ). Lời hịch đó cũng là biểu hiện của văn hóa dân tộc tiên tiến…

Ngay như khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam cũng có sự tiếp biến văn hóa để phù hợp văn hóa và tín ngưỡng bản địa thời bấy giờ. Trong giáo lý nhà Phật gọi là khế lý, khế cơ và khế thời. Vậy nên trong khoảng thời gian 2000 năm du nhập vào Việt Nam, đạo Phật luôn đồng hành cùng dân tộc và thể hiện tinh thần “Hộ quốc an dân”.

Nguồn lực nội sinh của sự phát triển của một dân tộc thấm sâu trong văn hoá. Sự phát triển của một dân tộc phải vươn tới cái mới nhưng lại không thể tách khỏi cội nguồn, phát triển phải dựa trên cội nguồn. Cội nguồn đó của mỗi quốc gia dân tộc là văn hoá.

Kinh nghiệm đổi mới ở nước ta cũng chứng tỏ rằng, ngay bản thân sự phát triển kinh tế cũng không chỉ do các nhân tố thuần tuý kinh tế tạo ra, mà động lực của sự đổi mới kinh tế một phần quan trọng nằm trong những giá trị văn hoá đang được phát huy.

Trong nền kinh tế thị trường, một mặt văn hoá dựa vào tiêu chuẩn cái đúng, cái tốt, cái đẹp, để hướng dẫn và thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao tay nghề, sản xuất ra hàng hoá với số lượng và chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xã hội. Mặt khác, văn hoá sử dụng sức mạnh của các giá trị truyền thống để hạn chế xu hướng sùng bái lợi ích vật chất dẫn tới suy thoái xã hội.

Trong vấn đề bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững, văn hoá giúp hạn chế lối sống chạy theo ham muốn quá mức của "xã hội tiêu thụ" dẫn đến chỗ làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường sinh thái.

Bản sắc dân tộc và tính chất tiên tiến của nền văn hoá phải được thấm đượm trong mọi hoạt động xây dựng, sáng tạo vật chất, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật... sao cho trong mọi lĩnh vực hoạt động chúng ta có tư duy độc lập, có cách làm vừa hiện đại vừa mang bản sắc Việt Nam. Đi vào kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế phải tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn phát huy những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc.

Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý, tập quán tiến bộ, và văn minh.

 

Ông Vũ Ngọc Hóa vẽ bản đồ minh họa

 

Về chính trị, điểm nổi bật của công cuộc đổi mới ở Việt Nam là luôn luôn lấy sự ổn định chính trị-xã hội làm tiền đề, làm điều kiện tiên quyết cho sự nghiệp đổi mới, phát triển và chính sự phát triển đó sẽ tạo ra sự ổn định mới vững chắc hơn. Đảng ta từng bước đổi mới về chính trị với mục tiêu phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, xây dựng và phát huy đại đoàn kết toàn dân.

Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam thực hiện chính sách mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển.

Ở nước ta, đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội, mà làm cho chủ nghĩa xã hội đi tới thắng lợi. Đổi mới không phải là phủ định quá khứ mà khẳng định những gì hiểu đúng, làm đúng, loại bỏ những gì hiểu sai, làm sai, bổ sung những nhận thức mới, đáp ứng yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới.

Thực hiện được những điều trên đây thực sự là cuộc đấu tranh phức tạp giữa cái đúng và cái sai, giữa tiến bộ và lạc hậu, lỗi thời, giữa cái mới thúc đẩy sự phát triển và cái cũ cản trở sự phát triển. Tiêu chuẩn để phân biệt những mặt trái ngược đó chính là thực tiễn - kết quả về kinh tế, xã hội giành được trong thời kỳ đổi mới.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Nhà nước thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, định ra pháp luật, tổ chức quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, kế hoạch và các chính sách cụ thể. Lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, nhờ vậy đã có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và chống tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền và lợi ích của nhân dân.

Thành tựu đạt được trong việc thực hiện đổi mới hệ thống chính trị là đáng kể. Đổi mới đã tạo ra bầu không khí dân chủ và cởi mở trong xã hội, đã thiết lập được các cơ chế và chính sách để thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Tất cả những điều vừa trình bày trên đây đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.

Trong những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, Liên minh châu Âu, TPP… thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA), xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học-công nghệ, trình độ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến.

Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao  với 170 nước (trong đó xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước), quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, ký trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt nam ngày càng được nâng lên. Thế giới đến nay đã có 59 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

 

 

Vấn đề biển Đông, ông Vũ Ngọc Hóa cho biết biển Đông là vùng biển có 1 trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua. Giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 thế giới (sau Địa Trung Hải). Hàng ngày có khoảng 200-300 tàu từ 5.000 tấn trở lên qua lại (không kể  tàu dưới 5.000 tấn) chiếm 1/4 lưu lượng tàu hoạt động trên biển của thế giới.

Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của khoảng 300 triệu người dân của các nước này. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực mà còn của châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ.

Xét về vị trí địa-chiến lược, an ninh, giao thông hàng hải và kinh tế, biển Đông rất quan trọng đối với nhiều nước trong khu vực.

Biển Đông được ví là ngã 3 đường của thế giới. Việt Nam là 1 quốc gia ven bờ kéo dài nên Việt Nam là 1 quốc gia nằm ở ngã 3 đường của thế giới và có chiều dài đường bờ biển trên 3260 km không tính bờ các đảo chạy theo hướng Bắc Nam và nó tạo ra lợi thế mặt tiền hướng biển. Biển Đông là không gian sinh tồn không chỉ là của các quốc gia trong biển Đông mà còn của các nước ngoài biển Đông. Trong biển Đông có vùng hải phận quốc tế, đây là vùng tự do đi lại của thế giới.

Chính từ những tiềm năng, những giá trị to lớn này, biển Đông trở thành khu vực diễn ra sự tranh giành của các quốc gia, kích thích tham vọng chủ quyền của nhiều quốc gia lớn trên thế giới.

Từ năm 2008 đến nay, biển Đông bắt đầu nổi sóng mà nguyên nhân là vì tham vọng bá quyền của Trung Quốc. Lịch sử tranh chấp tại biển Đông được chia thành các vấn đề như sau: Tranh chấp về chủ quyền của quần đảo Trường Sa, quần đảo Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc;tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippin, bãi James; tranh chấp các vùng biển tại biển Đông; tranh chấp về tự do hàng hải, an ninh hàng hải.

Với sự bành trướng, ngang ngược và hung hăng, Trung Quốc đã ngang nhiên vẽ đường lưỡi bò chiếm hơn 80% diện tích của Biển Đông. Đường lưỡi bò này không giống bất kỳ một đường nào của Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Trung Quốc đã thể hiện rõ ý đồ độc chiếm biển Đông là để độc quyền khai thác tài nguyên trên biển Đông; Xây dựng căn cứ tàu ngầm; Đầu cơ tài nguyên thiên nhiên …

Với những tranh chấp leo thang, năm 2012, ASEAN và Trung Quốc đã ký một tuyên bố về phương thức ứng xử đa phương để giải quyết các vấn đề biển Đông viết tắt là DOC (Declaration on Conduct of the Parties in the Bien Dong Sea). Tuy nhiên, tình hình tại biển Đông thời gian gần đây cho thấy sự hợp tác giữa các nước đã suy giảm, DOC không phát huy được tác dụng, căng thẳng gia tăng đặc biệt là hành động của Trung Quốc rất manh động và rất chủ động trong các hoạt động sẵn sàng dùng vũ lực và đe dọa để đạt được mục đích chiếm giữ biển Đông.

Công ước Luật biển 1982 đã trở thành cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc, quan trọng, được thừa nhận và luôn được viện dẫn trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp để bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa và các quyền và lợi ích chính đáng của nước ta trên biển. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bên cạnh những những chứng cứ lịch sử, pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập liên tục, hoà bình từ lâu đời đối với hai quần đảo, Công ước là công cụ pháp lý để phản bác những yêu sách phi lý, ngang ngược của Trung Quốc đối với cái gọi là “đường lưỡi bò”.

Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, biển đảo Việt Nam có vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước ra hướng biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Ngày nay, bối cảnh thế giới, khu vực và tình hình trong nước đã đổi thay so với những thời kỳ trước, song truyền thống giữ nước cùng bài học chống ngoại xâm của ông cha vẫn giữ nguyên giá trị. Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định: chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có các vùng biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.

 

 

Vấn đề ô nhiễm môi trường, đây vấn đề nóng bỏng, gây bức xúc trong dư luận xã hội cả nước hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra. Vấn đề này ngày càng trầm trọng, đe doạ trực tiếp sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững, sự tồn tại, phát triển của các thế hệ hiện tại và tương lai. Đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là hoạt động sản xuất của nhà máy trong các khu công nghiệp, hoạt động làng nghề và sinh hoạt tại các đô thị lớn.

 Ô nhiễm môi trường bao gồm 3 loại chính là: ô nhiễm đất, ô nhiễm nước và ô nhiễm không khí. Trong ba loại ô nhiễm đó thì ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu công nghiệp và làng nghề là nghiêm trọng nhất, mức độ ô nhiễm vượt nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.

Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn liền với vấn đề xử lý chất thải, xử lý nước thải,... vẫn còn tồn đọng nên tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị,...ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động. Theo ước tính, trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước thì có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tại các đô thị, chỉ có khoảng 60%-70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa thể đáp ứng được các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết lượng nước thải bị nhiễm dầu mỡ, hóa chất tẩy rửa, hóa phẩm nhuộm,... chưa được xử lý đều đổ thẳng ra các sông, hồ tự nhiên.

Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của các cấp chính quyền...trong khi số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng "chẳng ăn thua", và ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng đến mình nhiều. Và chính những suy nghĩ này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường của các thế hệ trẻ về sau.

Thứ nữa, chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Do đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần gây ô nhiễm môi trường đáng kể.

Một số cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường trong xã hội còn hạn chế.

Điển hình như sự cố Formosa, vào tháng 4/2016, tại ven biển 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường, gây thiệt hại lớn về kinh tế-xã hội, môi trường biển; ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Tính toán sơ bộ cho thấy sự cố ô nhiễm môi trường do công ty Formosa gây ra đã ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 100.000 người do không có việc làm ổn định, thu nhập thấp và 176.285 người phụ thuộc.

Có thể nói, tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vì vậy, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau.

Đối với những vấn đề mà nhân dân và cử tri tỉnh nhà quan tâm hiện nay, ông Vũ Ngọc Hóa cũng thẳng thắn chia sẻ rằng có những vấn đề thuộc thẩm quyền có thể chia sẻ với chư Tăng Ni của hạ trường; có những vấn đề cần phải có sự cho phép của lãnh đạo tỉnh nên mong chư Tăng Ni hãy hoan hỷ. Khi có điều kiện ông hứa sẽ tiếp tục chia sẻ với chư tôn đức Tăng Ni.

Được biết, một số vấn đề mà nhân dân và cử tri tỉnh nhà quan tâm hiện nay, đó là dự án bệnh viện Đa khoa tỉnh, quy mô 700 giường bệnh được khởi công tháng 11/2007 với số vốn ban đầu là 400 tỷ đồng nhưng đến năm 2010 thì tăng lên 850 tỷ đồng, giờ thì bỏ hoang, gây thất thoát và lãng phí lớn trong đầu tư. Trong khi tỉnh nhà vẫn còn nghèo, hàng năm vẫn phải nhận hỗ trợ từ trung ương (hàng năm tổng thu ngân sách của tỉnh khoảng 3000 tỷ đồng, trung ương hỗ trợ khoảng 8000 tỷ đồng); Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng quy mô lớn nhất cả nước với khoảng 200 ngàn lao động, Trung Quốc đầu tư khoảng 400 triệu USD vào dự án đó. Vấn đề môi trường ở dự án này đã được đánh như thế nào? Dự án nhà máy nhiệt điện tại huyện Hải Hậu được đầu tư khoảng 2 tỷ USD với công nghệ như thế nào để tránh những vấn đề và hệ quả xảy ra vừa qua tại một số tỉnh, thành trong cả nước; Một hai khu đô thị mật độ xây dựng ít, phần lớn bị bỏ hoang, trong khi dân không có đất để canh tác, sản xuất nông nghiệp hoặc chưa có sự chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, dễ tạo ra những bất ổn trong quản lý xã hội…

Đúc kết buổi nói chuyện, ông Vũ Ngọc Hóa đã tóm gọn về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào một số chữ sau: “2 Bình”, “3 kiên” và “1 khôn khéo”, tức là bình tĩnh và bình thường; kiên định, kiên trì và kiên quyết; khôn khéo kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại.

 

 

Kết thúc buổi nói chuyện, Đại đức Thích Giác Vũ đã thay ban lãnh đạo Hạ trường cảm ơn và đánh giá cao những nội dung thời sự  được Phó giám đốc Trung tâm Thông tin- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Vũ Ngọc Hoá trình bày. Theo Đại đức Thích Giác Vũ, đây là buổi nói chuyện rất có ý nghĩa, giúp cho toàn thể Tăng Ni của Hạ trường nắm bắt, hiểu rõ hơn về tình hình về kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội… của Việt Nam hiện nay. Khi kết thúc khóa hạ này, chư Tôn đức Tăng Ni về lại các trụ xứ phục vụ tín ngưỡng, trong các buổi nói chuyện vào ngày bá tát hàng tháng với Phật tử cũng chia sẻ lại những điều này để đồng bào Phật tử tin tưởng, an tâm vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tránh những điều làm phương hại tới khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, Đại đức cũng mong muốn trong các khóa hạ tiếp theo sẽ tiếp tục được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm và cử cán bộ đến nói chuyện về tình hình thời sự trong nước và quốc tế.

 

Tin: Hà Thanh Nam - Ảnh: Thanh Đăng

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin