Chi tiết tin tức

TP.Hồ Chí Minh: Hội thảo bàn về tác phẩm của Giáo sư Trần Văn Giàu

15:19:00 - 16/12/2014
(PGNĐ) -  Sáng nay, 16-12, tại chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận, TP.HCM, Viện Lịch sử Dòng họ (có trụ sở tại đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) kết hợp với chùa Pháp Hoa tổ chức hội thảo bàn về tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” của Giáo sư Trần Văn Giàu, nhà giáo nhân dân, một người thầy của nhiều thế hệ thầy dạy sử ở nước ta.
 
 
BT (5).jpg
Chủ tọa đoàn của hội thảo về tác phẩm của GS.Trần  Văn Giàu

Đến tham gia hội thảo có sự hiện diện của HT.Thích Trung Hậu, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN; HT.Thích Như Niệm, Phó ban kiêm Trưởng ban TTXH GHPGVN TP.HCM, trụ trì chùa Pháp Hoa; PGS.TS.Mạc Đường, Chủ tịch Hội đồng Viện, nguyên viện trưởng Viện KHXH tại TP.HCM; TS.Hoàng Văn Lễ, Viện trưởng Viện Lịch sử Dòng họ; ông Vũ Mạnh Hải, Trưởng ban Dân tộc - Tôn giáo UBMTTQVN TP.HCM cùng 100 đại biểu gồm: các nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư, tiến sĩ đang giảng dạy tại các trường đại học TP.HCM…

BT (2).jpg
Chư tôn đức, các nhà nghiên cứu, học giả, giáo sư tham dự

Nhân ngày giỗ lần thứ tư của GS.Trần Văn Giàu, Viện Lịch sử Dòng họ kếp hợp với chùa Pháp Hoa tổ chức hội thảo với mong muốn đi sâu hơn vào một vấn đề cụ thể rất quan trọng và mang tính thời sự mà GS.Trần Văn Giàu đã suy tư từ những năm 30 của thế kỷ trước. Đó là truyền thống dân tộc và chủ nghĩa yêu nước của Việt Nam thông qua tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam” mà GS.Trần Văn Giàu đã để lại cho chúng ta.

Tại hội thảo, HT.Thích Như Niệm đã trình bày tham luận với tư cách là một trong những nhân chứng lịch sử được chứng kiến một quãng đời hoạt động sôi động của GS.Trần Văn Giàu. Tham luận chỉ rõ những quan điểm, liên hệ giữa Phật giáo và dân tộc của GS.Trần Văn Giàu qua 3 cảm nhận sâu sắc trong tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam”.

BT (4).jpg
HT.Thích Như Niệm trình bày tham luận

BT (7).jpg
Hội thảo có khoảng 100 đại biểu tham dự

Thứ nhất, theo GS.Trần Văn Giàu, Phật giáo Việt Nam là Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam, trở thành đạo của xứ ta “Phật giáo không phải chỉ là tôn giáo thuần túy, mà là đạo đức, là trí tuệ. Nó không chỉ tạo ra tư tưởng khoan hòa, nhân ái trong chính sách an dân, trị quốc của các vương triều Lý, Trần thời văn hóa Đại Việt mà còn góp phần rất quan trọng trong việc định hình lối sống, phong tục, chuẩn mực giá trị văn hóa Việt Nam ngày nay”.

GS.Trần Văn Giàu từng đúc kết: “Điều đáng chú ý là Phật giáo cực thịnh mà không nghe nói nó lấn át Đạo giáo và Nho giáo. Lấn át đạo khác không thuộc bản chất của đạo Phật, ít nhất là đạo Phật ở xứ ta, trái lại người ta thường thấy nó dễ dàng hòa với sắc màu của những tín ngưỡng tư tưởng khác”.

Thứ hai, trong tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống dân tộc Việt Nam”, GS. Trần Văn Giàu thông qua việc phục dựng lại bức tranh toàn cảnh về lịch sử “cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam” trong thập niên 30 và sớm nhận ra vai trò, vị trí đặc biệt của PGVN trong lòng dân tộc. Giáo sư khẳng định “Phật giáo đã thấm nhuần vào cách suy tư và sinh hoạt của người Việt nên dấu ấn của Phật giáo trong văn hóa Việt Nam rất đậm nét…”.

Thứ ba, HT.Thích Như Niệm rất tâm đắc với việc Giáo sư khái quát lịch sử dân tộc như sự trở về nguồn cội của sự hình thành và phát triển những giá trị đạo đức, tinh thần truyền thống dân tộc, với bản lĩnh in đậm dấu ấn Việt Nam. Trong đó, Giáo sư đã khẳng định cương vực, lãnh thổ, bang giao nhà nước ta ngay từ khi dựng nước đã xác định rõ ràng.

BT (6).jpg
TS.Đinh Thu Xuân trình bày tóm tắt nội dung cuốn kỷ yếu hội thảo của 18 tác giả

BT (1).jpg
Chư tôn đức tham dự hội thảo

Hội thảo lần này gồm 2 phần: tham luận và thảo luận của các học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ nhằm làm sáng rõ, khẳng định thêm, trân trọng hơn những giá trị tinh thần truyền thống về chủ nghĩa yêu nước Việt Nam thông qua tác phẩm. 

Hội thảo lần này cũng thảo luận, khẳng định thêm về những phát hiện mới, luận điểm của 18 tác giả có bài tham luận trong tập kỷ yếu hội thảo bàn về tác phẩm “Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam” của GS.Trần Văn Giàu, đây là một khởi đầu dâng lên hương linh GS.Trần Văn Giàu nhân ngày giỗ lần thứ tư của ông.

BT (3).jpg
Quang cảnh hội thảo tại hội trường chùa Pháp Hoa

Được biết, chùa Pháp Hoa là một trong những địa chỉ đỏ nuôi giấu cán bộ cách mạng và tâm linh của TP.HCM. Tại chùa, hiện đang lập bàn thờ GS.Trần Văn Giàu - một người bạn với nhà sư Thích Thiện Chiếu, một cán bộ của Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam trước năm 1975. 

Hàng năm, HT.Thích Như Niệm, trụ trì chùa Pháp Hoa cùng nhóm học trò của GS.Trần Văn Giàu đều làm giỗ Giáo sư tại chùa.

H.Diệu - Ảnh: Bảo Toàn

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin