Chi tiết tin tức Nam Định: Trường Trung cấp Phật học kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 21:30:00 - 20/11/2023
(PGNĐ) - Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/11, tại Trúc Lâm Thiên Trường (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định), trường Trung cấp Phật học tỉnh Nam Định long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Ban Nghi lễ cung rước chư Tôn đức quang lâm hội trường
Chứng minh và tham dự buổi lễ có Hoà thượng Thích Quảng Hà, PCT HĐTS, Trưởng BTS GHPG VN tỉnh Nam Định, Hiệu trưởng trường TCPH; Hoà thượng Thích Tâm Thiệu, Hoà thượng Thích Tâm Vượng, đồng UVHĐTS, Phó BTS GHPG VN tỉnh Nam Định, Hiệu phó trường TCPH; Hoà thượng Thích Thanh Thịnh, Ni trưởng Thích Đàm Hiền, đồng Phó BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; Thượng toạ Thích Thanh Đường, UV HĐTS GHPGVN, Hiệu phó trường TCPH; Thượng toạ Thích Giác Vũ, Chánh Thư ký BTS GHPG VN tỉnh Nam Định cùng chư Tôn đức trong BTS GHPG VN tỉnh, Ban Giám hiệu trường TCPH, các giảng sư, các thầy cô và Tăng Ni sinh toàn trường.
Niệm Phật cầu gia hộ
Để thể hiện lòng tấm lòng tri ân, báo ân thầy cô giảng sư theo chủ đề chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam theo chủ đề: “Chuyến đò nghĩa tình”, đại diện Tăng Ni sinh khoá VIII-Đại đức Thích Bản Tuấn đã có đôi dòng cảm niệm trong ngày lễ trọng đại này. Trong đó nhấn mạnh công lao và ơn giáo dưỡng của các bậc Giáo thụ sư, không quản ngày đêm, mưa nắng… đã truyền trao cho Tăng Ni sinh giới thân tuệ mạng. Chư tôn đức Giáo thụ sư chính là bóng bồ đề đại thụ che mát cho đàn hậu học trên bước đường tu nhân học Phật, và các bậc Giáo thụ sư chính là sự hiện thân của hình ảnh người lái đò uy nghiêm khả kính, đưa Tăng Ni sinh tìm đến bờ giác ngộ, giải thoát. Tăng Ni sinh nguyện một lòng tinh tiến tu học để không phụ công ơn của Thầy Tổ, các bậc Giáo thụ sư và công ơn của đàn na thiện tín đã trợ duyên cho mình trong thời tu học dưới mái trường này. “Chúng con có phúc duyên lành, được làm người con Thích tử, được thụ hưởng được cả hai nền văn hóa Đạo và Đời. Nếu như những kiến thức thế học, giúp chúng con viết được những bài văn hay thì những kiến thức Phật học, giúp chúng con chuyển hóa những phiền não trong thân tâm, hướng đến đời sống an lạc” - Tăng sinh Thích Bản Tuấn bày tỏ.
Hoà thượng Thích Quảng Hà ban đạo từ
Phát biểu chia sẻ và sách tấn Tăng Ni sinh, Hoà thượng Thích Quảng Hà cho rằng: “Đối với người tu, có hai nhiệm vụ quan trọng đó là học pháp và hành pháp. Nếu xuất gia ở chùa mà không học pháp, không học Kinh - Luật - Luận thì xuất gia không có ý nghĩa; mà học pháp không hành thì chỉ như cái đãy đựng sách. Do đó, học để thực hành pháp, để tu là vấn đề quan trọng. “Người nào tu, hành đúng Chính pháp đó là tri ân Tam bảo. Học và tu là hai nhiệm vụ rất quan trọng, góp phần giúp người xuất gia trở thành một Tăng, Ni xứng đáng, cao quý của Phật giáo Việt Nam; xây dựng Giáo hội và phát triển đất nước trong tương lai” - Hoà thượng nhấn mạnh. “Tiếp bước tiền nhân, kế thừa những thành quả đã có, nhưng không nên tự mãn, mà phải cố gắng nỗ lực để phát triển. Có như thế, sự nghiệp giáo dục Phật giáo mới hội nhập và phát triển cùng nền văn minh nhân loại, trường Trung cấp Phật học Nam định mới xứng đáng là trường đào tạo Phật học có uy tín trong và ngoài tỉnh hiện nay. Các kỳ thi đầu vào Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, Tăng Ni sinh của trường đều đạt kết quả cao và nhiều lần là thủ khoa”. Vì thế đây là nguồn động viên khích lệ rất lớn cho Tăng Ni sinh trong vấn đề tu học", Hoà thượng nói.
Ban Giám hiệu và giảng sư trường TCPH Nam Định
Văn nghệ chào mừng
Nhân đây Hoà thượng Thích Quảng Hà cũng chia thêm một câu chuyện hết sức ý nghĩa về Đức đệ nhất Pháp chủ GGHPGVN Thích Đức Nhuận. Hoà thượng cho biết, một sự kiện ghi nhận công trạng giáo dục, huấn luyện Tăng tài của Ngài mà hàng hậu thế thường soi nhắc là tại Hội nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ vào chiều ngày 6/11/1981. Đến giờ Đại hội suy tôn Hội đồng Chứng minh và suy cử Hội đồng Trị sự, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, Trưởng ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam, thay mặt Chủ tịch đoàn và toàn thể đại biểu cung thỉnh Ngài đảm nhận chức vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Dâng hoa cúng dàng
Cả hai lần Ngài đều khiêm tốn từ chối. Đến lần thứ ba Ngài phát biểu, nếu chư tôn đức một lòng quyết bầu Ngài làm Pháp chủ thì đề nghị Đại hội chấp thuận đề đạt lên Chính phủ cho phép Giáo hội được thực hiện 03 điều, trong đó có vấn đề trường Phật học: “Trường Phật học được thiết lập trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Tại Thủ đô Hà Nội được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại thành phố Huế được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Tại Thành phố Hồ Chí Minh được phép thiết lập một trường đại học Phật giáo. Ngoài ra, các tỉnh trong toàn quốc, mỗi tỉnh cũng đều được phép thành lập một Phật học viện, tuỳ theo khả năng và nhu cầu mỗi tỉnh, nếu có thể làm được”.
Tăng Ni sinh dâng lời cảm niệm
Nguyện vọng của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam được trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng và được chấp nhận. Ngay sau Đại hội, hai trường cao cấp Phật học được thành lập tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và Thiền viện Vạn Hạnh(Thành phố Hồ Chí Minh). Bắt đầu từ Nhiệm kỳ III (1993 - 1997), hai trường trên đổi thành Học viện Phật giáo Việt Nam và có thêm một Học viện Phật giáo đặt tại Thành phố Huế. Cả ba học viện Phật giáo này đã và đang duy trì tốt cho đến hiện nay.
Trao giải thưởng cho Tăng Ni sinh
Trong Lễ bế giảng khoá đầu tiên của Trường Cao cấp Phật học Việt Nam cơ sở I tại chùa Quán Sứ năm 1985, Ngài đã ban đạo từ: “Muốn thực hành từ bi phải có trí tuệ mà trí tuệ thì vô biên và bể học thì vô bờ. Vì thế phải tiếp tục học tập. Việc học tập phải được thường xuyên hằng ngày, không nên sao nhãng, không vì đã tốt nghiệp mà tự mãn, lãng quên việc học hành, trau dồi trí tuệ. Học và tu phải gắn chặt. Trí tuệ càng nâng cao thì đức hạnh càng phải trau dồi.
Các Phật tử tặng hoa chúc mừng
Cho nên cần phải tu tập đức hạnh để thực sự là người kế thừa xứng đáng của Phật Pháp và là người hữu ích trong xã hội. Tôi mong rằng chư vị tôn túc trong Giáo hội cần lưu tâm uốn nắn, giáo dục để các Tăng ni sinh ngày càng tinh tiến trên con đường tu học và là người kế tục tin cậy của Giáo hội”.Cho tới Nhiệm kỳ VI (2008 - 2012), Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thêm một cơ sở đào đạo cấp đại học thứ tư là Học viện Phật giáo Nam tông đặt tại Thành phố Cần Thơ.
Trước năm 1981, Phật giáo ở Miền Bắc chỉ có một Trường Tu học Phật pháp Trung ương, thì đến nay, hệ thống cơ sở đào tạo Tăng tài của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tăng trưởng một cách mạnh mẽ. Nhờ tinh thần “truyền đăng tục diệm”, Đức Đệ nhất Pháp chủ đã nối tiếp trong thời kỳ lịch sử đặc biệt của Phật giáo Việt Nam mà mạng mạch Phật giáo được duy trì, Giáo hội trang nghiêm, tinh tấn, phật tử được truyền giảng chính pháp. Đời sống của Phật giáo Việt Nam phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Nhìn lại chặng đường phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam từ ngày thành lập đến nay, hàng hậu học không thể quên công đầu đóng góp lớn lao của Đại lão Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hoà thượng Thích Quảng Hà chia sẻ.
Các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11
Trong buổi lễ hôm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã trao các giải thưởng Báo tường, nấu ăn, thể thao... cho các Tăng Ni sinh. Trước đó, vào buổi sáng và chiều cùng ngày, Tăng Ni sinh toàn trường đã tham gia các hoạt động thể thao như thi đấu kéo co, bịt mắt đập niêu, văn nghệ và nấu ăn...
Có thể nói chú trọng công tác đào tạo Tăng tài là nhiệm vụ hết sức cao quý và đầy trách nhiệm, để có nguồn nhân lực Tăng Ni có đầy đủ Giới học, Định học, và Tuệ học phục vụ nhân gian, trên tinh thần Hộ quốc an dân.
Tin: Điều Ngự Tử - Ảnh: Thanh Nghĩa
Bình luận
Gửi bình luận của bạn
|
Tin nhiều người đọc Danh bạ website Phật giáo Sự kiện - Hội thảo
Đăng ký bản tin |