Chi tiết tin tức

“Việc thành lập các 'vụ' trực thuộc 13 Ban, Viện chưa khả thi”

17:33:00 - 02/04/2018
(PGNĐ) -  Ngày 27 và 28-3 tại Văn phòng Ban Thường trực HĐTS phía Nam (Văn phòng II TƯGH, TP.HCM), diễn ra Hội nghị Ban Thường trực HĐTS GHPGVN. Đây là sinh hoạt quan trọng đầu tiên của Giáo hội khóa VIII, nhằm triển khai phương hướng hoạt động đã đề ra cho nhiệm kỳ 2017-2022.

Trao đổi về ý nghĩa, mục đích của hội nghị này với BBT, HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cho biết:

- Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức vào ngày 21, 22-11-2017 tại thủ đô Hà Nội đã thành công rực rỡ. Đại hội đã suy tôn 96 thành viên Hội đồng Chứng minh, trong đó có 27 thành viên Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh. Đức Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ được tái suy tôn tại vị Pháp chủ GHPGVN.

Hội đồng Trị sự gồm 244 thành viên chính thức, 45 thành viên dự khuyết và Ban Thường trực gồm 61 thành viên. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn được Đại hội tái suy cử Chủ tịch HĐTS nhiệm kỳ VIII (2017-2022); Đại hội đã thông qua Nghị quyết gồm 14 điều.

Ý nghĩa và mục đích của hội nghị lần này là nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII; thông qua nhân sự, Nội quy hoạt động của các Ban, Viện Trung ương (nhiệm kỳ 2017-2022) và một số công tác trọng tâm của Giáo hội trong 6 tháng đầu năm 2018, nhất là công tác chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản PL.2562 và An cư kiết hạ của Tăng Ni năm 2018.

Vừa qua, Công văn 67/TGCP-PG của Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 19-1-2018 phê chuẩn Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 6, bạch Hòa thượng, như vậy Hiến chương (sửa đổi lần thứ 6) đã thông qua tại Đại hội và bản đã được Ban Tôn giáo Chính phủ phê chuẩn có những thay đổi quan trọng nào; so với Hiến chương (sửa đổi lần thứ 5) và có điểm gì khác biệt với nội dung Hiến chương tu chỉnh đã được thông qua tại Đại hội GHPGVN khóa VIII?

- Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, Ban Nội dung Đại hội đã tiến hành tu sửa một số từ ngữ, thay đổi một vài tên gọi của tổ chức Phật giáo trong Hiến chương GHPGVN, vẫn giữ nguyên cấu trúc là 13 chương và 71 điều. Mục đích của việc tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ 6 là để phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2018.

Bạch Hòa thượng, một trong những thay đổi trong Hiến chương sửa đổi lần 6 quy định tại Điều 25 (Chương V), Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương được thay thế bằng tên gọi Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương. Như vậy, hệ thống dọc của Ban này như cấp tỉnh, thành phố; cấp quận, huyện, thị xã (trực thuộc Ban Giáo dục Phật giáo T.Ư) sẽ được gọi như thế nào?

- Ban Giáo dục Tăng Ni được đề nghị sửa đổi thành Ban Giáo dục Phật giáo nhằm phù hợp với nội dung trong xã hội và phù hợp với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, khi đó Giáo hội sẽ có kế hoạch mở các trường mầm non, và tiến tới mở các cơ sở giáo dục dân lập Phật giáo trong tương lai (như các tổ chức Phật giáo trên thế giới đã làm như: Phật Quang Sơn, Đài Loan; Phật giáo Thái Lan…).

Về tên gọi, Ban Giáo dục Phật giáo cấp Trung ương được gọi là Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương GHPGVN; đối với cấp tỉnh, thành phố gọi là Ban Giáo dục Phật giáo TP.Hà Nội, Ban Giáo dục Phật giáo TP.Hồ Chí Minh, Ban Giáo dục Phật giáo tỉnh Long An…; cấp quận, huyện, thị trấn cũng có cách gọi tương tự như trên.

 


Quang cảnh Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII

 

Được biết, Công văn số 67/TGCP-PG của Ban Tôn giáo Chính phủ, ngày 19-1-2018 phê chuẩn Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 6 và Quyết định số 018/QĐ-HĐTS ban hành Hiến chương do Hòa thượng Chủ tịch HĐTS ký ban hành ngày 26-1-2018. 

Nhưng trước đó, ngày 4-12-2017, TƯGH đã ban hành Thông tư số 345/TT/HĐTS do TT.Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS ký, hướng dẫn dự kiến cơ cấu nhân sự và tu chỉnh Nội quy hoạt động của Ban, Viện Trung ương GHPGVN nhiệm kỳ VIII (2017-2022), bên cạnh Thông tư là hướng dẫn thành lập các “Vụ” trực thuộc 13 Ban, Viện Trung ương nhiệm kỳ VIII (2017-2022), phổ biến đến các Ban, Viện Trung ương và đăng tải rộng rãi trên website chính thức của Giáo hội... 

Tuy nhiên, tại Điều 26 (Chương V) Hiến chương sửa đổi lần thứ 6, quy định: …“Ban, Viện Trung ương được phép thành lập các tổ chức trực thuộc và hoạt động theo quy định do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành”, theo đó không có nội dung nào về các “Vụ”. 

Như vậy, hệ thống tổ chức trực thuộc 13 Ban, Viện Trung ương sẽ được hiểu và triển khai như thế nào, bạch Hòa thượng?

- Theo Công văn số 67/TGCP-PG ngày 19-1-2018 của Ban Tôn giáo Chính phủ về việc phê chuẩn Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ 6, trong đó nêu rõ: Chấp thuận Hiến chương sửa đổi lần thứ 6, thông qua tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII của GHPGVN với những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Lời nói đầu, các Điều 9, 11, 14, 19, 20, 21, 22, 24, 25, 26, 28, 31, 35, 38, 39, 41, 49, 50, 51, 52, 57, 60, 63, 71.

Theo kế hoạch tu chỉnh Hiến chương, dự kiến các Phân ban, Phân viện sẽ được thay đổi bằng danh từ các “Vụ”. Tuy nhiên, theo nhận định của Chính phủ, việc thành lập các “Vụ” trực thuộc 13 Ban, Viện Trung ương chưa mang tính khả thi. Do đó, Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ 6 vẫn sử dụng danh từ các Phân ban, Phân viện như Hiến chương GHPGVN đã được tu chỉnh lần thứ 5. 

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

H.Diệu thực hiện

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin