Nghĩ từ sự việc một phụ huynh bắt cô giáo quỳ 40 phút: Tiếng chuông cảnh báo cho nền giáo dục
21:31:00 - 03/04/2018
(PGNĐ) - Vừa qua, sự việc cô giáo Nh., một giáo viên trẻ, dạy giỏi cấp huyện, đang giảng dạy tại Trường Tiểu học Bình Chánh (Long An), phạt học sinh của mình bằng cách bắt các em quỳ gối, sau đó bị một số phụ huynh làm áp lực, buộc cô từ bỏ hình thức phạt đó.
Cô giáo Nh. sau cơn hốt hoảng ấy liệu có vượt qua được những chấn thương tâm hồn? - Ảnh minh họa của báo Tuổi Trẻ
Như thế thì không có chuyện gì đáng nói. Đàng này trong số phụ huynh có ông Võ Hòa Thuận, một cán bộ, đã ép cô phải quỳ gối xin lỗi mới cho qua, nếu không sẽ vận động tất cả các phụ huynh phản đối cô giáo. Trước áp lực này, cô Nh. đành phải quỳ để qua chuyện. Cô nói phải quỳ đúng 40 phút vì ‘không còn đường lui’!
Sự việc trên đang gây “bão dư luận” mấy ngày nay. Rất nhiều quan điểm, rất nhiều cách nhìn khác nhau, trong cuộc, ngoài cuộc, đủ cả, khiến những người từng là giáo viên hay còn trên bục giảng, cảm thấy “chấn động”…
Hoài nghi giá trị
Bộ Giáo dục đang loay hoay giải trình mấy tuần nay vì chuyện phong Giáo sư, Phó Giáo sư, rồi nào là đơn thư tố cáo ông này đạo văn, ông kia thiếu sự trung thực trong bản khai lý lịch khoa học… Trong cái cảnh ấy, hình ảnh người thầy - được thể hiện qua việc tôn vinh - phong học hàm - lẽ ra rất đẹp, trở nên kém lung linh, thậm chí mờ nhạt vì bị hoài nghi trình độ thực lực.
Còn cô giáo Nh. - sao cô lại bắt học sinh quỳ? Một phương pháp sư phạm mà có thời xem là bình thường, thậm chí còn nhẹ nhàng hơn mấy cái roi mây mà đến lứa các em, trong những năm tiểu học hay đầu cấp trung học, học sinh vẫn thấy và không ít đứa được “nếm mùi”! Nhưng hồi ấy người ta quan niệm “Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”; Và người ta vẫn ca tụng: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, hay “Không thầy đố mày làm nên”, và còn nhiều những câu ca dao, tục ngữ nhắc nhở tất cả chúng ta về truyền thống “tôn sư trọng đạo”.
Nhưng hiện nay, phương pháp “roi vọt” đã lạc hậu rồi. Người ta yêu cầu thầy cô tôn trọng nhân phẩm học sinh, không dùng hình phạt thân thể (corporal punishment), mà chỉ được răn dạy, nhắc nhở. Thế nên có người trách cô giáo chắc vì… thành tích mà ép học sinh quỳ. Nhưng dù gì đi nữa thì cô cũng không nên lạm dụng hình thức này, mà cũng không có nhiều giáo viên áp dụng vì họ ngại bị phê bình, khiển trách, khi có phụ huynh phát hiện và không đồng lòng ủng hộ.
Hội chứng… sợ hãi
Tất cả nền giáo dục gói gọn trong chữ “sợ”. Có người nặng lời dùng chữ “hèn”, nhưng tôi không nghĩ thế. Họ sợ. Học sinh sợ áp lực thi cử, nên có trường hợp đã đi tới tự tử vì kết quả học tập không như ý; có em sinh ra trầm cảm... Chương trình thì nhồi nhét thật nhiều kiến thức, có khi không cần thiết.
Trở lại sự việc trên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Chánh sợ bị liên lụy nên sau khi dàn xếp không xong, lấy cớ dự giờ rồi bỏ mặc một giáo viên trẻ bơ vơ, cô đơn trước sự tấn công và áp lực của những phụ huynh. Các thầy cô đồng nghiệp, cũng vì sợ nên không dám bảo vệ bạn mình.
Cô giáo Nh. cũng vì sợ mất việc, sợ bị sa thải khỏi biên chế, nhất là ở hoàn cảnh mới sinh con xong, gia đình chắc gặp khó khăn nên đành hèn yếu chịu lụy cho xong!
Còn ông Võ Hòa Thuận, phụ huynh vốn là cán bộ, thì sợ con mình bị quỳ, nên dùng hình thức ăn miếng trả miếng, ép cô Nh. phải quỳ bằng với số phút mà con anh ta quỳ cho bõ giận.
Nhưng anh ta không ngờ hành vi ấy gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vì nó là cái tát vào bốn chữ “Tôn sư trọng đạo”, bài học vỡ lòng cho chính con cái của chính mình và ảnh hưởng cả xã hội. Nó phủ nhận toàn bộ sự kính yêu mà dân tộc này từ xưa thường dành cho giới nhà giáo. Nó gây nên sự phẫn nộ của toàn xã hội và làm nhói lòng những ai đã, đang hay sẽ là thầy cô giáo.
Có người giận cô giáo vì cô đã quá mềm yếu, nhưng như đã nói ở trên, chúng ta hoàn toàn thông cảm với cô vì đến hiệu trưởng còn bỏ mặc thì ai bảo vệ cho cô?
Làm sao vượt qua những chấn thương tâm hồn?
Lúc đi dạy, tôi thường lấy tác phẩm “Tâm hồn cao thượng” của Edmondo De Amicis đọc và làm bài tập chuyển ngữ. Tôi còn nhớ đoạn văn người cha dạy con mình về lòng tôn kính vối người thầy:
“Con phải yêu mến thầy, bởi vì cha yêu mến thầy và kính trọng thầy; con phải yêu mến thầy vì thầy đã hiến dâng cả cuộc đời cho hạnh phúc của biết bao trẻ em mà họ thì sẽ quên thầy. Hãy yêu mến thầy vì thầy mở mang và soi sáng trí thông minh cho con, và nâng cao tâm hồn của con lên…
Con hãy yêu mến thầy giáo như một người cha, yêu mến thầy khi thầy vuốt ve con, và cả những lúc thầy rầy la con; khi thầy công bằng và cả khi con cho rằng thầy không công bằng; hãy yêu mến thầy khi thầy vui, và càng yêu mến hơn khi thầy buồn; và con hãy nói đến tiếng “thầy” với tấm lòng luôn luôn tôn kính, bởi vì, sau tiếng “cha” thì đó là danh vị cao quý nhất, dịu dàng nhất mà một con người có thể tặng cho một con người khác”. Cũng như sau tiếng “mẹ”, thì tiếng “cô” là danh vị cao quý nhất!
Hay những lời trần tình của thầy Pecponi trong ngày cuối cùng:
“Các con ạ! Hôm nay là buổi họp mặt cuối cùng của chúng ta. Chúng ta đã sống chung với nhau một năm trời và bây giờ chúng ta chia tay nhau như những người bạn tốt, có phải thế không? Thầy rất lấy làm tiếc là phải xa các con. Các con ạ, nếu đôi khi thầy không kiên nhẫn được mà nóng nảy, nếu đôi khi thầy nghiêm khắc quá, mà thầy không hay, thì các con tha lỗi cho thầy, và thương thầy”.
Người thầy đó không có gia đình, nên thầy đã treo những tấm ảnh học sinh của thầy ở đầu giường của mình suốt 20 năm để tin rằng, khi sắp chết, cái nhìn cuối cùng của thầy sẽ quay về những đứa học trò.
Người thầy dường như nhiều nỗi muộn phiền ấy cũng đã có lần giả vờ ngã để đùa vui cho những học sinh bé nhỏ của mình, cam chịu và bao dung với tuổi trẻ. Cũng trong tác phẩm ấy, rất nhiều lần học sinh xin lỗi thầy bởi những sai sót, ngỗ ngược. Và vì thầy cũng là một con người, nên có lúc nóng giận, có lúc sai lầm. Nhưng thầy đã xin lỗi. Lời xin lỗi làm thầy trở nên vĩ đại, bởi thầy đã dũng cảm như những gì thầy đã dạy cho các em.
Còn nữa, hình ảnh một cô giáo dù bệnh tật không bỏ học trò, trước khi chết chỉ xin học trò đừng đi đám tang vì sợ các em khóc. Hay một thầy hiệu trưởng già, sau khi vô tình để dây một giọt mực ra vở của học sinh, quyết định xin nghỉ việc về với căn nhà tồi tàn mà thầy xem là phần thưởng suốt 60 năm đi dạy...
Đạo đức gieo mầm, thấm nhuần từ những ngày còn thơ dưới mái nhà cùng cha mẹ, dưới mái trường cùng thầy cô. Không cần những lời giảng đao to búa lớn nặng nề hình thức. Chỉ cần người cha người mẹ, người thầy cô ấy sống như một tấm gương mà nhà Phật gọi là “thân giáo”, đủ sức lay chuyển tâm hồn con trẻ rồi. Đạo đức không chỉ là những bài học trong sách vở, mà sức hút và lay động thực sự của nó đến đời sống, tự nhiên như ăn như thở như yêu thương.
Cô giáo Nh. sau cơn hốt hoảng ấy liệu có vượt qua được những chấn thương tâm hồn, những vết sẹo trong lòng không dễ phôi phai. Một bài học quá đau đớn cho một cô giáo trẻ. Cô, và những người thầy cô giáo khác, cần một điểm tựa. Đó là đạo đức xã hội, là sự bảo vệ của những người có thẩm quyền để rồi những giáo viên trẻ khác khỏi chạnh lòng xót xa khi bản thân mình đã chọn một ngành vốn đang bị “ghẻ lạnh” trong giới trẻ thể hiện qua chỉ số trong các kỳ tuyển sinh, lại còn gặp sự vùi dập, hắt hủi của cộng đồng, bởi tâm lý “có tiền là có tất cả”.
Khi tôi viết những dòng này, cũng là người từng đứng trên bục giảng trường sư phạm, tôi vẫn chờ nghe tiếng nói của những người có trách nhiệm, dù ít dù nhiều, phải vang lên trong bóng hoàng hôn của một nền giáo dục vốn còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng mà lỗ hổng lương tri, đạo đức lối sống, nếu không thể lấp đầy, thì sẽ là tai họa cho đất nước!
Trong khi chờ đợi những cải cách, những chấn chỉnh quyết liệt từ chương trình cho đến phương thức đào tạo giáo sinh và cả ngành giáo dục, hãy thực thi nhiệm vụ bảo vệ, gióng lên tiếng chuông cảnh báo răn đe những ai xúc phạm nhân cách nhà giáo, những người xây dựng thế hệ trẻ mai sau…
Nguyên Cẩn
Nguồn: GNO
|
- Về Thiền học khởi nguyên của Phật Giáo Việt Nam
Thiền học Luy Lâu không còn, và nên không còn được hiểu là khởi nguyên của Thiền học Việt Nam, mà là suối nguồn của Thiền học Việt Nam. Có lẽ Phật giáo Việt Nam cần trở về cội nguồn của Luy Lâu và Yên Tử để tìm thấy mình và bắt gặp lại niềm tin và tự hào lịch sử trước khi có thể mở ra hướng phát triển cho hiện tại.
- Giới thiệu sách - Tìm người trong hơi thở
"Nói đến cuộc sống là vô biên không thể kể xiết nào là vui buồn, khổ đau, hạnh phúc, mệt nhọc, sung sướng… nhưng điều tất yếu là ta phải biết nhận diện nó, để rồi chuyển hoá nó thì tự nhiên cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn, thong dong hơn, đừng nói gì đến “Mỗi lần nêu ra một lần mới”. Ví như ban nãy tôi đang đứng giữa trời đất đưa tay chỉ bầy chim én bay lượn trên cao, tay vừa đưa lên thì chúng đã bay xa. Cho nên mỗi chúng ta đừng vội vàng đi tìm cầu mà hãy trân quý cuộc sống trong hiện tại cho thật thi vị nhiệm mầu". (Trích Tâm quán tình người, Thích Pháp Bảo)
- Chuyện xưa... mai trắng Hà thành
Trong các loài hoa báo xuân thì mai là người gõ cửa, khi chỉ mới vào độ đầu tháng Mười một âm lịch đã thấy lác đác những nụ mầm bật lên, e ấp trong gió đông còn đang xám xịt giữa cô liêu rét buốt, ẩm ướt mưa phùn. Nhưng, phải đợi đến tận những ngày cuối tháng Chạp, mai mới ủ đủ nhựa cho một đợt mãn khai đón Tết đến, xuân về.
- Đôi dòng xúc cảm
Từng lời, từng câu, từng chữ trong bài: Đôi dòng xúc cảm của tác giả Minh Hà đều chất chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của người viết. Nó dường như mang nặng trong lòng của những người con Phật về bốn ân to lớn trong đời sống của mình, đó là ân Quốc gia, xã hội; ân Sư trưởng; ân phụ mẫu và ân vạn loại chúng sinh. Từ đây, tác giả đã bước chân vào con đường đạo, từ bỏ mọi danh lợi thế gian, sống một đời sống phạm hạnh, tri túc thường lạc, với mong muốn giản dị là đem lại sự an vui và hạnh phúc mọi người.
- 108 Lời tự tại – Nâng cao phẩm chất cuộc sống
- Ai trộm chuỗi tràng hạt của Phật?
Có một ngôi chùa, nhân vì thờ một xâu chuỗi Phật Tổ từng đeo mà nổi tiếng.
- Em nên đi tu hay lấy chồng?
Dù em là ai đi chăng nữa, nhưng trong em luôn có tâm thiện, sống có đạo đức thì đó chính là mình có hiếu với bố mẹ rồi. Nói chung, việc báo hiếu nó biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau em ạ. Chứ không phải đi tu là bất hiếu, và lập gia đình là có hiếu đâu em nhé.
- Trần Nhân Tông – đức Vua, Phật hoàng của dân tộc Việt
Trong diễn văn của Chủ tịch nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết tại buổi khai mạc Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình Hà Nội, sáng ngày 14.5.2008 đã khẳng định:
- Bình an giữa cuộc đời
Bình yên không có nghĩa là đi đến một nơi không có tiếng ồn, không có khó khăn, không cực nhọc. Bình yên là giữa một không gian yên ả, thanh bình, chỉ có tiếng chuông chùa buông trong thinh không làm tâm ta tĩnh lặng, dễ chịu. Bình yên là khi ta biết tìm về với Phật, tìm về nương náu dưới ngôi Tam Bảo để tu thân hành thiện, để cho cuộc đời mình sống có ý nghĩa hơn.
- Ăn và Đạo Pháp
Ăn cũng là một giải pháp của tiến hoá trong mục đích duy trì sự tuôn chảy của dòng sông sự sống vô hình, bằng cách các sinh vật phải chiếm đoạt sinh-khối của nhau để duy trì cuộc sống. Hiện tượng này tạo thành khái niệm sinh học về "chuỗi thức ăn" hoặc "tháp thức ăn" trong sinh quyển . Ăn là hiện tượng tự nhiên như nó là, ăn là một điều-kiện-tính của tồn sinh và ăn đã điều-kiện-hoá sự tồn sinh của mọi cá thể, mọi loài sinh vật.
|