Chi tiết tin tức

Hội chứng thành tích, danh hiệu

19:45:00 - 22/08/2018
(PGNĐ) -  Theo nhà tâm lý học Braham Maslow (1908-1970), với người bình thường, tâm lý có xu hướng vận hành theo 5 nhu cầu căn bản và được ông khái quát bằng tháp có hình tam giác cân, mặt đáy là các nhu cầu bản năng, đến giao tiếp, khẳng định giá trị bản thân, được tôn trọng và sáng tạo.

 

thi tn.jpg

Các kỳ thi luôn đòi hỏi sự trung thực và công bằng, nhất là trong môi trường giáo dục - Ảnh: Internet

 

Theo đó, khi con người bắt đầu thỏa mãn nhu cầu được chấp nhận là thành viên trong cộng đồng, xã hội thì họ muốn được người khác tôn trọng thông qua những thành tích, danh hiệu của cá nhân. 

 

Một cách phổ biến, nhu cầu tự trọng và muốn người khác tôn trọng mình, cũng như ghi nhận giá trị của tập thể thông qua thành tích của việc làm trong các lĩnh vực, công việc là hết sức chính đáng. Tuy nhiên, trong thực tế, sự khẳng định giá trị của cá nhân, tập thể đã có những biểu hiện vượt khỏi giá trị thực của việc làm mà bản thân, tập thể thực hiện được qua sự nỗ lực, tinh thần đoàn kết, kế hoạch khoa học, kỷ luật nghiêm khắc... 

 

Dư luận đã lên tiếng phê phán rất nhiều về tệ nạn gian dối, chẳng hạn như tự sửa, nâng điểm, làm sai kết quả thi cử, như đã thấy ở một số tỉnh thành trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, nhằm hoán đổi thành tích thấp thành cao. 

 

Áp lực thành tích được cảnh báo trở thành hội chứng, là căn bệnh không chỉ trong ngành giáo dục - lĩnh vực đào tạo con người, mà còn lây lan trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác của xã hội. 

 

Vì áp lực đạt thành tích, có lúc người ta bất chấp các biện pháp không đúng đắn, sai nguyên tắc, thiếu minh bạch, bằng mọi giá để đạt được, thách thức những giá trị mà mình đã tích lũy, cả nhân phẩm của mình. 

 

Đó là chưa nói tới việc để có được danh hiệu, thu hút sự chú ý của quần chúng, không kể đó là thị hiếu nhất thời, người ta có thể đánh tráo khái niệm, hoặc chỉ cần có cái vỏ của danh hiệu qua một bản chứng nhận mà bất chấp nguồn gốc, giá trị thực của người cấp cũng như bản thân danh hiệu trong xã hội ra sao. 

 

Vì thành tích để không thua bạn kém bè mà cha mẹ ép con cái học theo ý mình, học ngày học đêm, đến nỗi có trường hợp con em bị áp lực không đạt kết quả như ý muốn đã tìm đến cái chết oan uổng. Vì danh hiệu mà một số đơn vị trong ngành giáo dục ép học sinh học quá tải, nâng điểm khống, tạo nên sự hoài nghi của xã hội về chất lượng đào tạo… 

 

Có người để có được danh hiệu trong học hành thể hiện qua các học vị, học hàm mà bất chấp giá trị và nguồn gốc cũng như uy tín của các đơn vị cấp phát văn bằng, danh hiệu, kể cả những đánh giá của xã hội cũng như thẩm định của các cơ quan chuyên môn. 

 

Trong đạo Phật, danh vọng cùng với tiền tài, sắc dục, sự ăn uống, ngủ nghỉ là những chướng ngại cho con đường hoàn thiện nhân cách nếu bị vướng vào, theo đuổi với động cơ là lòng tham lam, mê đắm. Nếu vì những điều này mà bất chấp thì sự tệ hại không chỉ xảy ra đối với mình, mà còn ảnh hưởng xấu đến xã hội, cộng đồng mà mình tham dự. 

 

Sự tệ hại đó chính là làm cho các giá trị bị đảo lộn, nói cách khác, lộng giả thành chơn, làm cho niềm tin của con người bị chao đảo. Trong khi đó, niềm tin chính là cội nguồn cho sự ổn định và nó cũng chính là nền tảng, động lực cho mọi phát triển lâu dài.

Diệu Nghiêm

Nguồn: GNO

Bình luận
Gửi bình luận của bạn

Danh bạ website Phật giáo
Sự kiện - Hội thảo
  • Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
  • Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
  • Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
  • Đôi dòng xúc cảm
  • 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
  • Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
  • Em nên đi tu hay lấy chồng?
  • Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
  • Bình an giữa cuộc đời
  • Ăn và Đạo Pháp

Đăng ký bản tin