Chi tiết tin tức

Đừng coi thường những sơ suất

20:17:00 - 05/09/2017
(PGNĐ) -  Cứ vào gần mùa Vu lan - Báo hiếu, tháng Bảy âm lịch hàng năm, nhiều chùa rộn ràng chuẩn bị các hoạt động văn nghệ, các chương trình chủ đề tri ân các đấng sinh thành; tưởng niệm, cầu siêu cho người thân đã qua đời. 

Hình ảnh biểu tượng cho chủ đề đó mang tính phổ biến là mẹ và con - tình mẫu tử thiêng liêng. Trong nghệ thuật, đó cũng là chủ đề sáng tạo vô tận, từ xưa đến nay, và có rất nhiều tuyệt tác làm rung động lòng người. 

Chỉ cần biết các từ khóa, gõ vào công cụ tìm kiếm trên mạng điện tử, chúng ta sẽ có được vô vàn kết quả về chủ đề này, đủ mọi loại hình nghệ thuật, từ nhiếp ảnh cho đến hội họa, điêu khắc. 
 

vi3_690217460.jpg

Bức tranh "Đức mẹ Maria và Chúa hài đồng" của Họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt


Tùy mục đích sử dụng, khi chọn một hình ảnh nào làm biểu tượng cho việc trang trí, phông sân khấu, người tổ chức chắc chắn phải có hiểu biết sơ đẳng về hình ảnh đó. Nhưng không biết do đâu, một số chùa, kể cả một số sự kiện lớn do Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh tổ chức lại chọn hình ảnh được cho là Đức Mẹ Maria và Chúa hài đồng (của một tác giả đang ở hải ngoại) để minh họa cho chủ đề trong các lễ nghi về Phật giáo. 

Còn nhớ có lần hình ảnh này cũng đã được chọn làm bìa một vài ấn phẩm Phật giáo trong mùa Vu lan, dẫu cho trước đó trên một số trang mạng đã có nhiều thông tin phản hồi, có ý kiến cho rằng như vậy là không phù hợp. 

Sự việc này cứ lặp lại một cách đáng quan tâm. Không lẽ nào việc lựa chọn hình ảnh mang thông điệp chính của một sự kiện lớn của Phật giáo lại không có hình ảnh đại diện, mà phải mượn của tác phẩm của tôn giáo bạn? Hay tại sự thờ ơ của người có trách nhiệm? 
 

vivi8.jpg

                Sự sơ xuất hay thờ ơ đến thiếu lòng tự trọng tôn giáo?


Các hình thức sự kiện, lễ hội… thuộc đời sống văn hóa, trong đó, mọi việc đều phải tuân thủ các nguyên tắc mang tính công ước. Khó có thể chấp nhận câu giải thích như dư luận hiện nay thường viện dẫn một cách khôi hài, rằng “lỗi tại người thiết kế!”. 

Có người hiểu không đúng về các khái niệm trong Phật giáo như vô chấp, vô ngại, vô ngã…, nên đã dùng những khái niệm đó để ngụy biện cho sự thiếu hiểu biết của mình. Có người cho rằng đó là điều không quan trọng, bởi hình ảnh “Đức Mẹ Maria và Chúa hài đồng” là biểu tượng cho tình mẫu tử thiêng liêng, trở thành giá trị phổ quát của loài người, và trong xu thế giao lưu tôn giáo hiện nay, việc đó là bình thường. 

Chúng ta đừng quên rằng điều căn bản để có được sự giao lưu là cần hiểu đúng các khái niệm và tôn trọng các giá trị đặc thù. Hiểu đúng, tôn trọng những dị biệt chính là biểu hiện sự tôn trọng đối với tôn giáo mà mình giao lưu. Và đó cũng là nền tảng cho sự tự trọng khi tham gia giao lưu. 

Bài học về lòng tự trọng và tự trọng văn hóa đã được giảng dạy trong nhà trường từ xưa cho đến nay. Người có lòng tự trọng biết được giá trị của bản thân mình, biết mình đang suy nghĩ, trao đổi và hành động trên lập trường nào. Đó cũng là điểm đứng, đồng thời là hệ quy chiếu để xác định vai trò của mỗi người tham dự xã hội. 

Trong đạo Phật, nội dung không thể xa rời hình thức, và nội dung không độc lập được với hình thức, do vậy, những người có trách nhiệm không thể lơ là với hình thức trang trí ở trong các sự kiện của tôn giáo mình, cần có ý thức, hay nói đúng hơn, cần giao việc đúng người, tránh tình trạng dở khóc dở cười, thiếu sự tự trọng trong ứng xử văn hóa, ở đây là sự tự trọng tôn giáo như đã nói trong trường hợp trên.

Diệu Nghiêm

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin