Chi tiết tin tức

Nam Định: chùa Phi Lai tổ chức chương trình giao lưu ca nhạc "Ân nghĩa sinh thành"

16:18:00 - 07/08/2014
(PGNĐ) -  Ngày 5 và 6/8, Đại đức Thích Giác Vũ trụ trì chùa Phi Lai, Ngô Xá, xã Yên Lợi, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đã long trọng tổ chức chương trình giao lưu ca nhạc nhân mùa Vu Lan - Báo hiếu với chủ đề: “Ân nghĩa sinh thành”.

Buổi lễ được đặt dưới sự chứng minh của Đại đức Thích Giác Vũ, Chánh Văn phòng BTS GHPG VN tỉnh, Trụ trì chùa Phi Lai; Đại đức Thích Thanh Tín, Trụ trì chùa Nề; Đại đức Thích Thanh Nghĩa, Trụ trì chùa Đọ Xá và chư Ni Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội cùng đông đảo Phật tử trong và ngoài huyện.

Về phía chính quyền có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Quân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ý Yên; ông Nguyễn Xuân Tân, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lợi; ông Phạm Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Yên Lợi; ông Nguyễn Văn Bột, Chủ tịch UBMTTQ xã Yên Lợi và đại diện quân, dân, chính của các thôn, lãnh đạo các trường trên địa bàn xã.

 

Đại đức Thích Giác Vũ phát biểu khai mạc

 

Trong lời phát biểu khai mạc buổi lễ, Đại đức Thích Giác Vũ nhấn mạnh: “Mùa Vu lan - Báo hiếu đã trở về trên khắp mọi miền của đất nước, ngày truyền thống Báo ân - Báo hiếu đã gắn liền suốt mấy nghìn năm lịch sử với dân tộc việt nam chúng ta. Mùa này đã trở thành mùa để cho mọi người con thể hiện tâm hiếu và hạnh hiếu của mình đối với bậc sinh thành cũng như trong cửu huyền thất tổ. Chúng ta hãy noi theo gương hiếu hạnh của ngài Mục Kiền Liên, hướng về ngày đại lễ thiêng liêng trọng đại của Phật giáo với tâm thành kính và tưởng nhớ. Đây là ngày chư Phật hoan hỷ, ngày chư Tăng làm lễ tứ trong ba tháng cấm túc an cư, thực là cơ hội tốt nhất để cho hàng Phật tử gieo trồng duyên lành, kết duyên với Tam bảo để xây dựng một cuộc sống an lành, hạnh phúc trong tinh thần biết ân, tri ân và báo ân của đạo Phật”.

 

Sư cô Thích Nữ Huệ Từ đọc bài: "Ý nghĩa cài hoa Hồng"

 

Tiếp theo chương trình, sư cô Thích Huệ Từ đã lên đọc bài: Ý nghĩa cài hoa Hồng. Trong đó có đoạn: “Nếu còn cha, còn mẹ, bạn hãy biết rằng bạn vẫn còn một trời hạnh phúc. bạn hãy vui lên. Và hãy cài cho nhau lên ngực áo một đoá hồng. màu hồng thắm tươi như biểu hiện của tình yêu, yêu đất nước, yêu con người, nhưng phải hết lòng kính yêu và phụng thờ cha mẹ bạn. màu hồng nhắc nhở ta phải nhớ về nguồn cội bởi nó như dòng máu trong tim  mà mẹ cha ta đã chắt giọt cho ta, đã sinh thành dưỡng dục nên ta. từ nay mãi đến ngày sau, xin bạn hãy giữ gìn đoá hồng, đừng để nhạt phai , như giữ gìn chính tình thương của cha mẹ bạn. đừng bao giờ, dù chỉ một lần bạn làm buồn lòng cha mẹ bạn. bạn phải xem cha mẹ như hai đấng thiêng liêng cao quý, và hạnh phúc vì còn được cơ hội phụng dưỡng kính thờ cha mẹ bạn. còn nếu bạn bất hạnh vì đã mất cha mất mẹ xin bạn hãy lặng lẽ cài lên ngực áo mình đoá hoa buồn trinh trắng, hãy cài hoa hồng và hãy hướng nguyện về người bằng tất cả những gì tốt đẹp nhất”.

 

Toàn cảnh chương trình giao lưu ca nhạc

 

Sau đó toàn thể đại chúng đã lắng lòng nghe những ca khúc nói về công ơn cha mẹ, về ý nghĩa lễ Vu Lan, Bông Hồng cài áo, ân nghĩa sinh thành… qua sự thể hiện của các NSƯT Diệu Hằng, NSƯT Thanh Nga, ca sĩ Sao Mai điểm hẹn Thu Hường, Bảo Phúc, Ngọc Anh, Thu Thủy…

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện về lòng hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên. Ngài vốn là một tu sĩ theo đạo Bà la Môn, về sau Mục Liên đã quy y và trở thành một đệ tử lớn của Phật, đạt được sáu phép thần thông rồi được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Khi Ngài chứng được lục thông và tuệ nhãn liền nhớ đến cha mẹ mình, Ngài dùng tuệ nhãn nhìn khắp bốn phương, xem vong mẫu của mình hiện đang ở đâu? Khi thấy vong mẫu của mình đang ở trong loài ngạ quỷ hết sức đau khổ và đói khát, Ngài buồn bã vô cùng. Ngài liền bưng bát cơm đến dâng mẹ, nhưng mẹ Ngài vì tâm xan lẫn từ kiếp trước quá nặng nề khởi lên, sợ người khác trông thấy mà đến giành giật hoặc xin bớt, cho nên bà một tay che bát cơm lại, một tay bốc ăn. Nhưng cơm chưa tới miệng đã hóa thành than lửa không thể nào ăn được. Ngài thấy vậy, vô cùng đau xót, không biết làm sao cứu vớt mẹ được, bèn về bạch với đức Phật. Ngài dạy: Tội lỗi của mẹ ngươi, dù có thần thông phép lạ của hàng thiên thần địa kỳ cũng không cứu được đâu! Duy chỉ có dùng thần lực của chúng Tăng sau ba tháng an cư, tinh tiến tu hành thanh tịnh tập trung chú nguyện cho, may ra mới chuyển hóa được nghiệp lực của mẹ ngươi, thì mẹ ngươi mới được thoát khổ cảnh mà thôi.

Nghe vậy, Ngài Mục Kiền Liên thưa với đức Phật: Bạch Thế Tôn, con nay làm sao mà mời chư Tăng mười phương cúng dàng một lúc như vậy được? Đức Phật dạy rằng: Trong ngày Vu Lan là ngày Tự tứ của chư Tăng, ông nên sắm các thứ cúng dàng chư Tăng trong ngày Tự tứ, ngày đó dầu các vị trong thiền định, hay thụ hạ kinh hành, hay hóa độ nhân gian, cũng tập trung lại để Tự tứ và cầu nguyện cho mẹ ngươi, thì mẹ ngươi sẽ được thoát khổ, rồi Ngài thực hành theo lời dạy của đức Phật và chính trong ngày đó, mẹ Ngài thoát được cảnh ngạ quỷ mà hưởng phúc báu chư Thiên.

Do vậy, Ngài hết sức vui mừng và thưa với đức Thế Tôn, nếu sau này có chúng sinh nào muốn phát tâm hiếu để mà cầu nguyện cho cha mẹ thoát khổ được vui thì có làm như con được không? Đức Phật dạy là có thể làm được trong ngày Tự tứ. Do đó, mà trong Phật giáo truyền lại một Pháp cứu độ cho tiền nhân trong ngày Tăng Tự tứ.

Ngài Mục Kiền Liên làm như vậy đã nêu một tấm gương chí hiếu lớn lao cho tất cả Phật tử noi theo muôn đời.

Vì vậy, Vu lan - Báo hiếu là thể hiện nếp sống tốt đẹp của người học Phật, tu Phật. Hiếu là ý nghĩa của đạo đức, và cũng là phẩm chất của đời sống hạnh phúc và giác ngộ. Vu Lan không phải là một ngày lễ hội thông thường trên bình diện tín ngưỡng mà đó là một thông điệp nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo ân đối với cha mẹ, nhắc nhở chúng ta tu tập trong tinh thần tự lợi và lợi tha trong tinh thần "Trên đền bốn ơn lớn, dưới cứu khổ ba đường".

Sau đây là một số hình ảnh của buổi lễ:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin