Chi tiết tin tức

Hà Nội; Hội nghị tiếp xúc và góp ý Dự thảo 5 luật tín ngưỡng, tôn giáo

15:51:00 - 05/09/2015
(PGNĐ) -  Chiều ngày 4.9, tại Hội trường trụ sở  Ủy ban Trung ương MTTQVN, số 46 Tràng Thi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN với đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các ông, bà: Nguyễn Thiện Nhân, UV BCT, Chủ tịch UB TW MTTQVN; Chu Văn Yêm, PCN Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Thanh Hải, PCN Văn phòng Quốc hội; Phạm Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH; Lê Bá Trình, PCT UB TW MTTQVN; Nguyễn Thị Thanh Hòa, UV BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN; Nguyễn Đắc Vinh, UV DK BCH TW Đảng, Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCSHCM; Bùi Ngọc Chương, UV TT UB các vấn đề xã hội của Quốc hội; Bùi Thanh Hà, phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ; Đào Văn Bình, Chủ tịch UBMTTQVN thành phố Hà Nội. Ngoài ra còn có đại diện các bộ, ban, ngành chức năng ở Trung ương; Ban Dân vận Trung ương; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ; Bộ Ngoại giáo; Bộ Tài nguyên - môi trường; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Nội vụ)…

 

Toàn cảnh Hội nghị


Về phía đại diện lãnh đạo các tổ chức tôn giáo có HT. Thích Thanh Nhiễu, PCT TT HĐTS GHPGVN; HT Thích Gia Quang, TT. Thích Quảng Hà, Thích Thanh Quyết, đồng PCT HĐTS GHPGVN; Linh mục Dương Hữu Tình, Thư ký HĐGMVN; Linh mục Dương Phú Oanh, PCT UBĐKCGVN; Mục sư nhiệm chức Triệu Phúc Tiến, UV BTS Tổng hội; Lễ sanh Thượng Mai Thanh, Ban chỉnh đạo Hội thánh Cao Đài tại Hà Nội; Nguyễn Thị Mai Anh, TV Hội đồng tinh thần Quốc gia tôn giáo Baha’i; Hoàng Văn Tùng, Trưởng ban Đại diện Lâm thời Giáo hội Mặc Môn và 33  chức sắc đại diện cho các tôn giáo. Ngoài ra còn có đại diện Văn phòng và các ban, đơn vị của cơ quan UB TW MTTQVN; các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình TW và Hà Nội.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

 

 

Đây là một hoạt động cụ thể nằm trong chương trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQVN nhằm tăng cường tiếp xúc, đối thoại lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân nói chung và đồng bào các tôn giáo nói riêng.

 

UV BCT-Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc


Trong buổi tiếp xúc này, UV BCT-Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cho biết Hiến pháp 2013 khẳng định mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, không ai được xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc này.

 


Qua diễn đàn này, Chủ tịch UB Trung ương MTTQVN bày tỏ sự mong muốn được lắng nghe những ý kiến của chức sắc các tôn giáo và đồng bào tôn giáo trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách pháp luật c; ủa Đảng và Nhà nước; các chương trình kinh tế - xã hội triển khai ở địa phương; đặc biệt là góp ý xây dựng dự thảo 5 luật tín ngưỡng, tôn giáo chuẩn bị trình Quốc hội.

 

HT. Thích Thanh Nhiễu phát biểu chia sẻ một số điều tâm tư

 

HT. Thích Gia Quang góp ý sửa đổi một số điều trong luật

 

Lễ sanh Thượng Mai Thanh phát biểu chia sẻ về vấn đề an sinh xã hội

 

TT. Thích Thanh Quyết


Thượng tọa Thích Thanh Quyết, PCT HĐTS GHPGVN cho rằng nên có những Hội nghị mở rộng như thế này, có thể là 3 tháng hoặc 6 tháng để chức sắc các tôn giáo cùng các vị lãnh đạo các cơ quan Trung ương ngồi lại chia sẻ với nhau về những vấn đề đối với tôn giáo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

 

TT. Thích Quảng Hà


Thượng tọa Thích Quảng Hà, PCT HĐTS GHPGVN hoàn toàn nhất trí với luật tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này tạo điều kiện cho đồng bào có đạo thực hành và thể hiện niềm tin tôn giáo được dễ dàng hơn. Nhưng không đồng ý với cách thức trao tặng “Ngôi chùa linh thiêng nhất Việt Nam” cho một số chùa của một số tổ chức vừa qua.

 

TT. Thích Tiến Đạt


Thượng tọa Thích Tiến Đạt, UV TT kiêm Phó ban TT ban Pháp chế HĐTS GHPGVN thì có quan điểm nên đổi tên thành luật Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu có thể nên tách hoạt động tín ngưỡng về cho Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch; hoạt động tôn giáo thì cịu sự quản lý của Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo). Dự thảo nên tránh cơ chế xin-cho; nặng về quản lý nhà nước vì chỗ nào cũng thấy cho phép, chấp thuận, đăng ký, công nhận. Nên dành thời gian nhiều hơn nữa để lắng các ý kiến phản hồi của chức sắc và tín đồ các Tôn giáo, vì luật này không chỉ hướng tới chức sắc, chức việc các tôn giáo mà trong khi đó người bị bộ luật này hướng  tới và điều chỉnh nhiều nhất chính là tín đồ các tôn giáo, trong khi đó họ lại không biết gì về luật này. Như thế mới góp phần xây dựng, hoàn thiện các điều luật một cách hợp tình, hợp lý, để tạo điều kiện cho tôn giáo tự do hoạt động theo đúng quy định của pháp luật. Hay thực sự có cần thiết để cho ra đời bộ luật này không khi trên thế giới chỉ có hơn 10 nước có luật tôn giáo thì đa phần là các quốc gia Hồi giáo, Thượng tọa chia sẻ.

 

Ông Công Văn Tụ


Nguyên Thư ký Hội thánh Tin Lành thành phố Hà Nội Công Văn Tụ cho biết trong hơn 10 nước trên thế giới có luật tôn giáo thì là luật tự do tôn giáo chứ không phải hoạt động tôn giáo. Vì một người đã là công công dân của nước thì đã chịu sự chi phối của luật Nhà nước đó. Vậy “Có nên trồng thêm một cây cùng chủng loại trong một rừng cây vốn đã rậm rạp rồi”, ông trích dẫn lời nói của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kết thúc phần phát biểu của mình.

 

TT. Thích Chiếu Tạng


“Chúng ta quản lý tôn giáo như hình chóp nón ngược”, Thượng tọa Thích Chiếu Tạng, UV HĐTS GHPGVN, Phó BTS GHPGVN thành phố Hà Nội nói. Bởi các cơ quan Trung ương ban hành các Thông tư, Nghị định… xuống các cơ quan quản lý tôn giáo ở cấp địa phương nhưng các cơ quan cấp dưới lại không nắm bắt rõ, do đó gây khó dễ cho hoạt động tôn giáo tại các địa phương. Người quản lý về tôn giáo mà năng lực và trình độ yếu kém, không hiểu gì về tôn giáo mà mình đang quản lý, đây thực sự là lỗ hổng lớn cần phải khắc phục ngay, Thượng tọa chia sẻ thêm.

 

Ông Bùi Thanh Hà


Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà thì cho rằng luật này đảm bảo tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đảm bảo phát huy được vai trò của các tôn giáo, đảm bảo quản lý hoạt động của các tôn giáo, luật quy định, điều chỉnh về các hoạt động tôn giáo…

 

Các đại biểu chăm chú lắng nghe những chia sẻ

 

Chụp ảnh lưu niệm


Phát biểu kết thúc Hội nghị, UV BTC- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân cám ơn và xin tiếp thu những phát biểu chia sẻ rất thẳng thắn, mang tính xây dựng cao của chức sắc các tôn giáo. Ông cho rằng mỗi một chế độ phải đảm bảo quyền tự do cho các tôn giáo hoạt động. Nhưng sự tự do mà không trong khuôn khổ thì rất khó. Xây dựng bộ luật này để cho người có đạo biết và áp dụng. Chủ tịch UB TƯ MTTQVN cũng chia sẻ thêm, khi đưa luật này vào áp dụng rộng rãi thì phải có ý kiến bằng văn bản của 14 tổ chức tôn giáo mới trình Quốc hội để thông qua.

 

Trò chuyện thân mật khi kết thúc Hội nghị


Khi đi vào áp dụng và thi hành thì đây chính là hành lang pháp lý đầy đủ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện một cách lành mạnh, phát huy giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn truyền thống của dân tộc.

 

Bên cạnh các tôn giáo, hiện nay rất đông đảo người dân Việt Nam tham gia các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội tín ngưỡng và các hành vi tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của dân tộc. Ước tính 95% người dân Việt Nam có tín ngưỡng, tôn giáo. Các “hiện tượng tôn giáo mới” cũng có xu hướng gia tăng.
Các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay có khoảng 80.000 chức sắc, nhà tu hành; 113.803 chức việc; 25.922 cơ sở thờ tự, cơ sở sinh hoạt tôn giáo đang sử dụng; 102 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành và 761 cơ sở hoạt động từ thiện nhân đạo.
Tổng cộng cả nước có hơn 22,1 triệu tín đồ các tôn giáo, gồm:
Phật giáo có hơn 10.000.000 tín đồ, Công giáo trên 6.000.000 tín đồ,  Cao Đài 2.300.000 tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo hơn 1.300.000 tín đồ, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam khoảng 1.500.000 tín đồ, Tin Lành có hơn 1.000.000 tín đồ... 
Ngoài ra còn 8 tôn giáo khác: Hồi giáo, đạo Tứ ân Hiếu nghĩa, đạo Baha’i, đạo Bửu sơn Kỳ hương, Minh Sư đạo, Minh Lý đạo - Tam Tông miếu, Bàlamôn, Giáo hội các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô, gọi tắt là đạo Mặc Môn.
Nhiều tôn giáo tham gia xã hội hóa các hoạt động ý tế, giáo dục, bảo trợ xã hội, dạy nghề, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường… Đồng thời cũng đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động và các hoạt động từ thiện xã hội khác, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, như: “Cuộc vận động vì người nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phong trào xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến”, “Chùa cảnh văn hóa”, trong Phật giáo; phong trào xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; phong trào “Nồi cháo tình thương” giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân tâm thần… của Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo…; Nhiều vị chức sắc các tôn giáo tham gia tích cực công tác xã hội, góp phần đóng góp chung vào công việc của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như: 
- Tham gia Quốc hội khóa XIII có vị vị; tham gia HĐND cấp tỉnh khóa hiện tại là 1223 vị; HĐND cấp huyện là 958 vị và HĐND cấp xã là 13.037 vị. 
- Tham gia UV UB TW MTTQVN có 58 vị; UV UB MTTQ  cấp tỉnh là 556 vị; UV UB MTTQ cấp huyện là 3036 vị; UV UB MTTQ cấp xã là 17.631 vị.
- Tham gia xã hội hóa giáo dục: tính đến tháng 10 năm 2014, đã có 39 tỉnh, thành phố có cơ sở mầm non tư thục cá nhân tôn giáo thành lập.
- Tham gia xã hội hóa hoạt động y tế: Tính đến nay, các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã mở được 185 cơ sở khám chữa bệnh. 
- Phát triển các hoạt động bảo trợ xã hội và dạy nghề: Đến nay cả nước có 402 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 233 cơ sở ngoài công lập (đa số của các tổ chức, cá nhân tôn giáo), thực hiện việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 41.000 đối tượng, trong đó có 11.365 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi…
Ngoài ra còn rất nhiều các hoạt động khác nữa mà các tôn giáo trong cả nước tham gia vào, góp phần xây dựng con người hướng thiện, xây quê hương phát triển, Tổ quốc ngày càng giàu mạnh và phồn vinh.

 

Tin và ảnh: Giác Vũ

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin